Tuesday, 4 July 2017

ĐÔI ĐIỀU VỀ VẬN ĐỘNG, GIÚP ĐỠ TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ (Người Buôn Gió)




Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Bản án nào là dã man đối với những người đấu tranh bất đồng chính kiến theo cách ôn hoà ở Việt Nam?

Bản án nào cũng dã man cả.

Chỉ những phát biểu, phê phán về đường lối chính sách hay hành động của những người thi hành công vụ mà bị kết án tù chỉ có một chế độ dã man mới làm như vậy.

Nhưng bản án dã man nhất không phải là bản án mà năm tù có đến 2 con số. Bản án dã man nhất của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam với người bất đồng chính kiến là bản án từ 4 đến 6 năm tù. Đây là nói chuyện ở thời điểm bây giờ với những người đấu tranh có tên tuổi.

Ở mức án 4 đến 6 năm người tù nhân chính trị ấy không có một cơ hội nào hết, anh hay chị ta thường phải ở đến hết án tù. Những cuộc vận động thả tự do của quốc tế thường kéo dài, đầu tiên những tổ chức nhân quyền lên án, gửi hồ sơ đến các nghị sĩ hay các bộ phận theo dõi nhân quyền của quốc gia nào đó có quan hệ với Việt Nam. Rồi hồ sơ ấy được nghiên cứu và gửi tới bộ ngoại gia nước đó. Phải đến khi nào có dịp gặp gỡ, tuỳ theo tình hình thực tế, bộ ngoại giao nước đó sẽ đưa ra yêu cầu, phía nhà cầm quyền Việt Nam sẽ dùng dằng tìm cách trì hoãn để trục lợi nào đó từ yêu cầu của các quốc gia khác...những trình tự thủ tục đó kéo dài đến vài năm. Cuối cùng thì cũng đến gần thời hạn hết án tù của người bất đồng chính kiến.

Chúng ta theo dõi, thấy đa phần những trường hợp được dư luận trong và ngoài nước kêu gọi thả tự do, có mức án từ 4 đến 6 năm đều không có hiệu quả. Đó là do những nguyên nhân trên. Ngoài nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, tất cả những người ở mức án ấy như Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang... đều phải ở trọn án tù giam. Khi những người bất đồng chính kiến trở về từ nhà tù trong khoảng 4 đến 6 năm cách biệt xã hội, họ phải mất một thời gian để bắt nhịp lại cuộc sống và các sự kiện chính trị. Trong đó có người vì cuộc sống đã rời bỏ hẳn cuộc đấu tranh.

Ở mức án dài từ 7 năm đến 20 năm, những người đấu tranh bất đồng chính kiến có một chút hy vọng, đó là đi chữa bệnh ở nước ngoài hoặc về nhà chữa bệnh. Mức án dài đủ để cuộc mặc cả, đôi co của nhà cầm quyền với quốc tế có thời gian. Trong số này gần đây có Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Đặng Xuân Diệu... rõ ràng con số án tù từ 7 năm trở lên được điều đình đi nhiều hơn, tuy nhiên thì họ cũng phải chịu những năm tháng tù khá dài vì quá trình vận động hiệu quả cũng phải mất từ 4 đến 5 năm.

Ở trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức với bản án 16 năm, anh Thức đã không chọn đi ra nước ngoài chữa bệnh, anh chọn cách ở lại. Đó là anh chọn chứ không phải cuộc vận động đấu tranh cho tự do của anh không có hiệu quả gì.

Nhưng cũng có khi bản án dài lại rất ác độc cho những người không được dư luận quan tâm và với những người không chịu rời đi như anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Đi ra nước ngoài hay ở lại Việt Nam trong tù là tuỳ quyết định của từng người, khó có thể nói như thế nào là đúng, thế nào là sai. Ví dụ như trường hợp đơn thân nuôi con nhỏ thì việc đi ra nước ngoài là việc hoàn toàn nên nghĩ đến.

Hiện nay ở hải ngoại, có nhiều tổ chức đấu tranh về nhân quyền cho Việt Nam , đấu tranh đòi tự do cho những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam đang bị cầm tù. Nổi bật nhất có tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng ở Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, chuyên gia nhân quyền Vũ Quốc Dụng ở Veto, các tiến sĩ của diễn đàn 21 như Dương Hồng Ân, Vũ Ngọc Yên và tổ chức Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là Việt Tân. Ngoài ra cũng có những tổ chức, cá nhân khác của người Việt ở khắp nơi trên thế giới như Voice của luật sư Trịnh Hội.

Những tổ chức và cá nhân này đều có kinh nghiệm tiếp xúc vận động với chính giới của các nước tiến bộ. Họ đều có những thành công trong việc tạo sức ép đòi thả tự do cho các tù nhân lương tâm từ trước đến nay. Những thân nhân của những tù nhân bất đồng chính kiến nên tìm cách tiếp xúc và nhờ giúp đỡ ở những tổ chức trên, bởi sự trực tiếp của thân nhân liên hệ với các tổ chức này nhờ giúp đỡ sẽ thuận tiện hơn cho các tổ chức khi họ tiếp xúc với cơ quan phụ trách nhân quyền ở các nước.

Một điều đáng tiếc cũng cần phải nói rõ ở đây , có một số cá nhân và tổ chức không đủ năng lực và kinh nghiệm, cũng như không có những mối quan hệ hiệu quả với chính khách quốc gia nào đó. Nhưng muốn độc quyền vận động cho tù nhân nào đó, khiến cho việc vận động thả tự do gặp nhiều hạn chế. Cá biệt có khi hướng đi của họ không phù hợp với cách làm việc và quan điểm của những chính khách các quốc gia kia, dẫn đến bất lợi cho tù nhân lương tâm.

Cuối cùng thì dã man hơn cả, là cộng sản Việt Nam biết rõ những cuộc vận động thế này, nên chúng luôn nâng con số những người bị bắt lên nhiều hơn, đưa những bản án cao hơn để những cuộc vận động tự do trở thành quá tải. Ví dụ những trường hợp cần ưu đãi để đấu tranh vì là bà mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ và xét xử điển hình là 3 trường hợp là Nguyễn Minh Thuý, Trần Thuý Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cả ba đều đang nuôi con nhỏ từ hai cháu trở lên. Khiến cho những cuộc vận động đang tập trung vào người này, lại phải gánh thêm trường hợp khác, dẫn đến phân tán và có khi mâu thuẫn giữa các tổ chức đấu tranh nhân quyền vì không biết tập trung ưu tiên cho trường hợp nào. Chẳng hạn ngay cả tổ chức Việt Tân đến giờ cũng quá tải vì thành viên của họ bị bắt giữ khá nhiều, chuyện tập trung đòi tự do cho thành viên của họ thôi cũng đã nặng nề.

Những tổ chức nhân quyền cũng bị sức ép từ dư luận, trách cứ họ tại sao vận động cho người này mà không vận động mạnh cho người kia. Dư luận tuỳ theo tình cảm của họ đòi hỏi nhân vật nào mà họ quý mến phải xứng đáng được vận động ưu tiên hơn cả, Từ đó sinh ra oán thán, đố kị lẫn nhau.

Việc cộng sản bắt người để mặc cả với quốc tế và dư luận, tổ chức nhân quyền đòi hỏi thả tự do như một cái vòng tròn, diễn ra suốt bao nhiêu năm nay và chế độ cộng sản luôn thắng thế, dù có thả tự do ra nước ngoài một số người, nhưng nhìn chung cộng sản Việt Nam vẫn làm chủ được cuộc chơi.

Đối phó với âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền cộng sản này, nếu chỉ vận động đòi hỏi quốc tế can thiệp là chưa đủ. Cần phải có sự chung sức đóng góp vật chất của đồng bào trong và ngoài nước về tài chính cho những trường hợp bị kết án tù phải ở đủ thời gian, giúp cho những trường hợp này có điều kiện vật chất để yên tâm về mặt gia đình, không ảnh hưởng đến chí khí trong khi bị giam cầm. Hiện nay tình trạng vận động tài chính này cũng tuỳ hứng, tuỳ theo cảm hứng hay quan hệ thân tình tuỳ thuộc ảnh hưởng của người được giúp đỡ. Nên dẫn đến có trường hợp tuy không tốn nhiều tâm huyết, công sức đấu tranh nhưng lại có ưu điểm biết lăng xê, quảng bá mình đã nhận được nhiều giúp đỡ. Còn nhiều người do không thích hoặc không biết cách phô diễn những việc mình làm , lại nhận được quá ít sự quan tâm khi họ gặp vấn đề.

Những người đấu tranh cho dân chủ, những người đấu tranh cho nhân quyền và những người ủng hộ những người đấu tranh nên có những nhận định, đánh giá thực chất về hiện trạng, mức độ tình hình một cách thẳng thắn. Như thế mới có được những bước đi chính xác và lâu dài, hiệu quả.





No comments:

Post a Comment

View My Stats