Tuesday, 14 June 2022

CHIẾN TRANH và CẤM VẬN, TIỀN BÁN DẦU CỦA NGA VẪN TĂNG (Hiếu Chân)

 



Chiến tranh và cấm vận, tiền bán dầu của Nga vẫn tăng

Hiếu Chân
14 tháng 6, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/chien-tranh-va-cam-van-tien-ban-dau-cua-nga-van-tang/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1240132346.jpg

Người dân Berlin, Đức biểu tình đòi cấm vận dầu khí của Nga bất chấp giá xăng dầu tăng cao làm cho cuộc sống của họ thêm khó khăn. Ảnh Tamir Kalifa/Getty Images)

 

Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng cao đã bù cho Nga sự giảm sút khối lượng dầu xuất cảng trong hơn 100 ngày chiến tranh xâm lược Ukraine. Ngoài ra, Nga còn tận dụng biện pháp cấm vận để dùng dầu khí làm công cụ ngoại giao, vận động sự ủng hộ của các nước đang khát dầu.

 

Báo The New York Times dẫn kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CRECA) có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, cho biết trong 100 ngày chiến tranh xâm lược Ukraine, Nga đã thu về khoảng 93 tỷ euro (tương đương $97 tỷ) tiền bán dầu, khí đốt và than đá ra nước ngoài. Hai phần ba số doanh thu này là từ dầu thô, phần còn lại chủ yếu từ khí đốt.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1240619439.jpg

Một trung tâm tồn trữ khí đốt dưới lòng đất của công ty Gazprom Germania – công ty con ở Đức của tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom. Từ ngày 2 Tháng Năm chi nhánh này không còn nhận được khí đốt từ Nga do Moscow cấm vận để trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây. Ảnh David Hecker/Getty Images

 

Cuộc xâm lược đã bị cả thế giới lên án và nhiều nước cấm nhập cảng nhiều mặt hàng của Nga để làm giảm nguồn tài chính tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Moscow. Dầu khí là mặt hàng xuất cảng lớn nhất của Nga, tiền bán dầu và khí đốt đóng góp khoảng 45% ngân sách của chính phủ Nga năm 2021, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Nhờ giá dầu tăng nhanh lên mức trên $120 mỗi thùng, nguồn tiền bán dầu đã thừa trang trải cho cuộc chiến tranh ở Ukraine. Nghiên cứu cho biết, giá bán dầu hiện nay của Nga cao hơn mức giá trung bình trước chiến tranh khoảng 60% tuy vẫn thấp hơn khoảng 30% so với giá dầu của Mỹ (dầu WTI) và châu Âu (dầu Brent) trên thị trường thế giới.

 

Chính phủ Ukraine theo dõi việc bán dầu của Nga và đã nhiều lần hối thúc các nước đồng minh có biện pháp ngừng mua dầu của Nga. “Chúng tôi yêu cầu thế giới làm tất cả những gì có thể để cắt ông Putin và guồng máy chiến tranh của ông ta khỏi mọi nguồn tài trợ; nhưng việc đó quá chậm chạp và kéo dài…Các bạn có thể ngừng nhập cảng trứng cá và rượu vodka, thế là tốt nhưng chắc chắn là không đủ. Các bạn cần ngừng nhập cảng dầu của Nga”, ông Oleg Ustenko, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, trả lời phỏng vấn của The New York Times từ Kyiv.

 

Theo nghiên cứu của CRECA, mặc dù khối lượng dầu xuất cảng của Nga đã bắt đầu sụt giảm, nhưng tiền thu về tăng lên vì nhiều nước vẫn tiếp tục mua dầu của Nga. Châu Âu đang chật vật tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn dầu của Nga nhưng nói dễ mà làm thì khó. Trong 100 ngày chiến tranh, lượng khí đốt mà EU mua của Nga đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ giá cao nên doanh thu của tập đoàn Gazprom – công ty khí đốt quốc doanh của Nga – từ thị trường châu Âu vẫn cao gấp đôi so với cùng kỳ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1238138674.jpg

Giá xăng ở Đức đang từ mức 1.729 euro/lít hồi trước chiến tranh Ukraine đã tăng lên mức 2.083 euro/lít hiện nay. Ảnh chụp ngày 2/2/2022 của Ying Tang/NurPhoto via Getty Images

 

EU cũng giảm nhập cảng dầu từ Nga, giảm 18% trong Tháng Năm. Nhưng lượng dầu xuất cảng của Nga không giảm nhiều vì có các khách hàng mới là Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) thế vào. Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua nhiều dầu của Nga nhất, mua khoảng 18% lượng dầu xuất cảng của Nga trong 100 ngày chiến tranh. Tính chung cả nhiên liệu hóa thạch, gồm dầu, khí đốt và than đá thì Trung Quốc là khách hàng mua nhiều nhất, nhiều hơn cả Hà Lan, Đức và Nhật Bản.

 

Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng nhiên liệu hóa thạch của Nga; nhưng điều đó không có mấy ý nghĩa vì Hoa Kỳ vẫn nhập xăng dầu tinh chế từ các nước Hà Lan và Ấn Độ; mà xăng dầu bán vào Hoa Kỳ phần lớn được tinh chế từ dầu thô của Nga.

Tháng trước, EU đã thống nhất một gói trừng phạt thứ sáu, cấm nhập cảng dầu của Nga chở tới EU bằng đường biển. Nhưng phải sáu tháng nữa lệnh cấm này mới được thi hành, và vẫn để mở việc nhập cảng  dầu Nga bằng đường ống, dẫn tới các nước Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia. Nếu được thực thi, lệnh cấm dầu Nga của EU chỉ tác động tới hai phần ba lượng dầu Nga bán sang khối nước này. Để chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga, EU đặt mục tiêu nâng tỷ lệ điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo được lên mức 63% vào năm 2030 từ mức 55% đặt ra trước đây.

 

Để ngăn chặn một cách hiệu quả nguồn thu từ dầu khí của Nga, tuần trước Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra sáng kiến phối hợp Mỹ và các đồng minh châu Âu thành lập một tổ hợp (cartel) người mua, ấn định một mức giá trần khi mua dầu khí của Nga không cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Làm được như vậy sẽ cắt giảm được doanh thu từ bán nhiên liệu hóa thạch của Moscow mà vẫn để cho dầu khí của Nga bán ra thị trường toàn cầu, góp phần ổn định giá cả và ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, bà Yellen nói với Ủy ban Tài chính Thượng Viện Hoa Kỳ. Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 vào cuối tháng này có thể sẽ xem xét sáng kiến của bà Yellen.

 

Trong khi đó, Nga tận dụng thời cơ giá dầu cao để bán dầu giảm giá cho một số “quốc gia thân thiện” – là những nước không trừng phạt kinh tế Nga hoặc không công khai phản đối cuộc xâm lược – như Trung Quốc, Ấn Độ, UAE. Mới đây, Nga đồng ý bán dầu giảm giá và chậm trả cho Sri Lanka, một nước nhỏ ở Ấn Độ Dương đang khốn đốn dưới gánh nặng nợ nần và không có đủ ngân sách để nhập cảng xăng dầu.

 

Hôm Thứ Hai 13 Tháng Sáu, Đại sứ Nga tại Philippines Marat Pavlov đã có cuộc hội đàm với tổng thống đắc cử của nước này là ông Ferdinand Marcos Jr. để chuyển lời chúc mừng của Tổng thống Putin và đề nghị các đề nghị hợp tác giữa hai nước, trọng tâm là việc Nga sẽ “chìa tay ra giúp Philippines đang rất cần dầu, khí đốt và các nguồn năng lượng khác”, theo tường thuật của Yahoo News. Giá xăng dầu cao đang gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân Phi. Hiện tại Philippines, xăng octane-95 có giá 80.15 peso/lít, tương đương $5.78/gallon.

 

-----------------------------------

Đọc thêm:

·         Cuộc chiến của Putin

·         Châu Âu đồng ý cấm nhập cảng dầu của Nga

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats