Monday, 8 April 2019

NHÀ THƠ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN NÓI TRUNG QUỐC LÀ 'MỐI ĐE DỌA CHO THẾ GIỚI' (Alain Jean-Robert - AFP)




Alain Jean-Robert (AFP)
DCVOnline dịch
Posted on April 8, 2019 by editor

“Tất cả mọi người ở các nước phương Tây đã chỉ trích Trung Quốc sau vụ thảm sát (Thiên An Môn) bây giờ đang tranh nhau để làm ăn với những tên đao phủ ngay cả khi họ tiếp tục bắt giữ và giết người.”
Liệu Diệc Vũ

 Liệu Diệc Vũ (Liao Yiwu) bị bỏ tù vì làm bài thơ tên là ‘Cuộc thảm sát’ mô tả về cuộc biểu tình ở Thiên An Môn (Ảnh AFP/BONAVENTURE)

Hôm thứ Sáu, một nhà thơ bất đồng chính kiến ​​được coi là “Solzhenitsyn của Trung Quốc” cho biết quê hương của ông là một “mối đe dọa cho toàn thế giới”.

Liệu Diệc Vũ, người đã bị bỏ tù vì đã viết một bài thơ tên là “Cuộc thảm sát” về các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, nói với AFP rằng sẽ tốt hơn cho nhân loại nếu siêu cường kinh tế “tách thành nhiều nước nhỏ”.  Liệu Diệc Vũ viết trong cuốn sách mới nhất của ông, “Bullets and Opium” vừa xuất bản tại Pháp.

“Ước mơ của tôi là Trung Quốc tách ra thành 10 quốc gia. Bởi vì Trung Quốc như hiện nay là mối đe dọa cho toàn thế giới.”

Đạn và Thuốc phiện. Nguồn: Simon & Schuster

Cuốn sách bị cấm ở Trung Quốc, kể lại câu chuyện của hàng chục nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn, khi quân đội Tring Cộng giết chết hàng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bắc Kinh vào năm 1989.

Vụ thảm sát, còn được gọi là “Sự Kiện Lục Tứ”, là một điều quốc cấm ở Trung Quốc.
Liệu Diệc Vũ đã sống lưu vong ở Berlin từ năm 2011, nói:
“Trở về Trung Quốc không phải là mối quan tâm lớn đối với tôi. Tôi muốn quay trở lại Tứ Xuyên quê hương của mình — khi nó độc lập. Lúc đó Tôi sẽ rất vui mừng về lại quê hương.”

Theo tin của nhóm nhân quyền, Liệu Diệc Vũ, một nhà thơ và cũng là một nhạc sĩ lên tiếng về cuộc sống của dân nghèo ở Trung Quốc, đã bị tra tấn trong tù. và bị cảnh sát quấy rối khi ông đã được trả lại tự do.

Ông Diệc Vũ nói với AFP rằng ông “rất bi quan” về đất nước của ông đang nằm dưới sự cai trị ngày càng độc đoán của Chủ tịch Tập Cận Bình.

–‘Đao phủ thủ’ cầm quyền—

Liệu Diệc Vũ nói,
“Ba mươi năm trước chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể phát triển theo hướng dân chủ. Ngày nay, tất cả chỉ chú trọng vào việc kiếm tiền.
“Tất cả mọi người ở các nước phương Tây đã chỉ trích Trung Quốc sau vụ thảm sát (Thiên An Môn) bây giờ đang tranh nhau để làm ăn với những tên đao phủ ngay cả khi họ tiếp tục bắt giữ và giết người.”

Ông trút sự khinh bỉ vào việc con gái của Tập Cận Bình học tại Harvard cùng với con cái của những nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng sản khác. Ông tuyên bố,
“Ngay cả tình nhân của những nhân vật lãnh đạo  (đảng Cộng sản) cũng được tài trợ để nghiên cứu” tại trường đại học Hoa Kỳ đó.
“Những người thận trọng thì bị gạt ra ngoài lề trong khi những người chỉ kiếm tiền và không chỉ trích đảng (cộng sản) lại có thể làm tất cả những gì họ muốn.”

Nhưng Liệu Diệc Vũ nhấn mạnh rằng Thiên An Môn là bước ngoặt lớn trong lịch sử cận đại của Trung Quốc.
“Đối với tôi, như đối với tất cả người dân Trung Quốc, đó là một khoảnh khắc thảm khốc.”

— ‘Đấu tranh cho sự thật’ —

“Bạn không thể đề cập đến vụ thảm sát Lục Tứ ở Trung Quốc, đó là điều cấm kỵ. Cuộc đấu tranh của tôi là nói lên sự thật về những gì đã xảy ra với càng nhiều người càng tốt.”
Nhà thơ 6o tuổi nói,  đã ba mươi năm qua  rồi nhưng “chúng ta vẫn chưa biết chính xác con số nạn nhân.”

Các nhóm nhân quyền tin rằng có từ 2.600 đến 3.000 người đã chết sau khi 200.000 binh sĩ được đưa vào để bao vây thủ đô Trung Quốc.

Những bản điện tín ngoại giao của Anh được giải mật vào năm 2017 đưa ra ước tính ban đầu về con số người chết ở Thiên An Môn là khoảng 10.000.

Liệu Diệc Vũ nói thêm:
“Nhóm những bà mẹ Thiên An Môn đã công bố 202 tên nhưng chúng tôi biết còn nhiều hơn thế.”

Còn chàng trai trẻ đứng trước chiếc xe tăng, đã trở thành một biểu tượng của cuộc biểu tình ôn hòa, đến nay, Liệu Diệc Vũ nói thêm,
“Chúng ta vẫn không biết tên anh ta hay số phận của anh ta.”
“Cái tên Wang Weilin mà các nhà báo phương Tây gọi anh ấy là một cái tên do báo chí đặt ra. Chúng tôi không biết gì về anh ấy mặc dù anh là biểu tượng của hàng triệu người chống lại sự bạo ngược của ngày 4 tháng 6.”

Cuốn sách “Lời chứng” của Liệu Diệc Vũ về thời gian ở tù của ông đã được so sánh với cuốn “The Gulag Archipelago” của người bất đồng chính kiến ​​Liên Xô, và được sự ca ngợi của Lưu Hiểu Ba, người được giải thưởng Hòa bình Trung Quốc, đã chết năm 2017 sau nhiều năm ngồi tù.

Vấn đề toàn vẹn lãnh thổ rất nhạy cảm ở Trung Quốc và bất kỳ đề nghị nào nhằm vào việc tách Trung Quốc thanh nhiều nước nhỏ đều có thể gây phẫn nộ.

Năm ngoái, tập đoàn khách sạn Marriott đã bị chính quyền Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ vì đã liệt kê Đài Loan — cùng với Tây Tạng và Hồng Kông,  những các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố dưới quyền — là những quốc gia riêng biệt

Vào tháng 5, nhà bán lẻ quần áo Gap của Mỹ đã xin lỗi Trung Quốc về chiếc áo phông có bản đồ hiển thị đại lục nhưng không có đảo Đài Loan – tự trị từ năm 1949 – nơi mà Bắc Kinh vẫn coi là một tỉnh nổi loạn đang chờ thống nhất.

© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn:  China is ‘threat to world’ says dissident writer | Alain JEAN-ROBERT · AFP | Apr 05, 2019.






No comments:

Post a Comment

View My Stats