Thu Hằng - RFI
Thứ Hai, ngày 08 tháng 4 năm 2019
Cả
Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đều có lợi ngay khi Hiệp định Tự do Thương mại
EVFTA có hiệu lực. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt tới 8% vào năm 2025
nhờ xuất khẩu hàng sang các thị trường châu Âu rộng lớn. Ngược lại, các nước
Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị thu hút vào thị trường năng động của Việt Nam, với tầng
lớp trung lưu ngày càng đông đảo.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Liên
Hiệp Châu Âu tại Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ sau Singapore, với
thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ
euro một năm, theo số liệu của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam.
Liên Hiệp Châu Âu nhập khẩu chủ yếu từ Việt nam thiết bị viễn thông, hàng may mặc
và thực phẩm và chủ yếu xuất sang Việt Nam các thiết bị máy móc và thiết bị vận
tải, mặt hàng hóa chất và sản phẩm nông nghiệp.
Dù đầu tư của châu Âu vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn
là 8,3 tỷ euro trong năm 2016, nhưng ngày càng có nhiều công ty châu Âu được
thành lập tại đây, biến Việt Nam thành một trung tâm phục vụ cho khu vực
Mêkông. Vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á đã được thảo luận trong một
buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Pháp do Ủy ban Điều hành Tập đoàn Air Liquide
tổ chức ngày 04/03/2019 tại Đại Sứ quán Pháp ở Hà Nội.
So với các thành viên khác trong Liên Âu, Pháp có lợi
thế và lợi ích đặc biệt ngay khi Hiệp định Tự do Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu
và Việt Nam có hiệu lực.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Bertrand Lortholary,
đã dành cho RFI tiếng Việt một buổi phỏng vấn qua điện thoại ngày 21/03/2019 về
chủ đề này.
*****
RFI
: Thưa ngài đại sứ, Ủy Ban Châu Âu đã thông qua Hiệp định Tự do Thương
Mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam và ngày
18/10/2018 đã trình lên Hội Đồng Châu Âu, chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn
tất tiến trình. Khi Hiệp định được thông qua, theo ngài, Pháp và Việt Nam sẽ có
những lợi ích tiềm năng nào ?
Đại
sứ Lortholary : Đầu tiên phải nói rằng văn bản đã được đúc kết.
Hiện giờ còn một bước quan trọng phải vượt qua, đó là ký kết văn bản và văn bản
phải được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn để có hiệu lực.
Về phía Pháp, chúng tôi rất mong là Hiệp định Tự do
Thương mại Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam sẽ được kí kết và phê chuẩn trong thời hạn
ngắn nhất để có hiệu lực. Như vậy, các doanh nghiệp Pháp có thể được hưởng mọi
lợi ích mà thỏa thuận này mang lại, về mặt xuất khẩu cũng như đầu tư vào Việt
Nam.
Từ điểm này, đối với các doanh nghiệp Pháp, ngay khi
thỏa thuận này có hiệu lực, 65% thuế nhập khẩu đang áp dụng đối với hàng hóa xuất
khẩu từ Liên Hiệp Châu Âu sẽ được xóa bỏ ngay ngày đầu tiên Hiệp định có hiệu lực
và các dòng thuế còn lại sẽ được gỡ bỏ dần trong thời hạn 10 năm. Đây thật sự
là một luồng sinh khí cho các doanh nghiệp Pháp, là những cơ hội cho doanh nghiệp
Pháp đang hợp tác với Việt Nam để đầu tư vào Việt Nam.
Dĩ nhiên, phía Việt Nam cũng ủng hộ hiệp định thương
mại này vì đối với Việt Nam, đây cũng là cơ hội để xuất khẩu và đầu tư vào Liên
Hiệp Châu Âu. Cần nhắc lại là Liên Hiệp Châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trọng
thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
RFI
: Để có thể hưởng mọi lợi ích mà EVFTA mang lại, Việt Nam cần phát triển
gì về mặt tư pháp và cơ sở hạ tầng ? Đâu là thuận lợi của Việt Nam so với các
nước khác trong khối ASEAN ?
Đại
sứ Lortholary : Trước hết, cần nhấn mạnh rằng Việt Nam sắp trở
thành quốc gia duy nhất, cùng với Singapore, trong khối ASEAN, được hưởng phạm
vi thương mại thuận lợi cho cả đôi bên. Vì vậy, trong tương lai, những thời cơ
sẽ còn lớn hơn, quan trọng hơn rất nhiều so với hiện nay.
Tôi đơn cử một ví dụ. Vấn đề “tên gọi châu
Âu được bảo vệ” - như đối với rượu vang và pho mai Pháp, tất cả những
gì liên quan đến bảo vệ bản quyền trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, sẽ được bảo đảm. Như
đối với lĩnh vực chế biến thức ăn Pháp, hiệp định này sẽ là bằng chứng bảo đảm
hàng xuất khẩu sang Việt Nam không bị nguy cơ làm nhái hoặc làm giả.
Tóm lại, chúng tôi đã tham khảo ý kiến những doanh
nghiệp châu Âu hiện có mặt Việt Nam, đối với khoảng 93% trong số họ, Hiệp định
Tự do Thương mại này sẽ mang lại lợi ích cho hoạt động của họ. Đây là một sự
thay đổi sâu sắc, vừa về bản chất, vừa về quy mô của các hoạt động thương mại của
Liên Hiệp Châu Âu, từ Pháp sang Việt Nam và theo chiều ngược lại, từ Việt Nam
sang châu Âu.
