Sunday, 24 November 2024

TRONG HỒI KÝ SẮP RA MẮT, MERKEL CHỈ TRÍCH TRUMP 'CẢM TÍNH' (Joe Stanley-Smith | DCVOnline)

 



Trong hồi ký sắp ra mắt, Merkel chỉ trích Trump ‘cảm tính’

Joe Stanley-Smith | DCVOnline

Posted on November 24, 2024

https://dcvonline.net/2024/11/24/trong-hoi-ky-sap-ra-mat-merkel-chi-trich-trump-cam-tinh/

 

Cựu thủ tướng Đức đã vẽ nên một bức tranh cay độc về tổng thống đắc cử — và bóng gió nói đến một chiến thuật để đối phó với ông ta.

 

HÌNH : https://www.politico.eu/cdn-cgi/image/width=1280,quality=80,onerror=redirect,format=auto/wp-content/uploads/2024/11/20/GettyImages-971491304-scaled.jpg

Nguyên thủ quốc gia tham dự cuộc họp G7 – Ngày thứ hai. Những bình luận của Angela Merkel đáng chú ý vì bà được giới lãnh đạo chính trị châu Âu tôn trọng. | Jesco Denzel /Getty Images

 

Chính khách Âu châu chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump tại Toà Bạch Ốc cho đến nay đã cẩn thận không nói bất cứ điều gì có thể khiến ông ấy khó chịu.

Nhưng Angela Merkel, người đã là thủ tướng Đức trong 16 năm, cho đến năm 2021 — và từ đó bà hầu như không xuất hiện trước công chúng — không cần chơi trò nịnh hót.

Trong hồi ký sắp xuất bản, trong một số trích đoạn đăng trên tờ báo Đức Die Zeit, bà kể chi tiết về những tương tác với Trump trong nhiệm kỳ bốn năm đầu tiên của ông, gồm cả quan điểm của bà về mối quan hệ của cựu tổng thống với nhân vật lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Bà viết về Trump:

 

“Ông ấy đánh giá mọi thứ theo góc nhìn của một doanh nhân bất động sản trước khi tham gia chính trường. Mỗi bất động sản chỉ có thể được phân bổ một lần. Nếu ông ấy không được, người khác sẽ được. Đó cũng là cách ông ấy nhìn thế giới.

 

Đối với ông ấy, tất cả mọi quốc gia đều cạnh tranh với nhau, trong đó thành công của quốc gia này là thất bại của quốc gia kia; ông ấy không tin rằng sự thịnh vượng của tất cả có thể tăng lên bằng sự hợp tác.”

Angela Merkel

 

 

Những bình luận của Angela Merkel đáng chú ý vì bà được giới lãnh đạo chính trị châu Âu tôn trọng, ngay cả khi triều đại của bà tại Đức đã kết thúc. Những suy nghĩ của bà về cách đối xử tốt nhất với cựu tổng thống sẽ được những chính khách chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của Trump lưu ý.

 

Cựu lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo thấy mối quan hệ với Trump rất khó khăn, bà thậm chí còn tìm đến Giáo hoàng Francis để được cố vấn về cách đối phó với ông ta.

 

https://www.politico.eu/cdn-cgi/image/width=1024,quality=80,onerror=redirect,format=auto/wp-content/uploads/2024/11/20/GettyImages-810218168.jpg

Angela Merkel cũng viết rằng trong cuộc họp tháng 3 năm 2017, Donald Trump rất muốn biết ý kiến ​​của bà về Vladimir Putin. | John Macdougall/AFP qua Getty Images

 

Merkel viết, ám chỉ đến một cuộc trò chuyện vào thời điểm Trump đe dọa sẽ rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris,

 

“Không nêu tên, tôi hỏi ông ấy sẽ xử trí thế nào với những ý kiến ​​khác biệt về cơ bản trong một nhóm những nhân vật quan trọng. Ông ấy hiểu tôi ngay lập tức và trả lời tôi một cách thẳng thắn: ‘Uốn, uốn, uốn cong, nhưng giữ cho nó không gẫy.’

 

Tôi thích hình ảnh này. Tôi nhắc lại với ông ấy. ‘Uốn, uốn, uốn cong, nhưng giữ cho nó không gẫy.’ Với tinh thần này, tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề Thỏa thuận Paris và Trump ở Hamburg”.

 

Phần lớn những gì bà viết về Trump liên quan đến cuộc gặp của bà với ông tại Toà Bạch Ốc vào tháng 3 năm 2017. Merkel viết về cuộc họp:

 

“Chúng tôi đã nói chuyện ở hai mặt khác nhau. Trump ở mực cảm xúc, còn tôi ở mặt thực tế. Khi ông ấy chú ý đến các lập luận của tôi, thì thường chỉ là để dựng lên những lời buộc tội mới từ đó.
Khi tôi trở về Đức, tôi không có cảm giác thoải mái. Tôi kết luận từ các cuộc trò chuyện của mình: Sẽ không có công việc chung nào cho một thế giới kết nối với Trump.”

 

 

Chỉ vài tháng sau, sau khi Trump tỏ ra khinh thường Âu châu trong chuyến công du khắp châu lục và cuộc họp G7 đầy căng thẳng ở Ý, bà đã tuyên bố một cách nổi tiếng, trong bối cảnh sự lãnh đạo của Trump và Brexit vào năm trước, rằng Âu châu phải tự đứng vững ở mức độ lớn hơn trước, không thể hoàn toàn dựa vào người khác.

 

Bà cũng viết rằng trong cuộc họp vào tháng 3 năm 2017, Trump rất muốn biết ý kiến ​​của bà về Putin.

 

“Donald Trump đã hỏi tôi một số câu hỏi, gồm cả về nguồn gốc Đông Đức của tôi và mối quan hệ của tôi với Putin.
Rõ ràng là ông ấy rất thích tổng thống Nga. Trong những năm tiếp theo, tôi có ấn tượng rằng những chính khách có tính cách độc đoán và chuyên quyền quyến rũ ông ấy.”

 

 

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Merkel eviscerates ‘emotional’ Trump in upcoming memoir | Ana Swanson | Politico | November 20, 2024. Nette Nöstlinger đã đóng góp vào bản tin này.

 

 

======================================================

 

Hậu quả sau khi Donald Trump tái đắc cử

Trần Giao Thuỷ   |   DCVOnline.net

November 16, 2024

https://dcvonline.net/2024/11/16/hau-qua-sau-khi-donald-trump-tai-dac-cu/

 

Mới đây, cuộc thăm dò của Economist/YouGov trong tuần sau ngày bầu cử cho thấy phản ứng của người Mỹ với cuộc bầu cử, lòng tin và kỳ vọng của họ vào kết quả, và về hậu quả của cuộc bầu cử cùng những thay đổi trong dư luận và nền kinh tế.

 

HÌNH : https://archive.is/ddbLU/e5c76347af13a7053da807084d07efd8c7777969.avif

 

Phản ứng ở Mỹ về cuộc bầu cử

 

·        Cuộc thăm dò đó cho thấy hầu hết cử tri (96%) đều tin rằng họ đã lựa chọn đúng khi bỏ phiếu;

·        Hầu hết đều nói rằng họ đã bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ ưa thích, thay vì bỏ phiếu chống lại đối thủ của ứng cử viên đó — số cử tri đó gồm 60% cử tri của Kamala Harris và 84% cử tri của Donald Trump;

·        77% cử tri của Trump cho biết họ phấn khởi với kết quả; 20% hài lòng nhưng không phấn khởi;

·        66% cử tri của Harris buồn bã; 24% không hài lòng nhưng không buồn;

·        Nhìn chung, 79% cử tri đã ghi danh đi bầu tin rằng kết quả sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến nước Mỹ; 40% tin rằng nó sẽ có ảnh hưởng lớn đến bản thân họ;

·        47% cử tri đã ghi danh đi bầu cho biết họ rất hoặc khá ngạc nhiên về kết quả, gồm 66% cử tri của Harris nhưng chỉ có 29% cử tri của Trump;

 

Con voi làm láng giềng mất ngủ

 

Tuy nhiên, dân Canada và chính phủ nước láng giềng phương bắc này cần nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho sự hỗn loạn sắp xẩy ra khi đa số cử tri Mỹ đã dứt khoát bầu một kẻ phát xít, độc đoán làm lãnh đạo quốc gia. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Trump không phải là một người có ý thức hệ, và môn võ duy nhất ông biết là võ rừng. Ai ném đá vào ông, ông sẽ ném hòn chì trả lại hoặc quid pro quo.

 

Trong chuyến công du Mỹ năm 1969, Pierre Trudeau, thủ tướng Canada lúc đó, nói với tổng thống Nixon:

 

“Sống bên cạnh bạn, một cách nào đó, giống như ngủ với một con voi. Dù con thú có thân thiện và điềm tĩnh đến đâu đi nữa, nếu tôi có thể nói như vậy, thì người ta cũng bị ảnh hưởng vì từng cơn co giật và tiếng gầm gừ của nó.”

 

Nhận định trên đây gần như đã trở thành định nghĩa của bang giao giữa hai nước láng giềng ở Bắc Mỹ.

 

Tất cả mọi phần tử tạo thành Canada, tất cả mọi thứ làm nền tảng cho lối sống của người dân Canada, đều dựa trên sự bền vững của một nền dân chủ ổn định, thống nhất ở nước láng giềng phía nam. Về lâu dài, người Canada sẽ phải suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống cạnh một nền dân chủ dường như, ít nhất là ngay bây giờ, không còn muốn là một nền dân chủ nữa. Đất nước này bị chia rẽ đến mức một nửa sẵn sàng gây thiệt hại cho chính mình chỉ để làm mất lòng nửa còn lại.

Trong ngắn hạn, hệ luận của việc Donald Trump trở lại Toà Bạch Ốc là một loạt những thách thức cam go về chính sách. Không theo thứ tự cụ thể, chúng là những vấn đề sau đây:

 

·        1. Biên giới. Donald Trump tin vào sự cần thiết phải điều động cảnh sát và quân đội đến khu biên giới để tập hợp hàng triệu người nhập cư lại và dồn họ vào những trại giam, chuẩn bị cho việc trục xuất họ đến những quốc gia có thể đồng ý hoặc không đồng ý đón nhận họ. Dự án này gần như chắc chắn sẽ gặp sự phản kháng dữ dội, và trong sự hỗn loạn sau đó, nhiều triệu người trong số những người tuyệt vọng đó có thể quyết định chạy trốn về phía bắc.

 

·        2. Kinh tế. Những chính sách kinh tế của Donald Trump sẽ đề ra những thách thức cả tích cực lẫn tiêu cực cho giới hoạch định chính sách của Canada. Một mặt, việc cắt giảm thuế thu nhập của doanh nghiệp sẽ gây ra bất lợi rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư của Canada. Mặt khác, sự suy thoái của nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ gây ra những thiệt hại thông thường cho nền kinh tế của Canada.

 

·        3. Thương Mại. Trump đã cam kết đánh thuế nhập cảng 10-20% trên tất cả mặt hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ, kể cả hàng hoá từ Canada; chưa ai nghe Trump nói sẽ không đánh thuế hàng Canada. Ông sẽ yêu cầu thay đổi NAFTA/USMCA, điều này có thể dẫn đến những thay đổi bất khả thi. Canada phụ thuộc vào thương mại với Hoa Kỳ và dù sẽ cố gắng hết sức để đàm phán nhưng thuyết khách Canada có thể sẽ không thể lay chuyển được ông ấy. Không lẽ Chúa đã định thương mại với Mỹ của ông Trump sẽ là như thế hay sao?

 

·        4. Quốc phòng. Trump cũng như những nước NATO khác sẽ đòi Canada tăng chi tiêu quốc phòng. Khốn nỗi là ngân sách của Canada đã cạn kiệt cho chi dùng vào những việc khác. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là tổng thống đắc cử đã muốn phá hủy NATO từ nhiệm kỳ trước và rất có thể sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi NATO như John Bolton, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Trump, tiên đoán trong những cuộc nói chuyện gần đây với báo giới. Trump cũng có thể phá hủy nguyên tắc cốt lõi của liên minh này về phòng thủ tập thể. Canada, một quốc gia không có khả năng tự vệ, phải có Kế hoạch B.

 

Cấu trúc nợ công và tư của chính phủ Hoa Kỳ không đủ sức để nhận lãnh loại cú sốc này. Những vấn đề khác gồm cả sự lỗi thời của chiến lược biến đổi khí hậu của Canada, vẫn có thể xẩy ra một đại dịch toàn cầu khác, rủi ro khi chia sẻ thông tin tình báo với một tổng thống có thể chuyển ngay đến cho Vladimir Putin và sự sụp đổ của trật tự dân sự ở Hoa Kỳ.

 

Một nội các điên rồ đang thành hình

 

https://i.cbc.ca/1.7382647.1731541053!/fileImage/httpImage/image.jpg_gen/derivatives/16x9_780/matt-gaetz-and-tulsi-gabbard.jpg

Dân biểu Matt Gaetz và Tulsi Gabbard đã được đề cử làm tổng chưởng lý và giám đốc tình báo quốc gia. (Angela Weiss/AFP/Getty Images và Patrick T. Fallon/AFP/Getty Images)

 

Donald Trump đã công bố một số nhân sự sẽ vào nội các của ông cho nhiệm kỳ thứ hai:

 

·        Doug Burgum, Bộ trưởng Nội vụ

·        Doug Collins, Bộ trưởng Cựu chiến binh

·        Robert F. Kennedy Jr., Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh

·        Tulsi Gabbard, Giám đốc tình báo quốc gia

·        Matt Gaetz, Tổng chưởng lý

 

Hai người được bổ nhiệm khiến nhiều người, kể cả đảng viên Cộng hoà, phải vỗ trán kêu trời là Matt Gaetz làm tổng chưởng lý và Tulsi Gabbard làm giám đốc tình báo quốc gia. Những đảng viên Cộng hoà đã choáng váng trước hai lựa chọn bất ngờ này; một số đảng viên Cộng hòa tại quốc hội đặt câu hỏi liệu Trump có bỏ qua những thủ tục tiêu chuẩn để bố trí cho trung thần vào nội các hay không. Gaetz, một dân biểu ở Florida, đã là một con chó dữ chính trị bảo vệ cho Trump, kêu gọi điều tra Jack Smith, vị công tố viên đặc biệt đã truy tố Trump. Gaetz cũng đã bị điều tra về tội buôn bán tình dục và nhận quà tặng không hợp lệ. Gaetz đã từ chức dân biểu chỉ vài giờ sau khi nhận được sự đề cử, cho phép thay thế nhanh chóng ghế dân biểu đó bằng cuộc bầu cử đặc biệt ở Florida. Dân biểu Cộng hòa Mike Simppson của Idaho cho biết tin tức này “là điều bất ngờ lớn nhất mà tôi từng thấy trong một thời gian dài.” Sự đề cử hiện đang tiến đến Thượng viện, nơi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lisa Murkowski gọi đó là một đề cử không nghiêm túc.

 

Trump đang gây áp lực với đồng minh để đóng cửa Thượng viện vào đầu tháng 1 như thê sẽ cho phép ông bổ nhiệm Gaetz và Gabbard thông qua các việc bổ nhiệm trong thời gian nghỉ. Đây là một phần của vai trò cố vấn và đồng ý được trao cho Thượng viện Hoa Kỳ về các cuộc bổ nhiệm như một trong những điều khoản đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ hơn hai thế kỷ trước. Trong những trường hợp bình thường, không có gì chắc liệu Thượng viện sẽ không trao cho Gaetz quyền kiểm soát hệ thống tư pháp của quốc gia và Gabbard quyền kiểm soát bí mật quốc gia hay không. Những quy tắc tiêu chuẩn sẽ khiến cả hai nhân vật đó phải trải qua một cuộc thẩm vấn đáng nhớ vào đầu tháng 1 để có được bầu, ít nhất là 60% mới được Thượng viện thông qua để họ vào nội các như đã đề nghị. Trump đã đưa bài kiểm lòng trung thành lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai, yêu cầu đảng Cộng hoà đóng cửa Thượng viện trong vài ngày. Hành động trong khi Thượng viện không họp dường như là trọng tâm trong chiến lược của Trump và một dân biểu Đảng Cộng hòa ở Kentucky đã bày tỏ sự chắc chắn rằng Gaetz sẽ là bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Gabbard, cựu dân biểu đảng Dân chủ ở Hawaii, người mà Hillary Clinton từng gọi là tay sai của Nga, đã chỉ trích nhà nước ngầm của Hoa Kỳ và đã lập lại lập trường ủng hộ Nga. Bà đã phục vụ trong quân đội trong hai mươi năm ở Iraq. Hai cuộc bổ nhiệm đó đã dập tắt những lời bàn tán về Pete Hegseth, một lựa chọn không chính thống cho vị trí bộ trưởng quốc phòng. Hegseth là tác giả của một cuốn sách phản đối lý lẽ về các quy tắc chiến tranh, gồm cả Công ước Geneva. Tin tức bổ nhiệm GaetzGabbard đã làm đảo lộn một ngày bất thường ở Washington, khi Trump nói đùa về việc tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, hiện đang bị cấm theo Hiến pháp Hoa Kỳ.

Trump đã trở lại Toà Bạch Ốc để có cuộc gặp đúng đắn với Tổng thống Joe Biden; tổng thống chúc mừng ông về việc ông tái đắc cử và mong muốn có một cuộc chuyển giao suôn sẻ. Tuỳ viên Báo chí Toà Bạch Ốc gọi cuộc họp là thân mật, lịch sự, và có thực chất.

 

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và trình bầy.

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats