Hiếu Chân/Người Việt
December
25, 2024 : 3:32 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trump-se-mo-rong-nuoc-my/
Chưa
chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 nhưng ông Donald Trump, tổng
thống đắc cử, đã liên tiếp gây sóng gió với các láng giềng qua những phát biểu
nặng tính “bành trướng” dù có thể ông biết trong thực tế khó mà thực hiện được.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/12/A1-Trump-doi-Greenland-Panama-1536x950.jpg
Ông
Jose Raul Mulino, tổng thống Panama, khẳng định: “Kênh đào, và chủ quyền của
chúng tôi, tất cả chúng tôi đều đoàn kết dưới quốc kỳ Panama.” Trong hình, một
tàu chở hàng băng qua kênh đào Panama tại thành phố Panama hôm 28 Tháng Ba.
(Hình: Martin Bernetti/AFP via Getty Images)
Tối
Thứ Bảy, 21 Tháng Mười Hai, ông Trump gợi ý rằng chính quyền mới của ông sẽ
giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama mà Hoa Kỳ đã “ngu ngốc” chuyển nhượng
cho đồng minh Trung Mỹ. Sáng Chủ Nhật, nhân công bố bổ nhiệm ông Kenneth
Howery, cựu thành viên sáng lập hãng Paypal, vào chức vụ đại sứ Mỹ tại Đan Mạch,
ông Trump cũng viết trên mạng xã hội Truth Social của ông rằng: “Vì mục đích An
Ninh Quốc Gia và Tự Do khắp thế giới, Hoa Kỳ cảm thấy quyền sở hữu và kiểm soát
đảo Greenland là tuyệt đối cần thiết.”
Như
vậy chỉ trong hai ngày cuối tuần, đảo Greenland thuộc Đan Mạch và kênh đào
Panama bị đưa vào ý đồ mở rộng lãnh thổ của ông Trump. Theo ông, nước Mỹ có lợi
ích về an ninh và kinh tế trong việc đưa kênh đào Panama và Greenland vào quyền
kiểm soát hoặc sở hữu của Washington. Chưa biết ông sẽ thực hiện điều đó thế
nào nhưng một chính sách như vậy rõ ràng đi ngược lại nguyên tắc “chủ quyền quốc
gia là thiêng liêng” và trái với luật pháp quốc tế.
Trước
đó, ông Trump đã hạ nhục ông Justin Trudeau, thủ tướng Canada, khi nhiều lần gọi
ông Trudeau là “thống đốc” và cho rằng Canada nên trở thành tiểu bang thứ 51 của
Mỹ để không phải chịu các mức thuế trừng phạt mà chính quyền của ông sẽ đánh
vào hàng hóa Canada. Nhưng lần này, những phát biểu của ông về kênh đào Panama
và Greenland không có vẻ bông đùa như khi ông nói về Canada và Thủ Tướng
Trudeau, cho thấy ông rất nghiêm chỉnh trong ý đồ mở rộng lãnh thổ của nước Mỹ.
“Greenland
không để bán”
Greenland
là hòn đảo băng giá ở Bắc Cực, diện tích 800,000 dặm vuông, gấp ba lần Texas
nhưng dân số chỉ có 57,000 người. Greenland giáp biên giới Canada nhưng lại thuộc
về Âu Châu và là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch hơn hai thế kỷ qua.
Trong
nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã từng đánh tiếng muốn mua đảo Greenland vì cho rằng đảo
này có giá trị về an ninh quốc gia của Mỹ. Trên đảo có căn cứ Pituffik Space
Base của Lực Lượng Không Gian Hoa Kỳ lo về phòng thủ hoả tiễn và giám sát bầu
trời được thiết lập từ thời Chiến Tranh Lạnh.
Greenland
còn giàu tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu khí và đất hiếm, trong đó có
neodymium và dysprosium – hai kim loại tối cần thiết cho các sản phẩm công nghệ
cao mà nguồn cung cấp hiện do Nga và Trung Quốc kiểm soát. Gần đây, xu hướng
nóng lên của Trái Đất làm tan băng giá ở Bắc Cực, mở ra những tuyến hàng hải mới
và cuộc cạnh tranh Hải Quân của các cường quốc nhằm kiểm soát các tuyến đường mới
này.
Tháng
Tám, 2019, Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) đã đăng một bài bình
luận dài trên báo The New York Times, trình bày các lợi ích chiến lược nếu Mỹ
mua đảo Greenland, trước tiên là để ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc
tại vùng cực. Lập luận của ông Cotton khơi lại những nỗ lực của các chính phủ Mỹ
trong quá khứ và làm ông Trump nảy sinh ý tưởng mua đảo Greenland.
Thực
ra, ý tưởng mua đảo Greenland không mới. Ông Andrew Johnson, tổng thống thứ 17
của Mỹ, có lẽ là người đầu tiên đưa ra ý định mua Greenland vào cuối thập niên
1860, coi đó như một khoản đầu tư chiến lược sau khi Mỹ đã mua được 530 triệu mẫu
đất từ chính phủ Pháp với giá $15 triệu năm 1803 – gọi là thương vụ Louisiana –
và mua Alaska từ đế quốc Nga với giá $7.2 triệu năm 1867 – gọi là thương vụ
Alaska. Nhưng ý tưởng của Tổng Thống Andrew Johnson không tiến triển được.
Năm
1946, sau Đệ Nhị Thế Chiến, ông Harry S. Truman, tổng thống thứ 33 của Mỹ, bí mật
đề nghị Đan Mạch bán cho Hoa Kỳ đảo Greenland với giá $100 triệu, trả bằng vàng
và mỏ dầu ở Alaska. Washington muốn tận dụng vị trí chiến lược của hòn đảo vào
mục đích ngăn chặn oanh tạc cơ của Liên Xô bay qua Bắc Cực tiếp cận các mục
tiêu ở Bắc Mỹ. Các cuộc hội đàm bí mật giữa ông James Byrnes, ngoại trưởng Mỹ
khi ấy, với ông Gustav Rasmussen, ngoại trưởng Đan Mạch, đưa đến thỏa thuận là
Đan Mạch không bán Greenland nhưng cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự trên hòn đảo.
Năm
2019, khi tỏ ý mua đảo Greenland, ông Trump nói ông chỉ tiếp tục công việc dang
dở của cựu Tổng Thống Truman. Ông Trump nói với báo chí rằng, ý tưởng mua
Greenland là “một thương vụ bất động sản lớn” mà ông tin Đan Mạch sẽ đồng ý vì
hòn đảo là “một gánh nặng tài chánh” của Copenhagen.
Nhưng
bà Mette Frederiksen, thủ tướng Đan Mạch khi ấy, nói ý tưởng của ông Trump là
“phi lý” và coi đó như trò đùa “Cá Tháng Tư.” “Greenland không để bán. Tôi rất
hy vọng đây không phải là ý tưởng nghiêm chỉnh,” bà Frederiksen nói. Lời bác bỏ
thẳng thừng của thủ tướng Đan Mạch làm ông Trump tức giận và ông trả đũa bằng
cách hủy bỏ vào phút chót chuyến công du Copenhagen theo lời mời của Nữ Hoàng
Margrethe II vào Tháng Chín năm đó – một hành động bị chính giới Đan Mạch coi
là “sỉ nhục” một đồng minh NATO.
Bây
giờ, trước khi vào nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump lại đưa ý tưởng mua đảo
Greenland. Và cũng như lần trước, các nhà lãnh đạo Đan Mạch và Greenland lập tức
lên tiếng phản đối. Ông Múte Egede, thủ tướng hiện nay của Greenland, nhắc lại
tuyên bố của những người tiền nhiệm: “Greenland là của chúng tôi. Chúng tôi
không bán và sẽ không bao giờ bán. Chúng tôi không để mất cuộc chiến lâu dài vì
tự do.” Tại Copenhagen, chính phủ Đan Mạch lần này có vẻ nhún nhường hơn, chỉ
nói họ “mong làm việc với chính phủ mới của Mỹ” mà không bình luận về ý tưởng của
ông Trump.
“Mỗi
mét vuông kênh đào đều thuộc Panama”
Kênh
đào Panama dài 51 dặm cắt ngang Panama là tuyến đường thủy quan trọng nhất thế
giới; giúp tàu bè từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương và ngược lại tránh được
quãng đường dài 7,000 hải lý vòng qua cực Nam Mỹ Châu. Khi kênh đào khai trương
năm 1914, mỗi năm có khoảng 1,000 tàu đi qua kênh; con số này đã tăng lên
14,702 tàu năm 2008. Trong chín tháng đầu năm nay có hơn 10,000 tàu đi qua kênh
đào, vận chuyển 423 triệu tấn hàng hóa, trong đó có hơn 40% là hàng hóa trao đổi
giữa các nước Đông Bắc Á với Bờ Đông nước Mỹ.
Kênh
đào Panama được người Mỹ xây dựng và quản lý suốt thế kỷ 20. Nhưng xung đột với
dân địa phương, chi phí quản lý cao và áp lực quốc tế làm cho các chiến lược
gia Mỹ tính tới việc chuyển giao nó cho chính phủ Panama. Năm 1977, ông Jimmy
Carter, tổng thống thứ 39 của Mỹ, ký kết với nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos
hai hiệp ước, sau đó đã được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn: Hiệp Ước Trung Lập Vĩnh Viễn
(Permanent Neutrality Treaty) và Hiệp Ước Kênh Đào Panama” (Panama Canal
Treaty). Hiệp Ước Kênh Đào Panama quy định quyền sở hữu kênh đào sẽ được người
Mỹ chuyển giao cho Panama vào ngày 31 Tháng Mười Hai, 1999; còn Hiệp Ước Trung
Lập Vĩnh Viễn, đến nay vẫn còn hiệu lực, trao cho chính phủ Mỹ quyền can thiệp
nếu hoạt động của kênh đào bị đe dọa bởi xung đột quân sự, bảo đảm kênh đào
luôn mở và an toàn cho hoạt động hàng hải quốc tế.
Hãng
tin AP cho biết, dưới thời chính quyền Panama kênh đào hoạt động hiệu quả cao
hơn thời người Mỹ quản lý, lưu lượng tàu thuyền qua kênh đào đã tăng 17% trong
năm năm 2000-2004. Năm 2006, cử tri Panama qua trưng cầu dân ý đã chấp nhận cho
chính phủ đầu tư $5.2 tỷ để mở rộng kênh đào, hoàn thành năm 2016, phục vụ các
loại tàu thuyền ngày càng to lớn hơn.
Ông
Trump cho rằng các chủ tàu Mỹ bị đối xử không công bằng, phải trả phí cao “một
cách lố bịch” khi sử dụng kênh đào; ông gọi các hiệp ước thời chính quyền
Carter là “ngu ngốc” và ông không muốn giành lại con kênh này.
Đáp lại,
ông Jose Raul Mulino, tổng thống Panama, người nổi tiếng thân thiện với doanh
giới, khẳng định “mỗi mét vuông kênh đào đều thuộc Panama và mãi mãi là như vậy…
Về kênh đào, và chủ quyền của chúng tôi, tất cả chúng tôi đều đoàn kết dưới quốc
kỳ Panama.” Cơ
quan điều hành kênh đào Panama cũng bác bỏ thông tin các chủ tàu Mỹ bị tính phí
cao; khách hàng của kênh đào chịu cùng một mức phí và mức phí đó thay đổi theo
kích thước của tàu chứ không theo quốc tịch.
Một
số chuyên gia pháp lý nhận định, hai hiệp ước nói trên không có điều khoản nào
cho phép Hoa Kỳ giành lại quyền kiểm soát kênh đào, trừ phi xâm lược bằng vũ lực
như Mỹ từng làm năm 1989 dưới thời ông George H. W. Bush, tổng thống thứ 41 của
Mỹ, để lật đổ nhà độc tài Manuel Noriega. Vào lúc Trung Quốc đang mở rộng ảnh
hưởng ở Trung và Nam Mỹ, điều tốt nhất mà Washington nên làm là củng cố mối
quan hệ thân thiết với các đồng minh như Panama. Chưa kể rằng, Panama là “chốt
chặn” quan trọng trên tuyến đường mà di dân bất hợp pháp đi qua để đến biên giới
phía Nam của Mỹ; nếu Panama thả lỏng chốt chặn này thì tình trạng vượt biên vào
Mỹ sẽ bùng nổ hơn nữa.
Trước
khi nhậm chức, ông Trump đã có những phát biểu gây sự với nhiều nước, từ đồng
minh như khối Liên Âu, Đan Mạch đến láng giềng như Canada, Mexico, Panama và những
phát biểu này hầu hết đều bị phản đối. Sắp tới, ông Trump sẽ làm gì để “sáp nhập”
Greenland vào lãnh thổ Mỹ khi cả Đan Mạch và người Greenland đều không đồng ý
bán đất lấy tiền? Ông sẽ làm thế nào để giành lại quyền kiểm soát kênh đào
Panama mà người Mỹ đã từ bỏ? Khi không thể dùng tiền để mua thì ông sẽ dùng vũ
lực như ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đang làm ở Ukraine hoặc gây sức ép
và đe doạ như ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, ở Đài Loan? [qd]
No comments:
Post a Comment