Sunday 27 December 2015

Ký sự (kỳ 2) : Ukraine, nghịch lý mang tên 'chiến tranh' (Phương Ðoàn)





Phương Ðoàn
Wednesday, December 23, 2015 7:35:09 PM 

UKRAINE (NV) - Người sĩ quan Biên Phòng lật lật những trang passport rồi ngước lên nhìn với ánh mắt dò xét khi tôi làm thủ tục nhập cảnh vào Ukraine tại sân bay Kiev: “Ðây là lần thứ hai anh vào Ukraine trong vòng 9 tháng. Mục đích chuyến đi này là gì?” Tôi hơi chút nhún vai, mỉm cười đáp lại: “Tôi muốn xem đất nước của các bạn có thay đổi gì nhiều không trong khoảng thời gian đó?”

Buổi ăn này, cho 4 người, chưa đến $10. (Hình: Phương Ðoàn)

Cúi xuống đóng dấu cái cộp lên trang passport, người sĩ quan đưa lại cho tôi kèm theo nụ cười xã giao hơi chút lạnh lùng: “Chào mừng bạn tới Ukraine!”

Từ sân bay vào thành phố Kiev lúc đã hơn 10 giờ tối, mấy người bạn đi đón ghé vào một cửa hàng để ăn nhanh trước khi quán xá bắt đầu đóng cửa.

Tính tiền xong, tôi cầm “bill” nhẩm tính chuyển đổi từ đồng tiền địa phương - Hryvnia - sang USD, ngạc nhiên: “Ôi, sao rẻ thế? Ở Nga đã rẻ kinh dị rồi mà ở đây còn rẻ dã man hơn nữa!”

Bốn phần ăn với các món ăn ê hề gồm súp củ cải đỏ truyền thống Ukraine hầm thịt, súp chua với trái olive, khoai tây chiên, cơm, ngũ cốc, thịt heo viên, nấm xào, salad thực vật, rau, sữa chua, nước hoa quả... tất cả chỉ chưa tới... $10.

Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của tôi, mấy người bạn cười: “Kêu dân Mỹ mang Ðô (USD) sang xài đi. Ở Ukraine cái gì cũng rẻ, thiên đường là đây chứ tìm kiếm đâu nữa!”

Ngày hôm sau vào cửa hàng thực phẩm, cứ “mắt tròn, mắt dẹt” vì đồ ăn rẻ quá. Rẻ đến nỗi muốn khuân hết cả cửa hàng về nhà. Người bạn đi cùng lắc đầu cười buồn: “Rẻ với ai có tiền Ðô thôi chứ dân địa phương lấy tiền đâu mà mua nhiều. Lạm phát khủng khiếp lắm!”

Nếu ở Nga đồng rub mất giá khoảng 50% thì ở Ukraina lạm phát đến 3 lần. Vì vậy, người ngoại quốc, khi mới tới Nga hay Ukraine vào thời gian này đều bị “ảo giác” là giá cả sinh hoạt rất rẻ. Còn phần lớn với người địa phương thu nhập được tính bằng đồng Hryvna thì phải rất chật vật, “thắt lưng buộc bụng” để tồn tại.

Hôn nhau giữa thời chiến. (Hình: Phương Ðoàn)

Nếu như vào tháng 12 năm ngoái (2014), khi tới Ukraina để ý thấy trên đường phố người dân thường ngước mắt lên lo âu theo dõi những con số nhảy múa thay đổi từng giờ trên bảng điện tử báo tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ thì khoảng gần một năm sau tâm trạng bất an đó hầu như không còn nữa. Không phải vì kinh tế đã ổn định. Mà bởi vì đa số người dân đã làm quen được với những biến đổi theo chiều hướng xấu trong cuộc sống thường nhật. Không những làm quen với lạm phát mà thôi, người dân Ukraina còn làm quen được với ý nghĩ là đã mất vĩnh viễn “Krym” (tức Crimea), quen được với những thông báo chết chóc từ hai tỉnh phía Ðông nơi quân ly khai thân Nga đang chiếm giữ. Người dân đã chấp nhận thực tế qua cách làm quen với những tin tức, biến động không mấy khả quan... Và cuộc sống cứ vậy mà trôi qua, bình thản, trầm lặng... pha chút bất an.

Nếu ai từng đi qua Moscow rồi đến Kiev thì đều có cảm giác Kiev quá nhỏ bé và yên tĩnh. Nếu Moscow là một Sài Gòn náo nhiệt, mênh mông, ồn ào thì Kiev sẽ là một phố núi Pleiku “đi dăm phút đã về chốn cũ.”

Mà thật thế vậy, như Pleiku với những đường mòn quanh co, trung tâm Kiev cổ cũng có những con đường lát đá hẹp, uốn khúc đổ dốc thoai thoải theo những sườn đồi, khách bộ hành phải hơi bấm chân khi bước để khỏi bị trượt xuống phía dưới. Và các cô gái Ukraine nổi tiếng xinh đẹp trong Liên Bang Soviet (cũ) - nhỏ nhắn, xinh xắn với mái tóc màu hạt dẻ... làm tôi mơ màng hồi tưởng đến “em Pleiku má đỏ, môi hồng...”

Những ngày ở đây tôi có cảm giác bình yên, tĩnh lặng. Mười giờ sáng, đi vào trung tâm Kiev mà cứ ngỡ như thành phố đang ngái ngủ, đường phố vắng ngắt, lặng lẽ... Quán cà phê cũng chưa mấy đông, ngồi chút co ro, xuýt xoa bởi cái lạnh với ly cà phê thơm phức bốc hơi như khói sương mờ ảo... mà không thể nào hình dung được cách đây không lâu nơi này đã súng nổ, máu rơi, lốp xe hơi đốt cháy ngùn ngụt. Không thể hình dung được chỉ cách đây mấy trăm km thôi, chiến sự vẫn đang tiếp diễn...

Con đường dốc thoai thoải tại trung tâm Kiev gợi nhớ “phố núi Pleiku.” (Hình: Phương Ðoàn)

Một điều thú vị nhận thấy là menu của quán chỉ ghi bằng tiếng Ukraine và tiếng Anh trong khi tất cả người trong quán từ khách hàng đến người phục vụ đều nói... tiếng Nga! Có thể ngoài hình thức thì hiện diện tâm lý dứt khoát muốn “thoát Nga” của những người lãnh đạo Ukraine (tôi nghĩ dùng chữ “thoát” đúng nghĩa hơn chữ “bài”) nhưng trong thói quen và trong tâm khảm của dân chúng thì chưa thể nào một sớm, một chiều mà phá tan đi mối quan hệ như anh em ruột thịt trong nhà giữa Nga và Ukraine được.

Tôi trực tiếp nói chuyện với một số người dân bản xứ như tài xế taxi, hướng dẫn viên viện bảo tàng... thì họ cùng chung một ý nghĩ: Xung đột hiện tại giữa Ukraine và Nga thì lỗi đều do những người lãnh đạo của cả hai nước chứ người dân chẳng ai muốn chuyện hiềm khích, căng thẳng như thế này.

Sự thay đổi, đổ vỡ trong quan hệ giữa Ukraine với Nga càng cảm nhận được rõ hơn khi đến tham quan Viện Bảo Tàng Chiến Tranh đặt trong quần thể tượng đài có người phụ nữ cầm kiếm sừng sững khổng lồ được xây dựng từ thời Soviet. Bên cạnh những chiếc xe tăng của Ðức Quốc Xã được trưng bày từ trước đây thì hiện tại bộ sưu tập được bổ sung thêm những chiến xa, pháo tự hành, dàn tên lửa của Nga. Trên những thiết bị quân sự của mỗi loại đều có tấm bảng ghi rõ bị quân đội Ukraine chiếm giữ, tịch thu trong trận chiến ngày tháng nào, tại đâu.

Mỉa mai thay, xe tăng Nga hiện đại lại đứng bên cạnh xe tăng Phát Xít Ðức thời Ðệ Nhị Thế Chiến như những “chiến lợi phẩm,” như những “chiến tích anh hùng.”

Vào Bảo Tàng Chiến Tranh Ukraine tôi còn thấy được nhiều đổi thay trong cách nhìn nhận, đánh giá lại lịch sử không những chỉ giữa quan hệ Ukraine-Nga mà còn liên quan với những mảng khác.

Trẻ em Kiev. (Hình: Phương Ðoàn)
Nếu trước đây ở các viện bảo tàng chiến tranh trên lãnh thổ Liên Bang Soviet cũ khi trưng bày về chiến tranh Việt Nam chỉ tập trung vào nội dung chính là sự “tàn bạo” của Mỹ và “chiến thắng” của miền Bắc - đồng minh của Liên Xô. Còn trong bảo tàng Ukraine hiện nay, ở gian về đề tài cuộc chiến Việt Nam trưng bày tư liệu của cả hai phía tham gia cuộc chiến. Ví dụ một bên là những tờ báo miền Bắc, như “Nhân Dân,” “Quân Ðội Nhân Dân” với những đề tựa hùng hồn, thì ngay bên cạnh là những tấm hình bộ đội miền Bắc tử trận với tờ truyền đơn kêu gọi chiêu hồi “sinh Bắc, tử Nam” do phía VNCH phát hành.

Tôi nói chuyện với người phụ trách phòng triển lãm này - một phụ nữ Ukraine đã lớn tuổi với khuôn mặt phúc hậu pha vẻ mệt mỏi. Bà xác nhận sự đổi thay mới xảy ra gần đây. Khi được hỏi về cảm nghĩ của bà nói chung về lịch sử thì bà nói với sự buồn bã, cay đắng không giấu giếm: “Sự kiện thì chỉ có một nhưng lịch sử được viết ra bởi nhiều phía. Tôi rất hoang mang vì tất cả những gì tôi chứng kiến lúc này không giống như những gì tôi được học từ hồi còn Soviet.”

Sau Bảo Tàng Chiến Tranh, để xóa đi cảm giác nặng nề, tôi lững thững đi dạo trong công viên gần tòa nhà Quốc Hội Ukraine và sân vận động quốc gia mang tên huấn luận viên bóng tròn Liên Xô nổi tiếng một thời “Lobanovski” giữa trung tâm Kiev. Nắng chiều óng ánh trên những nóc giáo đường hình tròn dát vàng lá. Người dân nhởn nhơ đẩy xe nôi hay dắt chó đi dạo trên thảm lá vàng rải khắp lối đi giữa tiếng chuông nhà thờ ngân nga trong một chiều Thu tĩnh lặng.

Kiev yên tĩnh, thanh bình biết bao nhiêu. Lòng chùng xuống, thoáng đâu đây lời thơ của Hồ Dzếnh “Ngỡ lòng mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây...” Và tôi bất chợt sững người lại khi bắt gặp hình ảnh một đôi nam nữ say đắm hôn nhau trên bờ đá bên sườn đồi nhìn xuống dưới là dòng sông Dnepr... Bất chợt trong đầu tôi hiện về những dòng chữ trong một tiểu thuyết Nga nổi tiếng viết về cuộc nội chiến những năm 20 của thế kỷ trước: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương...”









No comments:

Post a Comment

View My Stats