Tại sao quá muộn? Phải chăng không có những tù chính
trị, những con người của lương tâm bị áp bức, những cộng đồng dân tộc hay tôn
giáo bị ngược đãi ở bất kỳ nơi đâu vào trước 1948? Thật ra, những nhóm nhỏ các
trí thức và những nhà hoạt động chính trị ở vài nơi đã làm hết sức để đánh động
công luận trước những thảm họa con người trên quy mô lớn, nhưng phạm vi của họ
cũng như tác động cụ thể của họ lên những người đưa ra quyết định đều hạn chế.
Ngày nay, mọi sự đã thay đổi. Nhờ nhịp độ nhanh
chóng của dòng thông tin, ý thức của mọi người đã được nâng cao. Ngày nay mối
quan tâm cho nhân quyền thuộc về chính sách của chính quyền ở tại nhiều nơi,
quan trọng nhất ở đất nước chúng ta. Các chính khách, viên chức cấp cao, và nhà
ngoại giao đều là những người bảo vệ đạo đức, mỗi người trong phạm vi trách nhiệm
cụ thể của mình. Họ cố gắng biết và để cho những người khác biết mỗi lần một
thành viên đối lập bị trừng phạt, một nhà báo bị bịt miệng, một người tù bị tra
tấn. Đàn áp chính trị và xã hội không còn liệm kín trong màn bí mật. Những tội
ác chống lại nhân loại thuộc về lĩnh vực chung. Rồi bắt đầu lên tiếng phản đối,
bắt đầu nghĩ đến trừng phạt.
Nhưng cho dù các cuộc phản đối không có kết quả,
chúng cũng không phải là vô ích; chúng là thông điệp gởi đến các nạn nhân: các
bạn sẽ không bị bỏ rơi, các bạn đã không bị lãng quên. Đối với người tù, không
có gì quan trọng bằng. Đối mặt với sức mạnh đe dọa, cưỡng bức, và khủng bố của
kẻ tra tấn, người tù chỉ sợ bạn bè bỏ rơi, xã hội bỏ mặc.
Về phương diện này, trận chiến phải tiếp tục. Hãy đọc
các báo cáo của chính phủ của chúng ta và của Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi
Nhân quyền Helsinki, hay của nhiều ủy ban khác nhau của Luật sư, và rồi bạn sẽ
không phải không buồn mà biết chắc chắn rằng vẫn còn có nhiều người tù lương
tâm trên thế giới, và tra tấn vẫn còn đang được dùng đến ở nhiều nơi.
Cho nên các nạn nhân vẫn còn cần đến đồng minh và bằng
hữu chẳng hạn như những người biên tập và các tác giả có bài viết trong sách
này. Qua việc bảo vệ họ, chúng ta tuyên bố rằng nhân quyền bao gồm không chỉ
quyền tự do và nhân phẩm, mà còn cả quyền đoàn kết.
Elie Wiesel (1928-2016) là nhà văn và giáo sư người
Mỹ gốc Romania. Ông đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1986.
Nguồn:
The
Universal Declaration of Human Rights: Fifty Years and Beyond . Edited
by Y. Danieli, E. Stamatopoulou, and C.J. Dias for the United Nations.
Amityville, NY: Baywood Publishing, 1999, p.3-4.
No comments:
Post a Comment