Thursday 13 July 2017

BẢN TIN NGÀY 13/7/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tình hình Biển Đông
Đúng một năm sau phán quyết của Tòa PCA, bài trên RFA, Biển Đông: Bắc Kinh toàn thắng khi chống phán quyết La Haye? dẫn lời giáo sư luật Julian Ku, cho rằng, Trung Quốc dù đã thua kiện Philippines, nhưng họ đã biến sự thất bại này thành một chiến thắng về chính sách, bằng cách vẫn duy trì các hoạt động hung hăng trên Biển Đông mà không hề bị trừng phạt vì không tuân theo luật quốc tế.

Sau phán quyết, “chỉ có 7 quốc gia kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết và 6 nước công khai ủng hộ Trung Quốc, nhưng đại bộ phận các nước còn lại phần lớn đều im lặng hoặc trung lập, điều mà Bắc Kinh mong muốn. Ngay cả khối Liên Hiệp Châu Âu, bình thường rất năng nổ trong việc yêu cầu tôn trọng luật quốc tế, cũng đã không đưa ra được tuyên bố nào đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết Biển Đông“.

Về chuyện thắng thua sau phán quyết của PCA, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn bình luận: dù Philippines là nước chiến thắng, nhưng Việt Nam lại là nước “ngư ông đắc lợi“. Tuy nhiên, TQ không thi hành phán quyết, còn Philippines thì có khuynh hướng cho nó “chìm xuồng”, để Tổng thống Phi Duterte “bán” phán quyết này cho TQ kiếm tiền.

Nhà báo Trần Trung Đạo đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam không kiện? Rồi ông trả lời rằng: “Quyền lợi của đảng CSVN luôn được giới lãnh đạo đảng đặt trên sự sống còn của dân tộc. Đất nước, biển trời, quê hương, tổ quốc chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền treo trước cổng ngân hàng của giới lãnh đạo CSVN“.

Việt Nam chi tiền để ảnh hưởng hội nghị của CSIS về Biển Đông
Ngày 11/7, trang Greg Rushford ở Washington, có một bài viết, cho thấy “bàn tay vô hình của Hà Nội” đã thay đổi quan điểm của giới tinh hoa ở Washington như thế nào. Bài viết cho biết, kể từ năm 2012, thông qua Học viện Ngoại giao, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hà Nội đã bí mật trả chi phí cho một hội nghị hàng năm do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington tổ chức, về vấn đề Biển Đông.

Ông Nguyen Vu Tung, tại hội nghị về Biển Đông do CSIS tổ chức lần thứ 6, hồi tháng 7/2016. Ảnh: CSIS

Một nguồn giấu tên cung cấp nhiều chi tiết thuyết phục, Rushford nói rằng, với chi tiêu chưa tới 100.000 Mỹ kim mỗi năm, Hà Nội đã có thể định hình chương trình nghị sự hàng năm của một hội nghị có uy tín này và kiểm soát danh sách các diễn giả được mời.

Rushford kết luận, đồng tiền mà chính quyền VN chi trả cũng xứng đáng vì nó ảnh hưởng tới hoạt động tương tự như học thuật, đã giúp định hình mối quan hệ gần hơn giữa Mỹ và Việt Nam. Nhưng câu chuyện này “đặt ra những câu hỏi phiền toái. Ngoại trừ những chuyện khác, Chính phủ Việt Nam muốn giới tinh hoa về chính sách đối ngoại ở Washington ngoảnh mặt với các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Hà Nội … [Các viên chức CSIS] cẩn thận, không làm khó chịu các quan chức Hà Nội khi có những câu hỏi rắc rối về tù chính trị được nêu ra“.

Rushford viết, “từ chối, không lên tiếng khi những công dân Việt Nam can đảm bị bắt giam chỉ vì thực hiện một cách ôn hòa các quyền phổ quát của họ về tự do ngôn luận, chắc chắn là một sai lầm đạo đức“.

Hội nghị Biển Đông lần thứ 7 sẽ do CSIS, một cơ quan nổi tiếng chuyên trách về chính sách đối ngoại của Mỹ, tổ chức ngày 18/7.

Dịch giả Song Phan sẽ có bài dịch chi tiết báo cáo của Rushford trong nay mai, để phục vụ độc giả Tiếng Dân.

Kỷ niệm cuộc chiến biên giới chống quân xâm lược Trung Quốc
Kỷ niệm 33 năm cuộc chiến khốc liệt chống quân xâm lược Trung Quốc, cũng như để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh bảo vệ đất nước, hôm qua, các cựu binh của Sư đoàn 356 khắp mọi miền, đã đến Vị Xuyên, Hà Giang, để viếng những đồng đội của họ.

Theo báo Dân Trí, mặt trận Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang sáng 12/7/1984 từng diễn ra những trận đánh ác liệt của Sư đoàn 356 (F356) giành lại các cao điểm bị quân Trung Quốc chiếm giữ. Trong chiến dịch MB84, Sư đoàn 356 có gần 600 bộ đội đã bỏ mạng tại vị trí đánh vào các cao điểm 772 và 685. Ngày 12/7 hàng năm được coi là ngày giỗ trận của Sư đoàn 356.

Nhà văn Phạm Viết Đào đặt câu hỏi, những trận đánh ở Vị Xuyên, Hà Giang, liên quan gì tới các nhóm trong Bộ Quốc phòng Hà Nội 1980-1990? Trong bài, ông Đào viết: “Sự bạo tàn của quân Trung Quốc không làm tan vỡ được chiến tuyến Vị Xuyên-Hà Giang” mà chính là “sự rạn vỡ của các phe nhóm tướng lĩnh cao cấp trong thành Hoàng Diệu; sự phân tâm ở bộ phận tham mưu tối cao… khi cuộc chiến nổ ra”.

Ông kết luận: “Hệ lụy của sự phân tâm của các nhóm tướng lĩnh cao cấp ở giai đoạn 1980-1990, mặc dù không làm đảo lộn được cục diện cuộc chiến chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang, nhưng đã làm tốn, tổn hao thêm nhiều xương máu của nhân dân và chiến sĩ…“.

Quân đội làm kinh tế
Theo báo VnExpress, trong buổi làm việc với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói rằng, “quân đội làm kinh tế là củng cố bản thân tiềm lực quốc phòng; góp phần gia tăng tiềm lực quốc gia, củng cố được vị thế độc lập, tự chủ của đất nước về công nghiệp quốc phòng trang bị vũ khí, khí tài quân đội“, nhưng Bộ Quốc phòng tỏ ý muốn nhường đất sân golf.

Vẫn là “Bộ Quốc phòng sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu“, nhưng “việc thu hồi phải đúng quy định pháp luật, theo quy hoạch của Chính phủ. Đồng thời không để ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp đầu tư ở sân golf“. Không rõ khi nào ông Bộ trưởng bàn giao và sẽ bàn giao như thế nào.

Quốc hội cấm cửa báo chí – Đảng không có vùng cấm
Sự kiện phóng viên chỉ được phép dự 5 phút đầu các phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, cựu ĐBQH Nguyễn Sĩ Dũng lên tiếng: Để người dân có thể giám sát, Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Quốc hội họp công khai”.

Ông Dũng nói rằng, UBTV Quốc hội trực thuộc Quốc hội, nên UBTVQH phải họp công khai, vì Điều 4, quy chế làm việc của UBTVQH quy định: “1. Hoạt động của UBTVQH được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; 2. Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTVQH tại khu vực dành riêng cho báo chí…”. Ông Dũng nói, muốn họp kín thì vẫn phải tuân theo luật lệ trong khi “thủ tục họp kín cho UBTVQH có vẻ như chưa được quy định ở đâu cả“.

Còn ông cựu Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình VN, Trần Đăng Tuấn nói rằng, “Để đồng thuận, người ta cần biết cơ quan lãnh đạo Quốc hội đang nghĩ gì, làm gì, đang cố gắng thế nào, và các vấn đề phải giải quyết khó đến đâu. Nếu là vấn đề bí mật quốc phòng, an ninh – thì buổi họp kín là hiểu được. Còn nếu là các vấn đề mà hàng ngày người dân đang cảm nhận từ thực tế, thì không nên kín“.

Bài trên báo GDVN: Đại biểu Quốc hội các khóa tiếc nuối vì Thường vụ hạn chế báo chí, các cựu đại biểu QH và cử tri cho rằng, đây là quyết định “thụt lùi”. Cựu ĐBQH Lê Văn Cuông nói: “Hiện dự luận đang băn khoăn về quyết định này vì chúng ta đang muốn minh bạch thông tin, muốn báo chí là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri nhằm thông tin được nhiều về hoạt động của Quốc hội“.

Trong khi đó, Truyền hình Thông tấn đưa tin: “Không có “vùng cấm” trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng“. Xin được nhắc lại câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe… Hãy nhìn…”

Thủ tướng Phúc đi nghe hòa nhạc và môi trường âm nhạc VN
Chuyện thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi nghe nhạc và quạt xoành xoạch, nhà báo Phạm Đoan Trang chia sẻ: “có lẽ cũng nên công bằng với cá nhân Thủ tướng Phúc, bằng cách thừa nhận rằng sự quê kệch và kém văn minh không phải của riêng ông Phúc, mà là đặc điểm chung của các ‘chính trị gia’ cộng sản – những người chưa từng bao giờ phải cạnh tranh với một lực lượng đối lập nào“.

Và theo bà tác giả, sự kém văn minh, theo nghĩa ít hiểu biết về nghệ thuật, là tình trạng chung của cả xã hội Việt Nam. Tác giả viết tiếp, “hệ thống giáo dục của Việt Nam có vấn đề, rất nhiều vấn đề. Đại đa số người Việt, nếu không phải là dân ‘nghệ’, thì đều không được đào tạo, hướng dẫn về nghệ thuật, càng không có môi trường để bồi đắp về khả năng cảm thụ nghệ thuật“.

Nhưng mà ông Phúc đã leo lên được cái ghế Thủ tướng, thì những điều tối thiểu, ông cũng nên biết chứ. Mời ông Phúc dành chút thì giờ đọc bài này: Quy ước đi xem biểu diễn tại nhà hát, để lần sau ra nước ngoài, có được mời đi nghe nhạc, báo chí không phải tốn giấy mực.

Thêm thủy thủ Việt Nam thiệt mạng ở Philippines
Thêm một thủy thủ Việt Nam được xác nhận đã thiệt mạng sau cuộc tấn công nhóm khủng bố Abu Sayyaf của lực lượng quân đội Philippines. BBC dẫn nguồn từ bản tin của Bộ Ngoại giao VN cho biết, “Quân đội Philippines tiến hành cuộc tấn công nhóm khủng bố Abu Sayyaf tại khu vực Tolom, Sulu, và tìm thấy một số thi thể, trong đó có công dân Việt Nam Trần Việt Văn“.

Military recovers remains of a Vietnamese hostage of the Abu Sayaff, RJ Rosalado reports. #TopStory #ANCRecappic.twitter.com/4iim5ruR4q
— ABS-CBN News Channel (@ANCALERTS) July 11, 2017

Báo ABS-CBN đưa tin của Philippines đưa tin, Chuẩn tướng Cirilito Sobejana, chỉ huy quân đội Phi cho biết, danh tính của một người bị giết chết là Trần Việt Văn. Ông Văn là một trong sáu thuyền viên Việt Nam bị phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc hồi tháng 2. Nhiều vết thương được tìm thấy trên cơ thể ông, nhưng tướng Sobejana không thể xác định được rằng nạn nhân bị bọn khủng bố giết chết hay tử vong do kẹt trong cuộc giao tranh giữa phiến quân và quân đội Phi hôm thứ Bảy vừa qua.

Trước đó, ngày vào ngày 5/7, hai thủy thủ người Việt Nam đã bị sát hại dã man và thi thể của họ được tìm thấy ở đảo Basilan, miền Nam Philippines.

