Thursday, 2 June 2022

ẢO TƯỞNG VỀ QUYỀN LỰC (Hải Vân)

 



Ảo tưởng về quyền lực

Hải Vân

02/06/2022

https://baotiengdan.com/2022/06/02/ao-tuong-ve-quyen-luc/

 

Trong một quốc gia có tam quyền phân lập thực sự, cả ba quyền lực đó kiểm soát và cân bằng lẫn nhau để xã hội vận hành tốt nhứt, nhằm bảo đảm cho các quyền cơ bản của công dân được thực hiện và tôn trọng. Trong xã hội như vậy, có một loại quyền lực gọi là quyền lực thứ tư, quyền lực của các cơ quan truyền thông. Đó là một loại tiếng nói chính thức của người dân trước những vấn đề của xã hội. Đây là thứ mà ta quen nghe dưới tên gọi “Quyền tự do ngôn luận”.

 

Thoạt kỳ thủy, quyền này bảo đảm chỉ cho phóng viên, nhà báo đưa ý kiến chỉ trích, phản biện hướng tới đối tượng là nhà cầm quyền. Như vậy quyền tự do ngôn luận của truyền thông nói chung cho phép đưa ra những luồng ý tưởng tự do, điều này cần thiết cho sự đổi mới, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch của giới cầm quyền.

 

Báo chí phát triển mạnh khi các phương tiện truyền thông tự do và độc lập, khi các nhà báo có thể thực hành nghề nghiệp của họ một cách an toàn. Những gì họ phản ảnh đều không chịu một áp lực từ nhà cầm quyền, hay một tổ chức, cá nhân nào khác.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/06/1-4-696x572.jpg

Hình về tự do ngôn luận của một cư dân Texas, sau vụ xả súng ở trường tiểu học. Greg Abbott là thống đốc bang Texas. Ảnh trên mạng

 

Ngày nay, phạm vi của quyền tự do ngôn luận được thiết kế rộng hơn. Cá nhân có thể nêu ra ý kiến, suy nghĩ của mình qua các kỹ thuật giao tiếp thông thường, có thể bằng lời nói, bằng hành vi có thể được hiểu là ngầm tiết lộ thông tin từ một lựa chọn có chủ ý, suy xét.

 

Tự do ngôn luận, tự do biểu đạt suy nghĩ không phải là không có hạn chế. Nếu một người đưa ra suy nghĩ của mình chứ không phải khẳng định một sự thật, được kiểm chứng nếu cần, thì hành vi đó là tự do ngôn luận. Trường hợp họ đưa ra một nhận định không đúng sự thật hoặc không thể kiểm chứng, gây tổn hại cho người thứ ba (người khác) thì hành vi đó có thể coi là vu khống hoặc phỉ báng (chê cười, nói xấu người khác).

 

Có hai nguyên tắc để xem xét về sự lạm dụng quyền tự do ngôn luận:

 

Thứ nhất, nếu quyền tự do ngôn luận bao hàm quyền cho mọi người được phổ biến tất cả các ý kiến và thông tin, ngay cả những thông tin gây phiền nhiễu, thì nội dung của chúng về nguyên tắc không được gây thiệt hại một cách bất thường cho một hoặc nhiều người cụ thể hoặc có thể xác định được.

 

Thứ hai, nếu quyền tự do ngôn luận bao hàm không những quyền khẳng định niềm tin của mình, mà còn quyền được thuyết phục người khác chấp nhận niềm tin này, thì quyền đó không được phép vi phạm quyền tự do cá nhân của những người bị dụ dỗ bằng cách thực hiện những áp lực đối với họ. Làm như vậy tức là đang xâm phạm ý chí tự do của người khác.

 

Ngoài ra, quy định tôn trọng trật tự công cộng cũng được dùng để hạn chế lạm dụng quyền tự do ngôn luận. Trật tự công cộng là trạng thái lý tưởng của một xã hội, trong đó sự kết hợp của các biện pháp ngăn chặn và, nếu cần, bảo đảm rằng không có xáo trộn lớn. Ngày nay, trật tự công cộng được hiểu rộng rãi vì nó không chỉ bao gồm an ninh vật chất, mà còn bao gồm các khía cạnh phi vật chất như đạo đức hoặc phẩm giá của con người.

 

Việt Nam không thực sự có tự do ngôn luận cho báo chí, truyền thông nói chung. Quyền tự do ngôn luận của cá nhân rất hạn chế và lệch lạc. Thường dẫn tới tình trạng phát ngôn phỉ báng, vu khống bên thứ ba. Thêm vào đó, với phương tiện rất thuận lợi là các nền tảng, mạng xã hội, cho phép phát trực tiếp, đưa thông tin đến đại chúng một cách dễ dàng và tức thời, việc lạm dụng quyền tự do ngôn luận (dù không có được một cách đúng nghĩa) cũng gây tổn hại cho các tổ chức và cá nhân khác.

 

Trong khi quyền lực thứ tư không làm tròn vai trò phản biện của nó đã là một điều đáng tiếc. Càng đáng tiếc hơn khi chỉ vì muốn thu hút độc giả mà phóng viên, nhà báo lại dùng nguồn thông tin đôi khi không chính xác, thậm chí sai trái của các cá nhân trên các phương tiện thông tin như mạng xã hội, các nền tảng giao lưu để té nước theo mưa và/ hoặc tâng bốc một cách sai trái cho hành vi lạm dụng này. Mặc khác, hành xử của báo chí còn gây cho người phát ngôn lạm quyền ảo tưởng về sự to tát, hay ho của bản thân.

 

Từ đó, một số không ít thành viên khác trong xã hội tự cho phép mình thành quan tòa, phán xét, kết án một cách vô lý, vô tri, vô cảm một vài cá nhân hay tổ chức nào đó mà không hề phải trả bất kỳ một cái giá nào, trong khi hành vi của họ gây tổn hại, đôi khi là rất nghiêm trọng cho bên bị lên án, nạn nhân của phát ngôn.

 

Tình trạng ảo tưởng về quyền lực cá nhân, xuất phát từ sự ngụy biện, lạm dụng quyền tự do ngôn luận và hành xử kém cỏi của truyền thông, báo chí và một số cá nhân có tiếng nói ảnh hưởng, vô hình trung cổ xúy cho hành vi không phù hợp với một xã hội tiến bộ và văn minh. Cũng chính là đang gây rối trật tự công cộng vậy.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats