Wednesday, 1 June 2022

AI QUYẾT ĐỊNH GIÁ VÀNG? (Việt Bình / Saigon Nhỏ)

 



Ai quyết định giá vàng?

Việt Bình

31 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ai-quyet-dinh-gia-vang/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/zlataky-cz-S6cWf7TIk9U-unsplash-1024x683.jpg

Ảnh: zlataky-cz-unsplash

 

Ai có thể định giá vàng? Tất nhiên không phải bà chủ tiệm vàng niêm yết giá trên tấm bảng thường thấy trong hiệu kim hoàn mỗi sáng hàng ngày… 

 

Những người có thể ra quyền sinh sát cho giá vàng chỉ là một nhóm nhỏ tập đoàn tài chính hùng hậu hoạt động tại Luân Đôn (do vậy việc định giá vàng được gọi là “London Gold Fixing”), gồm năm thành viên thuộc Hiệp hội vàng Luân Đôn.

 

Theo truyền thống, việc định giá vàng được tiến hành hai lần/ngày, lúc 10g30 GMT và 15g GMT. Phiên định giá vàng đầu tiên trong lịch sử Hiệp hội vàng Luân Đôn được thực hiện vào Thứ Sáu 12 Tháng Chín 1919 với các thành viên N. M. Rothschild & Sons Ltd., Mocatta & Goldsmith, Pixley & Abell, Samuel Montagu & Co. và Sharps Wilkins; và giá vàng được ấn định lúc đó chưa đến 5 bảng Anh, chính xác là 4.9375 bảng Anh/troy ounce.

 

Chỉ hai lần trong lịch sử, bởi ảnh hưởng chiến tranh, việc định giá vàng từ Luân Đôn mới bị hoãn (1939 và 1954). Tiến trình định giá vàng được thực hiện tại văn phòng thuộc trụ sở N. M. Rothschild & Sons (ở phố St. Swithin’s Lane, Luân Đôn), khi năm đại diện gặp nhau và cùng thống nhất giá. Đơn vị chuẩn là thỏi vàng khoảng 400 oz (chừng 11,3kg; gọi là Good Delivery Bar).

 

Đầu tiên, vị chủ tịch sẽ nêu giá khởi điểm (căn cứ theo báo cáo cập nhật thị trường được gửi về bởi đại diện từ các đại lý chính). Tiếp đó, vị chủ tịch hỏi ai muốn mua và ai muốn bán; đồng thời lượng vàng thỏi 400 oz có thể được giao dịch thời điểm đó là bao nhiêu. Nếu giá giao dịch không cân bằng với giá khởi điểm, vị chủ tịch đề nghị một giá mới cao hoặc thấp hơn. Nếu trong phiên họp không ai dựng lá cờ vương quốc Anh lên tại vị trí ngồi mình để ra hiệu cần được thương lượng thêm, vị chủ tịch sẽ tuyên bố giá vàng chính thức được giao dịch toàn cầu thời điểm đó.

 

Trong lịch sử, phiên họp định giá lâu nhất diễn ra vào ngày 19 Tháng Mười 1987 với hai tiếng 15 phút, khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ. Trước đó, ngày 21 Tháng Một 1980, năm “đại gia” vàng thế giới cũng lần đầu tiên định giá vàng lên đến $850/oz trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nghiêm trọng Trung Đông, giá dầu leo thang và lạm phát tăng vù. Suốt nhiều thế kỷ, tiến trình định giá vàng diễn ra đều đặn; cho đến ngày 5 Tháng Năm 2004, việc họp định giá bắt đầu được thực hiện qua điện thoại sau khi N. M. Rothschild & Sons tuyên bố rút khỏi Hiệp hội vàng Luân Đôn và được thay bằng Barclays Bank (cũng từ đó, vị trí chủ tịch – vốn được gia đình Rothschild giữ lâu nay – được thay luân phiên thường niên).

 

Khi họp qua điện thoại, truyền thống dựng cờ được thay thế bằng cách nêu chữ “lá cờ”; và chủ tịch kết thúc buổi “làm giá” bằng cách nói “Không có lá cờ nào và chúng ta đã thống nhất định giá”.

 

Hiện thời, năm thành viên Hiệp hội vàng Luân Đôn gồm:

 

-Scotia-Mocatta (“hậu duệ” Mocatta & Goldsmith và là chi nhánh thuộc Ngân hàng Nova Scotia)

-Barclays Capital

-Deutsche Bank (chủ sở hữu Sharps Pixley – tập đoàn được sáp nhập từ Pixley & Abell và Sharps Wilkins)

-HSBC Bank (chủ sở hữu Samuel Montagu)

-Société Générale

 

Dù thay tên đổi chủ như thế nào, thị trường vàng thế giới ngày nay cũng luôn hành xử theo lời phán hai lần mỗi ngày từ ngũ đại gia trên.

 

Cần nói thêm, việc ky cóp thủ vàng (tâm lý chung của mọi thời đại khi tình hình kinh tế trở nên khó khăn) chưa hẳn là giải pháp dành dụm tốt; và chơi vàng (đầu tư trục lợi) có khi rất nguy hiểm. Một hũ vàng chôn ở gốc chuối sau vườn từ thời điểm giá vàng $850/oz vào thập niên 1980 trong thực tế gần như chẳng mang lại đồng lời nào ở thời điểm hiện nay! Tại sao? Nếu xét đến yếu tố lạm phát và trượt giá, hũ vàng trên thật ra đã mất giá trị trong cùng thời gian. Trong khi đó, một vụ đầu tư vào cổ phiếu các công ty trong danh sách Standard & Poor’s 500 có thể tăng hơn 12%/năm trong cùng thời gian.

 

“Tôi không nghĩ vàng là thứ mua cất giữ tốt khi xét đến yếu tố đầu tư lâu dài” – nhận xét của Franklin Allen, giáo sư tài chính Trường kinh thương Wharton thuộc Viện đại học Pennsylvania. Giáo sư Jeremy Siegel (Trường Wharton), tác giả quyển Stocks for the Long Run, nhận xét rằng ở thời xảy ra khủng hoảng tài chính, căng thẳng lạm phát, khi xuất hiện nỗi sợ đồng tiền mất giá, vàng là một giải pháp; tuy nhiên, khi nỗi sợ qua đi, vàng luôn đi xuống.

 

Với dân đầu tư vàng chuyên nghiệp, họ xét đến các yếu tố kinh tế vĩ mô để quyết định gom vào hay nhả ra. Đó là các chỉ số kinh tế như tỉ lệ tăng trưởng GDP, lạm phát, tỉ lệ lãi suất, thang giá năng lượng… Họ cũng săm soi các số liệu liên quan nguồn cung và nguồn cầu của vàng. Đó là những thông số hữu ích giúp “dự báo khí tượng” của “thời tiết” thị trường vàng.

 

Nhắm vào yếu tố tâm lý bất thường khi thận trọng đầu tư vàng trong bối cảnh nhiễu mang để có thể kiếm chút tiền lãi là một chuyện nhưng liều lĩnh chọn giải pháp mạnh tay chẳng hạn cầm nhà (với những người vốn chẳng có tài lực dồi dào nhưng muốn kiếm quả đậm) để dốc toàn lực chơi vàng xem chừng mất trắng là khả năng không phải không xảy ra. Trong thực tế, một khi kinh tế vốn đang chứa đầy yếu tố bất trắc, tính bất trắc đã nằm ngay trong gần như mọi hoạt động đầu tư, trong đó có đầu tư vàng.

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats