27/12/2018
Việt Nam sẽ phải giải trình trước Liên Hiệp Quốc về
việc thực thi Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị và đây được coi là
một cơ hội cho người dân Việt Nam cung cấp thông tin cho Ủy ban Nhân quyền LHQ
về những vi phạm nhân quyền của quốc gia Đông Nam Á này.
Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam kiểm điểm trước LHQ
trong hơn 15 năm qua sau khi bỏ hai kỳ giải trình trước.
Để chuẩn bị cho buổi kiểm điểm, dự kiến diễn ra vào
ngày 11 và 12 tháng 3 năm 2019, Ủy ban Nhân quyền LHQ hôm 16/8 gửi cho Việt Nam
danh sách các vấn đề mà phía LHQ muốn Việt Nam giải thích đã thực thi công ước
này như thế nào. Danh sách này phần lớn dựa trên các bản báo cáo của các tổ chức
xã hội dân sự ở Việt Nam và hải ngoại cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế,
trong đó có các câu hỏi về vấn đề tra tấn, bắt giữ người tùy tiên, tự do biểu đạt,
tự do tín ngưỡng và tự do hội họp.
Ngày 26/11, Việt Nam đã gửi bản hồi đáp được đăng tải
trên trang web của Ủy ban Nhân quyền LHQ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình
Thắng – giám đốc điều hành của BPSOS, Ủy ban Cứu Người vượt biển, văn bản trả lời
của Việt Nam “rất thiếu sót và nhiều khi không chính xác.”
Theo TS Thắng thì do đó, một báo cáo thay thế đang
được các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế – trong đó có BPSOS – soạn
thảo để phản biện nhằm làm sáng tỏ những điểm mà nhà nước Việt Nam trình bày
không chính xác, hoặc không đầy đủ trước khi Ủy ban Nhân quyền LHQ thực hiện cuộc
kiểm điểm với Việt Nam vào giữa tháng 3.
Nhận định về những thiết sót trong văn bản trả lời của
Việt Nam cho các câu hỏi trong danh sách các vấn đề được LHQ đưa ra, TS Thắng
nói chính quyền Hà Nội dùng 3 phương thức để phủ nhận hoặc tránh né hoặc giải
trình sai sự thật.
“Thứ nhất, họ phủ nhận hoàn toàn. Chẳng hạn như khi
LHQ yêu cầu Việt Nam trả lời về việc ngược đãi, đàn áp tù nhân lương tâm thì
thay vì họ trả lời vào trọng tâm thì họ phủ nhận rằng Việt Nam hoàn toàn không
có tù nhân lương tâm và chấm hết. Thứ hai là Việt Nam tìm cánh giải thích tránh
né. Chẳng hạn như LHQ đặt câu hỏi về ‘hội cờ đỏ’ vì có hành vi khủng bố tinh thần,
đàn áp người dân, tấn công vào các nhà thờ của các giáo sứ ở giáo phận Vinh
trong thời gian qua, thì phía Việt Nam xác nhận có ‘hội cờ đỏ’ và xác nhận là họ
có lên án các vị linh mục nhưng lại giải thích rằng vì các vị linh mục này nói
đụng chạm đến các lãnh đạo Việt Nam và chế độ.”
Tại một cuộc họp báo ở Hà Nội hồi tháng 4 năm nay,
người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói “ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân
lương tâm.” Cũng trong năm qua, linh mục Đặng Hữu Nam, người từng nhiều lần lên
tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam về cách giải quyết thảm họa môi trường biển
do tập đoàn Formosa gây ra, bị thuyên chuyển khỏi giáo xứ Phú Yên và thậm chí
còn đối diện với việc trục xuất.
Với phương thức thứ 3, TS Thắng nêu ra một ví dụ để
cho thấy rằng Việt Nam nói đã hành động nhưng “kỳ tình không đúng thật như vậy.”
“Ví dụ các vụ đánh chết người trong các đồn công an
xảy ra rất nhiều và Việt Nam báo cáo rằng họ đã điều tra và khởi tố hai trường
hợp nhưng thực sự có nhiều trường hợp hơn như vậy rất nhiều và họ lờ đi.”
Vào tháng 11 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên bị chất
vấn ở LHQ về tình trạng tra tấn, chết trong đồn công an tại một phiên điều trần
của Ủy ban chống tra tấn LHQ. Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế HRW nhận định
rằng tình trạng công an bạo hành người bị giam giữ trong đồn công an đã đến mức
báo động ở Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, có ít nhất 10 trường hợp được
biết tới đã chết trong đồn công an.
BPSOS, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ về
các quyền dân sự và chính trị của người Mỹ gốc Việt, đang tìm cách đưa một số
thân nhân của các gia đình tù nhân lương tâm, của các nạn nhân bị tra tấn hoặc
chết trong đồn công an đến buổi kiểm điểm sắp tới về Việt Nam ở Ủy ban Nhân quyền
LHQ.
Các trọng tâm về những vi phạm nhân quyền của Việt
Nam mà các tổ chức xã hội dân sự muốn nêu ra trước Ủy ban Nhân quyền LHQ trong
kỳ kiểm điểm này, theo TS Thắng, gồm vấn đề tra tấn, tù nhân lương tâm, tự do
tôn giáo và tình trạng vô tổ quốc của người H’Mong và người Tây Nguyên theo đạo
Tin lành.
Buổi kiểm điểm của Việt Nam tại Ủy ban Nhân quyền
LHQ sẽ là cơ hội cho những người được xem như là nạn nhân của các sự vi phạm
nhân quyền một cách nghiêm trọng cũng như những người đấu tranh cho nhân quyền
của người khác ở trong nước cũng như ở hải ngoại để đòi hỏi chính quyền Việt
Nam phải giải trình, theo TS Thắng.
“Bình thường thì người dân không có thẩm quyền ấy ở
một đất nước độc tài nhưng qua thủ tục của LHQ về kiểm điểm thì người dân có
quyền không phải trực tiếp mà gián tiếp bằng cách cung cấp các thông tin, đưa
ra những ý kiến, đề nghị các câu hỏi cho Ủy ban Nhân quyền LHQ.”
Bên cạnh đó, TS Thắng cho biết, bản nhận xét kết luận
phần trả lời của Việt Nam từ LHQ sẽ được dùng để mang đi vận động với các chính
quyền, đặc biệt là Mỹ, để chế tài một số giới chức Việt Nam đã can dự vào các
trường hợp tra tấn hoặc đánh chết người trong đồn công an theo luật Magnistky.
No comments:
Post a Comment