Monday 10 July 2017

LƯU HIỂU BA : SỨC MẠNH CỦA VIỆC KHÔNG CHẤP NHẬN XÓA BỎ LỊCH SỬ (Nguyễn Huy Hoàng - Luật Khoa tạp chí)





Posted on 10/07/2017

Cả tuần nay, tôi đã tìm được niềm an ủi và hy vọng từ một người đã phải ngồi tù trong suốt tám năm qua.

Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo). Ảnh: Bloomberg

Tôi cảm thấy vô cùng cắn rứt về chuyện này, vì Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) là một nhà văn bất đồng chính kiến người Trung Quốc, vừa được chính quyền tạm thả để điều trị bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Hy vọng Trung Quốc sẽ trả tự do cho ông và vợ, để họ được tiếp nhận sự điều trị y tế ở một nơi do họ chọn – đó sẽ là một hành động nhân đạo. Vào thời điểm bài báo này chuẩn bị lên khuôn, thì có tin là sức khỏe của ông Lưu đang xấu đi rất nhanh chóng.

·         Dịch từ: Nilanjana Roy, Liu Xiaobo and the power of refusing to erase history, Financial Times, 4/7/2017.

Tuy nhiên, với ông Lưu, việc truyền cảm hứng cho người khác không phải là chuyện gì mới mẻ. Là một nhà thơ và nhà văn của lương tâm, các tác phẩm của ông về Quảng trường Thiên An Môn đã khước từ việc lãng quên hay hay xoa dịu ký ức. Trong quá trình ấy, ông đã mang đến một niềm hy vọng mạnh mẽ, mãnh liệt cho người dân ở Trung Quốc và các nơi khác.

Đối với tôi, các tác phẩm của ông Lưu là một bài học về sức mạnh của những lựa chọn mang vẻ nhỏ bé mà mỗi cá nhân đưa ra trong cuộc đời mình. Trong những năm 1980, ông nổi danh là một học giả xuất sắc, từng đến thỉnh giảng tại Đại học Oslo và Đại học Columbia trước khi trở về Trung Quốc vào cuối thập niên đó, khi phong trào ủng hộ dân chủ bùng nổ.

“Tôi hy vọng mình không phải là kiểu người cố gắng tạo ra dáng vẻ một tư thế anh hùng khi đứng trước cửa địa ngục, rồi sau đó lại bắt đầu chau mày do dự”, ông tâm sự sau này.

Ông Liu Xiaobo (thứ hai từ trái sang) cùng với ba người bạn đã tham gia tuyệt thực tại Thiên An Môn. Ảnh: AP.

Ông bị bắt vào tháng 6 năm 1989, lần đầu tiên trong bốn lần bị bắt giữ. Dù là ở trong hay ngoài nhà tù, hai yếu tố chính vẫn luôn nhất quán trong các tác phẩm của ông. Ông tiếp tục viết, thường là hướng đến chính phủ; lời lẽ của ông trói buộc nhà nước vào một mối quan hệ với các công dân, đưa ra tuyên bố qua các kiến nghị, các lập luận, các hiến chương, và các đòi hỏi mà họ không thể làm ngơ.

Và ông dùng ký ức làm vũ khí, chống lại các tuyên truyền của lịch sử chính thống từ nhà nước, chống lại việc họ cố tình xóa bỏ lịch sử. Nhưng bằng lòng thành thật tuyệt đối, nỗi thống khổ của ông cũng được viết xuống cho những người biểu tình bị lãng quên, những người vốn chưa bao giờ được ca tụng, chưa bao giờ được vinh danh anh hùng. Ký ức của ông đã trở thành bản nhạc nền song song của lịch sử Trung Quốc.

