Wednesday, 22 June 2022

CẦN DẠY TRẺ BIẾT LÀM MỌI VIỆC TRONG ĐIỀU KIỆN CÓ THỂ (Mạc Văn Trang)

 



Cần dậy trẻ biết làm mọi việc trong điều kiện có thể  

Mạc Văn Trang 

22/06/2022

https://www.danchimviet.info/can-day-tre-biet-lam-moi-viec-trong-dieu-kien-co-the/06/2022/26393/

 

Có cặp vợ chồng trẻ tranh cãi nhau về chuyện có bắt con làm việc nhà hay không và hỏi ý kiến mình. Họ có đứa con gái 7 tuổi học lớp 2 và con trai 4 tuổi.

.

CHỒNG: Trẻ con chăm học, biết nghe lời là tốt rồi; nó còn bé, bắt làm việc ảnh hưởng đến sự phát triển và hay hỏng việc, mình cố tí là xong…

.

VỢ: Bé nuông chiều, không phải làm gì, lớn lên lóng nga lóng ngóng, như anh, rửa mấy cái bát cũng không xong…

.

CHỒNG: Tôi kiếm tiền nộp cho cô, tại sao cô không thuê người rửa bát mà muốn bố con tôi phải rửa bát?

.

… Thôi, tôi xin biếu hai bạn quyển sách “Tâm lý lứa tuổi và giáo dục” về xem.

.

Tiện đây xin chia sẻ vài điều.

 

Con người khác con vật là, đứa trẻ lọt lòng mẹ ra, cái gì cũng phải HỌC MỚI THÀNH NGƯỜI. Từ việc mút vú mẹ, biết chỉ trỏ, đứng thẳng, tập đi, cầm thìa xúc cơm, uống nước bằng ly, cầm dao bổ quả táo, ăn bằng đũa, bằng thìa và dao, dĩa…tất cả đều phải học bằng LÀM, chứ không học bằng nói.

.

Đứa trẻ câm điếc không nghe được lời nói, nhưng dạy nó LÀM từng việc, theo trình tự các thao tác hợp lý, nó đều làm được, thậm chí rất nhanh và khéo nữa.

.

Dạy trẻ con học (và người lớn cũng vậy), chủ yếu bằng hành động, bằng VIỆC LÀM; hành động tay chân diễn ra bên ngoài thế nào thì trong óc cũng diễn ra hành động tương ứng như vậy. TAY biết làm đến đâu thì ÓC biết nghĩ đến đó. Hướng dẫn trẻ hành động tay chân làm từng việc một cách hợp lý, từng thao tác diễn ra một cách tuyến tính, chính xác, thì trong trí óc cũng diễn ra y như vậy. Rồi từ đó trí óc mới khôn lên…

.

Không được hướng dẫn một cách khoa học, thì trẻ phải tự mày mò THỬ và SAI nhiều lần, và có khi cả đời vẫn không biết làm đúng một việc giản đơn.

.

Lau nhà, rửa bát … cũng phải có tiến trình hợp lý tối ưu; làm bát nháo thì phải làm đi, làm lại, rồi làm ẩu…Có người trẻ, biết làm bếp với nhiều món ăn ngon và làm đâu gọn đó, tươm tất; có người nấu ăn từ trẻ đến già vẫn không ra hồn, nấu xong bữa cơm, nhà bếp ngổn ngang như bãi chiến trường! Đó là vì khi làm ẩu, đầu óc cũng hình thành tư duy ẩu; rồi từ đó cái ẩu của não trạng thành thói quen, không thay đổi được nữa…

.

Phải dạy trẻ hành động (làm việc) có phương pháp:

 

– Trước khi làm biết định hướng hành động: Làm gì? Làm như thế nào? Tại sao làm vậy? Có cách nào khác không?

 

– Làm phải biết phân tích công việc theo một tiến trình hợp lý, những thao tác hợp lý nhất, tiết kiệm, hiệu quả;

 

– Làm xong phải kiểm tra, đánh giá, ghi nhận cái đúng/sai, rút kinh nghiệm…

 

Tất nhiên, mỗi trẻ một khác: Có đứa dạy một lần là làm đúng, làm tốt; có đứa phải dạy 2-3 lần; có đưa phải 10 lần mới ổn… Phải kiên nhẫn thôi!

.

Học làm bất cứ cái gì cũng phải dạy trẻ biết QUAN SÁT, làm chăm chú tận tâm để đạt kết quả tốt nhất, hài lòng nhất.

.

Làm một việc đơn giản cũng vẫn có thể tìm tòi sáng tạo và do đó thấy thích thú. Ví dụ, đưa cho đứa trẻ 10 tuổi cây mía, hỏi có bao nhiêu cách để ăn mía? Không có dao ăn thế nào? Có dao, có mấy cách để ăn? Đơn giản vậy nhưng với trẻ cũng mới, cũng rất hứng thú.

 

Theo tôi, trẻ học để biết làm càng nhiều việc càng tốt. Nên dạy trẻ học làm (tự phục vụ) ngay từ 3 tuổi, và cho đến 11 tuổi thì biết làm việc nhà: nấu ăn đơn giản, rửa bát, quét nhà, xếp gọn giường chiếu, gọt quả bưởi, bổ quả dưa, pha cốc nước chanh, đi mua giúp mẹ mấy đồ lặt vặt, biết giặt, phơi quần áo, ủi/là quần áo của mình; biết chuẩn bị chuyến về thăm ông, bà; chuyến đi picnic… Trẻ đến 10 -11 tuổi mà không biết làm những việc trên, không biết bơi, không biết đi xe đạp… thì có học giỏi, nghe lời cũng chỉ là “bán thân bất toại”! Bởi vì ta giáo dục trẻ nên NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH chứ không chỉ là đứa trẻ biết đọc, viết, làm toán! Đừng sợ trẻ làm quá sức. Trẻ chơi còn “quá sức” và nguy hiểm hơn nhiều. Đến tuổi thiếu niên thì dù nó có rơi xuống hoang đảo vẫn biết sống theo kiểu NGƯỜI. Dạy trẻ biết làm mọi việc trong điều kiện có thể từ 3 đến 10 -11 tuổi là thuận lợi nhất. Còn khi nó 12- 13 tuổi mới dạy làm những việc nói trên thì khó rồi.

.

Nên nhớ, chân tay biết làm đến đâu, đầu óc biết nghĩ đến đó: Mấy chiến sĩ xe tăng của Việt Nam ta, ngày 30/4/1975, sau khi đâm đổ cổng Dinh Độc lập, mừng thắng lợi vĩ đại, xong rồi về quê, anh thì đi cắt tóc, anh đi đánh giậm, anh thì trồng mía ra chợ bán, anh thì làm ruộng, bắt cua…

.

Trong khi đó mấy anh nông dân Ukraine thì đem máy kéo ra kéo xe tăng Nga; đem máy kéo ra cày bừa, gieo hạt và sử dụng máy gặt đập liên hợp…

.

KHông biết LÀM thì không thể HÌNH DUNG TRƯỚC sự việc sẽ diễn ra thế nào. Hồi Hà Nội chống dịch, cấp giấy phép loạn cào cào, rồi rào chắn khắp nơi… Tôi đã viết bài, họ không biết hình dung trước sự việc!

.

Hồi 1990, tôi làm điều tra về “Diễn biến tư tưởng sinh viên” ở TP Hồ Chí Minh, rồi có báo cáo cho Bí thư thành uỷ Võ Trần Chí nghe. Ông trao đổi mấy điều và bất ngờ hỏi: Tại sao mấy đứa đi học trường Nguyễn Ái Quốc về, đứa nào cũng NGU ĐI?

.

Tôi giật thót người, hỏi: Ngu là sao?

.

– Ngu là bọn nó chỉ nói huyên thiên dài dòng, không dám làm, không biết làm gì hết trơn!

 

Gần đây nghe Lê Phú Khải kể, ông cán bộ cao cấp, cấp trên dặn nhà văn Nguyên Ngọc, sau chiến tranh, ra Hà Nội chớ có học trường Nguyễn Ái Quốc… Có lẽ trường này dạy toàn những tín điều, người học thuộc bài để chép lại khi thi, nên biết nói như sách mà không dám làm, không biết làm?

.

Thực ra thì lý luận cũng phải học LÀM, làm bằng các thao tác trí óc phân tích, tổng hợp, trừu tượng hoá, khái quát hóa, cụ thể hoá … với những khái niệm khoa học và phải đem những sản phẩm ở trong đầu ra bên ngoài: Trình bày, tranh cãi, phản bác… để làm ra tư tưởng, quan điểm riêng của mình… Nếu chỉ nghe, vâng lời, nói theo thì không biết làm gì cả.

.

Thôi, trở lại chuyện trẻ em, trước hết là dạy trẻ HỌC LÀM từ hành động tay chân những việc làm cụ thể, sao cho hợp lý, chính xác, hiệu quả; từ những việc làm thường ngày đó, trẻ sẽ có tư duy hành động thực tiễn một cách chắc chắn và dám tự tin. Làm được mới tự tin. Có làm mới đồng cảm, tôn trọng lao động của người khác. Đó là tình cảm, là đạo đức…

 

22/6/2022

Mạc Văn Trang





No comments:

Post a Comment

View My Stats