Wednesday, 30 December 2015

Việt Nam có thể theo Myanmar được không? (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 29, 2015 7:11:03 PM 

Bài liên quan :

*
Sau cuộc bầu cử ở Myanmar ngày 8 Tháng Mười Một năm 2015, nhiều người ở Việt Nam hào hứng nghĩ rằng nước ta có thể noi theo con đường dân chủ hóa của họ. Gần 100 đảng viên Cộng Sản đã ký bức thư gửi Bộ Chính Trị công khai bác bỏ chủ nghĩa Cộng Sản và lên án chế độ Cộng Sản; mạnh dạn yêu cầu các hành động dân chủ hóa. Trên báo mạng, có người còn đặt câu hỏi, “Ai sẽ là Thein Sein và Aung San Suu Kyi của Việt Nam?”

Ðặc biệt là những ý kiến lạc quan này xuất hiện trong số những đảng viên Cộng Sản hơn là với những nhà đấu tranh dân chủ đang hoạt động trong nước. Nhiều đảng viên Cộng Sản có thể nhìn thấy trong tấm gương Myanmar một tia sáng hy vọng, cho đảng của họ và cho chính họ. Còn những nhà đấu tranh dân chủ không tin đảng Cộng Sản có thể bắt chước các tướng lãnh quân phiệt ở Myanmar.

Tại sao có các đảng viên Cộng Sản muốn giới lãnh đạo đảng đi theo đường Myanmar? Bởi vì đó là một cách “hạ cánh an toàn” cho toàn đảng, trong đó có bản thân họ. Những người kêu gọi đảng theo đường Myanmar ý thức rằng sớm hay muộn chế độ Cộng Sản cũng phải chấm dứt. Họ mong biến cố đó diễn ra trong hòa bình, không đổ máu; đó cũng là mong ước của tất cả mọi người. Nhưng điều mong mỏi quan trọng nhất của họ là sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, các đảng viên từ thấp lên cao sẽ không bị truy tố về những việc làm phạm pháp, lạm dụng quyền hành, bóc lột và ức hiếp người dân, trong thời gian đảng Cộng Sản nắm toàn quyền cai trị. Ðây là điều mà giới lãnh đạo quân phiệt ở Myanmar đang tìm cách thực hiện khi chuyển giao quyền bính cho đảng đối lập, Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.

Ai cũng thấy tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra tại Myanmar là do các tướng lãnh quân phiệt chủ động thực hiện. Chính họ bắt đầu tiến trình này, để “chuộc tội,” với hy vọng giới lãnh đạo dân chủ tự do sau này sẽ không có những hành động “hồi tố,” trừng phạt những việc phạm pháp mà các đảng viên của Liên Minh Ðoàn Kết và Phát Triển, USDP, đang nắm quyền; đặc biệt là các tướng lãnh.

Công cuộc dân chủ hóa có thể coi là khởi đầu từ năm 2003, khi Tướng Than Shwe, lãnh tụ quân phiệt, đưa ra một “lộ trình dân chủ” gồm bẩy bước (Xin nhớ, chữ Than trong tiếng Miến Ðiện chỉ có nghĩa là “Ông”). Sau đó, chế độ đã thực hiện những hứa hẹn đó, soạn bản Hiến Pháp mới thay thế Hiến Pháp năm 1962 của nhà độc tài Ne Win, tổ chức bầu cử Quốc Hội mới, Quốc Hội thành lập một chính phủ dân sự, vân vân. Trong tất cả lộ trình đó, chỉ thiếu một điều: Dân Myanmar vẫn không được tự do ngôn luận, không tự do báo chí, không tự do lập hội, lập đảng; bà Suu Kyi vẫn bị giam cầm, đảng NLD bị cấm hoạt động. Tất cả “lộ trình dân chủ” của Tướng Than Shwe chỉ là một cái bánh vẽ khổng lồ.

Nhưng tướng về hưu Thein Sein, đóng vai vị tổng thống dân sự đầu tiên đã thực hiện một bước kế tiếp, không được ghi trong “lộ trình,” là lần lần trả tự do cho dân chúng, kể cả bà Suu Kyi. Người ngoài dễ tưởng rằng ông Thein Sein đã hành động một mình; nhưng không phải. Tướng Than Shwe vẫn là người nắm thực quyền, đóng vai “Bố già” dù đã chính thức nghỉ hưu.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu Tháng Mười Một vừa qua, bà Suu Kyi đã đến thăm Tướng Than Shwe, sau khi gặp ông Thein Sein và vị tướng chỉ huy trưởng quân đội. Người tổ chức cuộc hội kiến này là Suu Kyi gặp ông Than Shwe hơn hai tiếng đồng hồ, cho thấy đây không phải là một cuộc gặp gỡ xã giao. Chính ông Than Shwe đã ra lệnh cầm tù bà Suu Kyi và là người trả tự do cho bà năm 2010.

Người xếp đặt cuộc hội kiến này là cháu nội của Than Shwe, ông Ko Nay Shwe Thway Aung, năm nay mới 24 tuổi. Shwe Thway Aung đã gặp Suu Kyi mươi ngày sau khi có kết quả bầu cử, đã trao đổi ý kiến, tường trình lại với ông nội Than Shwe; rồi trở thành người đưa tin giữa cựu tù nhân chính trị và người bỏ tù mình. Theo cậu cháu tường trình trên Facebook của cậu thì chính bà Suu Kyi ngỏ ý muốn gặp “Bố già” Than Shwe. Cậu cháu cũng viết rằng bà Suu Kyi muốn “hòa giải dân tộc;” trích lời bà nói rằng, “Tôi không có óc trả thù, cái đó có hại cho đất nước. Ðể xây dựng tương lai quốc gia, cần sự hợp tác của tất cả các định chế, trong đó có Quân Ðội (Tatmadaw). Cho nên tôi muốn gặp Ðại Tướng Than Shwe.” Bà Suu Kyi cũng chấp nhận lời giải thích của Tướng Than Shwe về việc quân đội đã hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử mà Liên Minh NLD thắng lớn; nói rằng lúc đó Than Shwe chưa tin tưởng vào chính đảng mới thành lập này.

Sau cuộc gặp gỡ ngày 4 Tháng Mười Hai năm 2015, Tướng Than Shwe đã nói rằng ông ủng hộ bà Suu Kyi trở thành người lãnh đạo của Myanmar.

Chúng ta thấy giữa hai người, Aung San Suu Kyi và Than Shwe đã có một cuộc dàn xếp: Hòa giải. Chính quyền mới, dù do bà Suu Kyi cầm đầu hay bà đứng đằng sau cố vấn, sẽ theo một chính sách “không trả thù” giới tướng lãnh quân phiệt.

Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội, sẽ không thể nào ra lệnh cho các quân nhân chiếm 25% số ghế trong Quốc Hội đồng ý thay đổi điều 59 (f) trong Hiến Pháp để cho phép bà Suu Kyi tranh cử tổng thống, nếu không được Than Shwe bật đèn xanh.

Tại Myanmar, các nhân vật Than Shwe, Thein Sein, và Suu Kyi đang thực hiện được một lộ trình hòa giải để dân chủ hóa đất nước, cho phép đám tướng lãnh quân phiệt “hạ cánh an toàn.” Ðó là điều mà nhiều đảng viên Cộng Sản ở Việt Nam cũng mong muốn đảng của họ thực hiện được. Vì vậy, nhiều người đã đề nghị đảng Cộng Sản hãy noi theo tấm gương Myanmar. Nếu đảng Cộng Sản theo được những việc mà chế độ quân phiệt Myanmar đang làm, thì toàn thể đảng Cộng Sản có thể kể công đã tự ý đứng dậy, rời khỏi quyền bính, mở đường cho công cuộc dân chủ hóa. Nếu mong ước này được thực hiện, chính bản thân các đảng viên Cộng Sản cũng sẽ tránh được vết nhơ đã góp phần đưa nước Việt Nam vào cảnh chậm tiến về kinh tế, lụn bại về đạo đức, văn hóa mà chính các đảng viên đã thấy và đã vạch ra trong bức thư gửi Bộ Chính Trị gần đây.

Ngoài ra, trong số đám cầm đầu chế độ Cộng Sản hiện nay cũng có người muốn lợi dụng tấm gương Myanmar để củng cố địa vị của chính mình. Vì vậy mới có người dám đặt câu hỏi trên mạng: “Ai sẽ là Thein Sein, ai sẽ là Suu Kyi của Việt Nam?” Ðây là một lối “cò mồi,” với hậu ý nêu lên một mối hy vọng cho tất cả mọi người, để trình bày một “mẫu người hùng” Thein Sein tiêu biểu cho mọi người bàn cãi. Rồi sau đó, một nhân vật trong giới lãnh đạo đảng cộng sản sẽ được “đánh bóng” cho phù hợp với mẫu người hùng Thein Sein đó.

Kế hoạch “đánh bóng” này có thể đánh lừa được nhiều người, nhất là các đảng viên nhẹ dạ và thiếu hiểu biết. Nhưng các nhà đấu tranh dân chủ trong nước không cả tin như vậy. Và họ cũng đủ kiến thức cùng trí phán đoán để biết rằng đảng Cộng Sản Việt Nam không thể nào tạo được một Than Shwe hay Thein Sein. Hơn nữa, trong môi trường chính trị Việt Nam cũng chưa có một thực thể chính trị nào tương đương với Liên Minh NLD và bà Aung San Suu Kyi! Ðây là đề tài sẽ được phân tích trong mục này trong bài tới. 







No comments:

Post a Comment

View My Stats