RFI
: Pháp có những điểm mạnh nào khi đầu tư vào Việt Nam ?
Đại
sứ Lortholary : Điều mà tôi có thể nói, đó là cho tới nay đã
có 300 doanh nghiệp Pháp đầu tư vào Việt Nam và lập các chi nhánh trong rất nhiều
lĩnh vực khác nhau vì chúng tôi có khả năng và có tham vọng đáp ứng mọi nhu cầu
lớn hiện nay của Việt Nam, như trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, như
phương tiện trên không (máy bay, sân bay), giao thông đô thị (tầu điện ngầm, tầu
hỏa), rồi còn phải kể đến đường xá, cảng biển, lĩnh vực năng lượng hoặc lĩnh vực
phân phối, chế biến lương thực mà tôi đã đề cập ở trên, dược phẩm, mỹ phẩm.
Chúng tôi có những đề xuất phù hợp với nhu cầu của Việt Nam ngày nay.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp và đất nước chúng
tôi, Việt Nam còn là một thị trường ưu tiên vì đó là một thị trường có sức phát
triển mạnh với tỉ lệ tăng trưởng 7%, ổn định từ năm này sang năm khác. Đồng thời,
Việt Nam còn có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nên xuất hiện những nhu cầu,
khát vọng tương ứng. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Pháp thâm nhập vào
thị trường Việt Nam ngày nay.
Tôi đưa thêm một ví dụ khác. Khi thủ tướng Pháp
Edouard Philippe thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2018, tháp tùng ông là
70 doanh nghiệp Pháp và nhân chuyến thăm này, các doanh nghiệp hai bên đã ký
nhiều hợp đồng với tổng trị giá hơn 10 tỷ euro. Sự năng động là rất mạnh và
chúng tôi mong muốn thúc đẩy thêm nữa.
RFI
: Có thông tin cho rằng tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến thăm Việt
Nam. Xin ngài cho biết rõ hơn !
Đại
sứ Lortholary : Tổng thống Pháp đã thông báo ý định đến thăm
Việt Nam. Chúng tôi đang làm việc về chuyến thăm rất quan trọng này.
Về phía Pháp, chúng tôi tiếp đón nhân vật quan trọng
thứ ba của Việt Nam, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tới thăm Pháp và bà
có nhiều cuộc hội đàm cấp cao với chính quyền Pháp.
RFI
tiếng Việt xin trân thành cảm ơn ngài đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand
Lortholary !
*****
EVFTA : Hiệp định “tiến bộ và rất giá trị”
Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam sẽ xóa bỏ
thuế quan đánh vào rất nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Liên Hiệp Châu
Âu, có hiệu lực ngay lập tức và từng bước trong thời hạn từ 3 đến 7 năm, như vải
vóc, gần như toàn bộ máy móc, xe máy phân khối lớn, xe hơi, phụ tùng xe hơi, gần
một nửa các loại dược phẩm châu Âu xuất sang Việt Nam, sản phẩm hóa học, vang
và đồ uống có cồn, thịt lợn đông lạnh, sản phẩm sữa, nguyên liệu thực phẩm, thịt
gà...
Tuy nhiên, đối với các nông phẩm nhạy cảm, Liên Hiệp
Châu Âu không mở cửa hoàn toàn thị trường cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong
đó có một số mặt hàng như gạo, ngô, tỏi, các loại nấm, trứng, đường…
Một số mặt hàng của Việt Nam sẽ được gỡ bỏ thuế
trong thời hạn chuyển tiếp có thể lên đến 7 năm, như lĩnh vực may mặc và sản xuất
giầy. Theo các quy định về nguồn gốc, vải sử dụng trong ngành may mặc phải có
xuất xứ từ Liên Hiệp Châu Âu, Việt Nam hoặc Hàn Quốc - nước đã ký với Bruxelles
một thỏa thuận thương mại - nhằm tránh vải từ một nước không có thỏa thuận với
Liên Hiệp Châu Âu lách vào thị trường chung của khối qua ngả Việt Nam.
Về lĩnh vực đấu thầu, Hiệp định Tự do Thương mại cho
phép các công ty của Liên Hiệp Châu Âu có được nhiều quyền lợi mà các doanh
nghiệp của các nước khác không được hưởng, như tham gia đấu thầu các dự án của
các bộ ngành, công ty quốc doanh lớn ở Việt Nam, cũng như hai trung tâm lớn là
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Cuối cùng, yếu tố bảo vệ chuẩn mực xã hội và bảo vệ
môi trường cũng được đặc biệt nhấn mạnh trong một chương riêng của hiệp định
dành nói về thương mại và phát triển bền vững, kèm theo một danh sách dài các
cam kết.
Hai Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu
tư với Việt Nam được bà Cecilia Malmström, cao ủy về Thương mại của Liên Hiệp
Châu Âu, đánh giá là “rất tiến bộ và rất giá trị... Thông qua hai hiệp
định này, chúng ta (Liên Hiệp Châu Âu) cũng sẽ lan tỏa các
tiêu chuẩn cao của châu Âu cũng như tạo ra các cơ hội để thực hiện những thảo
luận có chiều sâu về quyền con người và bảo hộ công dân".
Đối với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker,
Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam “mang
lại những lợi thế và lợi ích chưa từng có trong tiền lệ cho các công ty, người
lao động và người tiêu dùng ở châu Âu và Việt Nam".
--------------------------------------------
XEM THÊM :
O9/04/2019
Phạm
Chí Dũng 09/04/2019
No comments:
Post a Comment