Thứ Năm, 12/13/2018 - 12:29 — nguyentuongthuy
Tìm hiểu về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi,
người ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận con người. Hình: blog Nguyễn
Tường Thụy
Như vậy là còn hơn một năm nữa, súc vật nuôi sẽ được
hưởng “súc quyền” qui định ở Luật chăn nuôi vừa được quốc hội thông qua ngày
19/11/2018. Luật này hơn hẳn Pháp lệnh Giống vật nuôi mà nó sẽ thay thế về khoản
đối xử nhân đạo với vật nuôi. Theo đó, người chăn nuôi không được phép đánh đập
hành hạ vật nuôi, vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức
ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh. Đến ngay cả khâu giết mổ, qui định
cũng hết sức nhân đạo như hạn chế gây đau đớn, không để vật nuôi bị sốc về tâm
lý (không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ)....
Tìm hiểu về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi,
người ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận con người.
Quy định vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ
sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh khiến tôi lại
nghĩ đến từng đoàn dân oan khắp các tỉnh thành trong cả nước, ngủ vật vờ ở vườn
hoa, ở vỉa hè, thiếu thốn đủ mọi thứ. Đã thế, họ luôn bị xua đuổi, bị phun nước
nước vào cơm và đồ ăn. Nhiều gia đình đang sống bình thường, bỗng nhiên bị đuổi
ra khỏi nhà của mình để cưỡng chế mà không có cơ sở pháp lý nào. Khu 4,3 héc ta
ở Thủ Thiêm là một ví dụ.
Ở khâu vận chuyển, vật nuôi cũng phải được đối xử
nhân đạo như sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo
đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, gây sợ hãi cho vật nuôi. Điều
khoản này làm ta lại nhớ đến Bùi Thị Minh Hằng bị “vận chuyển” từ trại Thanh Hà
tận Phú Thọ bằng ô tô về Vũng Tàu. Chị cho biết, chị bị xích vào ghế ngồi trong
suốt quá trình “vận chuyển” trong đau đớn, khó chịu và bức xúc tột độ.
Không được làm cho vật nuôi sợ hãi, trong khi nhiều
người làm việc với công an dù đi theo giấy mời, giấy triệu tập hay bị bắt về đồn
thường bị khủng bố tinh thần như quát tháo phủ đầu, đe dọa, chửi bới, lăng mạ.
Trong nhiều cuộc biểu tình, không khí căng thẳng, sợ hãi mỗi khi bị đàn áp bốc
lên ngùn ngụt.
Vật nuôi được phòng bệnh và trị bệnh trong khi những
tù nhân lương tâm không được nhận chăn, áo ấm người nhà gửi trong những ngày
mùa đông lạnh giá. Khi bị bệnh, không được chữa trị hay đi bệnh viện kịp thời.
Cảnh 4,5 người chung một giường bệnh ở các bệnh viện là rất phổ biến.
Đọc đến đoạn không được đánh đập, hành hạ vật nuôi,
tôi vẫn còn nguyên căm phẫn khi nghĩ đến hình ảnh Lê Quốc Quyết bị công an lôi từ trong nhà
tôi ra ngoài sân. Một đám 5,6 tên tranh nhau đánh, giẫm đạp lên mình, lên đầu
anh. Mặt mũi anh sưng vều, be bét máu. Còn chị Dương Thị Tân kể chị bị tên Nguyễn Quang
Khoa trưởng công an xã Vĩnh Quỳnh quấn tóc mấy vòng dập đầu liên tiếp vào tường.
Đấy là chuyện hôm chúng lùng sục để bắt Nguyễn Phương Uyên ngày 25/9/2013. Rồi hình ảnh Trương Văn Dũng
bị đánh ngất trong trại Lộc Hà, máu me bê bết bị chúng khiêng ra vứt ở cổng trại
ngày 2/6/2013 còn ám ảnh những người biểu tình chống Trung Quốc cho đến tận bây
giờ. Ông Trịnh Xuân Tùng
cha của Trịnh Kim Tiến bị công an đánh chết chỉ vì khi vào bến, xe chưa dừng hẳn
đã bỏ mũ bảo hiểm ra. Kẻ đánh chết ông chỉ bị tù 4 năm. Giới luật sư cũng không
được an toàn khi tham gia vào các vụ kiện được cho là “nhạy cảm”. Họ bị đón đường
đánh, bị tước tài liệu, bị cướp phương tiện hành nghề. Câu chuyện “bụi Chương Mỹ”
giới quan tâm vẫn thường nhắc đến mỗi khi nói về tính nguy hiểm trong nghề luật
sư...
Người ta rùng mình ghê sợ khi một báo cáo tại Quốc hội
cho thấy chỉ trong 3 năm,
có tới 226 người chết trong các trại tạm giam, tạm giữ.
Có quá nhiều ví dụ về công an đánh đập người vô cớ
mà muốn lập hồ sơ đầy đủ thì phải tốn kém thời gian và dung lượng gấp nhiều
trăm lần mấy cái gạch đầu dòng trên đây.
Trong các kỳ họp Quốc hội hàng năm, người ta bàn bạc,
thảo luận đủ thứ thượng vàng hạ cám. Thế nhưng, không có phiên họp nào vấn đề
vi phạm nhân quyền đang trở nên ngày càng trầm trọng được đề cập.
*
Câu chuyện về “súc quyền” đang râm ran trên mạng xã
hội với đủ mọi chê bai, giễu cợt. Trong khi nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng,
thì Quốc hội thông qua những qui định chặt chẽ về chính sách nhân đạo đối với vật
nuôi. Tôi không nói những qui định ấy là không cần thiết. Có điều là, khi đưa
“súc quyền” vào luật, cần phải nghiêm túc xem xét xem nhân quyền đã đảm bảo
chưa và cần đưa ra các biện pháp để chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền đã
trở thành căn bệnh trầm kha.
Pháp lệnh Giống vật nuôi sẽ được thay bởi Luật chăn
nuôi khi Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tại sao Luật chăn nuôi lại thêm
hẳn một mục về “Đối xử nhân đạo với vật nuôi”? Phải chăng, nhân quyền ở VN đã
quá đẩy đủ nên người ta mới có thời gian quan tâm đến gia súc. Tôi cho rằng,
chính vì VN luôn luôn bị nhắc nhở về nhân quyền nên họ mới đưa tinh thần “Đối xử
nhân đạo với vật nuôi” vào luật. Để mỗi khi có ai đặt ra vấn đề nhân quyền ở VN
thì đã có câu trả lời: Ở VN, vật nuôi còn được đối xử nhân đạo như thế, huống
chi con người.
13/12/2018
No comments:
Post a Comment