Friday, 29 November 2024

KHI CSVN QUYẾT ĐỊNH SINH MẠNG NGƯỜI TỊ NẠN CHÍNH TRỊ (Đặng Đình Mạnh | Người Việt Online)

 


Khi CSVN quyết định sinh mạng người tị nạn chính trị

Đặng Đình Mạnh  |  Người Việt Online

November 29, 2024 : 10:03 AM

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/khi-csvn-quyet-dinh-sinh-mang-nguoi-ti-nan-chinh-tri/

 

Luật pháp của hầu hết các quốc gia văn minh trên thế giới đều đặt việc quyết định sinh mạng con người vào tay ngành tư pháp, tức tòa án.

 

Vì nguyên tắc tòa án độc lập, hoạt động của tòa án chỉ tuân thủ pháp luật mà không lệ thuộc vào tác động chính trị, điều phổ biến thường thấy trong quốc hội hoặc chính phủ. Do đó, phán quyết của tòa án được hiểu là kết quả của một quá trình xem xét số phận con người một cách vô tư, khách quan theo các chuẩn mực pháp lý.

    

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/VN-Assange-wikileaks-2-testimony-EU-council-JohannesSimon-AFP-100124-1536x1024.jpg

Julian Assange, sáng lập viên nhóm Wikileaks công bố bất hợp pháp tài liệu tình báo mật của chính phủ Mỹ, điều trần tại trụ sở Ủy ban Âu châu, Tiểu ban Pháp lý và Nhân quyền, ở Strasbourg, Pháp, ngày 1 Tháng Mười 2024 sau khi được trả tự do. (Hình: Johannes Simon/AFP/Getty Images)

 

Thế nên, quyết định việc chấp nhận yêu cầu dẫn độ người tỵ nạn chính trị về quốc gia mà họ đã phải rời đi cũng được giải quyết theo cùng nguyên tắc như vậy với một vài khác biệt nhỏ.

 

Thế giới không hiếm về những vụ yêu cầu dẫn độ. Vụ yêu cầu dẫn độ nổi tiếng nhất cho đến nay, phải nói đến trường hợp Julian Assange, quốc tịch Úc, người sáng lập trang Wikileads lừng danh một thời đã đưa ra công khai hàng chục vạn tài liệu mật của Hoa Kỳ. Hành động của anh ta khiến chính phủ này đã từng một phen khốn đốn khi phải mất công giải thích với công chúng, với đồng minh và cả Liên Hiệp Quốc về nhiều hành xử của họ trong lĩnh vực tình báo, nhất là trong cuộc chiến Iraq.

 

Bắt đầu vào năm 2010, khi đang ở Anh Quốc, ông bị chính quyền Thụy Điển yêu cầu dẫn độ liên quan đến nghi án về tình dục. Năm 2012, ông tìm nơi ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador tại London và được chính quyền Ecuador cấp quyền tỵ nạn chính trị tại đây cho đến tận 7 năm sau. Năm 2019, ông bị chính quyền Ecuador thu hồi quy chế tỵ nạn và cảnh sát Anh Quốc bắt giữ ông.

 

Sau đó, ông liên tục phải đối diện với các phiên tòa tại Anh Quốc để xem xét việc dẫn độ ông sang Hoa Kỳ theo yêu cầu chính phủ Hoa Thịnh Đốn. Các bên có liên quan đã thu xếp để ông chịu nhận tội đối với cáo buộc hình sự của Hoa Kỳ để được hưởng mức án 62 tháng tù giam, ngang với mức án mà chính quyền Anh Quốc đã giam giữ ông. Tháng 06/2024, ngay sau khi xét xử tại Tây Ban Nha, ông đã trở về Úc và sống kín tiếng cho đến nay.

 

Tổng cộng mất đến 12 năm trời với nhiều lần chấp nhận dẫn độ rồi bị hủy án, cuối cùng thì chưa bao giờ ông Julian Assange bị dẫn độ đến Hoa Kỳ cả nhờ việc xem xét dẫn độ hết sức nghiêm ngặt tại Anh Quốc.

 

Liên quan đến Việt Nam, mới đây, Y Quynh Bdap, một người thuộc sắc tộc thiểu số tại vùng Tây Nguyên Việt Nam, đang tỵ nạn tại Thái Lan cũng bị chính quyền Cộng sản tại Việt Nam yêu cầu dẫn độ vì bị cho rằng liên quan đến vụ án khủng bố xảy ra vào Tháng Sáu 2023 tại tỉnh Đắk Lắk.

 

Ngày 30 Tháng Chín 2024, một tòa án tại Thái Lan đã xem xét yêu cầu dẫn độ này và phán quyết chấp nhận việc dẫn độ. Hiện nay, ông Y Quynh Bdap đã kháng cáo để chờ tòa án cấp trên xem xét lại.

 

Việt Nam là một quốc gia độc tài, không tôn trọng các giá trị tự do, nhân quyền và dân chủ. Cho nên, hầu như nước này không phải là một điểm đến được lựa chọn cho những người tỵ nạn chính trị. Nhưng không phải vậy mà không có người tỵ nạn khi người ta không có cơ hội lựa chọn.

 

Trong một trường hợp hiếm hoi, ngày 18 Tháng Tư 2014, có 16 người Duy Ngô Nhĩ đã vượt biên giới Trung Cộng vào lãnh thổ Việt Nam trái phép qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh, thuộc tỉnh Quảng Ninh để xin tỵ nạn chính trị.

