Wednesday, 26 December 2018

NỖI TIẾC NUỐI CỦA CHÂU Á KHI BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MATTIS TỪ CHỨC (VnExpress Online)




VnExpress
Thứ tư, 26/12/2018

Sự ra đi của Mattis có thể khiến "bức tường niềm tin" của các nước châu Á vào cam kết với đồng minh, đối tác của Mỹ sụp đổ.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ rời nhiệm sở vào ngày 1/1/2019. Ảnh: Reuters.

2018 là một năm đầy bận rộn ở châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ông tới Singapore dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6 và có bài phát biểu quan trọng chỉ trích các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông tới thăm Việt Nam hai lần, tới Philippines vào tháng 11 và đưa ra những cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với hòa bình, ổn định ở khu vực, theo Citizen.

Dưới thời Mattis, tàu chiến Mỹ thường xuyên tiến hành các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trong khu vực. Không quân Mỹ cũng liên tục triển khai oanh tạc cơ B-52 và máy bay tuần thám P-8A Poseidon hoạt động ở Biển Đông, nhằm phát thông điệp mạnh mẽ về tự do hàng hải, hàng không trước các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia phân tích, những đóng góp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis trong thời gian qua góp phần củng cố rất lớn niềm tin của các quốc gia châu Á vào cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, sau những căng thẳng và bất an với nhiều phát ngôn "rút lui khỏi châu Á" của Tổng thống Donald Trump trong năm đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, với việc Mattis đột ngột nộp đơn từ chức và sẽ rời nhiệm sở vào ngày 1/1/2019, niềm tin đó có thể một lần nữa bị lung lay.

"Tôi cho rằng nhiều lãnh đạo ở Đông Nam Á và trên thế giới sẽ tròn mắt và thầm nghĩ ‘lại thế nữa rồi’ khi Mattis ra đi", Sean King, phó chủ tịch công ty tư vấn chính trị Park Strategies ở New York, nói. "Mattis là người khác biệt, bởi ông ấy nắm giữ vị trí mang tính quyết định trong chính quyền Trump và có niềm tin mạnh mẽ vào các đồng minh của Mỹ, điều được thể hiện rõ ràng trong thư từ chức ông gửi Trump".

Từ sau Thế chiến II, các đời tổng thống Mỹ đã dày công xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác rộng khắp ở châu Á, trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc tới đảo Đài Loan xuống Philippines, Singapore. Nhiều quốc gia trong khu vực gần đây cũng tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những hoạt động quân sự hóa quyết liệt trên Biển Đông, ngang nhiên thách thức luật pháp và dư luận quốc tế.

Những nỗ lực thúc đẩy quan hệ đó được hoan nghênh nhiệt thành bởi Mattis, người đặt niềm tin lớn vào sức mạnh của đồng minh, đối tác trong nỗ lực chống lại tham vọng của Bắc Kinh. "Rõ ràng những nước như Nga và Trung Quốc muốn định hình thế giới theo mô hình của họ, đặt lợi ích của họ lên trên các nước láng giềng, Mỹ và các đồng minh của Mỹ", Mattis viết trong đơn từ chức hôm 20/12. "Đó là lý do chúng ta phải sử dụng mọi công cụ quyền lực của Mỹ để tạo ra năng lực phòng thủ chung".

Theo Juang Kwei-bo, phó khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Chengchi ở Đài Bắc, các lãnh đạo châu Á nhận thấy "sự đáng tin" trong mối quan hệ giữa Mattis và các nước trong khu vực. Những thông điệp mà ông đưa ra khi tới thăm châu Á luôn cho thấy chính phủ Mỹ sẽ giúp đỡ các đối tác tăng cường năng lực bảo vệ lợi ích trên biển của mình.

"Ông ấy tạo được lòng tin vì ít nhất với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mattis làm những gì mình nói và luôn thể hiện sự chắc chắn khi tiếp xúc với lãnh đạo các nước, giúp niềm tin của các quốc gia vào vai trò của Mỹ không sụp đổ quá nhanh", Huang nói.

Trong bài viết trên SCMP, bình luận viên Ankit Panda cho rằng nhiều quốc gia châu Á coi Bộ trưởng Quốc phòng Mattis là biểu tượng cho sự liên tục trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trái ngược với những bất định trong các tuyên bố của Tổng thống Trump đối với khu vực.

Tại các diễn đàn Đối thoại Shangri-La mà Mattis tham dự trong hai năm qua, các khách mời đều rất hài lòng khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp tục khẳng định cam kết với trật tự khu vực dựa trên pháp luật, tự do hàng hải và hỗ trợ đồng minh. Với các lời nói và hành động đó, Mattis trở thành biểu tượng cho cam kết với đồng minh, đối tác trong khu vực của Mỹ, được ví như "tường thành" bảo vệ niềm tin vào Washington trước những "cơn bão" do Trump gây ra.

Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri La ở Singapore hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Chuyên gia King cho rằng khi Mattis ra đi, "bức tường thành" ấy sụp đổ trong thời gian ngắn, đẩy các quốc gia ở châu Á vào tình thế hoang mang trước tương lai. Việc Trump bất ngờ rút quân khỏi Syria và Afghanistan bất chấp sự phản đối của Mattis và Lầu Năm Góc có thể báo trước một điều rằng Tổng thống Mỹ và tân bộ trưởng quốc phòng của nước này sẽ tự tách mình hơn nữa với các đồng minh, đối tác ở châu Á. "Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này để lấp chỗ trống", ông nhận định.

Giới quan sát cho rằng các lãnh đạo châu Á trước mắt sẽ "thấp thỏm chờ đợi" xem chính sách của nước Mỹ với khu vực thời kỳ hậu Mattis sẽ ra sao, giống như những gì họ từng lo âu sau khi Trump nhậm chức đầu năm 2017.

"Tổng thống Trump đang quyết chiến với chính nội các của mình nên ông ấy có thể bị mất tập trung, khó có thể đưa ra bất cứ sáng kiến đối ngoại quan trọng nào", Alan Chong, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.

Panda đánh giá sự ra đi của Mattis là một mất mát lớn với các đồng minh, đối tác ở châu Á, đồng thời là một thắng lợi với Trung Quốc. Chiến lược quốc phòng và Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ được xây dựng dưới thời Mattis coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược của Washington, trong đó các đồng minh Mỹ đóng vai trò quan trọng để thực thi chiến lược này.

Mattis từ lâu cũng chủ trương duy trì quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Trung Quốc nhằm tránh các sự cố bất ngờ, đặc biệt chú trọng quan hệ cá nhân với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa. Người kế nhiệm ông khó có thể xây dựng được mối liên kết như vậy với các chiến lược gia Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng trên nhiều mặt trận.

Theo Panda, nếu tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ có quan điểm quyết liệt với Trung Quốc như Trump nhưng lại thiếu kinh nghiệm và sự khôn ngoan như Mattis, quan hệ Washington – Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ bước vào một thời kỳ mới đầy biến động và nguy hiểm, trong đó các quốc gia châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng trước cuộc đấu của hai ông lớn.

Thành Nguyễn

--------------------------------









No comments:

Post a Comment

View My Stats