07/12/2018
Thanh niên vừa thôi chức 13 nhân sự không phải là đảng
viên của đảng Cộng sản.
Đến hẹn lại lên. Sau khi nộp Báo cáo quốc gia về
nhân quyền chu kỳ 3 lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 22/10/2018,
chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ phải giải trình và đối thoại về báo cáo này tại
Liên hợp quốc vào ngày 22/1/2019.
Nhưng khác với vài lần báo cáo xuê xoa và thông qua
cũng xuê xoa từ lúc Việt Nam được Liên hiệp quốc dành cho một cái ghế trong hội
đồng nhân quyền của cơ quan này vào tháng Mười Một năm 2013, tháng Giêng năm
2019 chắc chắn sẽ là đợt sát hạch căng thẳng nhất, thậm chí còn được ‘khuyến
mãi’ vài động tác chế tài thương mại từ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, sau
khi xuất hiện một nghị quyết của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 lên án mạnh
mẽ chưa từng có về quá nhiều vụ Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng ngay cả
sau khi chế độ này chính thức trở thành ‘người bảo vệ quyền con người’.
Hiện tượng
‘báo đảng’ Thanh niên
Bắt đầu từ tháng Mười năm 2018, một đợt truyền thông
PR cho ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’ lại được đảng chỉ
đạo cho khối báo chí quốc doanh cắm đầu cúc cung phục vụ.
Nhưng hiện tượng đặc biệt xảy ra vào lần này và khác
với những chiến dịch PR nhân quyền trước đây là không phải báo đảng, mà chính
là tờ Thanh Niên đi tiên phong với tựa đề ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2%
khuyến nghị về nhân quyền’.
Tờ báo này dẫn lời của quan chức Hoàng Thị Thanh Nga
- Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), tự đánh giá rằng bản
báo cáo về nhân quyền của Việt Nam “được xây dựng rất công phu với sự tham gia
của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định
chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”… Tại UPR chu kỳ 2
vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182/227 khuyến nghị nhận được và đến nay đã
thực hiện xong 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của
chu kỳ 1 năm 2009… Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh
quền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp
2013, bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự... Về các quyền dân sự, chính trị, Việt
Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng,
tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt
hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2015 – 2017, cũng đã có 5 cơ sở
đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Việt Nam cũng hiện có 857 cơ
quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số),
58 triệu tài khoản facebook...
Vào tháng Mười Một năm 2018, Thanh Niên đã chính thức
trở thành ‘báo đảng’ sau vụ việc chưa từng có tiền lệ của tờ báo này lẫn làng
‘báo chí cách mạng Việt Nam’ khi cho thôi chức, mà thực chất là cách chức, đối
với 13 nhân sự làm việc cho Thanh Niên vì những người này không phải là đảng
viên của đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam.
Tựa đề ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị
về nhân quyền’ cùng những nội dung tràn đầy ‘tính đảng’ trong bài viết này của
báo Thanh Niên càng chứng tỏ tờ báo này đã có một cú chạy phi mã và bốc hỏa
tham vọng chính trị trên cung đường biến thành công cụ tuyên truyền đắc lực cho
đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền trên dải đất chữ S sôi sục và tàn bạo nạn
cường hào ác bá từ cấp trung ương xuống các địa phương.
Vậy trong thực tế chính thể độc trị ở Việt Nam đã ‘cải
thiện nhân quyền’ theo các khuyến nghị của các nước thành viên trong Hội đồng
Nhân quyền Liên hợp quốc như thế nào?
Nuốt lời
và làm ngược lại!
Đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho lời
cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá nhiều
bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên
của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp
truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ
mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết
Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra
quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân
biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số
trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại
quá hiếm hoi.
Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng
lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm
quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắc máu đối với hơn
ba chục người hoạt động nhân quyền, chủ yếu thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội Anh
Em Dân Chủ - một hội đoàn độc lập đã giúp cho người dân các tỉnh miền Trung
cách thức phản đối thảm họa xả thải của Formosa và chống lại sự bao che lộ liễu
của giới quan chức trung ương. Chiến dịch đó tuy có thuyên giảm đôi chút do bị
cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt từ đầu năm 2018 đến nay, nhưng cái đuôi của
nó vẫn còn ngắc ngoải đà bắt bớ chưa hề muốn dừng lại đối với giới đấu tranh
dân chủ nhân quyền.
Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp
nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng
độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt
Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối
với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng
nói bất đồng về quan điểm chính trị.
Đúng vào khoảng thời gian chính quyền Việt Nam đệ
trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên hiệp quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do
tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ
Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không
thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách
nhiễu, hành hung và đấu tố…
Lời chứng
từ châu Âu
Nhưng đến lúc này - năm 2018, những hành vi lừa mị
và lừa đảo về ‘cải thiện nhân quyền’ đã bị nhìn thấu tim gan không chỉ bởi người
dân trong nước mà từ cả cộng đồng quốc tế.
Ngay cả khối Liên minh châu Âu - những nhà chính trị
mang thói quen vận động ôn hòa cho cải thiện nhân quyền ở Việt Nam và thường bị
giới lãnh đạo láu cá hứa trước quên sau ở Hà Nội ăn hiếp qua các cuộc đối thoại
nhân quyền giữa hai bên, từ giữa năm 2016 đến nay đã buộc phải thể hiện thái độ
phẫn nộ, nhưng phản ứng sắc nét hơn cả là bắt đầu thay đổi quan điểm từ thuyết
phục sang sẵn sàng chế tài thương mại.
Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc
đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình
cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định
thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị
quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn
cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755 (RSP)
công bố vào tháng Sáu năm 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP)
giống hệt một cáo trạng toàn diện và đang thép lên án chính thể độc đảng ở Việt
Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do
biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền,
không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Hội đồng
Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ làm gì?
Động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị
viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng
đồng châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để
quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.
Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm
rất rõ ràng của Nghị viện châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có
được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm
2019, rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối
quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử.
Ngay trước mắt là đợt sát hạch của Hội đồng Nhân quyền
Liên hợp quốc đối với Việt Nam trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát vào tháng
Giêng năm 2019. Nếu Việt Nam không ‘bảo vệ thành công’ (cách dùng từ của báo
Công An Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Công an - sau khi đoàn công tác của
Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng bộ này, kết thúc hai ngày giải trình trước
Ủy ban Chống tra tấn quốc tế mà không chịu thừa nhận bất cứ hành vi nào về rất
nhiều vụ tra tấn dã man của công an Việt Nam đối với người dân), một kết luận
tiêu cực hoặc rất tiêu cực của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ bổ túc một
cơ sở quan trọng, hoặc như một điều kiện cần, để Nghị viện châu Âu bỏ phiếu bác
thẳng thừng EVFTA trong cuộc họp vào tháng Ba năm 2019.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment