Tuesday 7 June 2022

CUNG TIẾN và "HOÀI CẢM" (Nguyễn Thông)

 



Cung Tiến và “Hoài cảm”

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

6/6/2022  18:46  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid025h7KPeNKbWNMRemia4yHay1R3CtfQZCAqtd4nvLievjgqcgucDzNAnDkg73e92Tyl&id=100024722048900

 

Nhạc sĩ danh tiếng ở miền Nam trước biến cố năm 1975 Cung Tiến, tên đầy đủ là Cung Thúc Tiến, vừa qua đời tại Mỹ. Nhắc tới ông, tôi nhớ ngay mấy câu trong bài hát “Hoài cảm”, nghe bảo ông viết khi mới 14 - 15 tuổi. Ở tuổi ấy, tôi gần như chửa biết gì ngoài đi học và chăn trâu cắt cỏ, làm ruộng. Khôn chả ra khôn, dại thì đầy dại. Nhưng với Cung Thúc Tiến thì “chờ nhau hoài cố nhân ơi/sương buồn che kín nguồn đời/cố nhân xa rồi có ai về lối xưa”…

 

Hồi ở miền Bắc, tất nhiên trước năm 1975, đám chúng tôi bị phong tỏa trong vòng kim cô văn nghệ cách mạng, gần như rất ít biết những gì xảy ra trong đời sống văn học nghệ thuật ở miền Nam. Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên thuộc làu, nhạc Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Xuân Giao hát suốt ngày, nhưng lại rất xa lạ, mơ hồ, nhợt nhạt với những Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, những Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trịnh Công Sơn. Và gần như kiến thức cực mỏng về Cung Tiến. Thời chuyên chính nó thế, nếu tò mò tìm hiểu về văn nghệ “bên kia vĩ tuyến” có thể bị bắt, bị đi tù. Nghĩ mà thương cho những ca sĩ kiểu Lộc vàng, chỉ vì biết sớm quá mà lụy đến thân. Mọi thứ chỉ bị vỡ òa sau tháng 4.1975.

 

Năm 1977 tôi vào nhận việc ở Sài Gòn, do tổ chức phân công (thời ấy người ta hay gọi cơ quan nhà nước là tổ chức, nghe đã thấy khiếp). Năm 1978, một người bạn đồng môn là anh Bùi Trọng Cường, bộ đội đi học nhưng rất nghệ sĩ, say mê nhạc, và cực mê “nhạc vàng”, vào chơi. Anh rủ tôi đi tìm mua băng cassette nhạc vàng, thời ấy chưa có đĩa (CD, DVD), ngoại trừ đĩa than. Tôi mượn chiếc xe đạp chở anh đi. Dạy tới đại học nhưng chiếc xe đạp cũng không có. Hai anh em lang thang nhẩn nha đường Nguyễn Huệ quận 1, sục vào mấy cái ki ốt chuyên bán băng đĩa nhạc. Nếu hỏi mua nhạc cách mạng, nhạc Liên Xô thì đầy, nhưng hỏi băng Khánh Ly, Thanh Thúy, Lệ Thu, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Duy Khánh, người ta cảnh giác dòm ngó dò xét chán chê mới đem hàng “quốc cấm” cho coi. Về tới nhà, lần đầu tiên tôi được nghe “Sơn ca 7” Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, nghe “Chuyến đò vĩ tuyến” Lam Phương, và “Hoài cảm” của Cung Tiến. Gần như lạc vào một thế giới tinh thần khác những gì mình đã có, được trang bị, bị áp đặt. Một cuộc tiểu giải phóng cá nhân, đưa mình thoát khỏi thế giới anh hùng để trở về cuộc sống bình thường của con người đủ mọi vui buồn.

 

Từ bấy giờ để ý tới cái tên Cung Tiến. Thầy Vy bạn tôi bảo nghe như ở chốn cung đình hoặc chùa chiền. Lần mò tìm hiểu thì ra họ Cung nguồn gốc bên Tàu. Đọc “Đông chu liệt quốc” thấy kể Thái Thúc Đoạn (Đoàn) là con vua Trịnh, do tranh giành ngôi vua với anh trai nên bị đánh đuổi, chạy ra ấp Cung, liền lấy họ Cung, thành Cung Thúc Đoạn.

 

Ở Việt Nam, người họ Cung nổi tiếng nhất có nhẽ là ông Cung Đình Vận tuần phủ Thái Nguyên. Hồi cách mạng cướp chính quyền tháng 8.1945, phủ Thái Nguyên bị thất thủ, ông Vận phải trốn. Đến tháng 12 cùng năm thì bị bắt, chính quyền cách mạng đem ông ra xét xử, tuyên án tử hình, thi hành án ngay lập tức. Ông Vận là người tài giỏi, chính cụ Hồ cũng định dùng, chả hiểu sao lại như thế. Chợt nghĩ đến trường hợp tương tự là cụ Phạm Quỳnh cha ông nhạc sĩ Phạm Tuyên. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

26 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats