Sunday 9 July 2017

BẢN TIN NGÀY 9/7/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Sự kiện tàu Mỹ USS Stethem áp sát đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa hôm 02/07/2017, dịch giả Song Phan cũng là người theo sát các vấn đề Biển Đông, cung cấp thêm cho độc giả thông tin về trường hợp này.

Ông Song Phan viết: “Lưu ý là ranh giới ngoài của lãnh hải có thể xem như biên giới quốc gia trên biển. Nhưng biên giới này khác biên giới trên đất liền ở chỗ người ngoài có thể đi ngang qua mà ko cần có ‘visa’, miễn là đi qua theo kiểu vô hại, tức là phải ̣đi thẳng, liên tục và không được ‘gươm tuốt, cung giương’.”

Trường hợp đảo Tri Tôn là một đảo nổi, nên theo tác giả, dù nó thuộc về ai cũng được quyền có lãnh hải 12 hải lý. “Nếu tàu Stethem chạy vào đó kiểu vô hại thì hoàn toàn được phép theo luật quốc tế, còn chạy vào kiểu ‘gươm tuốt, cung giương’ (chắc chắn Mỹ không làm điều này) thì phạm luật. Kh̀ông có gì là thách thức chủ quyền ở đây cả“.

Lô 128, 6.1 của OVL lẫn lô 136/3 của Repsol đều nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Ảnh: Song Phan

Trong bản tin hôm qua, Tiếng Dân có nêu ra vấn đề, vì sao Việt Nam có những hành động mạnh bạo hơn trong việc thách thức đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc, dịch giả Song Phan có bài viết riêng cho Tiếng Dân: Vì sao Việt Nam có vẻ bạo dạn hơn khi gia hạn hợp đồng cho công ty Ấn Độ?

Ông Song Phan cho biết, dựa vào phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện TQ, thì TQ không có cơ sở pháp lý trong việc sử dụng “đường lưỡi bò” để khẳng định chủ quyền bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước khác.

Tác giả viết, “những phản ứng có phần ‘xuôi tay’ của TQ khi bị thách thức những gì mà PCA đã kết luận, cùng các thái độ khá quyết liệt của chính phủ mới ở Mỹ, Nhật, Ấn, EU… mà VN đã có vẻ bạo dạn hơn khi gia hạn cho ONGC thêm hai năm lô 128 và bật đèn xanh cho Repsol thăm dò lô 136/3“.

Về các hoạt động thăm dò Biển Đông, đám “khoa học” Tàuthì biện minh rằng, “các hoạt động thăm dò của Trung Quốc ở Biển Đông sử dụng công nghệ cao là hợp pháp để nghiên cứu khoa học chứ không phải là một chiêu thức để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền lãnh hải“.

Số phận công dân Việt nam 
Theo tường thuật của đài VOA, nhóm khủng bố Abu Sayyaf ra hạn chót để phía Việt Nam nộp tiền chuộc là ngày 30/6, với khoản tiền hơn 25 triệu peso, tương đương 11 tỷ đồng. Do không có tiền chuộc, hai thuyền viên Hoàng Văn Hải và Hoàng Trung Thông bị sát hại. Trước khi sát hại 2 thuyền viên, nhóm khủng bố nói rằng “bọn Việt Nam này tao cho cơ hội mấy lần rồi“.

Được biết, một thủy thủ khác là anh Hoàng Võ, 28 tuổi, người Nghệ An, đã được các binh sĩ Philippines giải cứu hôm 16/6, vẫn chưa được về nhà. Anh Hoàng Võ đã bị “giam lỏng” ở công ty vì “công ty đang điều tra, và vụ việc này liên quan đến an ninh hàng hải nên Võ không được dùng điện thoại di động lẫn Facebook“, theo một nguồn tin. Hiện có 3 thủy thủ người Việt khác vẫn đang bị nhóm Abu Sayyaf giam giữ, cùng với 14 người nước ngoài và 8 người Philippines.

Anh Hoàng Võ đang được các bác sĩ quân y điều trị tại Bệnh viện Camp Navarro General, Zamboanga hôm 16/6, sau khi được giải cứu. Nguồn: Roel Pareño.

