Monday 28 December 2015

Thỏa thuận hợp tác về Dự án Phục vụ Công lý (FB Trần Vũ Hải)





Posted by adminbasam on 28/12/2015

27-12-2015

Thỏa thuận hợp tác giữa những tổ chức hành nghề luật sư về hỗ trợ pháp lý cho những người dân, doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn bị vướng vào những vụ việc có dấu hiệu oan sai, bất công nghiêm trọng hoặc kéo dài

(Viết tắt : Thoả thuận hợp tác về Dự án Phục vụ Công lý)

Việt Nam, ngày ....tháng 12 năm 2015

Chúng tôi, đại diện những tổ chức hành nghề ký tên dưới đây nhất trí Thoả Thuận Hợp tác về Dự án Phục vụ Công lý với những nội dung sau:

1. Căn cứ, nhu cầu, mục tiêu của Dự án Phục vụ Công lý (Dự án).

a. Hiến pháp 2013, các luật về tố tụng, Luật Luật sư, Luật Khiếu nại và Bộ luật Dân sự đều quy định công dân và cá nhân khác đều có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong đó quyền nhờ luật sư (mà không hạn chế số luật sư) để bảo vệ, biện hộ, đại diện, tư vấn, hỗ trợ, bào chữa và cung cấp dịch vụ pháp lý khác cho mình trong cuộc sống, kinh doanh nhất là khi phát sinh những vụ việc liên quan pháp luật.

b. Theo Luật Luật sư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, các tổ chức hành nghề luật sư có quyền cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, Nhóm thành viên tham gia Dự án liên kết với nhau trong hoạt động của mình. Ngoài ra, luật sư có trách nhiệm trợ giúp pháp lý cho những đương sự nhất định. Theo Luật Luật sư, các luật tố tụng và Hiến pháp, luật sư có quyền sử dụng mọi biện pháp hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, luật sư với tư cách công dân cũng có quyền kiến nghị về những vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng và các cơ quan chức năng khác.

c. Hiện nhiều tổ chức hành nghề luật sư đang thụ lý nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, khách hàng thuộc hoàn cảnh rất khó khăn, nếu chỉ một tổ chức hành nghề luật sư thực hiện công việc sẽ khó có hiệu quả, quyền của người dân rất khó được đảm bảo, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư. Vì vậy, nhiều tổ chức hành nghề luật sư thấy sự cần thiết phải liên kết, liên danh để cùng hợp tác giải quyết những vụ việc như vậy, cùng có tiếng nói chung để yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết, phục hồi quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

d. Mục tiêu của Dự án là các tổ chức hành nghề luật sư cùng liên danh, liên kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong việc đấu tranh giành những quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng, người dân (đặc biệt của những người yếu thế, thu nhập thấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoàn cảnh khó khăn) bị xâm phạm, tước đoạt nghiêm trọng hoặc kéo dài. Dự án hoạt động hiệu quả sẽ góp phần bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng uy tín và vị thế của nghề luật sư.

2. Thành viên tham gia Dự án.

a. Bất kỳ tổ chức hành nghề luật sư được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đồng ý với nội dung của Thoả thuận Hợp tác này và gửi văn bản tham gia đến Trưởng Ban Điều phối Dự án Phục vụ Công lý (Trưởng Dự án) đều trở thành thành viên tham gia Dự án kể từ thời điểm Trưởng Dự án xác nhận đã nhận văn bản tham gia.

b. Văn bản tham gia Dự án phải có những nội dung sau: tên, trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư, tên, địa chỉ, email, điện thoại của người đại diện, xác nhận đồng ý và tuân thủ những nội dung của Thoả thuận Hợp tác về Dự án Phục vụ Công lý, cam kết sẽ không có bất cứ khiếu nại, tố cáo nào hoặc hành động tương tự liên quan đến hoạt động của Dự án, đến Nhóm thành viên tham gia Dự án, đến Ban Điều phối kể cả khi không còn tham gia Dự án.

c. Bất kỳ thành viên nào đã tham gia Dự án cũng có quyền chấm dứt tham gia Dự án bằng việc gửi văn bản thông báo chấm dứt tham gia Dự án đến Trưởng Dự án.

d. Ban Điều phối Dự án (Ban Điều phối) có quyền chấm dứt tư cách thành viên tham gia Dự án của một tổ chức hành nghề luật sư nếu liên tục trong 01 năm thành viên đó không tham gia hoạt động nào của Dự án.

e. Ban Điều phối có quyền đề nghị chấm dứt tư cách thành viên Dự án của một tổ chức hành nghề luật sư nếu thành viên đó có những hành vi gây mất uy tín đến Dự án và/hoặc gây mất đoàn kết trong nội bộ những thành viên tham gia Dự án. Đề nghị này được tham khảo trong nội bộ những thành viên tham gia Dự án và khi có đa số thành viên được tham khảo đồng ý đề nghị thì Ban Điều phối ra thông báo chấm dứt tư cách thành viên Dự án của tổ chức hành nghề liên quan. Tổ chức hành nghề liên quan trong trường hợp này chỉ được quyền tham gia lại Dự án sau (01) một năm kể từ ngày bị chấm dứt tư cách thành viên và phải được Ban Điều phối chấp nhận.

f. Mỗi tổ chức hành nghề luật sư tham gia Dự án đều độc lập trong hoạt động của mình và trước pháp luật.

3. Ban Điều phối, Trưởng và Phó Trưởng Dự án, Luật sư chuyên trách, Thư ký của Dự án.

a. Ban Điều phối gồm (05) năm hoặc (07) bảy luật sư từ những tổ chức hành nghề luật sư tham gia Dự án được các thành viên tham gia Dự án cử ra trên cơ sở tự nguyện của những luật sư này. Nhiệm kỳ của Ban Điều phối là (01) một năm và có thể được đề cử lại khi hết nhiệm kỳ. Thành viên Ban Điều phối có thể từ nhiệm trong Nhiệm kỳ và Ban Điều phối được tự quyết định thành viên thay thế sau khi tham khảo một số thành viên tham gia Dự án không có luật sư tham gia Ban Điều phối. Việc đề cử Ban Điều phối nhiệm kỳ sau do Ban Điều phối đương nhiệm đề cử sau khi tham khảo ý kiến đông đảo những thành viên tham gia Dự án, nhưng phải có ít nhất hai thành viên Ban Điều phối nhiệm kỳ sau không tham gia Ban Điều phối nhiệm kỳ đương nhiệm.

Ban Điều phối quyết định theo nguyên tắc đa số sau khi trao đổi trực tiếp hoặc qua email. Các đề xuất về quyết định của Ban Điều phối phải do Trưởng Dự án hoặc Phó Trưởng Dự án chuẩn bị.

b. Ban Điều phối đầu tiên của Dự án có nhiệm kỳ từ 1/1/2016 đến 31/12/2016, gồm có (05) năm người được chọn trong những người ký đầu tiên vào Bản Thoả thuận hợp tác về Dự án Phục vụ Công lý, và có thể bổ sung thêm (02) hai người khác theo quyết định của Ban Điều phối.

a. Trưởng Dự án và Phó Trưởng Dự án do Ban Điều phối cử ra trong những thành viên Ban Điều phối và cùng nhiệm kỳ với Ban Điều phối. Không luật sư nào nhận nhiệm vụ Trưởng Dự án liên tiếp quá (02) hai năm. Trưởng Dự án điều hành Ban Điều phối và Dự án theo quy định trong Thoả thuận này và theo quyết định của Ban Điều phối. Phó Trưởng Dự án thực hiện công việc theo phân công của Trưởng Dự án và Ban Điều phối, thay Trưởng Dự án khi Trưởng Dự án vì lý do khách quan hoặc lý do khác không thực hiện được nhiệm vụ.

b. Để trợ giúp thường xuyên cho Dự án, Ban Điều phối và Trưởng, Phó Trưởng Dự án có ít nhất hai luật sư từ những tổ chức hành nghề thành viên của Dự án, trong đó một luật sư ở phía Bắc và một luật sư ở phía Nam. Những luật sư chuyên trách này do Trưởng Dự án đề cử, miễn nhiệm và được Ban Điều phối phê chuẩn. Ngoài ra, tùy theo điều kiện và theo đề nghị của tổ chức hành nghề thành viên của Dự án, Trưởng Dự án có thể cử thêm một số thư ký giúp việc cho Dự án, được hưởng phụ cấp thường xuyên hoặc phụ cấp theo vụ việc. Những luật sư chuyên trách, thư ký cho Dự án vẫn thuộc nhân sự của tổ chức hành nghề đã tiến cử họ. Khi không còn trợ giúp cho Dự án, những người này có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu cho cá nhân, tổ chức do Ban Điều phối chỉ định.

4. Những trường hợp, điều kiện, và phương thức để nhận hỗ trợ pháp lý từ Dự án.

a. Những người dân hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ (đương sự) có hoàn cảnh khó khăn, vướng vào những vụ việc có dấu hiệu oan sai, bất công nghiêm trọng hoặc kéo dài đều có thể đề nghị Nhóm thành viên tham gia Dự án xem xét hỗ trợ.

b. Văn bản đề nghị hỗ trợ pháp lý từ Dự án phải do đại diện một thành viên Dự án và đương sự hoặc người thân của đương sự (gọi chung là đương sự) ký gửi đến Ban Điều phối (có thể qua email). Văn bản đề nghị cần tóm tắt nội dung vụ việc, lập luận về căn cứ xác định dấu hiệu oan sai, bất công và những tài liệu cơ bản kèm theo qua email và đường bưu điên (theo chỉ dẫn của Ban Điều phối), đồng ý cho công khai thông tin, tài liệu liên quan nếu được Dự án nhận hỗ trợ.

b. Trường hợp đương sự đề nghị hỗ trợ pháp lý trực tiếp đến Trưởng Dự án, Trưởng Dự án có thể mời một thành viên tham gia Dự án xem xét tiếp nhận. Thành viên này sẽ cùng đương sự làm thủ tục như trên.

c. Sau khi nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ pháp lý, Trưởng Dự án sẽ chỉ định một hoặc hai luật sư (trong những tổ chức hành nghề luật sư tham gia Dự án) làm việc trực tiếp với thành viên đã ký văn bản đề nghị để thẩm định hồ sơ. Thời hạn thẩm định là (02) hai tuần, tùy theo tính khẩn trương hay phức tạp, thời hạn này có thể rút ngắn hoặc kéo dài nhưng không quá (04) bốn tuần.

d. Sau thời hạn nêu trên, luật sư thẩm định phải đề xuất cho Ban Điều phối theo một trong hai khả năng:

i/ Không thụ lý hỗ trợ và lý do

ii/ Thụ lý hỗ trợ và phương thức Dự án cần hỗ trợ thế nào.

e. Ban Điều phối căn cứ vào đề xuất của luật sư thẩm định và ý kiến thành viên đề nghị để quyết định thụ lý hỗ trợ hay không và nếu có theo cách thức thế nào, đồng thời thông báo cho các thành viên tham gia Dự án về việc nhận hỗ trợ.

f. Những tổ chức hành nghề luật sư có luật sư tham gia hỗ trợ trực tiếp cho đương sự sẽ ký những thỏa thuận theo quy định của pháp luật với đương sự được hỗ trợ, và phù hợp những quy định trong Thỏa thuận này. Trưởng Dự án được tiếp cận những thỏa thuận này nếu thấy cần thiết.

5. Những hình thức hợp tác hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ khác cho đương sự từ Dự án.

a. Giới thiệu những luật sư từ các tổ chức hành nghề luật sư thành viên Dự án trực tiếp hỗ trợ pháp lý.

b. Đề nghị các luật sư (cho dù tổ chức hành nghề của họ có tham gia Dự án hay không) ký tên vào những văn bản kiến nghị, và/hoặc trực tiếp yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét giải quyết vụ việc của đương sự.

c. Cung cấp cho báo chí và mạng xã hội những thông tin và tài liệu liên quan đến vụ việc.

d. Vận động những đồng nghiệp, nhà báo, nhà chuyên môn, nhà hoạt động xã hội, đại biểu dân cử viết và phát biểu trên báo chí, mạng xã hội và các diễn đàn về vụ việc của đương sự.

e. Cùng những thành viên tham gia Dự án tổ chức những hội thảo khoa học pháp lý có bàn về những vụ việc của đương sự hoặc tương tự.

f. Vận động những người và tổ chức khác có điều kiện và khả năng hỗ trợ dưới những hình thức thích hợp và không trái pháp luật cho đương sự và những luật sư trực tiếp giúp đương sự trong quá trình tìm công lý, nhất là những đương sự có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

6. Các vấn đề tài chính cho hoạt động Dự án

a. Các luật sư tham gia thực hiện các hoạt động của Dự án trên tinh thần thiện nguyện, không lấy trước thù lao từ đương sự, nhưng được tạo điều kiện để bù đắp những chi phí về văn phòng, đi lại, công tác phí và những chi phí hợp lý khác phải bỏ ra khi thực hiện công việc. Tuy nhiên, luật sư có thể thỏa thuận với đương sự lấy thù lao nếu vụ việc được xác định oan sai và được Nhà nước bồi thường oan sai hoặc vụ việc đạt kết quả có khoản bồi thường hoặc nguồn thu khác, luật sư chỉ nhận khoản thù lao khi đương sự nhận được khoản bồi thường hoặc nguồn thu khác. Riêng luật sư chuyên trách cho Dự án được đảm bảo thù lao hàng tháng tương xứng với công sức của họ.

b. Nguồn kinh phí để bù đắp những chi phí cho hoạt động của Dự án sẽ do các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư và khách hàng của họ (kể cả những tổ chức hành nghề luật sư và luật sư không tham gia Dự án) tự nguyện đóng góp. Trong năm đầu tiên, ngoài nguồn đóng góp này, Dự án sẽ không nhận những nguồn đóng góp khác. Sau thời gian này, tùy theo quy định của pháp luật, Dự án sẽ tiếp nhận những nguồn đóng góp khác.

c. Các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư và khách hàng của tổ chức hành nghề luật sư cam kết đóng góp cho Dự án gửi thông báo bằng văn bản (hoặc email) cho Trưởng Dự án và việc cam kết được công khai (trừ trường hợp người cam kết bằng văn bản yêu cầu giữ kín). Số tiền cam kết có sẵn và được giữ nguyên trong tài khoản của tổ chức hành nghề luật sư hoặc của luật sư đã cam kết hoặc có khách hàng cam kết.

d. Hàng tháng hoặc hàng quý (tùy theo nhu cầu bù đắp chi phí cho hoạt động Dự án), Trưởng Dự án gửi văn bản (có thể qua email) đến chủ tài khoản để đề nghị thanh toán cho những địa chỉ được bù đắp chi phí theo quy định trong Thỏa thuận này và chủ tài khoản đã cam kết có trách nhiệm giải ngân theo yêu cầu của Trưởng Dự án. Những người được bù đắp chi phí và chủ tài khoản chịu trách nhiệm về các chứng từ, thuế (nếu có) theo quy định của pháp luật.

e. Ban Điều phối có trách nhiệm thông qua các nguyên tắc về bù đắp chi phí theo đề nghị của Trưởng Dự án. Trước khi Trưởng Dự án gửi yêu cầu giải ngân đến chủ tài khoản đã cam kết, phải thông báo cho các thành viên khác của Ban Điều phối biết trước (02) ngày. Nếu có thành viên Ban Điều phối nào thắc mắc, Trưởng Dự án có trách nhiệm giải thích thắc mắc cho thành viên đó trước khi yêu cầu giải ngân. Nếu thành viên Ban Điều phối thắc mắc chưa đồng ý với giải thích của Trưởng Dự án, việc này sẽ được đưa ra Ban Điều phối để quyết định theo đa số.

f. Trường hợp nguồn kinh phí cho Dự án chưa đủ để thanh toán những chi phí hoạt động của Dự án, các tổ chức hành nghề luật sư tham gia Dự án sẽ tự bù đắp chi phí cho những luật sư và nhân viên tham gia làm việc cho Dự án.

g. Hàng quý, Trưởng Dự án gửi cho các thành viên khác của Ban Điều phối bảng tổng kết các khoản tự nguyện đóng góp, các khoản giải ngân cho Dự án và những vấn đề tài chính liên quan khác, dự toán những khoản tự nguyện đóng góp và những khoản chi trong quý tới. Nếu có thành viên Ban Điều phối nào thắc mắc, Trưởng Dự án có trách nhiệm giải thích thắc mắc cho thành viên đó. Nếu thành viên Ban Điều phối thắc mắc chưa đồng ý với giải thích của Trưởng Dự án, việc này sẽ được đưa ra Ban Điều phối để quyết định theo đa số.

7. Các quy định khác của Dự án

a. Mỗi luật sư chuyên trách có trách nhiệm lưu giữ cẩn thận hồ sơ vụ việc được Dự án chính thức thụ lý và cung cấp thông tin, tài liệu cho Ban Điều phối và những luật sư tham gia vụ việc khi cần thiết hoặc có yêu cầu chính đáng. Hồ sơ thụ lý chính thức sẽ được đánh số thứ tự từ số 01, ghi rõ ngày tháng năm thụ lý chính thức.

b. Luật sư tham gia Dự án phải từ chối tham gia vụ việc được Dự án thụ lý nếu luật sư đó có lợi ích mâu thuẫn với đương sự được hỗ trợ từ Dự án (như đã tham gia làm luật sư cho bên đối lập với đương sự này hoặc trước đó đã tham gia với tư cách khác trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc ngoại trừ tư cách luật sư cho đương sự).

c. Mọi thắc mắc của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia Dự án (nếu có) cần được gửi bằng văn bản đến Trưởng Dự án và nếu không hài lòng với giải đáp của Trưởng Dự án, phải thông báo bằng văn bản cho Ban Điều phối. Quyết định của Ban Điều phối về thắc mắc này có hiệu lực cuối cùng. Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư không được công khai thắc mắc của mình về hoạt động của Dự án, cũng như nội dung giải đáp của Trưởng Dự án, quyết định giải quyết của Ban Điều phối. Nếu xét thấy cần thiết, Ban Điều phối quyết định công khai nội dung giải đáp của Trưởng Dự án hoặc quyết định giải quyết của Ban Điều phối.

d. Những luật sư và nhân sự khác tham gia hoạt động của Dự án có hành vi gây ảnh hưởng đến uy tín đến Dự án hoặc Nhóm thành viên tham gia Dự án, gây mất đoàn kết trong nội bộ Nhóm thành viên tham gia Dự án, có thể bị Ban Điều phối chấm dứt cộng tác theo đề nghị của Trưởng Dự án.

e. Tùy theo sáng kiến của thành viên Dự án, Ban Điều phối và thành viên sáng kiến sẽ tổ chức những hội thảo, lớp bồi dưỡng chuyên đề cho nhân sự của các thành viên Nhóm thành viên tham gia Dự án về những loại vụ việc đã hoặc đang giải quyết của Dự án. Thông qua đúc kết từ hoạt động thực tiễn của Dự án, Ban Điều phối có thể đưa ra những kiến nghị để các thành viên Dự án tham gia gửi các cơ quan, đơn vị có chức năng nhằm góp phần cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền con người và quyền công dân, nâng cao vị thế nghề luật sư.

f. Việc chấm dứt hoạt động của Dự án sẽ do toàn thể những thành viên đang tham gia Dự án quyết định theo đa số theo đề nghị của Ban Điều phối. Khi có quyết định chấm dứt này, Trưởng Dự án, Phó Trưởng Dự án và các thành viên khác của Ban Điều phối có trách nhiệm giải quyết những tồn đọng của Dự án. Những tổ chức hành nghề luật sư và luật sư có thỏa thuận với đương sự có trách nhiệm thực hiện theo những thỏa thuận đó.

g. Trường hợp Liên đoàn luật sư Việt Nam tiếp nhận Dự án, Ban Điều phối có trách nhiệm phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam để chuyển giao Dự án.

h. Thỏa thuận này có hiệu lực khi có ít nhất đại diện (05) năm tổ chức hành nghề luật sư có trụ sở tại Hà Nội và (05) năm tổ chức hành nghề luật sư có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh ký tên. Thỏa thuận này có thể được sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của Ban Điều phối và được đa số tổ chức hành nghề luật sư tham gia Dự án thông qua.

Đại diện các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam ký tên vào Thỏa thuận này

------------------


26 LUẬT SƯ ĐỀ XUẤT DỰ ÁN PHỤC VỤ CÔNG LÝ

Hôm qua, 24/12/2015, thư ngỏ về Dự án về Phục vụ Công lý đã được gửi đến Liên đoàn luật sư Việt nam và các đoàn luật sư tại Hà nội và TP Hồ Chí Minh. Các luật sư đề xuất Dự án Phục vụ Công lý, tiếp nối Dự án Vì Công lý đã từng triển khai từ 2004. Rất mong đuọc các đồng nghiệp và các bạn khác tham gia, ủng hộ, quan tâm.

DANH SÁCH NHỮNG LUẬT SƯ KÝ THƯ NGỎ VỀ DỰ ÁN PHỤC VỤ CÔNG LÝ

1. Luật sư Trần Vũ Hải – Đoàn luật sư TP Hà Nội
2. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
3. Luật sư Phạm Công Út – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
4. Luật sư Đặng Trọng Dũng – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
5. Luật sư Nguyễn Văn Miếng– Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
6. Luật sư Trương Quốc Phòng – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
7. Luật sư Dương Phi Anh – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
8. Luật sư Lê Thị Minh Nhân – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
9. Luật sư Trần Bá Học – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
10. Luật sư Phùng Thanh Sơn – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
11. Luật sư Phạm Tất Thắng– Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
12. Luật sư Lê Văn Luân – Đoàn luật sư TP Hà Nội
13. Luật sư Nguyễn Mai Lệ – Đoàn luật sư TP Hà Nội
14. Luật sư Trần Thu Nam – Đoàn luật sư TP TP Hà Nội
15. Luật sư Trương Chí Công – Đoàn luật sư TP Hà Nội
16. Luật sư Nguyễn Tiến Dũng – Đoàn luật sư TP Hà Nội
17. Luật sư Nguyễn Hoàng Trung – Đoàn luật sư TP Hà Nội
18. Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư TP Hà Nội
19. Luật sư Nguyễn Văn Quynh – Đoàn luật sư TP Hà Nội
20. Luật sư Phạm Thanh Tùng – Đoàn luật sư TP Hà Nội
21. Luật sư Hà Huy Sơn – Đoàn luật sư TP Hà Nội
22. Luật sư Phạm Quốc Bình – Đoàn luật sư TP Hà Nội
23. Luật sư Lưu Vũ Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội
24. Luật sư Hoàng Văn Hướng – Đoàn luật sư TP Hà Nội
25. Luật sư Nguyễn Anh Vân – Đoàn luật sư TP Hà Nội
26. Luật sư Nguyễn Hà Luân – Đoàn luật sư TP Hà Nội


PHÓNG ẢNH “THƯ NGỎ VỀ DỰ ÁN PHỤC VỤ CÔNG LÝ”











No comments:

Post a Comment

View My Stats