Ông mô tả lần đầu bị bắt giữ trong cuốn Niệm niệm Lục Tứ:

Giữa đêm khuya trước gian hàng thuốc lá
Mấy gã to con chèn ép tôi chặn đường
Tay tra còng bịt mắt miệng nhét giẻ
Quẳng xe tù chạy đi đâu chẳng biết
Rồi bỗng nhiên tỉnh ngộ: Tôi còn sống
Khi tên mình trên truyền hình trung ương
Trong bản tin biến thành tay “phản động”
[1]

Những bài thơ ông làm mỗi năm để kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, không chấp nhận lãng quên, không chấp nhận xóa bỏ khỏi ký ức về những người đã chết là một hành động có giá trị to lớn.

Tôi lại nghĩ về điều này thêm một lần nữa trong tuần, sau khi chứng kiến người dân Ấn Độ đã tổ chức các cuộc biểu tình và các cuộc mít tinh tưởng niệm những người đã bị sát hại trong một loạt các vụ hành hình man rợ. Đa số nạn nhân là người Hồi giáo, và phản ứng của các nhà bình luận cánh hữu Ấn Độ thì đầy thù địch, điển hình của những nỗ lực thật hung tợn cho mục đích muốn phủ nhận tác động xã hội của các cuộc sát hại tập thể này.

Ảnh: Human Rights Watch

Tháng 12 năm 2008, ông Lưu là một trong 303 công dân ủng hộ dân chủ của Trung Quốc đưa ra Hiến chương 08, đòi hỏi các quyền tự do lớn hơn và cải cách chính trị. Bị kết tội “kích động lật đổ”, ông bị giam giữ từ đó đến nay. Dù thường xuyên viết trong đau đớn về cái giá mà cuộc đời bất đồng chính kiến đã cuốn ông ra khỏi gia đình, những người thân yêu, và người bạn đời của mình, ông không còn sợ nhà tù.

Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện không lâu trước khi ông bị bắt, ông nói: “Tôi thấy thế này, những người như tôi sống trong hai nhà tù ở Trung Quốc. Anh ra khỏi cái nhà tù nhỏ, có song sắt, thì lại bước vào cái nhà tù lớn hơn, không song sắt của xã hội”.

Khi ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010, huy chương và tấm bằng của ông được đặt trên một cái ghế trống trong lễ trao giải ở Oslo. Có lẽ đoạn xuất sắc nhất trong diễn từ Nobel của ông, được đọc khi ông vắng mặt, là đoạn ông cảnh báo việc hình thành một “tâm lý kẻ thù”.

Với chế độ, với công an, với kiểm sát viên, với thẩm phán của chế độ, ông lặp lại những lời ông đã nói từ 20 năm trước, khi các cuộc đấu tranh và giam cầm của ông còn tương đối mới: “Tôi không có kẻ thù và không có thù hận”. Thù hận, ông viết, “có thể làm mục rữa trí tuệ và lương tâm của con người”.

Tôi thường đọc lại thơ của ông – chúng mang theo sự thật, kiên nhẫn ghi lại từ năm này qua năm khác như nước chảy đá mòn. Nhưng tôi cũng nâng niu điều này như là một bài học – nếu ông Lưu, sau một đời bị cầm tù và chứng kiến mọi thứ, vẫn có thể buông bỏ thù hận, và có thể làm chứng mà không mang theo thù oán, thì vẫn còn hy vọng cho tất cả chúng ta.
Nilanjana Roy là tác giả cuốn The Wildings và The Hundred Names of Darkness.

[1] Đoạn trích này nằm trong bài “Trải nghiệm cái chết” (验死亡), được sáng tác vào tháng 6 năm 1990 tại Nhà tù Qincheng (Tân Thành). Các bài thơ của Lưu Hiểu Ba viết về ngày 4 tháng 6 – kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn – được in thành tập Niệm niệm Lục Tứ (念念六四) và được dịch sang tiếng Anh với nhan đề June Fourth Elegies (Graywolf Press, 2012). Bản dịch trên đây được dịch giả Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên tác tiếng Trung.

--------------------------

XEM THÊM :







No comments:

Post a Comment

View My Stats