Nhà báo Tâm Chánh viết trên Facebook: “Sự nhanh nhẹn và hiệu quả của công an đập tan thế lực này, tổ chức nọ chống đối sẽ là yêu cầu khắc nghiệt trong việc giữ mạng sống trước yêu cầu đòi tiền chuộc của lực lượng khủng bố thứ thiệt. Trong khi tiền thuế của người dân đóng để nuôi bộ máy nhà nước đang được cảm nhận ngày càng nặng nề“.

Sự kiện Đồng Tâm
Một bài viết trên báo Người Việt, thống kê các dữ kiện dễ hiểu nhất về những mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền các cấp liên quan đến sự kiện Đồng Tâm. Tác giả phân tích hành động của chính quyền TP Hà Nội, đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, từ ép dân nổi loạn, đến “gần dân, lắng nghe dân”, rồi lại “phản dân”.

Tác giả viết: “Tuy việc sử dụng đất đai ở xã Đồng Tâm đã được ‘thanh tra’ nhưng không ai biết ‘công trình quốc phòng’ mà Viettel xây dựng là gì. Liệu tính chất ‘công trình quốc phòng’ đó có giống các sân golf ở phi trường quân sự Gia Lâm và phi trường Tân Sơn Nhất hay không?

Ông Nguyễn Đức Chung tại buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra. Ảnh: báo TN

Nhà báo Huy Đức khẳng định thêm rằng, “dự thảo kết luận thanh tra là tài liệu nằm trong danh mục bí mật nhà nước. Nó phải được giao cho đối tượng bị thanh tra để họ chuẩn bị tài liệu giải trình trước khi kết luận và công bố. Tôi không hiểu vì lý do gì mà tướng Chung đã phải làm một việc trái luật, công bố ‘dự thảo thanh tra’ trước khi người dân Đồng Tâm và các luật sư của họ có thể tiếp cận văn bản, trao đổi chứng cứ, đối chiếu ranh đất…“.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, sau khi nghe Chánh Thanh tra Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng, trả lời dân rằng “đất này của dân tộc Việt Nam, sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý”, anh viết trên Facebook: “Nghĩa là theo Chánh Thanh tra Hà Nội, ‘dân tộc Việt Nam’ đồng ý lấy đất của dân làng Đồng Tâm giao cho Viettel sản xuất kinh doanh, cũng như lâu nay “dân tộc Việt Nam” đã đồng ý cho quân đội lấy đất sân bay Tân Sơn Nhất xây sân golf, không ai được phép ý kiến?

Trả lời phỏng vấn đài RFA, bà Lê Hiền Đức, người chuyên giúp đỡ dân oan bị cướp đất, cho biết: “Đất quốc phòng là thế nào? Bao nhiêu đời nay rồi người ta đã trồng cấy nhưng giờ tự nhiên biến thành đất quốc phòng. Như vậy là cướp à? Có đền bù đồng nào không? Muốn thu hồi thì phải có họp dân, thông báo và có đề bù. Tôi không có một hòn đất ở đấy mà nghe tin còn gai cả người nữa là người dân, đất người ta sinh sống bao nhiêu đời nay rồi. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ và sẽ vào cuộc, gặp trực tiếp người dân Đồng Tâm”.

Quân đội làm kinh tế
Ối, lần này tới phiên “đao phủ 4 dao” ra tay! Theo báo VietNamNet, sau khi hết lời ca tụng tập đoàn Viettel như “sau 30 thành lập đã tạo dấu ấn rất quan trọng, tạo chuyển biến bước ngoặt…” , ông bộ trưởng Bộ 4T lên gân với những ai phản bác chuyện quân đội làm kinh tế: “Ngoài quan điểm sai trái, phản động còn có một số nhận thức không đúng cho rằng các DN quân đội có nhiều lợi thế nhưng trong thực tế các DN quân đội bình đẳng với DN bên ngoài”.

Lực lượng “thanh kiếm và lá chắn” ra tay!
Lại một vụ “tự tử” nữa xảy ra tại đồn công an, lần này là tại Công an TP Phan Rang, Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Báo Người Lao Động cho hay, “Vào khoảng 15 giờ ngày 7-7, trong khi ngồi viết tự khai tại phòng làm việc của điều tra viên (tại nơi tạm giữ), anh Đê đã dùng áo đang mặc treo cổ tự tử“.

