Ngọc Việt - GDVN
31/12/15 06:49
(GDVN)
- Khi “gặm hết” giá trị của những di sản của người tiền nhiệm để lại thì
sẽ đến lúc bộc lộ những yếu kém của người thừa hưởng và dẫn đến khủng
hoảng.
Chính trường Brazil trong suốt tháng 12 vừa qua
luôn luôn sôi động, hết biểu tình của dân chúng rồi lại đến cuộc chiến pháp lý
của phe đối lập, nhằm lật đổ chính phủ của nữ Tổng thống Dilma Rousseff. Nguyên
nhân của các sự việc là do chính phủ và cá nhân Tổng thống Rousseff bị cáo buộc
yếu kém và tham nhũng.
Tình hình nghiêm trọng tại Brazil không chỉ đưa nước
này đến khủng hoảng mà còn ảnh hưởng tới cả khu vực Mỹ La-tinh vì Brazil là nền
kinh tế lớn nhất và là quốc gia có ảnh hưởng nhất tại khu vực này. Bà Rousseff
lên năm quyền sau khi cựu Tổng thống Lula Da Silva mãn nhiệm vào năm 2010 và bà
tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2014.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff – người bị cho là
chỉ biết thừa hưởng di sản của cựu Tổng thống Lula Da Silva. Ảnh: The
Telegraph.
Cho đến lúc này, Tổng thống Dilma Rousseff mới đi được
một phần tư chặng đường của nhiệm kỳ thứ hai, vậy mà sao tình hình đất nước
Brazil và sự nghiệp của bà lại tuột dốc nhanh như vậy?
Chỉ
biết ăn sẵn
Khi ông Luiz Inacio Lula da Silva lên nắm quyền thay
cựu Tổng thống Fernando Henrique Cardoso mãn nhiệm, ông đã điều hành và quản lý
đất nước Brazil một cách hiệu quả. Đất nước, chính quyền và người dân Brazil đã
gặt hái được rất nhiều thành quả trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh
tế, dười thời lãnh đạo của vị Tổng thống bình dân được người dân Brazil yêu mến
gọi bằng cái tên thân mật Lula.
“Sau 8 năm lãnh đạo Brazil, Tổng thống Lula đã giúp
28 triệu người thoát nghèo – giảm 43% tỷ lệ nghèo đói, giúp tăng thu nhập cho
40 triệu người, làm cho tỷ lệ người trung lưu chiếm gần một nửa dân số Brazil”,
theo BBC, 28/10/2010.
Người viết cho rằng, việc bà Rousseff được đề cử và
thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Brazil là nhờ rất nhiều vào cựu Tổng
thống Lula da Silva, cả về uy tín và những thành tựu trong hai nhiệm kỳ Tổng thống
của ông. Những thành quả đạt được của cựu Tổng thống Lula đã làm cho người dân
Brazil trân trọng bản thân ông và tôn trọng những ý kiến của ông.
Khi bước vào nhiệm kỳ Tổng thống đâu tiên, bà
Rousseff đã rất nhẹ nhàng trong việc thực hiện vai trò và trọng trách của mình
vì những điều tốt đẹp mà ông Lula mang lại cho nhân dân, cho đất nước Brazil vẫn
đang được phát huy tác dụng.
Hoạt động của Tổng thống Rousseff lúc đó gần như
chỉ là khai thác tối đa những lợi ích của những thành quả ấy để làm nền sức mạnh
cho chính quyền của bà và uy tín chính bản thân bà. Vì bà Rousseff là nữ Tổng
thống đầu tiên tại đất nước của vũ điệu flamengo nên bà còn phải đón nhận nhiều
sự nghi ngại của người dân Brazil.
Chính những trái ngọt của di sản từ thời cựu Tổng thống
Lula đã giúp cho bà Rousseff dần nâng tầm của mình lên trong đời sống chính trị
tại Brazil. Đây mà một lợi thế mà không người tiền nhiệm nào của bà Rousseff
có được, thậm chí trên cả thế giới cũng ít chính trị gia nào có được những điều
kiện thuận lợi như vậy khi bắt đầu nắm quyền lực.
Biểu tình phản đối chính phủ ở Sao Paulo, Brazil. Ảnh:
Reuters
Tuy nhiên, thay vì tận dụng những lợi thế ấy để làm
cơ sở cho việc xây dựng một chính phủ vững mạnh, hợp lòng dân, thì bà Rousseff
và chính phủ của bà lại hầu như chỉ biết thừa hưởng những di sản ấy mà không
đưa ra được những sản phẩm mới cho mình là những chính sách và kế hoạch hợp thời,
giúp thúc đẩy phát triển đất nước.
Và cũng chính từ việc có xuất phát điểm khá tốt nên
sức bật của chính quyền Brazil dưới thời bà Rousseff nắm quyền lúc này trở nên
yếu kém. Khi giá trị của những di sản được thừa hưởng đã bị khai thác hết mà
không có sự thay thế và bổ sung kịp thời, đã làm cho nền kinh tế của Brazil rơi
vào suy thoái, cuộc sống của người dân đi xuống, xã hội mâu thuẫn và bất ổn.
Lịch sử đã chứng minh, để tạo nên thành quả của một
đất nước, thì yếu tố truyền thống và khả năng thực tế của người lãnh đạo được
xem như sự kết nối “ba vuông cộng với bảy tròn” – trong đó “ba vuông” là di sản,
là truyền thống, và “bảy tròn” là khả năng, là thực tài của người lãnh đạo.
Như vậy, những gì của người đi trước để lại, dù có
vĩ đại như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ đóng góp ba phần cho sự nghiệp của người
thừa kế, bảy phần còn lại phải là sự khẳng định của người đương quyền. Tuy
nhiên, đến lúc này có thể thấy rằng “bảy tròn” của Tổng thống Dilma Rousseff gần
như chỉ là bảy số không tròn trĩnh.
Chính
sách vẫn mơ hồ
Trong lúc đất nước suy thoái, xã hội bất ổn, lòng
dân hoang mang rất cần đến tài năng và sự vững vàng của Tổng thống Rousseff.
Song người ta chưa nhìn thấy những quyết sách nào khả dĩ được bà và chính phủ
đưa ra, ngoài việc đề nghị tăng thuế - một biện pháp đánh vào cuộc sống khốn
khó của người dân lao động. Và đương nhiên là sẽ có hậu quả.
“Chính phủ của Tổng thống Rousseff đã đề xuất tăng
thuế để kéo đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, một động thái đã khiến cho người
dân Brazil khởi động một chiến dịch phản đối các kế hoạch đó”, theo The Straits
Times ngày 15/12.
Người dân Brazil biểu
tình chống chính phủ của Tổng thống Rousseff tại Rio de Janeiro. Ảnh: Reuters.
Bà Rousseff hô hào, kêu gọi người dân Brazil hãy tập
trung vào xây dựng đất nước, thay vì tìm cách lật đổ bà bằng những cuộc biểu
tình gây hỗn loạn và những chứng cứ pháp lý không đủ mạnh. Nhưng tập trung vào
cái gì, xây dựng như thế nào thì không ai biết được, không ai hiểu được. Chính
sự mơ hồ và thiếu thực tế đã làm cho người dân thất vọng và phản ứng gay gắt
hơn.
“Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật (13/12) là lần thứ tư
trong năm nay yêu cầu loại bỏ nữ Tổng thống đầu tiên của nước này…Nhiều người
Brazil rất khó chịu về cuộc suy thoái tồi tệ nhất tại đất nước này trong 25 năm
qua”, vẫn theo The Straits Times.
Tuy nhiên, thay vì trực tiếp nhìn nhận trách nhiệm
và tìm kế sách để giúp đất nước vượt qua khủng hoảng, thì bà Rousseff lại đổ lỗi
cho những chính phủ tiền nhiệm, trong đó có chính phủ của cựu Tổng thống Lula –
người đã để lại di sản cho bà thừa hưởng và không quá nếu nói rằng, nhờ đó mà
chính phủ của bà mới tồn tại đến ngày hôm nay.
”Bà Rousseff đứng trước cáo buộc đã đưa ra dự thảo bất
hợp lý về ngân sách, nhưng bà cho rằng chính phủ của mình phải chấp nhận thực
tế này đã tồn tại từ các chính phủ trước”, The Straits Times đưa tin.
Việc đổ lỗi cho những người đi trước đã đưa sự nghiệp
của bà Rousseff đến chỗ nguy hiểm hơn. "Thời gian đã chỉ ra rằng bà Dilma
không thể nắm quyền. Bà ấy đã ném cả đất nước xuống một cái giếng sâu",
The Straits Times dẫn bình luận của Adriano de Queiroz, 36 tuổi – một trong
người những người tham gia cuộc biểu tình tại thủ đô Brasilia, vào ngày Chủ nhật,
13/12.
Cũng nên lưu ý rằng, ngoài việc yếu kém trong quản
lý và điều hành đất nước, chính phủ và cá nhân bà Rousseff còn bị cáo buộc tham
những liên quan đến công ty dầu quốc doanh Petrobras. Tuy bà Rousseff phản đối,
nhưng “có nhiều câu hỏi mà bà không thể trả lời được liên quan đến tham nhũng tại
Petrobras mà bà là Chủ tịch của công ty trong thời gian 2003-2010”.
Có thể thấy rằng, việc điều tra tham nhũng chỉ là
cái cớ cho phe đối lập củng cố đủ chứng cứ pháp lý để luận tội bà tại Tòa Án tối
cao nước này và nếu họ thu thập đủ 2/3 số phiếu ủng hộ luận tội bà tại Thượng
viện, thì coi như sự nghiệp chính trị của bà chấm dứt. Và Tổng thống Dilma
Rousseff đã lên án hành động của phe đối lập như một "cuộc đảo chính"
đối với chính quyền của bà.
Bế tắc
Mặc dù ngày 22/12 Tổng thống Dilma Rousseff khẳng định
các đối thủ thiếu cơ sở pháp lý để buộc tội Tổng thống sau khi Tòa án tối cao
có quyết định phần nào có lợi cho bà, nhưng cho dù “một phán quyết của Tòa án tối
cao Brazil tuần qua có cải thiện cơ hội sống sót cho sinh mạng chính trị của bà
Rousseff, thì quá trình luận tội đã tạo ra bất ổn chính trị và đào sâu hơn suy
thoái kinh tế”, Reuters, ngày 22/12 bình luận.
Bà Rousseff mệt mỏi và bế tắc. Ảnh: Reuters.
Như vậy suy thoái kinh tế gây nên bất ổ xã hội mới
là nguy cơ đe dọa sự nghiệp của Tổng thống Rousseff và việc tìm giải pháp giúp
cho nền kinh tế khởi sắc, dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng mới là điều mà bà
và chính phủ của bà cần phải làm và nhanh chóng làm lúc này.
Tuy nhiên, những gì mà dư luận và người dân nhân thấy
từ chính phủ của bà vẫn là những hô hào hết sức chung chung. “Bà Rousseff cho
biết, một nguyên thủ quốc gia không thể nghỉ mát để chờ luận tội, mà phải biết
tập trung vào việc khôi phục tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho
người dân”, The Straits Times ngày 22/12 đưa tin.
Trong khi đó tội phạm và thiên tai đã làm cho đất nước
Brazil thêm chìm sâu vào bất ổn. Một chuyến bay từ Madrid đến Sao Paulo điều
hành bởi hãng hàng không TAM của Brazil đã buộc phải quay trở lại Tây Ban Nha
do đe dọa bị cài bom, theo AFP.
Còn tại miền Nam, sự ảnh hưởng bởi nạn lũ lụt tồi tệ
do El Nino tại những nước láng giềng như Argentina, Uruguay càng làm cho Brazil
thêm khó khăn.
Có thể thấy rằng, đây là lúc Tổng thống Dilma
Rousseff và chính phủ của bà phải chứng tỏ năng lực và sự quyết tâm. Nhưng có lẽ
không có nhiều người tin vào khả năng của bà Rousseff biết nhìn vào lợi
ích toàn cục của Brazil để có những chính sách phù hợp, mà việc gây ra cuộc chiến
ngoại giao không đáng có với Israel trong việc tiếp nhận Đại sứ là một minh chứng.
"Nhà nước Israel sẽ hạ cấp độ trong quan hệ ngoại
giao với Brazil nếu việc bổ nhiệm Đại sứ Dani Dayan không được xác nhận. Bộ Ngoại
giao Israel sẽ sử dụng tất cả các công cụ theo ý của mình để gấy áp lực trong
ngoại giao và công luận đối với Brazil”, The Telegraph ngày 28/12 dẫn lời Thứ
trưởng Ngoại giao của Israel Tzipi Hotoveli cho biết.
Rõ ràng, việc bế tắc trong chính sách của chính phủ
Brazil nhằm đưa đất nước ra khỏi cuộc đại suy thoái hiện nay đã cho thấy rằng
bà Rousseff và chính quyền của bà chỉ biết "ăn sẵn", thừa hưởng những
thành quả của chính phủ tiền nhiệm để lại, mà không biết làm mới nó, làm tăng
giá trị cho nó.
Vì vậy, khi “gặm hết” giá trị của những di sản của
người tiền nhiệm để lại thì sẽ đến lúc bộc lộ những yếu kém của người thừa
hưởng và dẫn đến khủng hoảng.
Tình thế của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cũng
là hệ quả của các chính phủ và những nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia trên thế
giới. Khi chỉ biết sử dụng những gì có sẵn mà quên mất rằng giá trị sử dụng có
thời hạn, thì sẽ đến lúc người cầm quyền đưa quốc gia dân tộc vào bế tắc và bắt
buộc người dân phải đánh đổi cuộc sống và sự nghiệp của họ cho những sai lầm và
yếu kém của những cá nhân.
Ngọc
Việt
No comments:
Post a Comment