Wednesday 30 December 2015

Nhà điêu khắc (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 28/12/2015)

Nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu tạc tượng người tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, ngừng tay súng, ngồi nghỉ bên xa lộ Biên Hòa; Việt Cộng phá vỡ bức tượng; nhưng hàng triệu bức tượng khác vẫn còn nguyên vẹn trong niềm tiếc thương của người Việt Nam.

Tạc tượng người lính chấp nhận gian khổ, nguy hiểm, và chấp nhận hy sinh đến cả mạng sống của chính mình để bảo vệ quê hương đã trở thành truyền thống của nhiều quốc gia.

Từ trên bảy năm nay, điêu khắc gia Barack Obama góp tay tạc tượng người lính Mỹ, ông rị mọ thêm chút thạch cao vào chiếc mũ sắt của anh TQLC đầu tiên trong sáu anh quân nhân Hoa Kỳ đang cắm cờ Hoa trên hải đảo Iwo Jima mà họ vừa chiếm được của quân Nhật.

Sáu anh này là trung sĩ Michael Strank, hạ sĩ Harlon Block, binh nhất Rene Gagnon, hạ sĩ nhất Ira Hayes, hạ sĩ nhất Franklin Sousley, và dược sĩ John Bradley -riêng ông này thuộc quân chủng Hải Quân.

Bức tượng “thương tiếc” không còn ngồi bên Nghĩa Trang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa nữa.

Bức tượng “dựng cờ” vẫn tồn tại trước ngưỡng cổng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington

Bức tượng dựng cờ được khởi công từ ngày mùng 7 tháng Chạp năm 1941, ngày hải quân Nhật đột ngột tấn công Trân Châu Cảng, mà chính phủ Nhật không buồn tuyên chiến với Hoa Kỳ. Do đó, điêu khắc gia đầu tiên bắt tay vào việc tạc tượng là Franklin D. Roosevelt, vị tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ, tổng tư lệnh quân đội Mỹ trong cuộc chiến Nhật Mỹ.

Sau Roosevelt, điêu khắc gia Harry Truman tiếp tục tô điểm cho bức tượng trở thành hùng vĩ hơn trong góc nhìn của người Á Châu với chiến thắng Nhân Xuyên.

Ngày 15 tháng Chín 1950, Truman ra lệnh thực hiện cuộc đổ bộ vào bờ biển Nhân Xuyên; đại tướng Mỹ Douglas MacArthur sử dụng 261 chiến hạm đổ 75,000 quân lên bờ biển phía Tây của bán đảo Triều Tiên, trong lúc đại quân Bắc Hàn đã đổ hết xuống vây khổn thành phố cực Nam của Nam Hàn -Phú Sơn.

Quân Mỹ đổ vào Nhân Xuyên

Đổ bộ thành công, quân Mỹ không tiến xuống hướng Nam giải cứu Phú Sơn mà lại đánh ngược lên hướng Bắc, chiếm cứ trọn vẹn lãnh thổ Bắc Hàn lúc đó đang bỏ trống.

Quân Bắc Hàn bôn tập quay lộn trở về miền Bắc, bị không quân Hoa Kỳ dập tan trên đường lui quân. Cuộc đổ bộ táo bạo sau lưng đại quân địch, và hướng Bắc Tiến khéo tính của đại tướng McArthur tô điểm cho bức tượng dựng cờ thêm hùng vĩ.

Nhưng sau chiến thắng oai hùng tại Triều Tiên, là giai đoạn đen tối của quân đội Hoa Kỳ kéo dài suốt hai thế hệ, vì các tướng lãnh và tổng tư lệnh Mỹ không tìm ra được chiến lược chống du kích trên hai chiến trường Việt Nam và Trung Đông.

Vì không hiểu nguyên nhân thất trận tại Việt Nam, tổng tư lệnh George W. Bush lại đưa đại quân sang tấn công và chiếm đóng Iraq, khiến người lính Mỹ -vô cùng thiện chiến trong thế tấn công- bị trói chân vào thế phòng thủ diện địa và bình định cuộc nổi dậy của người Iraq.

Tính từ năm 2003 -năm quân Mỹ đổ vào Iraq- đến năm 2010 -năm đại quân Mỹ rút ra khỏi Iraq- Hoa Kỳ đã tiêu tốn $1,100 tỉ Mỹ kim chiến phí; tổn thất nhân mạng được ghi nhận là 4,425 quân nhân Mỹ tử trận, và 32,223 người bị thương.

Nói cách khác trong suốt nửa thế kỷ -từ 1960 đến 2010- bức tượng người lính Mỹ bị lu mờ đi vì những bế tắc chiến lược trên hai chiến trường Việt Nam và Trung Đông.

Hôm 26 tháng Chạp 2015, điêu khắc gia Obama lại đem thạch cao, dao và bay ra tìm cách tô bồi bức tượng. Mặc áo ngắn tay, không áo ngoài, không cà vạt, Obama đứng trong câu lạc bộ quân nhân tại căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Kaneohe, Hawaii, nói chuyện với binh sĩ.

Obama nói chuyện với binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến

Ông bảo họ là sáu người lính Hoa Kỳ vừa tử trận tại A Phú Hãn là những chiến sĩ anh hùng đã đem mạng sống ra bảo vệ an ninh cho người Mỹ. Ý nghĩa hy sinh của người lính tử trận là việc đương nhiên, nhưng việc một vị tổng tư lệnh đề cao sự hy sinh đó tại một đơn vị TQLC đang làm nức lòng nửa triệu người lính khác.

Họ tử trận hôm thứ Hai 12/21/2015, khi một tên khủng bố người A Phú Hãn tự sát bằng cách lái xe mô tô đâm vào một đoàn quân xa gần căn cứ không quân Bagram, chiếc mô tô đó là một chiếc xe bom.

Obama rất thận trọng trong việc bảo vệ sinh mạng quân nhân Hoa Kỳ; ông không để lính Mỹ trực diện tác chiến nữa, mà sử dụng tối đa quân lực của các quốc gia địa phương vào công tác bảo vệ quê hương họ. Quân lực Hoa Kỳ chỉ trợ chiến bằng hỏa lực không quân như họ đã làm rất thành công tại Việt Nam trong cuộc tổng tấn công lần thứ nhất -năm 1972- của Việt Cộng.

Obama đặt nặng việc sáu quân nhân Mỹ tử trận, vì từ trên ba năm nay, không một người lính Mỹ nào bị giết tại A Phú Hãn; lần tổn thất gần nhất là tháng Bảy 2012 khi một quân xa Mỹ cán mình gây tử thương cho sáu quân nhân.

Obama nói với binh sĩ, "Tôi ý thức được những nguy hiểm các anh phải đương đầu trong sứ mạng viễn chinh; tôi muốn đem toàn bộ quân nhân Mỹ ra khỏi chiến trường Trung Đông; ngày nào còn một người lính Mỹ trên chiến trường ngoại biên, ngày đó tôi còn âu lo."

Dư luận chỉ trích ông thiếu quyết liệt, mặc dù chính ông đã dẹp tan tổ chức khủng bố al-Qaeda, mà chỉ trả bằng một giá máu thật nhẹ -ông sử dụng drones bắn tỉa từng tên thủ lãnh khủng bố; và chót hết để hạ sát tên trùm khủng bố bin Laden ngày mùng 2 tháng 5, 2011, ông cũng chỉ sử dụng 79 người nhái và Cairo -một con quân khuyển đột kích vào căn nhà kiên cố như một pháo đài tại thị trấn Bilal, tỉnh Abbottabad của Pakistan.

Cuộc đột kích chính xác đến mức tổng tư lệnh Obama và nội các chiến tranh của ông có thể ngồi trong Bạch Cung coi diễn tiến xảy ra trên màn ảnh trực tiếp truyền hình.
[5]
Tổng tư lệnh Obama và nội các chiến tranh của Hoa Kỳ ngồi chứng kiến màn chót của vở kịch bi hùng al-Qaeda
Bức tượng của người lính Mỹ không chỉ nặn bằng xương máu của binh sĩ, mà còn bằng khối óc siêu việt của những chiến lược gia Hoa Kỳ; tuy nhiên không phải thế hệ nào cũng có một nhà điêu khắc tài ba. (nđt)

Các tin khác
• Văn Chương Cầu Muối (23-12-2015)
• Góc nhìn (21-12-2015)
• 16 ngày phép (19-12-2015)
• Trò đùa độc ác (16-12-2015)
• Vấn đề và giải pháp (14-12-2015)
• Hai dị nhân, hai nan đề (12-12-2015)
• Hai cuộc chiến tranh (07-12-2015)









No comments:

Post a Comment

View My Stats