Trong khi đó, Facebook Võ Đức và Ngô Bảo Trinh đưa lên trang cá nhân của mình một số clip cho thấy, người nhà đã kéo xác nạn nhân đi đòi công lý. Kính mời xem clip:



Cũng chuyện công an, báo Pháp Luật Plus đưa tin về nghi án bắt quả tang một đội trưởng Công an và nhiều con bạc tại một khách sạn lớn. Ngày 3/7/2017, công an tỉnh Phú Thọ triệt phá một nơi tổ chức đánh bạc lớn tại khách sạn Mường Thanh, Phú Thọ. Đáng chú ý, trong số những con bạc này có cả một vị tên T., Đội trưởng Cảnh sát 113, Công an tỉnh Phú Thọ.
Theo bài báo, phóng viên đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo Công an TP Việt Trì nhưng các lãnh đạo này không trả lời điện thoại. Báo này đặt câu hỏi, tại sao vụ việc đã diễn ra nhưng cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ lại giấu giếm, chậm thông tin tới các cơ quan báo chí?

Đây rồi! Trung tướng công an, cựu TBT báo CAND, nhà văn, nhà thơ, nhà báo… (nhà gì cũng có, chỉ thiếu nhà cầu), ông Hữu Ước, bảo là: Nhiều lúc dù biết mà vẫn khó xử lý cấp dưới tiêu cực. Ông Hữu Ước nói: “Khi còn công tác, bản thân tôi quyền lực như vậy, hàm Trung tướng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị (Bộ Công an), Tổng Biên tập nhưng nhiều lúc biết cán bộ cấp dưới sai mà xử lý còn không nổi“.

Thảm họa Formosa – Môi trường biển
Mặc dù đang ở Đức, làm khách mời của hội nghị G20, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bảo rằng, “Nước xả thải của Formosa đã đạt quy chuẩn“.

Trong văn bản trả lời ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, ông Phúc cho biết: “theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả quan trắc online và giám sát hàng ngày cho thấy nước thải và khí thải phát sinh của Formosa đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả thải ra ngoài môi trường“.

Không thấy kết quả phân tích mẫu nước thải về sự “đạt quy chuẩn kỹ thuật” này, kính mời các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu môi trường giúp kiểm tra nước xả thải Formosa.
Cũng chuyện môi trường, tại vùng biển Bình Thuận, theo thông tin từ Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, sau khi bộ Tài – Môi cho phép xả thải gần 1 triệu m3 chất thải xuống biển thì sáng 8.7, Tổng Công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 chất thải sau nạo vét.

Theo bản  tin trên, “hiện có 5 nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Bình Thuận – trong đó Vĩnh Tân I (Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) do Trung Quốc góp tới 95% vốn + 5% còn lại của Tổng Công ty Điện lực Vinacomin, thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam“.


Trong khi đó, theo báo Dân Trí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, “Hăng hái làm điện than, Việt Nam đi ngược với thế giới“. Bà Lan cho biết: “Nếu tiếp tục cho phát triển điện than thì không lâu, nó sẽ gây hậu quả lớn. Người dân đang rất lo lắng nhưng dường như Nhà nước đang bỏ qua“.

Chuyến đi Đức nhiều “kỷ niệm”
Đó là chuyến đi của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Đức nhân hội nghị G20. Mọi việc có lẽ sẽ trở nên bình thường nếu truyền thông có định hướng của Việt Nam không thổi phồng sự kiện.

Đầu tiên là vụ lùm xùm giữa tờ báo mạng Thời Báo và tờ VietNamNet quanh chuyện ông Phúc có được bà Merkel tiếp đón chính thức hay không. Thực tế là lịch tiếp đón và hội đàm bên lề hội nghị G20 của bà Merkel đã được công khai, báo nào lấy tin cũng được, nhưng chắc vẫn thói sỹ diện hão mà hệ thống tuyên truyền của VN đưa tin giống như lên đồng.

Rồi cái dở nọ nối tiếp cái dở kia. Lẽ ra khi biết Thủ tướng nhà mình đọc nhầm tên tác giả một bài thơ nổi tiếng, thì VTV đừng có phát, đằng này lại phát ra cho bàn dân thiên hạ để họ cười thối mũi.


