Wednesday, 30 December 2015

Phỏng vấn luật sư Trịnh Hữu Long nhân ngày quốc tế nhân quyền (vietinfo.eu)





Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền những người Việt đối kháng đã đòi thả các tù nhân chính trị. Hiện nay tại Việt nam có khoảng hơn 130 chính trị phạm. Đất nước cộng sản này vẫn luôn phải chiến đấu với việc tôn trọng quyền con người. Luật gia Trịnh Hữu Long đang có mặt tại Praha sẽ nói về tình trạng thiếu tự do và sự đàn áp. Bài phỏng vấn do Kateřina Procházková thực hiện. 

Trịnh Hữu Long và Kateřina Procházková

Việt nam là nơi có chế độ độc tài. Đảng cộng sản quản lý đất nước và nhà nước đang bị khủng hoảng trên mọi lĩnh vực. Đòi công bằng là vấn đề lớn nhất hiện nay. Các phiên tòa và hệ thống tòa án đều do Đảng kiểm soát, và vì thế dĩ nhiên họ không độc lập, cũng vì thế mà vai trò của các luật sư trong các phiên tòa đều không quan trọng. Khi người dân Việt có việc phải tìm đến sự bảo vệ hay công lý, thì thường là họ chẳng được việc gì ở cửa tòa. Cách đây chưa lâu tôi gặp một trường hợp là một người đàn ông người miền Nam bị kết án tử hình. Chúng tôi được biết tới vụ này chỉ 3 ngày trước ngày hành quyết. Chúng tôi đã cố gắng giúp đỡ và bảo vệ mạng sống của anh ta. Chúng tôi đã làm được điều đó, nhưng người tử tù ấy đã không nhận được bất cứ sự bào chữa nào, đã không có được một phiên tòa độc lập nào. Công an đã không có đủ bằng chứng chứng tỏ anh ta phạm tội, dẫu vậy anh ta bị khép án tử hình với lệnh hành quyết ngay tức khắc. Mà đó chỉ là một trong nhiều trường hợp. Ở Việt nam có khoảng 700 người đang chờ nhận án tử hình và phần lớn trong số họ đều không được tòa án độc lập xét xử, và nhiều người còn bị chết ngay trong thời gian giam giữ vì bị tra tấn. Gia đình những nạn nhân này chẳng thể khiếu kiện công an, bởi Việt nam là chế độ cảnh sát trị.

Anh là một luật gia. Các anh đã thành lập một phong trào vì xã hội dân sự. Vậy cụ thể là các anh làm gì?

Tôi có một may mắn là đã tham gia ngay từ những ngày đầu của phong trào cách đây 4 năm. Chúng tôi cố gắng khuyến khích để người ta có thể thành lập các tổ chức của mình, đòi được quyền có được các phiên tòa độc lập, đòi được quyền có tự do ngôn luận, hay là quyền chống lại sự khủng bố và chống tra tấn, và dĩ nhiên là chống lại án tử hình bất công, ngoài ra thì chúng tôi còn làm cả công tác đào tạo.

Các anh không thể làm việc tại Việt nam.

Vâng, chúng tôi không thể làm việc tại Việt nam. Chúng tôi hiện có cơ sở tại Philippines, chúng tôi làm công tác đào tạo ở đây, nhưng chúng tôi có hoạt động tại khắp Đông Á và có quan hệ với Genève và cả ở Mỹ.

Trong những ngày này ở Praha đang có buổi triển lãm khoảng 20 hình ảnh tù chính trị Việt nam. Anh có biết họ? Anh có đại diện cho họ?

Tôi biết phần lớn các tù nhân lương tâm và các trường hợp của họ. Đa số họ bị giam giữ trong mùa hè 2011 trong đợt biểu tình chống Trung quốc. Họ bị giam tù cũng chỉ vì phê phán các hành động của Trung quốc tại biển Đông.

Tôi muốn biết liệu có cách nào giúp đỡ họ?

Trong việc đại diện cho họ và đấu tranh  đòi tự do cho họ, thì Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc tế có một vai trò rất quan trọng. Chính phủ Việt nam đang phụ thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ của nước ngoài, như Liên minh châu Âu, Mỹ, Úc hay New Zeland. Phần lớn các quốc gia này đều đề cập đến vấn đề nhân quyền và yêu cầu chính phủ Việt nam thả tự do cho các tù nhân lương tâm để đổi lấy  sự cộng tác hay giúp đỡ về mặt tài chính.

Ai là người bị đàn áp nhiều nhất ở Việt nam, các nhà hoạt động chính trị, các blogger hay là các nhà hoạt động tôn giáo?

Theo số liệu của chúng tôi, có khoảng 200 người bị giam giữ sai trái, một số họ là blogger, các nhà hoạt động chính trị, nhưng đa số họ là các nhà hoạt động tôn giáo.

Với anh, vụ căng thẳng nhất là vụ nào, mà anh biết là không thể giúp được và cảm thấy bất lực?

Nói chung là tôi thường khá lạc quan cho đến tận phút cuối cùng. Trong những năm cuối đây tù chính trị không bị chính quyền Việt nam kết án quá dài. Án tù dài nhất là 16 năm với trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức. Các tù nhân khác thường bị kết án từ 3 đến 5 năm. Chính quyền đang muốn xích lại gần phương Tây và vì sự lo ngại trước thái độ của Trung quốc họ muốn cộng tác với Liên minh châu Âu và Mỹ. Trung quốc đang cố gắng lấn chiếm biển Đông kể cả lãnh hải của Việt nam và tấn công cả tàu thuyền Việt nam.

Cách đây không lâu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc và các thành viên của Thượng nghị viện đã sang thăm Việt nam, Chủ tịch nước của Việt nam đã có chuyến sang thăm Praha. Anh nghĩ gì về sự cộng tác này?

Tôi nghĩ đó là quan hệ thương mại, nhưng năm ngoái, tại Genève, chúng tôi đã ngạc nhiên khi Cộng hòa Séc đã lên tiếng về quyền của các nhà hoạt động đối kháng tại Việt nam và đã yêu cầu Hà nội giải trình và áp dụng nguyên tắc đa nguyên. Những bước đi như vậy là sự giúp đỡ to lớn đối với chúng tôi.

Người dịch: Thanh Mai (vietinfo.eu)
Nguồn: Česká Televize





No comments:

Post a Comment

View My Stats