Tuesday, 4 July 2017

VỀ MỘT QUYỂN SÁCH LẠ (Nguyễn Đình Cống)




Nguyễn Đình Cống
Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Đó là quyển  :” THE GRAND FAILURE- The Birth and Death of Communism in the Twentieth Century “,  tác giả là  Zbigniew Brzezinski,  viết xong vào tháng 8 năm 1988, xuất bản ở New York đầu năm 1989. Bản dich ra tiếng Việt là : THẤT BẠI LỚN-  Sự  ra đời và cái chết của chủ nghĩa cộng sản ( CNCS) trong thế kỷ XX. Sách do Viện Thông tin Khoa học xã hội phát hành. Chịu trách nhiệm xuất bản : Phạm Khiêm Ích.  Những người dịch gồm : Phan Ngọc, Bùi Đình Thanh, Chu Khắc, Chu Đình Long, Ngô Thế Phúc. Đầu tiên sách chỉ mới được gửi đến một vài cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm nghiên cứu. Năm 1992 in  500 cuốn, không phát hành, ghi là Tài liệu phục vụ nghiên cứu, mật, không phổ biến. Mỗi cuốn được đánh số từ 001 đến 500, gửi cho ai quyển nào phải theo đúng danh sách. Trong bài “ Hưởng ứng giải Búa Liềm Vàng”  tôi có viết rằng ông Phan Diễn đã đặt 210 cuốn để phát cho các ủy viên BCH TƯ khóa VII. Tôi không thuộc loại được nhận sách theo tiêu chuẩn, gần đây, do vô tình kiếm được 1 cuốn rồi tìm hiểu qua một số người mà biết chuyện.  Đối với nhiều người đây là cuốn sách lạ, tôi xin viết vài lời về nó.

Tác giả người gốc Ba Lan, sinh năm 1928, gia đình sang Mỹ từ nhiều năm trước. Ông đã từng là cố vấn tối cao cho một số tổng thống Mỹ , đã nhiều lần đến các nước XHCN, tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia. Ông viết quyển sách này trong năm 1988, lúc Liên xô và các nước Đông Âu còn tồn tại, chỉ đang trong giai đoạn tái cơ cấu ( Perestroika) do  Gorbachov đề xướng. Brzezinski là một trí thức lớn, một chiến lược gia tầm cỡ, một thời bị các đồ đệ trung thành của Chủ nghĩa Mác Lê chửi rủa là “ tên chống cộng khét tiếng”, nhưng qua quyển sách này tôi thấy hiện lên một con người lương thiện, lỗi lạc, một người phản biện CNCS có đầy trí tuệ, công minh,  dựa trên những cứ liệu, sự kiện vững vàng  chứ không giống những kẻ chống cộng tầm thường , hồ đồ hoặc điên cuồng, mang đấy sắc thái thù hận.

 Brzezinski phân tích, nhận xét CNCS như nó vốn tồn tại, không vu cáo, không bịa đặt, không suy diễn. Ông  nhận xét rằng, ban đầu CNCS muốn xây dựng một xã hội thực sự công bằng, chống lại mọi áp bức, bóc lột, người dân được hưởng tự do, hạnh phúc. Mặc dầu CNCS  bị đa số nhân loại tẩy chay, nhưng nó cũng đã hấp dẫn được một số khá đông, từ tầng lớp vô sản đến thành phần trí thức, đặc biệt là tầng lớp trẻ. Tầng lớp vô sản đi theo CNCS vì nó giúp họ giành được quyền lợi vật chất . Thành phần trí thức  ban đầu ủng hộ CNCS vì nhận thấy tính chất nhân văn cao đẹp mà nó hứa hẹn. Thế nhưng CNCS đã mang sẵn trong nó những mầm mống hủy diệt và rồi sự sụp đổ của nó là không thể tránh khỏi mà  nguyên nhân cơ bản là  KÉM TRÍ TUỆ.

CNCS do Mác đề xướng. Theo tôi,  ban đầu nó  như là một vấn đề triết học, một học thuyết kinh tế. Về triết học, điều cơ bản và quan trọng đầu tiên là đánh giá con người. Mác cho rằng con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, đó là một đánh giá lệch lạc, thiếu sót. Từ đó mà Mác đã suy luận ra một số kết luận không phù hợp thực tế. Về kinh tế và xã hội Mác cho rằng nhiều thứ xấu xa trên đời là do sự chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất tạo nên, vậy xóa bỏ chiếm hữu tư nhân sẽ làm cho xã hội tốt đẹp. Đó là một nhận xét phiến diện, dẫn đến một số chủ trương sai lầm.

Chế độ XHCN, giai đoạn đầu của CNCS, được Lê Nin gây dựng, Stalin kế tục, Mao Trạch Đông và nhiều lãnh tụ các Đảng CS khác thực hiện, tất cả đều tuyên bố là của dân, do dân, vì dân , nhưng thực tế ở tại tất cả các nước XHCN chế độ được các ĐCS áp đặt mà không hề hỏi xem dân có đồng ý chọn lựa nó hay không.  Cái nguy hại của chế độ XHCN  được để lại từ thời Lê Nin là tập trung quyền lực chính trị chỉ vào tay một số người và hành động dựa trên khủng bố.  Sử dụng lực lượng hùng hậu của công an nổi và chìm, do thám và đàn áp, các ĐCS cầm quyền đã gây nên nỗi sự hãi trong dân, biến họ thành những kẻ ngoan ngoãn khuất phục. Ngoài ra còn dựa trên sự tuyên truyền chủ yếu là bịa đặt, dối trá.

Sách của Brzezinski  phổ biến công khai toàn thế giới, nhưng khi vào VN thì thành tài liệu mật, chỉ dành cho một số cán bộ nghiên cứu. Người ta tin rằng những cán bộ đó đã được thấm nhuần sâu sắc , đã có lòng tin sắt đá, có lòng trung thành vô hạn vào CNCS, họ đã được miễn dịch với mọi lời tuyên truyền chống cộng, họ cần nghiên cứu để biết thủ đoạn kẻ thù. Thế nhưng rồi đa số người nhận được sách đã không đọc, họ ngại  đọc những quyển sách dày hoặc họ bận rộn vào những công việc thực tế. Một số ít người đã đọc kỹ  và ngộ ra được nhiều điều mới lạ. Tuy ghi là tài liệu mật- không phổ biến, nhưng rồi một số cuốn cứ được lọt ra ngoài và cung cấp thêm thông tin cho những đầu óc muốn tìm sự thật.

Trên thế giới sách Thất Bại Lớn gây ra hứng thú cho nhiều người và nó cũng gặp phải sự chống trả của một số nhà lý luận Macxit. Trong bản tiếng Việt có đưa vào phụ lục bài “ Phê phán cuốn sách Thất Bại Lớn”, tác giả là Ohara Koichi, một lý thuyết gia của ĐCS Nhật. Ohara cho rằng lập luận nghèo nàn và lệch lạc của Brzezinski muốn biến một số sai lầm của Liên xô thành bản chất của CNXH và CNCS, rằng  Brzezinski đã  xuyên tạc, bóp méo về Lê Nin. Một bài khác “ Chủ nghĩa Xã hội đang khủng hoảng nhưng không sụp đổ”, bài của  Shakhnazarov.

Năm 1988 Brzezínki  dự đoán là CNCS sẽ sụp đổ trong thời gian tới, ông đưa ra một số kịch bản cho sự sụp đổ. Nhưng rồi chỉ chưa đầy 1 năm sau, sự sụp đổ thật sự xẩy ra từ Ba Lan, các nước Đông Âu và cuối cùng là Liên xô vào năm 1991.

Brzezinski có đưa ra so sánh mô hình nhà nước kiểu Stalin thuộc  CNCS và kiểu Hitler, thuộc chế độ phát xít . Đó là hai chế độ có tổ chức và cách quản lý, cách điều hành gần giống nhau, chỉ khác ở chỗ một bên tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp, một bên dựa trên quan điểm chủng tộc, Cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Phát xít Đức là cuộc chiến huynh đệ tương tàn.( Điều này sẽ thấy rõ hơn khi đọc sách “ Chế độ phát xít” , tác giả Zeliu Zelev, tổng thống của Bungari thời hậu CS )

Brzezinski nhận định CNCS tất yếu phải sụp đổ vì  KÉM TRÍ TUỆ, thể hiện ra ở rất nhiều mặt. Chủ trương đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, độc quyền toàn trị, đàn áp bất đồng v.v…suy cho cùng đều từ nhận thức sai do kém trí tuệ.

Tôi đoán là nhiều người trong Bộ Chính trị, trong Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương, trong Hội đồng lý luận của Đảng chưa được đọc quyển sách này. Ngoài ra về CNCS còn có quyển “ Giai Cấp Mới” của Milovan Djilas ( nhân vật số 2 của ĐCS Nam Tư ), đó cũng là quyển khá hay và lạ, rất nên biết. 

Nếu các vị muốn biết 3 quyển sách trên ( Thất bại lớn, Chế độ phát xít, Giai cấp mới ) mà ngại tìm đọc thì  xin tổ chức vài  buổi để nghe, nên mời người bất đồng chính kiến và nắm vững nội dung đến thuyết trình. Không nên giao việc này cho các trí thức của Đảng có đầu óc đã xơ cúng vì nhét đầy CNML, họ sẽ rất khó trình bày đúng nội dung  , có nhiều khả năng họ hiểu sai hoặc cố tình bóp méo. Tốt nhất là kết hợp thuyết trình và đối thoại một cách thật sự công bằng giữa những người có quan điểm bất đồng về CNML, CNCS. 

Tôi sẵn sàng tham gia thuyết trình và những đối thoại như vậy với quan điểm cho rằng CNCS là lầm lạc kỳ lạ nhất về chính trị và trí tuệ của nhân loại ở thế kỷ 20.





No comments:

Post a Comment

View My Stats