Hôm nay là ngày thứ 7 cuối cùng của năm 2018. Những
ngày cuối năm ngoài dư âm của cúp vô địch bóng đá tầm cỡ ao làng ra, đất nước
này không còn có gì vui.
Đáng buồn nhất là những thông tin liên quan đến
ngành giáo dục, nào là bạo hành, dâm ô, cắn thuốc…Rồi đến nợ công, nợ tuyến
metro. Mới đây nhất là vấn đề “quốc thể” với 152 công dân bỏ trốn. Thực sự làm
cho người ta chán nản!
Dĩ nhiên, truyền thông ở đâu cũng muốn giật gân bằng
tin xấu. Nhưng phải lưu ý 2 chuyện. Đầu tiên là “có bột mới gột nên hồ”. Không
có chuyện gì thì tin xấu phải dựa vào đâu mà có? Hai là chúng ta đang sống
trong nền báo chí cách mạng nặng tính tuyên truyền. Tin xấu ok cũng dễ lọt lưới,
miễn ít liên quan đến lãnh đạo và thể chế. Nhưng quan trọng hơn, báo chí cách mạng
luôn có 1 đặc trưng là rất hồ hởi với tin tốt, tin tô hồng vẽ đỏ. Báo chí cách
mạng là bậc thầy về ru ngủ, về ca ngợi… Ca đến mức sống sượng như thế kỷ 21 rồi
mà vẫn ca ngợi Tổng bí thư đi xe Cub mặc áo cũ sờn được thì còn cái quần gì mà
nó không ca?!
Thế nhưng, cuối năm vốn là thời điểm cần ca nhất mà
vẫn không có gì ca được, ngoài một câu phát biểu rất lố bịch không coi nhận thức
của ai ra gì bay ra từ chỗ ông Thủ tướng: Chưa bao giờ niềm tin của nhân dân
vào Đảng lớn như bây giờ. Tôi thật phải bái phục các ông lãnh đạo nước mình.
Thói quen cầm tờ giấy chúi mắt chúi mũi vào đọc không cần nhìn khán thính giả
đã luyện cho lãnh đạo xứ ta một làn da mặt rất dầy! Muốn nói gì nói, có nhìn thấy
thái độ của ai đâu mà lo, mà cảm thấy xấu hổ?
Tôi vẫn mong mục tiêu, kế hoạch mà các ông ấy đặt ra
nó phải lượng hóa rõ ràng đi! Ngắn gọn thôi! Ví dụ như GDP, GNP tăng bao nhiêu
%? Tỉ lệ thất nghiệp giảm bao nhiêu %? Tỉ lệ xóa nghèo được bao nhiêu %? Bội
thu ngân sách bao nhiêu %? Xuất siêu bao nhiêu %? Cán cân thương mại, XNK của
VN và các nước đối tác chiến lược tăng giảm bao nhiêu %?… Cứ tóm lược rồi công
bố cho dân chúng. Năm sau check lại năm trước.
Thực ra số liệu trong tay các ông cả! Làm cũng cho
vui thôi, múa số sao mà chả được? Nhưng ít ra nó cho thấy một chính phủ làm việc
khoa học. Chứ tôi sợ nhất là các bài phát biểu của cái ông Thủ tướng trông như
ông bán thịt heo mà lại rất sính chữ yêu thơ. Cửa miệng của ông ấy toàn là đầu
tàu với kiến tạo, đại bàng với diều hâu, hàng đầu với thức tỉnh,… sáo rỗng và
vô nghĩa! Một nhà lãnh đạo cảm tính sẽ dẫn đến quy trình làm việc cảm tính, kết
quả cảm tính, như đặc điểm của dân tộc ta, cảm tính, duy tình, kết quả thường
chả đi đến đâu nhưng vẫn tụm 5 tụm 3 ngồi ngửa mặt lên trời phun nước bọt khen
nhau: Bọn mình tài đến thế là cùng!
Với một bộ máy như thế, trong bối cảnh thế giới người
ta đã phát triển đến thế nào? Rồi cơ hội tiếp cận thông tin đã mở rộng thế nào?
Khiến cho dân chúng đã biết so sánh. 10 năm trước, đa số người ta nghĩ VN phát
triển vậy là vui rồi. Nhưng 10 năm sau người ta đã hiểu biết hơn, đi đây đi đó
nhiều hơn. Người ta đã nhận ra, trong một con đường phát triển chung thì thiên
hạ vẫn chạy và VN đang bò. Dù chúng ta có tiến bộ, nhưng cái tiến bộ của chúng
ta, so với thế giới xung quanh, có là cái gì đâu?
Cho nên, làn sóng di cư trong những năm gần đây, cả
hợp pháp và bất hợp pháp chính là do người ta nhìn ra sự khác biệt đó, quá lớn.
Người
dân chọn lưu vong cuối cùng là vì cái gì? Chỉ vì 2 chữ: CƠ HỘI.
Cơ hội cho con cái học hành, trở thành những công
dân lành mạnh. Không phải lớn lên trong một môi trường văn hóa giáo dục mà ai
cũng chán nản như hiện nay. Cơ hội cho bản thân làm ăn kiếm tiền, thoát khỏi
môi trường “lợi ích nhóm” trải dài từ trên xuống dưới. Cơ hội cho tư tưởng, cho
thái độ được tự do thoải mái, được nói điều mình nghĩ làm điểu mình thích mà
không bị kiểm duyệt, bắt bớ… Từ người trí thức cho đến nông dân, từ thương gia
cho đến thợ thuyền, cái cuối cùng mà tất cả mưu cầu, chỉ là cơ hội.
Vậy thì nhìn lại, tất cả những chính sách, những động
thái của chính quyền hiện nay, có nhằm tạo ra cơ hội không? Hay là triệt tiêu
cơ hội?
Mấy năm nay VN không có luật gì mới nhằm kích thích
phát triển kinh tế. Không có chính sách gì mới khiến xã hội nô nức phấn khởi.
Không có chủ trương gì hấp dẫn để mời gọi những nguồn lực trong và ngoài nước.
Cứ nói khơi khơi như mấy thằng điên: phải huy động mấy trăm tấn vàng trong dân,
phải có chứng chỉ vàng, phải chống diễn biến, phải bla bla bla… Nói khơi khơi vậy
tôi nói cũng được.
Cái quan trọng của nhà nước là những gì các ông muốn
phải được luật hóa, phải có cách, có chính sách lộ trình để biến mong muốn
thành hiện thực. Và mong muốn của các ông phải hợp với nhu cầu của xã hội. Chứ
cứ khơi khơi đòi huy động vàng cảm giác giống ngấm ngầm ăn cướp, không giống
chính quyền minh bạch kiến tạo.
Bên cạnh việc không có cái gì mới & tốt (2 yếu tố
của sáng tạo, kiến tạo), chính quyền có những thứ cũ/mới & xấu như nhau.
Thanh trừng nội bộ qua cách nói nôm na “đốt lò” để cứu lấy một đảng phái già
nua là cũ & xấu. Vì mục tiêu chả có gì tốt đẹp cả! Giải quyết xong nhóm này
chính là tạo cơ hội cho nhóm khác. Chứ trong thể chế độc tài thì mong gì trong
sạch, liêm khiết?
Còn cái tuy không mới lắm nhưng vẫn xấu xa tận cùng
là luật An Ninh Mạng. Nói văn vẻ là bảo vệ công dân thế này thế nọ. Nhưng rốt lại,
vẫn là nhằm bịt miệng những tiếng nói phản biện thôi. Tôi đã từng viết bài về
luật này, ở đây không nhắc lại nữa! Thực ra, công dân một nước loạn xà ngầu như
VN thì chả mấy thông tin cần bảo vệ đâu! Cùng lắm là bị bán số điện thoại để bọn
bán hàng nó mồi chài, chứ mấy ai có thông tin gì quan trọng? Đối tượng được bảo
vệ chặt chẽ nhất trong luật ANM chính là đảng & nhà nước.
Cho nên mới nói, cơ hội không được mở ra mà còn ngày
càng bóp nghẹt thì người ta còn ở VN để làm cái gì? 152 người trốn qua Đài Loan
ấy, cuối cùng thì cái họ muốn chỉ là cơ hội chứ họ có cần gì đâu?
Khi quê hương
không cho người ta cơ hội, thì người ta phải đi tìm cơ hội ở nơi khác, bằng mọi
cách.
Người nghèo ra đi đã đành, người giàu cũng đi. Họ
vét hết cả tiền bạc đem đi làm giàu cho chỗ khác. Lãnh đạo không thấy đau lòng
xót ruột sao? Hay người giàu ra đi ấy đa số là con cháu lãnh đạo, nên lãnh đạo
cứ để cho họ có cơ hội ở nơi khác? Còn ở chốn này, lãnh đạo tiếp tục bóp họng vặt
lông chúng tôi như những con vịt? Còn phải vặt từ từ cho không kêu nữa chứ!
Nghe hài rơi nước mắt.
Chuyện cuối năm nay của chúng ta là vậy, là sự trì
trệ không thay đổi của chính quyền dẫn đến sự triệt tiêu cơ hội đối với đa số
nhân dân.
No comments:
Post a Comment