Saturday, 4 June 2022

ĐẠI LỄ BẠCH KIM và NỮ HOÀNG TRƯỚC NGƯỠNG CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC (Nguyễn Hùng)

 



Đại lễ Bạch kim và Nữ hoàng trước ngưỡng chuyển giao quyền lực

Nguyễn Hùng

04/06/2022

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A1i-l%E1%BB%85-b%E1%BA%A1ch-kim-v%C3%A0-n%E1%BB%AF-ho%C3%A0ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-ng%C6%B0%E1%BB%A1ng-chuy%E1%BB%83n-giao-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c/6602373.html

 

https://gdb.voanews.com/09470000-0a00-0242-02f8-08da452f8988_w650_r1_s.jpg

Hoàng gia Anh xuất hiện tại balcony điện Buckingham trong ngày 2 tháng Sáu. REUTERS/Hannah McKay

 

Cùng với sự lùi dần về hậu trường của Nữ hoàng, hoàng gia sẽ phải cố gắng hơn bội phần để giữ được sự ủng hộ quá bán của thần dân trong đó có tôi.

 

Đầu tháng Sáu này Vương quốc Anh bỏ ra bốn ngày để kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, người năm nay đã 96 tuổi.

 

Nữ hoàng lên ngôi từ năm 1952 và đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử trên thế giới trong đó có sự bại trận của Pháp ở Điện Biên Phủ hồi năm 1954, sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Việt Nam năm 1973 và Sài Gòn thất thủ hồi năm 1975.

 

Nhân Đại lễ Bạch kim, BBC đã có video 70 giây ghi lại những hình ảnh của Nữ hoàng trong 70 năm tại vị. Nữ hoàng đương nhiên già đi theo năm tháng và đây có lẽ là dịp đại lễ cuối cùng của bà. Những hình ảnh đánh dấu sự kiện trọng đại của nước Anh cũng xuất hiện trên truyền thông chính thống Trung Quốc, CGTN, và báo Nhân Dân của Việt Nam.

 

Tại Việt Nam, Đại sứ quán Anh tổ chức kỷ niệm ở Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của hàng trăm khách Việt Nam và nước ngoài. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà được dẫn lời nói tại sự kiện hôm 31/5 ở Hà Nội rằng Việt Nam và Anh đã có những “thành tựu nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược… đặc biệt là những cam kết và hợp tác về chuyển dịch năng lượng và phát triển xanh sau Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu”. Trong dịp này Đội quân nhạc Hoàng gia Yeomanry cũng đã chơi nhạc phẩm “Trống cơm" tại Hồ Hoàn Kiếm và cả Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh.

 

Trong đợt kỷ niệm kéo dài bốn ngày tại Anh, nhiều địa phương có các sự kiện riêng để ghi nhớ dịp có một không hai. Tại Dartford ở hạt Kent nơi tôi sống, hội đồng địa phương tổ chức ngày vui chơi trong công viên hôm 1/6, còn hôm 2/6 tôi cho cậu con trai tham gia đoàn diễu hành từ nhà thờ cách nhà vài trăm mét tới một nhà thờ khác cách xa gần 1km. Tối hôm 2/6 tôi vẫn dạy karate cho các cháu nhỏ ở địa phương và sau đó tổ chức biểu diễn âm nhạc cũng như liên hoan có bánh kẹo và đồ ăn vặt cho các cháu và phụ huynh. Trong số ba bài các học viên karate biểu diễn có quốc ca God Save the Queen, tức Chúa Phù hộ Nữ vương. Một số phố quanh nơi tôi sống cũng biến thành phố chỉ cho người đi bộ trong một trong những ngày nghỉ lễ để người dân có thể tổ chức ăn mừng trên đường phố.

 

Để kết thúc ngày kỷ niệm đầu tiên hôm 2/6, Nữ hoàng đã bấm nút thắp sáng hàng trăm ngọn đèn hiệu và khởi đầu cho việc thắp sáng cả ngàn đèn hiệu ở Anh và nhiều nước trong khối Thịnh vượng chung. Nữ hoàng là người đứng đầu khối và còn là người đứng đầu của hơn 10 quốc gia trong khối bao gồm cả Australia. Thủ tướng Australia Anthony Albanese đăng ảnh lễ thắp đèn hiệu tại Úc và viết trên Facebook: “Tuần này đánh dấu Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng. Trong bảy mươi năm trị vì, Nữ hoàng luôn là điểm tựa mang lại sự trấn tĩnh và sức mạnh. Tối nay, cùng với 53 quốc gia khác trong khối thịnh vượng chung, chúng ta thắp đèn hiệu để cảm ơn Bệ hạ và gửi lời chúc mừng ấm áp nhất của chúng ta.”

 

Mặc dù có thể tham gia các sự kiện kỷ niệm trong ngày đầu tiên, Nữ hoàng thấm mệt và không thể dự lễ trọng tại Nhà thờ Thánh Paul hôm 3/6. Sự chuyển giao quyền lực trong Hoàng gia Anh ắt sẽ sớm diễn ra và Thái tử Charles khó có thể có ảnh hưởng như Nữ hoàng khi nối ngôi. Điều này sẽ ảnh hưởng tới vị thế của hoàng gia tại Anh cũng như tại hơn 10 nước mà Nữ hoàng hiện vẫn là người đứng đầu nhà nước. Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd hồi năm 2008 từng tuyên bố sẽ phế bỏ vai trò đứng đầu nhà nước của Nữ hoàng. Lần cuối Australia trưng cầu dân ý về việc giữ hay bỏ vai trò của Nữ hoàng hồi năm 1999, gần 55% người dân mong muốn giữ Nữ hoàng ở chức vị hiện tại.

 

Nước trong Khối Thịnh vượng chung gần đây nhất phế bỏ vai trò người đứng đầu nhà nước của Nữ hoàng là Barbados cuối năm ngoái. Trước đó một số nước khác đã có hành động tương tự bao gồm Mauritius hồi năm 1992, Dominica trong năm 1978, Trinidad và Tobago hồi năm 1976, và Guyana trong năm 1970.

 

Tại Anh, khảo sát mới nhất của Ipsos hồi tháng 11/2021 cho thấy 60% người Anh vẫn ủng hộ hoàng gia dù giảm từ 76% trong khảo sát hồi tháng 2/2016. Nhưng kết quả khảo sát mới nhất cũng cho thấy chỉ có 21% người Anh ủng hộ Anh chuyển từ vương quốc thành nước cộng hoà. Bởi vậy khả năng Hoàng gia Anh thất sủng trước công chúng trong thời gian trước mắt không phải là lớn. Nhưng cùng với sự lùi dần về hậu trường của Nữ hoàng, hoàng gia sẽ phải cố gắng hơn bội phần để giữ được sự ủng hộ quá bán của thần dân trong đó có tôi.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats