Wednesday, 22 June 2022

CHIẾN TRANH UKRAINE THÁCH THỨC CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG CỦA CHÂU ÂU (Thanh Hà / RFI)

 



 

Chiến tranh Ukraina thách thức công nghiệp quốc phòng của Châu Âu

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 21/06/2022 - 14:51

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20220621-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-c%E1%BB%A7a-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

Nếu bị tấn công như Ukraina, Pháp có thể cầm cự được bao lâu mà không cần các đồng minh viện trợ vũ khí ? Đức đầu tư thêm 100 tỷ euro hiện đại hóa quân đội, nhưng lại chọn mua hàng của Mỹ. Chiến tranh ngay sát cạnh biên giới Liên Hiệp Châu Âu làm lộ rõ những nhược điểm của nền công nghiệp phòng thủ trên Lục Địa Già. Đâu là những thách thức mà cuộc chiến này đặt ra cho các nhà sản xuất vũ khí của châu Âu ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/8a28cc48-ee3d-11ec-8db9-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/AP22165316942889.webp

Đại bác Caesar của Pháp tại triển lãm Eurosatory 2022, Villepinte ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 14/06/2022. AP - Michel Euler

 

Trong gần một tuần lễ, từ ngày 13 đến 17/06/2022, khoảng 1.700 công ty đại diện cho hơn 60 quốc gia trên thế giới đã tập hợp về khu triển lãm Villepinte, ngoại ô phía bắc Paris, dự triển lãm lớn nhất thế giới về các phương tiện quân sự sử dụng trên bộ, Eurosatory 2022.

 

Nga là một trong ba nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng đương nhiên các tập đoàn Nga đã hoàn toàn vắng mặt Eurosatory lần này.

 

Tất cả các tập đoàn tham gia đều bị đặt trước một thực tế : chiến tranh Ukraina chẳng những đang diễn ra một cách « cổ điển » trên bộ, trên không, trên biển, trên mặt trận truyền thông tuyên truyền, mà còn bao hàm luôn cả các trận địa mới, như các mạng xã hội và không gian cyber. Những mặt trận mới đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới về chiến lược an ninh và phòng thủ, đòi hỏi những vũ khí mới, những công cụ mới với những công nghệ mới.

 

Thế giới lao vào chạy đua vũ trang

 

Cuộc chiến mà Nga khởi động từ hôm 24/02/2022 và trước đó nữa là căng thẳng về địa chính trị tại hầu hết các châu lục trên thế giới đã mang lại một bầu « sinh khí mới » cho các nhà sản xuất khí tài châu Âu. Jean-Marc Duquesne, tổng giám đốc GICAT, tập hợp các nhà sản xuất khí tài của Pháp trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên bộ, ghi nhận trên đài truyền hình Pháp France 24 :

 

Jean-Marc Duquesne 1 : « Đây là một lĩnh vực, mà do thời cuộc và những chuyển biến về địa chính trị, đang trong giai đoại thuận lợi. Chưa bao giờ nhu cầu của các quốc gia lại cao như hiện tại. Tuy nhiên, đây cũng là một lĩnh vực khá đặc biệt, do khách hàng là các nhà nước. Các nhà chế tạo vũ khí phải thích nghi để chen chân vào bàn cờ chiến lược đó của thế giới. Đừng quên rằng công nghiệp vũ khí là một lá chắn, một tấm khiên bảo vệ những quốc gia nào có những công cụ đó ».

Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI, trong năm 2021 chi phí quốc phòng của thế giới lên tới hơn 2.100 tỷ đô la, một mức cao chưa từng thấy.

Chỉ ba ngày sau khi Ukraina bị xâm chiếm, chính phủ Đức thông báo « một quỹ đặc biệt » 100 tỷ euro cho những năm sắp tới để hiện đại hóa lực lượng phòng thủ. Kế hoạch đó vừa được Quốc Hội thông qua. Nhưng trước biến cố Ukraina, Pháp từ vài năm nay đã liên tục nâng ngân sách quốc phòng, cho dù 40 tỷ euro một năm không thấm vào đâu so với trên 700 tỷ đô la của Bộ Quốc Phòng Mỹ.

Vẫn theo báo cáo của SIPRI 2021 không chỉ có châu Âu tăng chi phí quân sự, mà cả châu Á cũng đã nhập cuộc : 81 % chi tiêu quân sự trên thế giới xuất phát từ 15 quốc gia. Trung Quốc (293 tỷ đô la) Ấn Độ (77 tỷ đô la), Anh, Nga và Mỹ (700 tỷ đô la) là những quốc gia « mua vào nhiều nhất ».

Về phía các nguồn cung, Pháp, với 8,2 % thị phần quốc tế, có tên trong bộ ba dẫn đầu thế giới, nhưng bị Nga, khoảng 20 % và nhất là Mỹ, 37 %, bỏ lại rất xa phía sau. Đáng ngạc nhiên không kém: ba trong số 10 khách hàng lớn của Pháp là Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ.

 

Châu Âu chê hàng của chính mình

 

Ngoài Pháp, từ một nước lớn, như Đức và hay nhỏ, như vương quốc B,ỉ đều có nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí lợi hại. Ở cấp châu Âu không thiếu những tên tuổi lớn như Airbus, hay những chương trình phát triển vũ khí chung như Quỹ Phòng Thủ Châu Âu –FED, Sáng Kiến Can Thiệp Châu Âu IEI … và mới nhất là kế hoạch thiết kế Hệ Thống Chiến Đấu trên Không cho Tương Lai SCAF, liên kết Pháp với Đức và Tây Ban Nha.

 

Dù vậy, khi cần trang bị vũ khí và chiến đấu cơ, hay các loại khí tài, thì bản thân các thành viên Liên Âu lại hướng về phía các nhà sản xuất của Mỹ. Từ Thụy Điển đến Hà Lan đều thích hàng Mỹ. Ba Lan và chính bản thân Đức cũng vậy.

Một phần trong số 41 tỷ euro trích từ quỹ 100 tỷ nhằm nâng cao khả năng phòng thủ cho Không Quân Đức được dành để mua 35 chiến đấu cơ F35 của Mỹ. Đức « chê » Rafale của Pháp.

 

Jean-Marc Duquesne, tổng giám đốc GICAT cho rằng châu Âu bắt đầu ý thức về sự lệ thuộc quá lớn vào nền công nghiệp vũ khí của Hoa Kỳ. Ông giải thích thêm về quyết định của Đức mua chiến đấu cơ Mỹ thay vì chọn Pháp :

 

Jean-Marc Duquesne 2 : « Tại sao và làm thế nào tránh để các khoản đầu tư trang bị vũ khí phòng thủ của châu Âu có lợi cho một quốc gia thứ ba, tôi muốn nói đến Hoa Kỳ hay Israel. Trong giai đoạn 2008-2022 chẳng hạn, đã có đến 60 % các khoản chi tiêu của châu Âu rót vào các tập đoàn ngoài khối. Do vậy, Liên Âu đã thông qua một kế hoạch đầu tư chung trong lĩnh vực phòng thủ. Trong tương lai, 35 % ngân sách mua trang thiết bị quân sư của các thành viên trong khối dành cho các nhà sản xuất của châu Âu, thay vì chỉ có 11 % như hiện tại (...)

Giữa Đức và Hoa Kỳ có một mối liên hệ rất chặt chẽ, nhưng chúng ta cần quan sát xem quan hệ đó chuyển biến như thế nào, ngoài việc Berlin mua chiến đầu cơ F35 của Mỹ. Chúng ta hãy chờ xem Đức sẽ có những kế hoạch hợp tác nào với các đối tác châu Âu. Thí dụ như với Pháp, đôi bên đang tập trung vào dự án thiết kế và chế tạo xe tăng. Hai bên đang phân chia công việc. Trên nguyên tắc, đến năm 2035, những sản phẩm đầu tiên sẽ bắt đầu được sử dụng. Đây là những quyết định mang nặng hệ quả cả về mặt công nghiệp lẫn kinh tế. Đạt được đồng thuận đòi hỏi nhiều thời gian ».

 

Nhu cầu cấp bách « lấp đầy những lỗ hổng »

 

Tự chủ về mặt phòng thủ càng mang tính cấp bách với cuộc chiến Nga-Ukraina hiện nay. Charles Beaudouin, tổng giám đốc COGES Events ban tổ chức triển lãm khí tài và trang thiết bị quân sự trên bộ Eurosatory, phân tích :

 

Charles Beaudouin  : « Theo tôi, châu Âu vừa ý thức được rằng châu lục này một lần nữa phải trực diện với chiến tranh. Trong gần 30 năm liền, châu Âu phát triển các công cụ để đương đầu với khủng bố. Công nghiệp quốc phòng của châu Âu phát triển theo hướng đó để rồi giờ đây mọi người mới bừng tỉnh nhận ra rằng nhu cầu của châu lục này khác hẳn hoàn toàn : Chúng ta thiếu đạn dược, các lực lượng quân sự phải thích nghi với tình huống chiến tranh khác hẳn với cuộc chiến chống khủng bố. Ngành sản xuất vũ khí cần đầu tư nhiều cho tương lai. Nếu moi việc diễn ra tốt đẹp, khoảng 20 năm nữa châu Âu sẽ gặt hái được những thành quả đầu tiên. Có nghĩa là sẽ bắt đầu tự chủ về công nghệ quốc phòng và không phải lệ thuộc vào Mỹ như hiện nay nữa ».

 

Chính xác hơn, chiến tranh Ukraina làm lộ ra những nhược điểm nào về các phương tiện phòng thủ của châu Âu ?

 

Thí dự như trong trường hợp của Pháp, báo cáo trước Thượng Viện hồi tháng 5/2022, lãnh đạo DGA đặc trách phối hợp các chương trình mua bán vũ khí Joel Barre đã nêu bật một số « bài học » rút ra từ cuộc chiến ở cách biên giới Pháp chưa đầy 1500 km:  

 

Pháp thiếu đạn pháo, pháo binh là một điểm yếu, nhất là sau khi cam kết cung cấp cho Ukraina 18 khẩu đại bác hiện đại nhất Caesar, tức là 25 % « những gì đã và sắp có được để trang bị cho bên Lục Quân » ;

 

Điểm thứ nhì là nhịp độ sản xuất vũ khí của Pháp bị đánh giá là « chậm » và « rất khó » để « tăng tốc độ » cho ra lò các loại trang thiết bị quân sự cần thiết, khi mà  Pháp thiếu « phụ tùng », phải « nhập khẩu một số nguyên liệu cần thiết », bị phụ thuộc vào các đối tác « gia công » ở nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, chiến sự Ukraina cho thấy chiến tranh trong thế kỷ 21 vẫn là một « cuộc chiến toàn diện », mà ở đó các bên cần « đạn dược, thiết bị các loại từ xe tải, xe bọc thép, chiến đấu cơ, trực thăng, tàu chiến, cho đến các loại đầu đạn tự hành, drone », cần các công nghệ mới, như trí thông minh nhân tạo hay công nghệ robot, công nghệ kết nối, cho đến kỹ thuật số …. ,bởi « ngoài các mặt trận truyền thống, còn phải tính đến những lĩnh vực mới, như an ninh mạng hay chiến tranh trên không gian ».

 

Ngoài những thách thức về công nghệ đó, tổng giám đốc GICAT, tập hợp các nhà sản xuất khí tài của Pháp trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên bộ Jean-Marc Duquesne, xoáy vào một điểm nhậy cảm khác trong chính sách trang bị quân sự của châu Âu. Đó là sự lệ thuộc quá lớn vào Mỹ, trong lúc mà châu Âu, tuy với các phương tiện khiêm tốn hơn nhiều so với của Hoa Kỳ, cũng là một thị trường rộng lớn với ngân sách chung của toàn khối, tương đương với 40-45 % ngân sách của Lầu Năm Góc. Hơn nữa, châu Âu lại có các nhà sản xuất tên tuổi của Đức, Tây Ban Nha Ý và nhất là Pháp, có mối quan hệ đặc biệt với ngành công nghiệp vũ khí của Anh Quốc, một cựu thành viên trong Liên Âu

 

Jean-Marc Duquesne : « Đây là một cuộc chiến đấu dài hơi, được khởi động từ khoảng 15 năm nay. Dưới sự điều phối của Cơ Quan Phòng Thủ Châu Âu, các bên đã xác định đâu là những thiếu sót, những loại trang thiết bị mà có quá nhiều nhà sản xuất cùng tập trung khai thác, và ở những khâu nào các nước trong Liên Âu có thể cộng tác với nhau một cách hiệu quả hơn. Nhưng ngoài việc xác định những nhược điểm đó, các bên không làm gì nhiều để khắc phục tình hình. Thời sự hiện tại đã bắt buộc Liên Hiệp Châu Âu phải rà soát lại cỗ máy sản xuất, lấp đầy vào những lỗ hổng mà cuộc chiến Ukraina đang phơi bày ra ánh sáng ».

 

Tháng 3/2022, lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã họp thượng đỉnh tại lâu đài Versailles với mục đích « tăng cường khả năng phòng thủ » của châu lục này, đẩy mạnh đầu tư và nhất là nâng cao « tiềm lực công nghiệp » cho các nhà sản xuất châu Âu. Bruxelles bơm thêm 200 tỷ euro cho ngân sách quốc phòng chung nhằm đối phó với những thách thức « chiến tranh Ukraina » đặt ra.

 

Trong giai đoạn 1999/2021, ngân sách phòng thủ chung của châu Âu tăng 20 %, trong lúc mà Hoa Kỳ tăng 65 %. Ngân sách của Nga năm 2021 cao gấp ba lần so với hồi 1999. Trong cùng thời kỳ, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng đến 600 %, theo các thống kê được Ủy Ban Châu Âu đưa ra trong báo cáo hồi tháng 3/2022.

 

Đáng quan ngại hơn nữa là nhiều nước đông và trung Âu vẫn còn sử dụng trang thiết bị quân sự từ thời Liên Xô và với chiến tranh Ukraina, ngay cả các phương tiện dù đã bị lỗi thời này cũng đã được chuyển sang Ukraina, nhằm giúp Kiev kháng cự trước sức mạnh của quân đội Nga. Hậu quả kèm theo là kho dự trữ vũ khí, khí tài, các phương tiện phòng thủ của châu Âu đã bị « gọt mỏng ».

 

Tham vọng của Bruxelles giờ đây là khẩn trương trang bị lại các kho vũ khí đã cạn theo hai hướng : một là đẩy mạnh chiến lược đầu tư và phát triển công nghệ vũ khí của toàn khối để từng bước bớt lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Hướng thứ nhì là, « tương tự như chiến dịch mua vac-xin chung để đối phó với Covid-19 », Liên Âu muốn có một ngân sách chung để trang bị khí tài, để có trọng lượng hơn khi mặc cả với nhà cung cấp chính là Mỹ và trong một chừng mực nào đó là Israel.

 

Giới quan sát không mấy lạc quan trước viễn cảnh này, bởi một phần lớn các nước Đông Âu, đứng đầu là Ba Lan hay ba quốc gia vùng Baltic, Bắc Âu, đều có khuynh hướng « tin vào hàng của Mỹ hơn ». Trái lại, các nhà sản xuất châu Âu thường xuyên « cạnh tranh » với nhau hơn là thiên về giải pháp « hợp tác ».

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats