Friday 14 July 2017

RFI ĐIỂM BÁO : VỞ KỊCH NGOẠI GIAO TRUMP - MACRON : AI THẮNG AI ? (Tú Anh)




Đăng ngày 14-07-2017

Donald Trump tại Paris, Nobel Hoà Bình Trung Quốc Lưu Hữu Ba từ trần trong lúc bị giam cầm, hải quân Trung Quốc vươn đến châu Phi, giới bảo vệ môi trường bị ám sát mỗi năm mỗi nhiều là những chủ đề trên các nhật báo Pháp phát hành trong ngày lễ quốc khánh 14/07.

Hai tổng thống Pháp, Emmanuel Macron (T) và Mỹ, Donald Trump, trên đại lộ Champs Élysées, ngày Quốc Khánh Pháp, 14/07/2017. Reuters

Trang nhất của Le Monde đăng tấm ảnh lớn tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân từ Air Force One bước xuống cầu thang kèm với tựa : Đánh cược ngoại giao của Macron. Tổng thống Pháp muốn giúp khách mời thóat khỏi thế cô lập trên trường quốc tế. Bằng cách nào ? Le Figaro trả lời : như hai người bạn, trích nguyên văn tuyên bố của tổng thống Macron trong cuộc họp báo chung từ Điện Elysée. Một cách sát thực tế hơn, Libération đặt câu hỏi : liệu Macron sẽ thành công « dỗ ngọt » nhân vật bị xem là « kẻ bị quốc tế ruồng bỏ » từ bỏ xu hướng « nước Mỹ co cụm » hay không ?

« Một người Mỹ tại Paris ».
Câu trả lời trải rộng trên hai trang của nhật báo cánh tả kèm theo hai bài xã luận trình bày các quan điểm đối chọi nhau : ai có lợi trong vở kịch « một người Mỹ tại Paris ».

Về phía Mỹ, theo nhà báo Isabelle Hanne từ New York, khi đồng ý đến Paris theo lời mời của tổng thống Pháp, ông Donald Trump, một người từng lên giọng chê Paris « là thành phố nguy hiểm mất hết ánh sáng quyến rũ » sẽ có cơ hội điều chỉnh lại thái độ chống Pháp. Thứ hai, đây là dịp để chủ nhân Nhà Trắng tạm tránh né tai tiếng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 mà nhiều chi tiết mới vừa rộ lên. Làm sao mà Donald Trump, một người hâm mộ xem diễn binh có xe tăng, kỵ binh, máy bay quân sự, có thể từ chối tham dự lễ quốc khánh Pháp. Nhưng quan trọng hơn hết, hai nước Mỹ-Pháp có quan hệ chặt chẽ và lâu đời, từ tình báo, an ninh đến thương mại. Tổng thống Trump và Macron, tuy quan điểm khác biệt nhau trên nhiều lãnh vực nhưng quyền lợi chung của hai nước vượt lên trên những dị biệt cá nhân. Cả hai cùng lập trường trên hồ sơ Syria và chống khủng bố. Những cú bắt tay trên khán đài danh dự trong buổi lễ diễn binh sẽ « xác định phục hồi sự vĩ đại cho nước Mỹ ». Trump thắng 0-1.

Về phía Pháp, Guillaume Gendron ở Paris cho rằng mỗi khi đón các con ngáo ộp quốc tế, từ Putin cho đến Trump, tổng thống Macron không ngại tốn thời gian và phương tiện. Mời tổng thống Trump sang Paris là để bàn thảo về những cuộc can thiệp viễn chinh. Điện Elysée gần như là tìm cách « tác động tâm lý, giựt dây » tổng thống Trump. Sau hai động thái, « bóp nát » máy ngón tay tổng thống Mỹ ở thượng đỉnh NATO và tuyên bố theo kiểu trên cơ « làm cho địa cầu vĩ đại hơn » đáp lại « nước Mỹ vĩ đại », khiến Nhà Trắng nhức nhối, chủ nhân Điện Elysée thay đổi cung cách.

Tại G20, Macron bày tỏ ân cần với Trump nhiều lần trước ống kính truyền thông và ngày thứ Năm (13/07), khi bước xuống chiếc xe limousine trong sân viện bảo tàng quân đội Invalides, tổng thống Mỹ được tổng thống Macron đón tiếp bằng cú bắt tay thân ái và được phu nhân Brigitte hôn má hai lần. Đối với tổng thống Trump, đồng nhiệm nhỏ tuổi của ông « là một tay cừ khôi không dễ ăn hiếp ». Hoà 1-1.

Trump vẫn hơn Tập và Putin
Sự kiện tổng thống Pháp mời Donald Trump dự lễ quốc khánh nhân kỷ niệm 100 năm Hoa Kỳ gửi quân tham gia Thế Chiến Thứ Nhất bên cạnh quân đội Pháp, cũng tạo ra một số phản ứng chống đối, tuy thiểu số. (60% dân Pháp ủng hộ, theo môt kết quả thăm dò).

Xu hướng trách Macron thể hiện qua bài xã luận « Sai lầm » : Lẽ ra tổng thống Pháp chỉ nên mời Donald Trump là đủ rồi cần gì phải tiếp đón với lễ nghi trọng thị. Cố lôi kéo một người như Trump vào Hiệp Định Khí Hậu COP21 chỉ gây ô nhiễm thêm ở bên trong. Công luận Mỹ ủng hộ Trump không hiểu được thông điệp mà Pháp dành cho tổng thống của họ qua các nghi thức trọng thị này.

Đương nhiên, đây không phải là ý kiến của phe ủng hộ. Bài « Lãnh đạo » của Libération nhận định : Người ta có thể nói rằng đón tiếp ông Trump bằng nghi thức huy hoàng là chướng mắt. Tuy nhiên, ý muốn kéo tổng thống Mỹ ra khỏi xu hướng co cụm là ý hay. Đón tiếp ông ấy trong khi mọi người ghét bỏ là một cách thu phục nhân tâm. Nói thì có vẻ phóng đại nhưng đối với những người « đầu có sạn » như Trump thì biện pháp này sẽ thành công.
Trên những vấn đề quốc tế như Syria, khí hậu, phòng thủ , thương mại quốc tế thì thế giới cũng như nước Pháp và châu Âu cần có Hoa Kỳ. Lẽ nào lại trao vận mệnh thế giới cho Putin và Tập Cận Bình mà chúng ta đã thấy họ cư xử như thế nào với những tiếng nói phản biện. Donald Trump cao giá hơn những định kiến về ông ấy.

*
Lưu Hiểu Ba : liệt sĩ dân chủ
Lưu Hiểu Ba, liệt sĩ « hiền lành » tranh đấu cho dân chủ tại Trung Quốc. Lưu Hiểu Ba, tiếng nói tự do bị giam cho đến phút cuối cùng. Le Figaro và Libération đồng loạt loan tin khôi nguyên Nobel Hoà Bình 2010 từ trần sau 8 năm giam cầm tại Trung Quốc .

Nhật báo cánh hữu nhắc lại những chặng đường ghi dấu ấn của nhà ly khai mà đảng Cộng Sản Trung Quốc xem là « kẻ thù số một ». Le Figaro nhấn mạnh Lưu Hiểu Ba là người được giải Nobel Hoà Bình thứ hai trên thế giới chết trong nhà tù, sau Carl von Ossietzki, nạn nhân của chế độ diệt chủng của Hitler năm 1938.

Đồng tác giả Hiến Chương 08, dựa theo tinh thần Hiến Chương 77 của nhà lý khai, tổng thống tương lai của Tiệp Khắc Vaclav Havel, bị kết án 11 năm tù vào năm 2009.

Với quy chế « kẻ thù số một », Lưu Hiểu Ba không được một khả năng giảm án nào từ một chế độ bị run sợ viễn ảnh xảy ra một Thiên An Môn thứ hai.

Người vợ của ông, nhà thơ Lưu Hà, cũng bị truy bức đến tận cùng. Năm 2013, bà viết cho chủ tịch Tập Cận Bình một bức thư như sau : Tôi bị tước đoạt tự do. Không ai giải thích vì sao tôi bị quản thúc. Tôi đành kết luận rằng ở nước này, làm vợ Lưu Hiểu Ba là một trọng tội ».

Libération, cũng thuật lại những nét chính trong cuộc đời nhà tranh đấu « can trường với một sứ mệnh cao cả » đem lại tự do cho một nước Trung Hoa mà ông yêu mến đến mức từ bỏ chiếc ghế giáo sư thỉnh giảng đại học Colombia, New York, ở tuổi 33, quay về Trung Quốc tham gia phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh.

Trong phần kết luận, nhật báo cánh tả nhấn mạnh câu mở đầu của Hiến Chuơng 08 : Mỗi người khi sinh ra đều mang sẵn những quyền về tự do và nhân phẩm ». Cho đến phút sau cùng, nhà thơ phản kháng nhưng ôn hoà bị tước đoạt hết các quyền tự nhiên này. Trong một bức ảnh sau cùng, do bạn hữu ghi lại, Lưu Biểu Ba ôm chặt người bạn đời, thủy chung cho đến phút cuối đời trong lao tù.

*
Căn cứ Djibouti không phải là « dự án cuối cùng » của Bắc Kinh
Sự kiện Trung Quốc đang chuyển quân sang trấn đóng căn cứ ở Djibouti ở sừng châu Phi –trên hai quân hạm Tỉnh Cương Sơn và Đông Hải Đảo- được phân tích ra sao ? Theo Le Monde, đây là một bước ngoặt từ khi Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách « thao quang dưỡng hối » ( ẩn trong bóng tối) khiêm tốn để tiến tới. Trong ba năm qua, Bắc Kinh công khai xây dựng căn cứ quân sự tại Biển Đông, hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ hai hồi tháng tư. Trước đây, Trung Quốc chỉ kỳ vọng vào đầu tư ở một số bến cảng cho thương thuyền và tàu chở dầu dọc theo con đường chiến lược từ Hoa lục ngang qua Miến Điện, Sri Lanka, Pakistan đến kinh đào Suez ở Ai cập Tại Djibouti. Giới phân tích vẫn đặt câu hỏi Trung Quốc sẽ sử dụng các « thương cảng » này như thế nào khi bị khủng hoảng?

Tại Djibouti, căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc nằm không xa căn cứ Lemonnier của quân đội Mỹ. Đây là cơ hội để hai bên rình rập nhau nhất là Trung Quốc có điều kiện để « học nghề » của Mỹ.

Theo giải thích của ngoại trưởng Vương Nghị thì Trung Quốc cần đáp ứng « những nguyện vọng của các quốc gia chủ nhà trong những khu vực tập trung những quyền lợi của Trung Quốc ». Nhưng chữ « những » của ngoại trưởng Trung Quốc được giới quan sát diễn giải : căn cứ ở Djibouti không phải là dự án quân sự duy nhất của Bắc Kinh.

*
Máu đổ vì môi trường xanh
Hành động sát hại những người tranh đấu bảo vệ môi trường trước quyền lợi của giới khai thác mỏ và dầu khí xảy ra ngày cành nhiều. Châu Mỹ La-tinh và châu Á là hai nơi máu đổ nhiều nhất, theo bản báo cáo thường niên của cơ quan Global Witness.

Bảo vệ môi trường, tại một số quốc gia, cũng là một cuộc tranh đấu gian lao.Theo phúc trình của tổ chức phi chính phủ Global Witness được Libération công bố, trong năm 2016, ít nhất 200 nhà hoạt động môi trường bị ám sát, vượt hơn kỷ lục 185 một năm trước. Châu Mỹ la tinh là vùng đất nguy hiểm nhất trong đó Brazil đứng đầu bảng với 49 nhà họat động bị giết.

Tại Châu Á, Philippines của tổng thống Duterte đọat quán quân với 28 vụ ám sát trong năm qua. Ấn Độ, số vụ ám sát tăng gắp ba, cảnh sát đàn áp không nươnng tay các cuộc biểu tình chống ô nhiễm. Tại Bangladesh, 7 thành viên bảo vệ môi trường bị giết trong năm 2016 cùng với 20 nhân viên bảo vệ rừng, trong khi một năm trước không một nạn nhân nào.





No comments:

Post a Comment

View My Stats