Giáo sư Ngô Bảo Châu bị bôi nhọ
Trên mạng xã hội lan truyền những bài viết bôi nhọ GS Ngô Bảo Châu, qua các bài viết sử dụng những ngôn ngữ hạ cấp: Tiếc cho một nhân tài đất Việt: Ngô Bảo Châu (VNTB dỏm); Ngô Bảo Châu, một con trâu biết làm toán? Hay ‘Ngô Bảo Châu – một con chó phản chủ…’.

Lý do GS Ngô Bảo Châu bị bôi nhọ như vậy, theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học ở Hà Nội, qua BBC, cho biết: “Theo như tôi thấy, có thể nguyên do của việc này là vì ông có những quan điểm trái với sự giáo điều về tôn sùng Hồ Chí Minh hay phản đối việc bắt giam blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh“.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách Hóa Nông Thôn bình luận trên BBC: “Hạ bệ một trí thức cụ thể nào đó là chỉ số xấu. Nhưng sự hạ bệ kinh khủng nhất và kéo lùi sự phát triển của xã hội là sự hạ bệ trí thức của đám đông“.

Bình luận trên Facebook, ông Trương Nhân Tuấn viết, mặc dù có đóng góp cho đất nước, “nhưng DLV, báo đảng, dĩ nhiên theo lịnh đảng chửi Ngô Bảo Châu là ăn cháo đái ‘bác’. Điều này cho ta thấy, đảng CSVN chỉ coi những trí thức đóng góp, cho dầu lớn lao (như Ngô Bảo Châu), tương đương với ‘chó’. Họ đòi hỏi những người này ‘trung thành’ với đảng“.

Nhà báo Huy Đức, bình luận: “Nhưng, quý vị nên nhớ, danh tiếng của GS Ngô Bảo Châu là có thật chứ không phải là một sản phẩm của truyền thông để quý vị có thể sử dụng truyền thông (ngay cả chính thống) mà hạ bệ”.

Xin nhắc lại, hôm sinh nhật ông Hồ Chí Minh, 19/05/2016, GS Ngô Bảo Châu bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Bình luận này đã gây phản ứng mạnh và nó đã bị gỡ bỏ không lâu sau đó.

Mới đây GS Châu đã ký một thỉnh nguyện thư yêu cầu trả tự do cho Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, khi cô bị chính quyền CSVN xử 10 năm tù giam.

Bà Trần Thị Nga sắp ra tòa
Trên Facebook của mình, LS Hà Huy Sơn cho biết, ông đã nhận được quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam, sẽ mang nhà hoạt động Trần Thị Nga ra xử trong tội “tuyên truyền chống nhà nước” trong hai ngày, 25 và 26/7 sắp tới. Trả lời VOA, LS Hà Huy Sơn nói, nhà hoạt động Trần Thị Nga sẽ phải đối mặt với bản án “có sự chỉ đạo”.

Ông nói: “Chắc là bản án này cũng có chỉ đạo giống như các bản án mang màu sắc chính trị. Cái khó khăn của chúng tôi là không được tranh tụng. Đại diện Viện Kiểm sát người ta không tranh tụng với luật sư. Hoặc là các ý kiến của luật sư đưa ra không được tòa tiếp thu để ra bản án. Và cái chính là các phiên tòa này tuy là công khai nhưng báo chí rất bị hạn chế và người dân không được tự do tham dự, nên nó giảm đi tiếng nói của luật sư tại phiên tòa”.

Quyết định của Tòa án tỉnh Hà Nam, xử bà Trần Thị Nga. Nguồn: FB Hà Huy Sơn.

Bà Trần Thị Nga khởi đầu là một phụ nữ tranh đấu cho quyền lợi người lao động ở Đài Loan với những công ty môi giới lao động Việt Nam. Sau này được nhiều người biết đến qua các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành vì môi trường, phản đối Formosa… Bà bị bắt ở Hà Nam ngày 21/1/2017.

Mối quan hệ Đại gia và Quan chức
Trả lời câu hỏi “Có hay không chuyện đại gia chi phối lãnh đạo Đà Nẵng?” của cử tri quận Hải Châu, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, kiêm Chủ tịch HDNĐ TP. Đà Nẵng, khẳng định “Tôi là cán bộ trẻ, còn công tác lâu dài nên chẳng có việc gì mà phải thế này thế kia. Tôi không có việc gì mà phải đánh đổi truyền thống gia đình, không ai có thể chi phối cả“. Cái gọi là “truyền thống gia đình” mà ông Nguyễn Xuân Anh nói là đây: Em trai Bí thư Đà Nẵng được phong chức.

Vẫn chưa đuổi được nhà máy thép Việt Pháp
Báo trong nước đưa tin, khoảng một tuần qua, nhiều người dân đã dựng lều trại trước cổng nhà máy thép Việt Pháp, ở Điện Bàn, Quảng Nam, để phản đối vì nhà máy gây ô nhiễm. Năm ngoái, lãnh đạo tỉnh và nhà máy thép đã hứa đến tháng 6 năm 2017 sẽ dời nhà máy đến nơi khác, nhưng đã tháng 7 mà nhà máy vẫn còn hoạt động.

Bài viết trên báo Tuổi Trẻ hồi năm ngoái: Bị dân phản đối, nhà máy thép “chạy” lên… núi. Chẳng những không dời nhà máy như đã hứa, lại còn tăng công suất và hoạt động suốt cả đêm, gây ồn ào và khói bụi khiến dân chịu không thấu.

Thiếu tiền, Hà Nội giật gấu vá vai
Nhằm tạo niềm tin cho tính khả thi của dự án xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị, mà số tiền lên tới hơn 40 tỷ USD, TP Hà Nội đang vẽ ra các phương án “đếm cua trong lỗ” nhằm huy động cho được nguồn vốn đối ứng này. Chẳng hạn như, Hà Nội đề xuất được bổ sung 6.000 ha đất, giá trị sử dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ huy động khoảng 15.000 tỷ đồng từ đấu giá, cho thuê quỹ nhà đất chuyên dùng, biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, trụ sở đơn vị dôi dư nằm trong danh mục được phép bán, cho thuê. Hà Nội cũng đề nghị được hưởng cơ chế tài chính theo Luật Thủ đô để làm đường sắt đô thị và giao thông, với việc hưởng toàn bộ số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn; được sử dụng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố (khoảng 22.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020)“.

Xử án hai nông dân “nhận hối lộ”!
Ai bảo chỉ người có quyền, có chức mới nhận hối lộ? Xem đây, báo Pháp luật TP đưa tin: Sắp xét xử 2 nông dân nhận hối lộ. Theo đó, “bà con phụ tiền xăng xe cho ông Tuấn đi lại liên hệ vay tiền giúp bà con và mọi người đều đồng ý…” và rồi ông Tuấn đã “nhận hối lộ 13,6 triệu đồng của 12 hộ dân“.

Ông Nam (người cầm đơn kêu oan) và ông Tuấn, hai nông dân bị truy tố tội nhận hối lộ. Ảnh: báo PLTP

Tháng 3/2015, Công an huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận khởi tố, bắt tạm giam hai ông về tội nhận hối lộ. Tháng 8/2015, tòa tuyên phạt ông Tuấn 8 năm tù, ông Nam 7 năm tù! Rồi vụ án được điều tra lại và bắt đầu xử tiếp…

Phiên xử hai ông hôm qua vẫn chưa xong, nhưng “đại diện VKS cho rằng hành vi của ông Nam và ông Tuấn đã cấu thành tội nhận hối lộ nhưng bất ngờ đề nghị tòa miễn hình phạt đối với hai bị cáo do hành vi của hai bị cáo chưa đến mức phải cách ly ra khỏi xã hội“. Hai nông dân sẽ chờ luận tội trong phiên xử hôm nay.

Võ sư Đoàn Bảo Châu bị võ sư Canada, Flores hạ đo ván
Một cuộc thi đấu diễn ra chỉ trong vòng vài phút, giữa võ sư Vịnh Xuân Pierre-Francois Flores từ Canada, và võ sư karate Việt Nam, ông Đoàn Bảo Châu và võ sư Việt Nam đã bị hạ đo ván, BBC đưa tin.
Tin từ clip cho thấy, võ sư Đoàn Bảo Châu đã ba lần bị đánh ngã xuống đất, mặc dù trước đó đã có vài lần ông ra đòn. Đòn nặng nhất là khi võ sư Flores ra đòn chân ở tầm cao, đã hạ gục võ sư Đoàn Bảo Châu, kết thúc trận đấu: https://www.youtube.com/watch?v=9tKkMRwa82Q

Ngày này năm xưa
Ngày này đánh dấu 70 năm vụ án Ôn Như Hầu. Ông Trần Tử Thanh, đương kim Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Quốc Dân đảng, hiện đang sống ở bang Virginia, Mỹ, cho biết:
Lúc đó Việt Nam quốc dân đảng chúng tôi mới nhận trụ sở Ôn Như Hầu mới có vài tháng thôi. Người nhà thầu đến sửa sang trụ sở đó cho Quốc dân đảng làm việc, sau này có kể lại là khi ông ta vào làm việc thì thấy trong khu vườn chuối có vài ngôi mộ, hỏi ra thì mới biết là mộ đó của những người Trung Hoa quốc gia họ sang đây bị bệnh chết, rồi chôn ở đó. Dựa vào đó người cộng sản họ dựng nên vụ án, rồi nói rằng trong đó có vũ khí với tra tấn, làm sao mà một cái nhà giữa thành phố Hà Nội lại như vậy. Chuyện đó hoàn toàn không phải là sự thật.

Ông Trần Tử Thanh nói, nguyên nhân chính là do phe Việt Minh, sau này là Đảng Cộng sản, muốn độc chiếm quyền lãnh đạo chính trị. “Chắc chắn vụ Ôn Như Hầu phải được sự chuẩn thuận của ông Hồ Chí Minh và bộ tham mưu của ông ta, và đây hoàn toàn là dàn dựng“.

Còn đây là lực lượng “còn đảng, còn mình”, nói: “Phá vụ án Ôn Như Hầu – một chiến công chói lọi của lực lượng An ninh nhân dân“.

Tin quốc tế

Mỹ – Trung – Triều
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn kiên nhẫn với Trung Quốc về vấn đề Bắc Hàn và yêu cầu nước này làm nhiều hơn nữa để gây áp lực với Bình Nhưỡng, nhưng Trung Quốc phản pháo lại bằng cách yêu cầu ngưng điều mà họ gọi là “thuyết trách nhiệm của Trung Quốc”.

Ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng, chìa khóa cho giải pháp Bắc Hàn không nằm trong tay Bắc Kinh và rằng Trung Quốc không phải là nước làm gia tăng căng thẳng. Tại cuộc họp báo hàng ngày, ông Cảnh Sảng nói: “Gần đây, một số người, khi nói đến vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, đã cường điệu và làm nổi bật lên điều được gọi là ‘thuyết trách nhiệm của Trung Quốc’. Yêu cầu người khác làm việc, nhưng phần mình không làm gì thì không đúng“.

Cũng tin Bắc Hàn, Mỹ loan báo THAAD bắn chặn thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung. RFI đưa tin, đúng một tuần sau khi Bắc Hàn thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, hôm qua, quân đội Mỹ loan báo, họ đã thành công trong việc dùng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD, để chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung, tương tự như tên lửa mà Bình Nhưỡng đang chế tạo.

Trong một thông cáo, quân đội Mỹ cho biết là một hệ thống lá chắn THAAD, đặt tại Kodiak, tiểu bang Alaska, đã ‘phát hiện, bám sát và ngăn chặn được’ một tên lửa đạn đạo bắn đi từ một chiếc máy bay vận tải C-17 của không quân Mỹ, bay ngoài khơi Hawaii“.

Thông tin con trai trưởng của Trump tung ra, có thể là bom tấn dội xuống chính quyền ông bố
Sau khi tung ra một loạt email trên Twitter hôm qua, về các trao đổi của con trai Trump, Donald Trump Jr. (Trump Jr.), với những người có liên quan, sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa anh ta với luật sư người Nga để giúp bố anh thắng cử, có thể thấy rõ bàn tay của Nga can thiệp vào chuyện bầu cử ở Mỹ năm ngoái. Qua các email, con trai của Trump, Donald Trump Jr. ‘thích thú’ được Nga giúp chống Hillary Clinton.

Đây là quả bom dội xuống đầu Tổng thống Mỹ và chính phủ của Trump. Không rõ lý do vì sao Trump Jr. tung ra loạt email này, dù anh ta nói rằng để “minh bạch” thông tin.

Danh hài châm biếm và là người dẫn chương trình nổi tiếng, Stephen Colbert, nói trong chương trình The Late Show của mình đêm qua, rằng: “Ai bảo anh ta làm điều đó? Anh ta có luật sư không? Bởi vì hiếm khi bạn nhìn thấy một show của cảnh sát mà luật sư đột nhập vào phòng thẩm vấn và hét lên, ‘Hãy tiếp tục nói. Hãy tweet ra mọi thứ bạn biết’! https://www.youtube.com/watch?time_continue=1&v=H3EY8aLutbg

Bằng giọng bông đùa, danh hài Colbert nói, mọi người đã từng nghĩ Eric Trump, người con trai thứ của Trump, là cậu con ngu xuẩn nhất trong gia đình, nhưng mọi người đã sai. Colbert muốn xin lỗi Eric vì nghĩ anh ngu nhất, nhưng thật ra người anh, Donald Trump Jr.  lại hơn anh về khoản kém thông minh này.

Colbert cũng nói rằng, Donald Trump Jr. chính là Deepthroat của anh ta, tức là người tự tiết lộ những bí mật của mình. Deep Throat là bí danh của một nhân vật nổi tiếng, đã giúp hạ bệ TT Richard Nixon hồi thập niên 1970. Deep Throat tên thật là Mark Felt, là phó giám đốc FBI, đã bí mật tiết lộ tin tức cho hai nhà báo Washington Post, đưa tin để công chúng Mỹ biết về những vụ bê bối trong nội các Nixon. Kết quả là TT Nixon đã phải từ chức, thay vì đợi Quốc hội Mỹ truất phế.

Nhưng ông chủ Wikileaks nói, chính ông đã kêu Trump Jr. đưa thông tin đó ra. Trong mấy cái tweet đưa lên mạng hôm qua, Julian Assange cho biết, chính ông đã thuyết phục con trai của TT Mỹ công bố các thông tin liên quan đến việc sắp xếp cuộc gặp gỡ luật sư Nga. Assange lập luận rằng, “kẻ thù” của Trump Jr. đã có những bằng chứng đó, tại sao anh không công bố để thông tin chính xác hơn, thông tin không bị bóp méo?

Assange cũng cho biết, hai tiếng sau khi nói chuyện, Trump Jr. đã đưa toàn bộ email trao đổi lên Twitter. Assange không đồng ý cách Trump Jr. tự công bố emails qua tài khoản Twitter của anh ta, mà cho rằng anh ta nên công bố trên Wikileaks bằng “nguồn tin nặc danh” vì Assange nói, khi tự công bố, thì các email đó sẽ trở thành bằng chứng, chống lại anh ta.

Trong khi đó, ông Trump ca ngợi con trai vụ tiết lộ email. Trong một cái tweet sáng nay, Trump viết “con trai tôi Donald đã làm một việc tốt tối qua. Con tôi cởi mở, minh bạch và vô tội. Đây là cuộc săn lùng và tiêu diệt phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị. Buồn!

Biểu tình ở Myanmar
Báo Straits Times đưa tin, có khoảng 300 nông dân ở thành phố Manday, Myanmar đã xuống đường biểu tình suốt cả tuần, chống cướp đất. Người dân than phiền rằng, kể từ khi cầm quyền, chính phủ mới đã không giúp người dân, mà còn bắt và truy tố gần 500 người ở miền trung Mandalay, liên quan tới các vụ tranh chấp đất đai. Người cầm đầu biểu tình, ông Mg Soe nói với AFP, “Chúng tôi chọn chính phủ mới, nhưng họ không làm gì để bảo vệ nông dân”.

-----------------------



No comments:

Post a Comment

View My Stats