Nhưng mà cũng có người cho rằng, VTV “chơi” ông Phúc. Thật ra, khả năng này cũng không phải không có cơ sở.

Vẫn chưa hết “chuyện vui” đâu nha, theo thông tin trên blog Phan Ba: “Ông Phúc đi nghe hòa nhạc với các nguyên thủ khác, cầm tờ chương trình quạt phành phạch lại bị báo chí Đức nói mỉa ‘Trong khi đó chỉ hy vọng rằng cái gáy của bà Thủ tướng Merkel không quá nhạy cảm, bởi vì Thủ tướng của Vietnam Nguyễn Xuân Phúc, người ngồi sau lưng bà Merkel, cứ mải cầm cuốn chương trình hòa nhạc quạt liên tục’.“. Hề hề…

Nhưng “buồn cười nhất là bà Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng Viện), thủ hiến bang Rheinland-Pfalz, khi tiếp ông Phúc đi thăm tiểu bang  đã gọi nước Việt Nam là Việt Nam Cộng Hòa”. Khà khà…

Hết biết!

Báo chí “tự do” nhắn với báo “có tính Đảng”
Làm nhà báo phải nói thật, viết thật!“, đó là tựa đề trên trang Thời Báo, tác giả bài viết muốn nhắn nhủ tới các đồng nghiệp làm báo ở Việt Nam, nơi mà hàng tuần các TBT phải nghe định hướng từ Tuyên giáo.

Tác giả viết: “Tại sao các nhà báo lại tự biến mình thành ‘phường giá áo, túi cơm’ để cố ý viết sai lệch sự thật, nhằm tâng bốc cho một chủ nghĩa , một nhóm lợi ích hay một cá nhân nào đó. Một trí thức sao lại có thể hèn đớn bán mình, bán nghề như thế được?

Chủ nghĩa tư bản – Chủ nghĩa xã hội
Ha ha, báo Sputnik của đồng chí Nga bảo, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam đầu tiên, “đồng chí” Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc lại rằng, “nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội!

Nhưng, người dẫn chương trình nổi tiếng trên TV Nga “Toàn cảnh quốc tế” đã dứt khoát khẳng định: “Trước đây là một trong những nước xã hội chủ nghĩa, ngày nay Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa tư bản“. Rõ là đồng chí mà không đồng… ý!

Chủ nghĩa xã hội đã nắm vũ trụ trong tay
Do biết “Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ” nên việc “Lừa bán thiên thạch rởm giá 300 tỷ đồng” mới có nhiều người tin như vậy. Híc híc…

Tin quốc tế

Thượng đỉnh G20
VOA có bài, G-20 gạt Trump ra rìa về khí hậu, đạt thỏa thuận về thương mại. Bài báo cho biết, ngoại trừ Mỹ, 19 nước còn lại đã đồng loạt tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu. “Họ gọi thỏa thuận giảm thiểu phát thải khí nhà kính này là ‘không thể đảo ngược được’ và tuyên bố sẽ thi hành nó một cách nhanh chóng và không có ngoại lệ“. BBC có bài: G20: không xóa được khoảng cách về biến đổi khí hậu.

Ivanka Trump làm Tổng thống Mỹ ở G20?
CNN đưa tin, cô Ivanka, con gái của Tổng thống Trump đã thế chỗ cha tại hội nghị G20 hôm qua. Một bức ảnh do cô Svetlana Lukash, người Nga, chụp được và đưa lên mạng, cho thấy cô con gái rượu của Trump ngồi cạnh Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ivanka Trump (tóc vàng) ngồi cạnh Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước khác. Nguồn: Svetlana Lukash

BBC đưa tin, khi Tổng thống Mỹ bước ra khỏi hội nghị để gặp lãnh đạo Indonesia, thì cô con gái của ông, Ivanka Trump đã ngồi vào ghế Tổng thống Mỹ, để tham dự hội nghị.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện kỳ cục này. Trước đó, Ivanka cũng đã tiếp Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Đức… ở Nhà Trắng và tham gia vào các buổi họp, dù cô ta không có vai trò gì ở tòa Bạch Ốc mà báo chí đã lên tiếng chỉ trích.

Trong lúc cô Ivanka… làm tổng thống ở G20, thì ở nhà, có một ông giả thượng nghị sĩ, giắt hai con dao, vào Trump Towerở New York để kiếm cô. Kết quả là ông bị truy tố về tội mang vũ khí trong người và dùng giấy tờ giả. Ông này chắc không đọc báo, nên không biết cô Ivanka đang ở bên Đức.

Bê bối trong Chính phủ Trump
Đài NPR cho biết, ông Walter Shaub Jr., Giám đốc Văn phòng Đạo đức Chính phủ (Office of Government Ethics, OGE), đã gửi đơn từ chức lên Tổng thống Donald Trump. Từ ngữ mà ông dành cho chính quyền Trump là “Thất vọng”.

Là lãnh đạo Văn phòng Đạo đức Chính phủ có 70 nhân viên này, ông Shaub đã phải liên tục đối đầu với chính quyền Trump trong suốt 8 tháng qua. Ông đã thất bại trong việc tách rời Tổng thống Mỹ ra khỏi các doanh nghiệp của Trump, điều mà các tổng thống tiền nhiệm đã làm vì lý do “xung đột lợi ích”. Ông Shaub cũng đã thất bại khi đề nghị tổng thống kỷ luật bà cố vấn Kellyanne Conway, khi bà này lên đài truyền hình Fox News kêu gọi mọi người mua đồ của cô Ivanka, con gái tổng thống.

Tập trận bắn đạn thật trên bán đảo Triều Tiên
Theo tin từ đài RFI, sau khi tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng không trên Biển Đông, ngày 8/7/2017, hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ được phái đến tập trận trên bán đảo Triều Tiên cùng với Không Quân Nam Hàn.

Nhật bản không tham gia trong cuộc tập trận này, nhưng họ có cử hai phi cơ tiêm kích tháp tùng máy bay ném bom của Mỹ. Trên đường về, máy bay của Nhật cùng oach tạc cơ của Mỹ bay ngang Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không mà cả hai nước Mỹ – Nhật đều không thừa nhận. Cuộc tập trận này nhằm mục đích răn đe Bắc Hàn, sau các vụ thử tên lửa gần đây.

Nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba
Theo VOA, hai vị bác sĩ đã được TQ mời sang để chữa trị cho ông Lưu Hiểu Ba. Bác sĩ Joseph Herman, đến từ Trung tâm Ung thư Anderson Anderson ở Mỹ và bác sĩ Markus Buchler, đến từ Đại học Heidelberg ở Đức đã sang Trung Quốc để chữa trị bệnh ung thư gan cho khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình.

Hai bác sĩ này đã trao đổi với các chuyên gia Trung Quốc về phương pháp chữa trị, mà phía bệnh viện, nơi điều trị cho ông Lưu Hiểu Ba cho biết: “Các chuyên gia Mỹ và Đức hoàn toàn chấp thuận phương thức trị của nhóm chuyên gia trong nước và những gì họ đã làm“.

Cùng là tù chính trị ở một nước cộng sản và cùng bị ung thư khi đang thi hành án, nhưng ông Lưu Hiểu Ba may mắn hơn thầy giáo Đinh Đăng Định. Thầy Định bị bắt hồi tháng 10/2011 và bị kết án tù 6 năm vì chống dự án khai thác bô xít của TQ ở Tây Nguyên, tàn phá môi trường, và đã qua đời vì căn bệnh ung thư không được nhà cầm quyền cho phép chữa trị kịp thời.

Thầy Đinh Đăng Định trong những ngày cuối đời. Ảnh: internet

Trong khi thụ án, thầy Định bị ung thư dạ dày, gia đình thầy đã nhiều lần làm đơn gởi đến trại giam, xin cho thầy được đi điều trị ở bệnh viện, nhưng phía chính quyền đã cố tình trì hoãn, để rồi khi họ “cho phép” thầy ra khỏi tù chữa trị, thì bệnh trạng thầy đã không còn cứu chữa được. Dù vậy, họ vẫn bắt thầy trở lại trại giam sau khi bệnh viện mổ khối u. Thầy đã qua đời ngày 3/4/2014, sau khi thụ án tù hơn 27 tháng.






No comments:

Post a Comment

View My Stats