Monday, 18 November 2024

TỨ TRỤ, THƯỜNG TRỰC BAN BÍ THƯ và NHỮNG 'TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT' (BBC News Tiếng Việt)

 



Tứ Trụ, Thường trực Ban Bí thư và những 'trường hợp đặc biệt'

BBC News Tiếng Việt

18 tháng 11 2024, 18:10 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4gx37n418xo

 

Dù Đảng Cộng sản không công khai nhưng một số trường hợp bầu, bổ nhiệm nhân sự vào Tứ Trụ và cả chức thường trực Ban Bí thư là thuộc diện "trường hợp đặc biệt".

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/0b08/live/12474290-a588-11ef-a4fe-a3e9a6c5d640.jpg.webp

Từ trái qua: Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

 

Bộ Chính trị khóa 13 được bầu vào tháng 1/2021 có tới 18 ủy viên.

 

Trong đó có tám người thuộc dạng dày dặn kinh nghiệm khi đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên và nắm giữ các chức vụ quan trọng, bao gồm: ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Vương Đình Huệ, ông Phạm Bình Minh, ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm.

 

Tuy nhiên, với sự biến động chính trị khó lường và chưa từng có tiền lệ khi có tới năm ủy viên trong số tám người nói trên bị mất chức. Cùng với đó là cái chết của nhà lãnh đạo lâu năm Nguyễn Phú Trọng khiến cho số ủy viên Bộ Chính trị có thâm niên hơn một nhiệm kỳ thu hẹp lại chỉ còn có ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.

 

Điều này khiến Đảng Cộng sản không còn nhiều lựa chọn thay thế cho các vị trí chủ chốt, bởi theo Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn các chức danh - để vào Tứ Trụ hoặc làm thường trực Ban Bí thư, cá nhân phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

 

Do đó, đã có tình trạng một số nhân vật dù chưa hội đủ tiêu chuẩn này nhưng vẫn được bầu, phân công vào các vị trí theo cơ chế "trường hợp đặc biệt", bao gồm Chủ tịch nước Lương CườngChủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/da47/live/118b10c0-a583-11ef-bdf5-b7cb2fa86e10.jpg.webp

Bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 mất chức. Trong đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là những người có thâm niên trong Bộ Chính trị trên một khóa. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vào Bộ Chính trị khóa 13 là khóa đầu tiên

 

Chủ tịch nước

 

Đầu tiên là chức chủ tịch nước. Chưa hết một nhiệm kỳ mà Việt Nam đã chứng kiến bốn người tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước gồm: ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Tô Lâm và ông Lương Cường.

 

Sự biến động nhân sự ở cấp thượng tầng này được đánh giá là những cơn "địa chấn chính trị" và khiến sự "ổn định chính trị" vốn có của Việt Nam bị lung lay, gây lo lắng cho những nhà đầu tư và các đối tác.

 

Trong số các chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 thì ông Lương Cường là người được xét "trường hợp đặc biệt" vì ông chưa hội đủ tiêu chuẩn cho chức danh này, theo Quy định 214 của Bộ Chính trị, được ban hành năm 2020. Quy định này nêu khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

 

Theo Quy định 214 thì để làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên và "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương".

 

Xét tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường, có thể thấy ông được bầu vào Bộ Chính trị lần đầu vào ngày 31/1/2021 nên ông chưa đạt tiêu chuẩn "trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên".

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/c39c/live/26383a60-a584-11ef-bdf5-b7cb2fa86e10.jpg.webp

Chủ tịch nước Lương Cường là người thứ tư đảm nhận chức vụ nguyên thủ quốc gia trong nhiệm kỳ 2021-2026

 

Trong một chương trình podcast của Fulcrum thuộc Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore) vào ngày 19/8, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định rằng ông Lương Cường chưa thỏa mãn yêu cầu của Quy định 214 khi ông chưa kinh qua các chức vụ bộ trưởng hay làm lãnh đạo cấp tỉnh, thành.

 

Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu "trường hợp đặc biệt" cho Tứ Trụ, nên dù ông Cường chưa hội đủ một số tiêu chuẩn thì Ban Chấp hành Trung ương có thể quyết định trường hợp ngoại lệ.

 

Vì vậy, dù Đảng Cộng sản Việt Nam không công khai nhưng ông Cường được bầu làm chủ tịch nước là theo diện "trường hợp đặc biệt".

 

Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K Inouye (Mỹ) nhận định với BBC ngày 22/10 rằng việc bầu chủ tịch nước mới cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc sáp nhập, nhất thể hóa hai chức vụ cao nhất: tổng bí thư và chủ tịch nước.

 

Ông Vuving nói thêm rằng, việc Đảng lựa chọn ông Lương Cường làm chủ tịch nước còn phản ánh nỗ lực duy trì cân bằng quyền lực trong Đảng, chủ yếu nằm ở các lực lượng an ninh-công an và quân đội.

 

VIDEO : Chủ tịch nước Lương Cường: trường hợp đặc biệt

                https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4gx37n418xo

 

 

Chủ tịch Quốc hội

 

Ngày 26/4, Trung ương Đảng đã có cuộc họp bất thường đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ bao gồm ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 và Chủ tịch Quốc hội khóa 15.

 

Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng cho thấy ông Huệ phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu" nhưng không nêu rõ sai phạm nào và phải chịu trách nhiệm cho ai.

 

Tuy nhiên, báo VnExpress đã nhắc đến việc ông Phạm Thái Hà trong bài viết về việc ông Huệ được cho thôi chức.

 

Ông Hà là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, đã bị bắt vào ngày 22/4 với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.

 

Xét quá trình công tác ông Phạm Thái Hà, có thể thấy ông Hà là trợ lý thân cận của ông Huệ từ năm 2006 và theo chân ông Huệ qua nhiều cơ quan khác nhau cho đến khi ông Huệ làm chủ tịch Quốc hội. Vì vậy, việc ông Hà bị khởi tố có thể là một trong những nguyên nhân khiến ông Huệ phải “xin thôi", theo Quy định 41.

 

Cũng như ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ là một trong những ủy viên Bộ Chính trị từng được đánh giá là sự nghiệp còn rộng mở và có khả năng thăng tiến. Ông Thưởng và ông Huệ đều là những ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi đã làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị - tức đủ tiêu chuẩn để tiếp tục ở trong Tứ Trụ và duy trì vị trí quyền lực đến sau Đại hội 14. Do đó, việc hai ông này mất chức được giới quan sát nhận định là những cơn "địa chấn chính trị".

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/658d/live/82953f60-a584-11ef-a4fe-a3e9a6c5d640.jpg.webp

Ông Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ

 

Sau khi ông Huệ mất chức, ông Trần Thanh Mẫn khi đó đang giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đã được bầu lên làm chủ tịch Quốc hội thay cho ông Huệ vào ngày 20/5.

 

Quy định 214 cũng nêu yêu cầu đối với chức danh chủ tịch Quốc hội là phải "kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên".

 

Ông Mẫn được bầu vào Bộ Chính trị lần đầu vào tháng 1/2021 nên ông chưa làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị, do đó chưa thỏa mãn yêu cầu nêu trên.

 

Tuy nhiên, tương tự các chức danh khác trong Tứ Trụ thì chủ tịch Quốc hội cũng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xét trường hợp đặc biệt. Vì vậy, dù không công khai nhưng việc ông Mẫn vào Tứ Trụ và giữ chức chủ tịch Quốc hội là thuộc “trường hợp đặc biệt”.

 

Vào thời điểm ông Mẫn được bầu làm chủ tịch Quốc hội, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm ở Đại học News South Wales (Úc), cho rằng đây là "giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội Đảng lần thứ 14".

 

Ông Mẫn cũng được Giáo sư Thayer đánh giá là "có kinh nghiệm" trong Quốc hội và việc bầu ông Mẫn dù ông chưa hội đủ các tiêu chuẩn cho thấy Đảng đang thiếu người.

 

Sau khi ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ, bà Trương Thị Mai từ chức thì vào tháng 5/2024, Bộ Chính trị khóa 13 chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Minh Chính và ông Tô Lâm là đủ tiêu chuẩn vì đã làm "trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên".

 

Bên cạnh đó, ông Mẫn quê ở Hậu Giang nên việc ông làm chủ tịch Quốc hội giúp cân bằng tính vùng miền trong "Tứ Trụ".

 

 

Thường trực Ban Bí thư

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/e0e8/live/60954250-a586-11ef-8ab9-9192db313061.jpg.webp

Ông Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

 

Vị trí thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay đã chứng kiến đến bốn sự thay đổi về nhân sự: ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai, ông Lương Cường và ông Trần Cẩm Tú.

 

Trong khi ông Võ Văn Thưởng và bà Trương Thị Mai đều đủ tiêu chuẩn cho vị trí thường trực Ban Bí thư thì ông Lương Cường và ông Trần Cẩm Tú thuộc diện được Bộ Chính trị xem xét "trường hợp đặc biệt".

 

Thường trực Ban Bí thư là một chức vụ quan trọng, chỉ xếp sau Tứ Trụ, nên tiêu chuẩn đề ra cho chức danh này cũng có những điểm tương tự các chức danh trong Tứ Trụ.

 

Cụ thể, để làm thường trực Ban Bí thư thì cá nhân phải "tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên".

 

Như đã phân tích ở trên, ông Lương Cường chưa thỏa mãn yêu cầu này do đó thời điểm ông Cường được Bộ Chính trị phân công làm thường trực Ban Bí thư thay bà Mai vào 20/5/2024 thì ông đã là trường hợp đặc biệt, dù điều này không được công khai.

 

Có thể thấy, ông Lương Cường là người được xét hai lần "trường hợp đặc biệt". Một lần cho vị trí thường trực Ban Bí thư do Bộ Chính trị duyệt, lần mới đây là vị trí chủ tịch nước - do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

 

Và người thay thế ông Cường làm thường trực Ban Bí thư là ông Trần Cẩm Tú.

 

Sau khi có tới bảy ủy viên Bộ Chính trị mất chức và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời thì Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn mỗi Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là những ủy viên đã làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên.

 

Do đó, tương tự ông Cường và ông Mẫn, ông Tú chưa thỏa mãn tiêu chí "tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên" như yêu cầu của chức vụ thường trực Ban Bí thư theo Quy định 214.

 

Vì vậy, việc ông Tú giữ chức vụ này là được Bộ Chính trị xem xét "trường hợp đặc biệt", dù Đảng Cộng sản Việt Nam không công khai chi tiết này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/70f6/live/92258d70-a586-11ef-a4fe-a3e9a6c5d640.jpg.webp

Nhiệm kỳ 2021-2026 có bốn sự thay đổi nhân sự ở vị trí thường trực Ban Bí thư

 

Thông báo về việc điều động nhân sự của Bộ Chính trị còn cho thấy ông Trần Cẩm Tú sẽ kiêm nhiệm hai chức vụ Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việc nắm giữ chức danh thường trực Ban Bí thư được cho là sẽ mở đường cho sự nghiệp chính trị của ông Tú trong tương lai vì ông Võ Văn Thưởng và ông Lương Cường đều thăng tiến lên làm chủ tịch nước từ vị trí này.

 

Vì năm chức danh gồm Tứ Trụ (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội) và thường trực Ban Bí thư đều có quy định trường hợp đặc biệt nên dù ông Lương Cường, ông Trần Thanh Mẫn, ông Trần Cẩm Tú chưa thỏa mãn một số tiêu chuẩn thì việc bầu, phân công các ông này không thực hiện sai Quy định 214, khác với trường hợp các tướng lĩnh công an và quân đội mà BBC đã phân tích.

 

Tuy nhiên, điều này cho thấy một thực tế như Giáo sư Thayer đã chỉ ra, rằng sau hàng loạt vụ xin từ chức của các ủy viên Bộ Chính trị, Đảng đã rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự nên việc xét trường hợp đặc biệt là điều dễ hiểu và có thể là giải pháp tình huống.

 

-------------------------------

Tin liên quan

·         

Tướng công an, quân đội nào thăng tiến khi chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định?

15 tháng 11 năm 2024

·         

Lý do ông Trần Cẩm Tú được Bộ Chính trị chọn làm thường trực Ban Bí thư

25 tháng 10 năm 2024

·         

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: quyền lực mới hay phương án tạm thời?

20 tháng 5 năm 2024

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats