Francis
Fukuyama : Putin quá liều lĩnh, Trung Quốc sẽ không dại dột như vậy
Nguyễn
Xuân Hoài, biên dịch
12/06/2022
Nhà khoa học
chính trị Hoa Kỳ Francis Fukuyama nói cuộc chiến tranh ở Ukraine sẽ làm xáo trộn
trật tự quốc tế. Mặc dù Nga không đạt được thắng lợi về quân sự nhưng phương
Tây không được phép lơ là. Ngay cả khi không có Putin, đất nước đó vẫn có lý do
là một mối đe dọa.
Hỏi: Thưa ông Fukuyama, cuộc chiến tranh của Nga chống lại Ukraine có phải là
sự mở đầu của một trật tự quốc tế mới?
Đáp: Đúng vậy, cái trật tự mới này hiện bắt
đầu có hình hài. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh kéo dài nhiều năm của phe các
nước dân chủ phương Tây chống lại các chế độ độc tài, chủ yếu là Nga và Trung
Quốc. Cuộc chiến này là đỉnh cao của quá trình đó. Nga đang đứng trước thất bại,
sau một chuỗi thất bại trên chiến trường, và giờ đây cũng sẽ bị quân đội
Ukraine đánh đuổi khỏi Donbass. Đây là thất bại thảm hại của Putin. Ông ta đã
chứng tỏ mình là một kẻ thất bại. Không chỉ trong chiến tranh. Đây là một sự thất
bại hoàn toàn về chính trị.
NATO có thể
sẽ được mở rộng bao gồm Thụy Điển và Phần Lan. Phương Tây trong một thời gian
dài đã không thống nhất. Đức đã sửa đổi chính sách đối với phương Đông trong 40
năm qua và đang cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Hoa Kỳ đã giành lại quyền
lãnh đạo mà họ đã bị mất dưới thời Trump. Phương Tây đang viện trợ ồ ạt cho
Ukraine bị xâm lược.
Hỏi: Nga
đang trở thành một nhà nước khốn cùng, một quốc gia bất hảo. Nhưng cũng trở
thành một khách hàng nghèo của Trung Quốc?
Đáp: Đúng thế. Điều này được thể hiện qua
các lệnh trừng phạt quốc tế liên tiếp, và sẽ sớm mở rộng đối với khí đốt và dầu
mỏ. Sự thất bại này của Putin gắn liền với cái hệ thống mà ông ta đã xây dựng
và kiểm soát. Các nền dân chủ phương Tây có một hệ thống các biện pháp bảo vệ
thể chế — kiểm soát và cân bằng — giới hạn quyền hạn của hành pháp, chính phủ,
tổng thống hoặc người đứng đầu chính phủ. Putin điều hành một cách độc đoán và
chuyên quyền, không có bất kỳ hạn chế nào, đồng thời cắt đứt mọi liên hệ, thông
tin và lời khuyên của chuyên gia. Ông ta sống trong một thế giới đầy ảo tưởng của
chính mình. Ukraine là một ví dụ về điều này. Tất cả những gì ông ta tưởng tượng về nó đều sai, nhưng
Putin đã giữ vững những ảo tưởng đó bởi vì chính ông ấy đã thiết lập chế độ độc
nhân trị. Ngoài ra, Putin rõ ràng có vấn đề về tâm thần. Ông ta là một
nhân cách hoang tưởng. Không nghe bất kỳ ai và bị thôi thúc bởi những tưởng tượng.
Điều này cho thấy sự nguy hiểm của chủ nghĩa độc tài hoặc chế độ một người cai
trị đối với bất kỳ quốc gia nào. Sẽ rất khó để Nga vươn mình ra khỏi vực thẳm
mà nước này đã tự sa vào. Nó sẽ bị đào thải khỏi trật tự quốc tế, giống như Bắc
Triều Tiên.
Hỏi: Phải
chăng đây là buổi hoàng hôn của Nga với tư cách là một cường quốc thế giới như
dưới thời các Sa hoàng và sau đó là Liên bang Xô viết? Ngày nay, Nga là một người
khổng lồ với đôi chân bằng đất sét, với tài sản duy nhất là quả bom nguyên tử
và bảng tuần hoàn dưới lòng đất.
Đáp: Nếu Nga không rời khỏi con đường mà
họ đang đi, thì kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng người ta không được
quên rằng vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa thực sự. Đặc biệt là từ một nhà
lãnh đạo liều lĩnh và hành động phi lý trí. Chúng ta không thể lường trước được
những gì một người như Putin sẽ làm. Chúng ta không biết những gì đang xảy ra
xung quanh ông ta. Có thể cho rằng giới tinh hoa của cơ quan an ninh và quân đội
không vui vẻ gì với sự tiến triển của các sự kiện. Ở đất nước này đã có tiền lệ
về việc một người cai trị bị hạ bệ bởi chính các thuộc hạ của ông ta. Nikita
Khrushchev bị phế truất sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Thảm họa ở Ukraine
còn tồi tệ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tôi sẽ không xóa bỏ hoàn toàn nước Nga.
Đây vẫn là một đất nước có nguồn tài nguyên quý giá. Dù sự sỉ nhục rất ê chề
nhưng người ta không được đánh giá thấp nước Nga. Phương Tây chớ nên quá tự tin.
Hỏi: Nhưng
phương Tây dường như đã mạnh lên rất nhiều.
Đáp: Tất nhiên. Sự thống nhất mà phương
Tây đã thể hiện thật đáng kinh ngạc. Không chỉ các chính phủ, mà cả xã hội đã
đoàn kết chống lại Nga và ủng hộ Ukraine một cách đầy ấn tượng. Ba Lan đã làm
được rất nhiều trong vấn đề này. Khi tôi nói và viết cách đây vài năm rằng
Ukraine đang trở thành quốc gia tuyến đầu trong cuộc tranh chấp giữa phương Tây
và Nga, thì người ta hỏi là: “Ông đang nghĩ gì thế! Ai quan tâm đến Ukraine!”.
Ngày nay rất khó để duy trì một quan điểm như vậy. Chúng ta nhận ra rằng dân chủ phải được tích cực bảo
vệ, và đó là một bài học tích cực từ những sự kiện này. Thật đáng tiếc khi người
Ukraine phải trả một cái giá quá đắt cho bài học ấy.
Hỏi: Liệu
Trung Quốc có được lợi từ cuộc chiến này và thậm chí còn nổi lên mạnh mẽ hơn nữa?
Đáp: Mạnh hơn thì có, nhưng phụ thuộc rất
nhiều vào cách người Trung Quốc diễn giải cuộc chiến này. Có nhiều đồn đoán rằng
đây là nơi huấn luyện cho cuộc xâm lược Đài Loan. Nhưng không thể nói một cách
rõ ràng họ sẽ rút ra kết luận như thế nào từ những quan sát của họ. Thất bại của
Nga có thể làm giảm quyết tâm và sự tự tin của họ. Một cuộc xâm lược Đài Loan về
mặt quân sự và công nghệ khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với cuộc xâm lược
Ukraine của Nga. Bây giờ họ sẽ hành động thận trọng hơn. Tương tự như vậy, họ
có thể đã hối hận về liên minh chiến lược với Nga mà họ đã tuyên bố trong Thế vận
hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Liên minh này khó mà thành công khi Trung Quốc đã liên
kết với một đất nước bị thế giới ruồng bỏ. Có thể Trung Quốc sẽ phải xem xét lại.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng gặp vấn đề tương tự như Nga trong việc ra các quyết định
chính trị, bởi vì nước này không phải là một nền dân chủ mà là một chế độ độc
tài đảng trị.
Hỏi: Vì Nga tỏ ra suy yếu và đang tiếp tục
sa sút, liệu Trung Quốc có thể nhân cơ hội vơ vét tài nguyên của Nga, thí dụ
như ở Siberia, những thứ mà nước này rất cần.
Đáp: Tôi không nghĩ người Trung Quốc sẽ
làm điều đó bằng vũ lực. Họ có những cách khác để lấy tài nguyên như dầu và khí
đốt của Nga. Ngoài ra, Nga đang bị tác động của các lệnh trừng phạt, đã phải cầu
xin Trung Quốc mua các sản phẩm này. Putin chắc chắn sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Bên
cạnh những điểm tương đồng, cũng có những điểm dị biệt trong hành vi của Trung
Quốc và Nga. Tôi từng nghĩ Nga, giống như Liên Xô, sẽ cực chẳng đã mới phải
dùng đến vũ lực, chẳng hạn như ở Trung Đông. Nhưng Putin đã cho tôi một bài học
làm cho tôi sáng mắt ra. Ông ta đã sử dụng vũ lực và đưa quân đến Syria,
Crimea, Donbass và thậm chí sang cả Venezuela. Bây giờ ông ta ra tay xâm lược
Ukraine. Ông ta liều lĩnh đối diện với những rủi ro to lớn. Người Trung Quốc
không dại dột đến như thế. Họ biết kiên nhẫn. Họ biết dựa vào nền kinh tế và
công nghệ của mình, họ sẽ có được sức mạnh. Cái kiểu phiêu lưu quân sự mạo hiểm
như vậy không phải là phong cách của Trung Quốc.
Phương Tây
chớ để phụ thuộc kinh tế vào các chế độ độc tài. Không chỉ vào Nga với các trữ
lượng tài nguyên phong phú, mà cả với Trung Quốc với sản xuất chất bán dẫn và tất
cả các thiết bị điện tử. Điều đáng mừng là Hoa Kỳ và Châu Âu đã và đang xem xét
các giải pháp thay thế và lên các kế sách mới về xuất, nhập khẩu công nghệ.
Hỏi: Vậy Ấn Độ thì thế nào? Tác động của cuộc
chiến tranh này đến vị thế đang vươn lên với tư cách là một cường quốc đang trỗi
dậy của nước này ra sao?
Đáp: Đây là một trường hợp khó. Ấn Độ phải
đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và có những lợi ích và
tranh chấp trái ngược nhau trên biên giới trên bộ và trên biển. Có lúc là những
xung đột trực tiếp, ví dụ như về các căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương hoặc trên
toàn bộ tuyến biên giới. Ấn Độ không coi cạnh tranh địa chính trị trên thế giới
là sự xung đột giữa phe dân chủ và phe chuyên chế. Ấn Độ cũng đang có xu hướng
từng bước rời xa nền dân chủ tự do để hướng tới một hệ thống dân chủ-độc đoán
lai tạp. Tôi không chắc liệu Ấn Độ có còn được mệnh danh là nền dân chủ lớn nhất
thế giới hay không. Trong Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ thân thiết với Liên Xô hơn là
phương Tây. Trong chính sách đối ngoại, Ấn Độ không đoàn kết, thống nhất đi
theo ý thức hệ dân chủ, mà bị chi phối bởi các lợi ích. Tôi không nghĩ rằng điều
đó sẽ thay đổi.
Hỏi: Mỹ Latinh sẽ tiếp tục phân hóa? Hay có
lẽ họ sẽ chọn theo bên nào?
Đáp: Các nước Mỹ Latinh có lịch sử riêng
của họ và được dắt dẫn bởi những cân nhắc và động cơ lịch sử của riêng họ. Họ vẫn
chưa xác định liệu họ có phải là một phần của phương Tây hay không. Chủ nghĩa
chống Mỹ vẫn còn rất mạnh mẽ ở đó. Mỹ vẫn bị thù ghét và bị coi là kẻ thù cánh
hữu, bảo thủ. Lợi ích chiến lược to lớn gắn kết Mỹ Latinh với Trung Quốc. Trung
Quốc là nhà đầu tư lớn nhất trên lục địa này.
Cho đến
nay, Mỹ Latinh không thể giảm bớt sự bất bình đẳng xã hội, điều mà châu Âu từng
gặp và đã giải quyết được. Trong lĩnh vực này họ còn rất nhiều việc phải làm.
Các cuộc bầu
cử tổng thống sẽ được tổ chức tại Brazil, quốc gia lớn nhất trong khu vực, vào
tháng 10 này. Hai ứng cử viên chính, Lula da Silva và Jair Bolsonaro, không hẳn
là những đảng viên Dân chủ mẫu mực. Cả hai đều có thiện cảm với Nga. Bolsonaro
thậm chí còn đến Moscow ngay trước khi nổ ra chiến tranh. Lula nói về trách nhiệm
chung của cả Nga và Ukraine đối với cuộc chiến. Phải thừa nhận rằng, nếu tôi là
người Brazil, tôi sẽ bỏ phiếu cho Lula vì Bolsonaro là mối đe dọa lớn hơn đối với
nền dân chủ. Ông ta là người theo chủ nghĩa dân túy theo nghĩa tồi tệ nhất. Giống
như Trump trước đây ông ta thông báo trước sẽ ra tranh cử. Lula tuy không bao
giờ hành động như vậy nhưng ông này cũng chống Mỹ khá mạnh mẽ.
Hỏi: Vậy với châu Phi thì thế nào? Liệu tác
động của cuộc chiến tranh ở Ukraine có làm thay đổi vị thế châu Phi trên thế giới?
Đáp: Chẳng mấy ai ở châu Phi quan tâm đặc
biệt đến Ukraine và cuộc chiến tranh của họ với Nga. Châu Phi có vấn đề lớn về
người tị nạn và di cư của chính họ, cũng như ở Trung Đông. Mặt khác, người châu
Phi thấy rằng châu Âu sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine hơn chính họ.
Họ không có lý do cụ thể nào để thông cảm với người Ukraine. Ngoài ra, người
châu Phi còn coi châu Âu phải chịu trách nhiệm về công cuộc thuộc địa hóa và
khai thác lục địa của họ. Sau đó họ bị Mỹ và Châu Âu phớt lờ trong một thời
gian dài cho đến khi nổi lên vấn đề di cư hàng loạt. Châu Phi quan tâm nhiều
hơn đến các vấn đề về biến đổi khí hậu và di cư, còn Châu Âu và phương Tây nói
chung nên xem xét những vấn đề này một cách nghiêm túc. Việc tìm kiếm các giải
pháp sẽ tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng đó là điều cần thiết phải làm.
--------------------
Nguồn: Francis
Fukuyama: „Putin ist leichtsinnig ein großes Risiko eingegangen. Die Chinesen
sind nicht so dumm“, WELT, 10/06/2022.
No comments:
Post a Comment