 

Sau đó, đã xảy ra xô xát tại đồn biên phòng gây ra cái chết cho 7 người cùng 4 người bị thương, trong đó, phía bộ đội biên phòng Việt Nam có 2 người chết và 4 người bị thương, phía nhóm người Tân Cương có 5 người chết.

 

Ngay khi ấy, toàn bộ số 11 người Duy Ngô Nhĩ còn lại đã bị bàn giao cho biên phòng Trung Cộng đưa về. Việc xô xát gây ra chết người và bị thương tại đồn biên phòng bị bỏ qua hoàn toàn, không xử lý mặc dù có số thương vong lên đến 11 người, trong đó có đến 7 người chết.

 

Trong trường hợp này, việc xin tỵ nạn chính trị tại Việt Nam của 16 người Duy Ngô Nhĩ đã không hề được xem xét đã đành. Thậm chí, họ bị trao trả cho phía Trung Cộng ngay lập tức mà không hề có văn bản yêu cầu dẫn độ của phía Trung Cộng và cũng không được một tòa án nào của Việt Nam xem xét cả.


Chính quyền Việt Nam đã hành xử y như mình là một phiên thuộc của Trung Cộng vậy.

Trường hợp hiếm hoi thứ hai xảy ra gần đây với ông Veremeichik, một công dân Belarus 34 tuổi.

 

Nguyên, ông Veremeichik tham gia vào Trung đoàn Kalinouski gồm những thành viên người Belarus tình nguyện chiến đấu bên cạnh quân đội Ukraine chống quân Nga xâm lược.

 

Do hoạt động này, tại Belarus, ông và các chiến hữu bị chính quyền thân Nga ở đó xem là các phần tử khủng bố. Chưa rõ lý do sang Việt Nam, nhưng ở đây ông đã bị công an Việt Nam bắt giữ ngày 13 Tháng Mười Một 2024. Chỉ một ngày sau đó, ông đã bị trao trả ngay cho chính quyền Belarus.

 

Theo tin từ Svaboda, trang tiếng Belarus của Đài Châu Âu Tự Do (RFE/RL), thì Hội đồng điều phối do phe đối lập Belarus lãnh đạo cho biết: Hoạt động bắt giữ ông Veremeichik do KGB của Belarus tổ chức, nhờ công an Việt Nam tạm lấy lý do điều tra vụ xô xát để bắt giữ rồi bàn giao cho Minsk.

 

Hội đồng điều phối cho biết thêm một điều khá xấu hổ cho giới luật sư trong nước, rằng hầu như không có luật sư Việt Nam nào dám đảm nhận vụ án, mãi đến ngày 19 Tháng Mười Một, họ mới nhận được câu trả lời không chính thức từ công an rằng Veremeichik đã bị bắt và trục xuất ngay ngày hôm sau, một ngày sau khi bị giam giữ.

 

Hãng tin AFP dẫn lại một bản tin của Đài truyền hình nhà nước Belarus ONT, trong đó chiếu cảnh một chiếc máy bay hạ cánh tại sân bay Minsk và một người đàn ông bị dẫn ra ngoài với hai tay bị trói. Được biết, ông Veremeichik đã từng phục vụ trong quân đội và đã tham gia vào các cuộc biểu tình lớn chống lại Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào năm 2020 và bị giam giữ trong 10 ngày.

 

Một lãnh đạo đối lập lưu vong Belarus Svetlana Tikhanovskaya cho biết trong một tuyên bố rằng Veremeichik đã bị dẫn độ từ Việt Nam, nói rằng đây là “hậu quả trực tiếp của các chính sách đàn áp của chế độ Lukashenko, chế độ này tiếp tục đàn áp những người đối lập, đưa các cuộc đàn áp lên tầm quốc tế”.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/VN-Y-Quynh-Bdap-HRW-093024.jpg

Ông Y Quynh Bdap, người Thượng tị nạn chính trị tại Thái Lan và đã được LHQ cấp quy chế tị nạn, bị tòa án Thái đồng ý cho dẫn độ về Việt Nam theo đòi hỏi của Hà Nội. (Hình: HRW)

 

Cho thấy, các trường hợp dẫn độ hoặc yêu cầu dẫn độ ở Việt Nam đều được hành xử một cách vô pháp, không tuân thủ theo bất kỳ quy chuẩn pháp lý văn minh nào cả. Nếu cần, chế độ Cộng sản trong nước sẵn sàng cho xét xử, tuyên án vắng mặt một cách vô pháp để có cơ sở yêu cầu dẫn độ, như vụ Y Quynh Bdap hoặc Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

 

Song song đó, đối với người tỵ nạn chính trị vào Việt Nam, số phận của họ không hề được một cơ quan tư pháp nào xem xét cả, mà mọi sự đều bị quyết định bởi lực lượng an ninh trong nước. Qua đó, đáp ứng các yêu cầu dẫn độ từ các chính quyền cùng ý thức hệ độc tài về chính trị với nhau, như vụ người Duy Ngô Nhĩ, hoặc ông Veremeichik, công dân Belarus mới đây.

 

Lúc này, thật vô phúc cho ai chọn Việt Nam như điểm đến cho việc xin tỵ nạn chính trị. Vì ở đó, nó còn tệ hại hơn quốc gia nơi mà họ rời đi…

 

DC, ngày 28 Tháng Mười Một 2024
Đặng Đình Mạnh

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats