Monday, 23 December 2024

CƯỚP BIỂN SOMALIA 2.0 – BBC GẶP GỠ CƯỚP BIỂN THẾ HỆ MỚI (BBC News Tiếng Việt)

 



 

Cướp biển Somalia 2.0 – BBC gặp gỡ cướp biển thế hệ mới

BBC News Tiếng Việt

22 tháng 12 năm 2024  17:23 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0j1en1g4zxo

 

Hai ngư dân Somalia, che mặt bằng khăn choàng lớn, để lộ cặp mắt láo liên cảnh giác, bước vào phòng. Đây là cuộc gặp bí mật, họ sẽ chia sẻ với tôi lý do vì sao mới đây quyết định trở thành cướp biển có vũ trang, tìm kiếm những khoản tiền chuộc triệu đô.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/1f55/live/03abf720-c046-11ef-aff0-072ce821b6ab.jpg.webp

Farah (tên giả) là một trong hai cướp biển đồng ý phỏng vấn với BBC

 

"Ông cứ ghi âm thoải mái - chúng tôi đồng ý," một người nói với tôi sau khi ngồi xuống, có vẻ vẫn lo lắng về cuộc phỏng vấn đã mất đến hàng tháng trời dàn xếp và giờ sẽ diễn ra tại đây, thị trấn ven biển nhỏ có tên Eyl.

 

Thái độ này trái ngược hoàn toàn với sự ngạo mạn của những tên cướp biển từng rảo bước quanh khu cảng cổ kính quyến rũ nằm giữa những ngọn núi khô cằn trên bờ biển Ấn Độ Dương này của Somalia.

 

Khu vực này luôn được coi là có tính chiến lược, không chỉ vì vị trí địa lý mà còn vì sở hữu một nguồn nước ngọt. Vào thời kỳ cướp biển bùng nổ - từ đầu đến giữa những năm 2000 - cướp biển đã biến nơi này thành căn cứ địa.

 

Dần dà, khu vực này được gọi với cái tên "Harunta Burcadda", tức Thủ phủ Cướp biển.

 

Từ đây, cướp biển nhắm tới các tàu container vận chuyển hàng hóa đến khắp nơi trên thế giới và thậm chí cả một số tàu chở dầu, buộc các công ty vận tải phải thay đổi tuyến đường vận chuyển.

 

Giới chức khu vực không có sức ảnh hướng đến, còn lực lượng cảnh sát địa phương không dám vào thị trấn vì quá sợ hãi.

 

Cướp biển neo các con tàu cướp được ở ngoài khơi. Các doanh nghiệp trong thị trấn và khu vực hưởng lợi từ các khoản thanh toán tiền chuộc.

 

Từ năm 2005 tới năm 2012, Ngân hàng Thế giới ước tính các nhóm cướp biển kiếm được từ 339 đến 413 triệu USD.

 

Nhưng vận may của cướp biển đã cạn khi các lực lượng hải quân quốc tế bắt đầu tuần tra ngoài khơi Somalia. Lực lượng Cảnh sát Hàng hải Puntland thậm chí còn đặt một căn cứ tại Eyl.

 

Hầu hết cư dân thị trấn đều hoan nghênh điều này vì cướp biển mang theo lạm phát cao ngất ngưởng, ma túy, rượu và tai tiếng mà các bô lão Hồi giáo địa phương khinh ghét. .

 

Nhưng cơn oán thán dai dẳng về các tàu vận tải nước ngoài, đặc biệt là các tàu đánh cá, chưa bao giờ nguôi ngoai ở một thị trấn đầy ắp ngư dân sinh tồn dựa vào biển.

 

Đến tận bây giờ, họ vẫn cho rằng những chiếc tàu đánh cá kia đang cướp đi sinh kế của họ, thường là bằng bạo lực.

 

"Các con tàu tới, cướp đi thiết bị và tài sản của chúng tôi," Farah, một trong những ngư dân đã chuyển qua làm cướp biển, nói với BBC, đôi mắt của anh ẩn sau chiếc khăn choàng màu xanh lộ rõ sự cảnh giác.

 

Tên của anh và của người bạn Diiriye quấn chiếc khăn quàng trắng đều đã được thay đổi. Đây là một trong những điều kiện của cuộc gặp giữa chúng tôi.

 

Farah và một vài người khác đã đầu tư khoảng 10.000 USD cho một dự án đánh cá, gồm một chiếc thuyền, động cơ gắn ngoài và lưới.

 

Nhưng, anh kể, thủy thủ đoàn của một tàu cá nước ngoài đã đến vào năm ngoái, lấy cắp lưới cùng số cá bắt được, rồi bắn hỏng động cơ.

 

Hai người nêu một ví dụ khác: một buổi sáng, vài người thân của họ ra khơi để kiểm tra lưới nhưng rồi không bao giờ quay về. Thường thì ngư dân ra khơi lúc bình minh và trở về trước khi nhiệt độ tăng cao vào giữa trưa.

 

Ba ngày sau, xác họ được tìm thấy đang trôi dạt về phía bãi biển.

 

"Thi thể họ dính đầy đạn," Diiriye nói.

 

"Họ không có súng; họ ra khơi chỉ với những tấm lưới để kiếm sống."

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/4a2f/live/0bc57b70-c046-11ef-a2ca-e99d0c9a24e3.jpg.webp

Các sĩ quan của Lực lượng Cảnh sát Hàng hải Puntland

 

Farah tiếp lời: "Chúng tôi làm việc và kiếm sống từ biển. Biển là nơi chúng tôi làm ăn."

 

"Khi có kẻ dọa nạt và cướp của anh, thì anh bắt buộc phải chống trả. Họ đã khơi mào cuộc chiến. Nếu họ không lấy tài sản của chúng tôi, chúng tôi đã chẳng phải làm cướp biển."

 

Hai người này, hơn 30 tuổi, không phải là những người duy nhất quyết định trở thành cướp biển vào năm ngoái.

 

Theo Chiến dịch Atalanta, lực lượng hải quân của Liên minh châu Âu, tuần tra gần khu vực này, đã có 26 cuộc tấn công cướp biển từ năm 2013 đến năm 2019 – và rồi từ năm 2020 đến năm 2022 không có bất kỳ cuộc nào.

 

Mọi chuyện trở lại vào năm 2023, với 6 cuộc tấn công và tăng vọt lên 22 cuộc trong năm nay, theo số liệu cho đến ngày 5/12.

 

Kết quả của hầu hết các cuộc đụng độ nói trên đều không cướp tàu thành công - nhưng nếu thành công, tiền chuộc xứng đáng.

 

Cướp biển nói đã nhận khoản tiền chuộc 5 triệu USD để trả tự do cho tàu MV Abdullah mang cờ Bangladesh, bị cướp vào tháng 3/2024.

 

Chủ tàu chưa xác nhận điều này, nhưng nói rằng tàu được trả tự do sau khi các cuộc thương lượng.

 

Các nguồn tin tại bang Puntland bán tự trị, nơi Eyl đóng đô, cho BBC biết rằng họ ước tính có khoảng 10 băng, mỗi băng có khoảng 12 thành viên, đang hoạt động trong khu vực.

 

Mỗi lần ra khơi, họ đi từ 15 đến 30 ngày, mang theo súng AK-47, súng phóng rocket (RPG), thức ăn và nhiên liệu trên những chiếc thuyền cao tốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/3783/live/75df0ad0-c046-11ef-a2ca-e99d0c9a24e3.jpg.webp

Diiriye

 

Farah và Diiriye nói rằng mục tiêu của họ là cướp được một con tàu cỡ trung bình ở sâu trên Ấn Độ Dương, dắt về chỗ tàu mẹ của họ, và sử dụng hệ thống định vị GPS của tàu đó để tìm kiếm những con tàu lớn hơn làm mục tiêu.

 

"Anh có thể dùng các thuyền cao tốc tấn công những con tàu đó," Farah nói.

 

Súng phóng lựu cũng là một phần thiết yếu trong chiến thuật của họ.

 

"Chúng tôi dùng RPG để ngăn tàu di chuyển. Nếu tàu không dừng lại, chúng tôi sẽ bắn chặn đầu. Chúng tôi không giết người. Mục tiêu là kiếm chác, không phải giết người. [Cốt là] để dọa họ," Diiriye nói.

 

Số vũ khí này không hề rẻ - vì vậy, về cơ bản, các băng nhóm tìm tài trợ từ các nhà đầu tư quan tâm.

 

Sau khi những ngư dân bất mãn gửi đi các thăm dò, một tổ chức sẽ được thành lập, thường gồm các doanh nhân khác nhau từ thành phố Garowe và Bosaso.

 

Một người có thể tài trợ thuyền, người khác tài trợ vũ khí và người tiếp theo tài trợ đồ phụ trợ, như nhiên liệu.

 

Những doanh nhân này đôi khi sẽ đầu tư cùng lúc vào vài băng, hy vọng một băng sẽ "trúng độc đắc" và bắt giữ được một con tàu để rồi họ sẽ nhận được phần chia từ khoản tiền chuộc.

 

Và sở hữu một khẩu súng ở Somalia thật dễ dàng - ngay cả ở Eyl, bạn có thể mua được một khẩu AK-47 với giá khoảng 1.200 USD - di sản của cuộc nội chiến kéo dài hai thập kỷ và nhiều năm ngoài vòng pháp luật.

 

Farah và Diiriye nói rằng họ không tham gia vào thời kỳ hoàng kim của cướp biển và không nhận bất kỳ lời khuyên nào từ những tên cướp biển về hưu - một vài trong số này cũng từng là ngư dân bất mãn.

 

Hầu hết những cướp biển già đã rời khu vực này - thường là ra nước ngoài hoặc hoàn lương.

 

Trong một trường hợp nổi tiếng, Abdirahman Bakeyle, một cướp biển giải nghệ, đã cho đi khối tài sản của mình.

 

Vào năm 2020, ông quyên góp những ngôi nhà và khách sạn ông đã mua ở Garowe cho các tổ chức từ thiện Hồi giáo và hiện là một nhà thuyết giáo lưu động đi tới khắp các thị trấn của Puntland, kêu gọi mọi người sống một cuộc sống khắc khổ và đạo đức.

 

Thị trấn ở miền trung Somalia, Adado từng là nơi cướp biển đầu tư tài sản và được đặt biệt danh là "Thành phố Xanh" vì những biệt thự mới xây của cướp biển thường có mái tôn sơn màu xanh dương.

 

Rất nhiều những ngôi nhà này đang bỏ trống - hoặc có thể cho thuê với giá chỉ 100 USD/tháng.

 

Các trưởng lão ở Eyl nói rằng di sản chính của nạn cướp biển là sự xuất hiện tràn lan của rượu, thường được buôn lậu từ Ethiopia, và các chất gây nghiện như thuốc phiện.

 

Họ lo về việc một số thanh niên nhai khat, một loại lá kích thích, là thú vui buổi chiều phổ biến, đang dần nghiện loại lá này.

 

Những người đàn ông tụ tập bên ngoài những quán trà vào buổi chiều để chơi domino và bàn tán về tin tức nói rằng họ không tán thành việc cướp biển, dù hiểu được cảm giác thù hằn đối với tàu nước ngoài.

 

Vụ việc gần đây khi ba ngư dân bị bắn chết rõ ràng đã khiến nhiều người phẫn nộ.

 

Ali Mursal Muse, từng đánh bắt tôm hùm và cá mập ngoài khơi Eyl được khoảng 40 năm để nuôi sống vợ và 12 người con, tin rằng những ngư dân kia có thể đã bị tưởng nhầm là cướp biển - như trường hợp của chính ông nhiều năm trước.

 

"[Khi ấy], chúng tôi ra khơi cùng một con thuyền khác. Đúng lúc đó, cướp biển đang tìm cách cướp một con tàu. Một chiếc máy bay xuất hiện. Thuyền của tôi cập bến; [nhưng] chiếc thuyền đánh cá kia bị tấn công," ông nhớ lại.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/bab5/live/12321310-c046-11ef-a2ca-e99d0c9a24e3.jpg.webp

Hawa Mohamed Zubery tin rằng chồng bà đã bị lầm tưởng là cướp biển. Ông đã mất tích 14 năm trước

 

Góa phụ 40 tuổi Hawa Mohamed Zubery tin rằng chồng bà đã gặp số phận tương tự khi mất tích 14 năm trước.

 

Đó là thời điểm nạn cướp biển đang đạt đỉnh điểm và bà vừa sinh con trai. Hai vợ chồng muốn cắt bao quy đầu cho con.

 

"Chồng tôi nghĩ rằng nếu ông ấy có thể đánh bắt được một con cá mập thì chúng tôi sẽ có tiền cắt bao quy đầu cho đứa bé," bà nói với BBC, lộ rõ vẻ đau buồn về cái chết của chồng.

Bà nói rằng mình vật lộn trang trải học phí cho con cái bằng cách bán bánh samosa.

 

Ông Muse nói rằng vấn đề lớn nhất đối với ông hiện giờ là hành vi phi đạo đức của các đội tàu cá từ các quốc gia như Iran và Yemen, vốn thường xuyên đánh cắp thiết bị của ông.

Ông tin rằng những người hậu thuẫn địa phương quyền thế đã cấp giấy phép đánh cá giả của Somalia và cả các tay súng để bảo vệ cho các đoàn tàu cá này.

 

Ông cáo buộc các đoàn tàu cá cướp bóc số cá đánh bắt được và xâm nhập vào vùng biển đánh cá của ngư dân.

 

"Chúng có một khu vực làm ăn và thậm chí còn lên bãi biển. Khi chúng tôi đến và yêu cầu trả lại thiết bị thì bị chúng bắn. Gần đây, chúng đã làm một số người bị thương. Chúng bắn một cậu bé, làm tay và chân nó bị thương."

 

Người ngư dân này nói ông đã nhiều lần khiếu nại lên chính quyền địa phương, nhưng không có gì thay đổi.

 

Bộ trưởng Thông tin Puntland, ông Caydid Dirir, thừa nhận sự xuấthiện của một số tàu thuyền bất hợp pháp và nói rằng một số tàu nước ngoài có thể đã được cấp giấy phép và "lạm dụng".

 

"Đánh bắt cá bất hợp pháp tồn tại ở tất cả các vùng biển và cướp biển có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Tình hình đang dần có tiến triển," ông nói với BBC.

 

Đánh bắt cá bất hợp pháp là vấn đề gây tranh cãi ở Somalia trong nhiều năm qua.

 

Nhiều tàu đánh cá hoạt động không giấy phép hoặc có giấy phép do các cơ quan không có thẩm quyền cấp, theo tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm có Tổ chức Xuyên Quốc gia.

 

Tổ chức này trích dẫn bằng chứng, bao gồm dữ liệu định vị vệ tinh, để chỉ ra rằng nhiều tàu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Iran, Yemen và Đông Nam Á.

 

Điều này, theo một báo cáo từ Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Mogadishu (Somalia), khiến Somalia thiệt hại 300 triệu USD mỗi năm.

 

Chuẩn Đô đốc Manuel Alvargonzález Méndez của Chiến dịch Atalanta cho biết lực lượng của ông từng chỉ nhắm tới các tàu cướp biển và giờ còn phải bảo vệ các tàu khỏi lực lượng Houthi của Yemen.

 

Nhưng ông khẳng định hiện giờ khu vực đã an toàn hơn và người Somalia có thể "quăng lưới đánh cá mà không sợ hãi" – tương tự với tuyên bố của Lực lượng Cảnh sát Hàng hải Puntland đang hợp tác chặt chẽ với phái đoàn hải quân của EU.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/18da/live/21aec400-c046-11ef-a2ca-e99d0c9a24e3.jpg.webp

Các trưởng lão ở Eyl không muốn thấy sự trở lại của nạn cướp biển

 

Chỉ huy của lực lượng này, ông Farhan Awil Hashi, tin rằng khu vực này sẽ không quay lại "thời kỳ tăm tối trước đây" của nạn cướp biển.

 

Ông tin rằng giải pháp lâu dài là "tạo việc làm".

 

"Người trẻ phải luôn luôn có việc làm. Nếu một người bận rộn làm việc gì đó, họ sẽ không nghĩ tới chuyện ra biển và cướp tàu thuyền," ông nói với BBC.

 

Farah và Diiriye đưa ra cùng một lập luận, nói rằng do đánh bắt cá không còn sinh lời, cướp tàu thuyền để lấy tiền chuộc là cách duy nhất họ có thể chu cấp cho con cái.

 

Họ biết làm cướp biển là sai - và Diiriye thừa nhận rằng anh quá sợ hãi nên không dám kể cho mẹ về việc mình làm.

 

"Nếu bà ấy biết, bà ấy sẽ rất thất vọng. Mà chắc bà ấy còn đi báo chính quyền."

 

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats