“Già
lừa” không có nghĩa là “Lừa già”
24/11/2024
https://baotiengdan.com/2024/11/24/gia-lua-khong-co-nghia-la-lua-gia/
Sau
bức thư ngỏ gửi Tổng Giám đốc Đài THVN, rất nhiều anh em
bạn bè, độc giả đã bình luận, nhắn tin thúc giục tôi nhận lời tham dự cuộc họp
của Đài (về những sai sót của Chương trình Vua Tiếng Việt) theo lời mời của Tổng
Giám đốc Nguyễn Thanh Lâm. Những dòng trong “tin nhắn chờ” sau đây là một ví dụ:
“Kính
thưa anh Công, chưa được cho phép mà vào góp ít lời quê e không phải phép.
Nhưng vì đây là một diễn đàn công khai nên cho phép có vài lời nhỏ mọn. Thứ nhất,
rất cám ơn anh đã có lòng với tiếng Việt. Những gì anh đã làm trước giờ, không
chỉ riêng những phản biện với chương trình, thật bền bỉ và đáng trọng. Em thiết
nghĩ anh nên dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về lời mời. Vì đứng ngoài chỉ
trích cần, nhưng cần hơn là đứng trong chỉnh đốn. Nếu có thể cùng nhau ngồi xuống
bên tách trà, cùng nhau trải hết tấm lòng có khi anh sẽ giúp được nhiều hơn cho
chương trình, hay xa hơn là tiếng Việt. Một cuộc đối thoại học thuật minh bạch
và văn minh và điều mà chúng ta đang rất thiếu. Em định comment công khai, song
lại thấy có điều bất tiện. Xin phép. gửi anh ít dòng. Mong anh đọc được và miễn
chấp. Chúc anh an khang”.
Xin
chia sẻ một số thông tin để mọi người hiểu được vấn đề.
Thực
ra, tất cả những gì tôi đã từng phản biện, góp ý với Vua Tiếng Việt không phải
là “đứng ngoài chỉ trích”, hay có gì thiếu “minh bạch và văn minh”, mà đều là
những bài đăng công khai, phân tích cặn kẽ, thấu đáo, nói có sách, mách có chứng,
thậm chí còn chỉ ra những nguyên nhân cụ thể dẫn đến sai sót ấy. Nếu cầu thị,
Vua Tiếng Việt hoàn toàn có thể dùng những bài phản biện, tư vấn miễn phí ấy của
tôi để khắc phục.
Ngoài
ra, để chủ động tránh những sai sót và ngộ nhận chết người ấy, những người làm
kịch bản, đạo diễn, biên tập Chương trình Vua Tiếng Việt chỉ cần:
–
Mua một cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu”
(Hoàng Tuấn Công – NXB Hội Nhà văn Việt Nam – 2018, bản tái bản có bổ sung 100
trang) để tham khảo.
–
Vào Blog Tuấn Công Thư Phòng, hoặc tìm đọc các bài khảo cứu mà chúng tôi đã
đăng công khai trên rất nhiều sách báo, tạp chí (chỉ cần gõ vài dòng, rồi thêm
vài cú kích chuột nữa là nó hiện ra thôi).
–
Thậm chí, nếu biết tra cứu và chịu khó tra cứu cẩn thận, thì chính cuốn “Từ điển
tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ – Hoàng Phê chủ biên) mà các vị luôn cầm khư khư
trong tay làm đạo cụ, cũng sẽ giúp tránh được nhiều sai sót.
Tôi
nghiệm ra, thì hầu như tất cả những cái sai của Vua Tiếng Việt (từ chính tả cho
đến thành ngữ, tục ngữ) vốn đã được chúng tôi phản biện, đính chính rất cụ thể,
công phu trong những tài liệu nói trên. Theo đây, với chuyện chữ nghĩa thì việc
trao đổi, góp ý bằng giấy trắng mực đen còn tốt hơn gấp vạn lần lời nói miệng
trong một cuộc họp. Và thực chất trong vòng gần hai năm qua, chúng tôi đã góp
ý, tư vấn rất tận tình, kịp thời và hoàn toàn miễn phí cho Vua Tiếng Việt.
Nhưng những người chịu trách nhiệm đã tiếp thu, khắc phục những gì? Câu trả lời
là KHÔNG có gì.
Sau
đây chúng tôi xin đưa ra một ví dụ gần nhất.
Chương
trình Vua Tiếng Việt (ngày 8/11/2024) yêu cầu người chơi sắp xếp các từ không
theo trật tự thành câu có nghĩa: “thối/dưa/lừa/Già/đạp”. Sau khi người chơi đưa
ra đáp án “Già lừa đạp dưa thối”, thì Xuân Bắc giảng giải: “Già rồi, khôn ngoan
lọc lõi mà còn mắc phải việc dại dột”(*).
Với
đáp án và lời giảng này, Vua Tiếng Việt lại một lần nữa dĩ ngoa truyền ngoa,
cùng lúc quảng bá tới 4 lỗi sai:
1-
“Già” trong “già lừa” không phải là “già lão”, “già cả”, “GIÀ RỒI” mà có nghĩa
là “quá mức, quá độ thường” (trong các từ “già mồm”, “già cãi”, “già kén kẹn
hom”,…).
2-
“Lừa” trong “già lừa” không có nghĩa là “lừa lọc”, “lọc lõi”, mà là “lựa”, “chọn
lựa” (Như Mẹ em năm lọc bảy lừa/Mua gà hoá quốc mua dưa phải bầu – Ca dao).
Trong câu “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/Miệng nhai cơm búng lưỡi LỪA cá xương”, thì
“lừa” đây cũng chính là “lựa” (vừa nhai vừa dùng lưỡi để lựa lấy xương cá rồi
lìa ra, giữ lại phần thịt).
3-
Bản chính xác là “Già lừa MẮC dưa thối” (không phải “ĐẠP”).
4-
Nghĩa của “Già lừa mắc dưa thối” không phải “Già rồi, khôn ngoan lọc lõi mà còn
mắc phải việc dại dột”, mà có nghĩa là: lựa chọn khắt khe, kĩ tính quá cuối
cùng có khi lại mắc (bị/phải/nhận được) cái dở nhất.
Dị
bản đồng nghĩa với “Già lừa mắc dưa thối” là “Già lừa nhỡ lứa” hoặc Già kén kẹn
hom.
Do
hiểu lầm “già lừa” (lựa chọn/kén chọn quá kỹ) thành “con lừa già”, nên người ta
đã sửa “MẮC dưa thối” thành “ĐẠP dưa thối” cho “hợp” nghĩa, và Vua Tiếng Việt
thì không ngần ngại lấy đó mà “dĩ ngoa truyền ngoa”.
Chữ
nghĩa phức tạp như vậy làm sao để tránh khỏi sai sót? Thực ra không hề khó, vì
liên quan đến cái sai trong câu “Già lừa đạp dưa thối”, chúng tôi đã phân tích,
đính chính rất kĩ và rất nhiều lần trong các tài liệu sau:
–
“Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu – Hoàng Tuấn Công
– NXB Hội Nhà văn Việt Nam – 2017).
–
“Già lừa mắc dưa thối”, hiểu sao cho đúng?” (Báo Người
Lao động – 2019).
–
“Già lừa mắc dưa thối” (Blog Tuấn Công Thư Phòng –
2019).
–
“Lừa” trong “Già lừa mắc dưa thối” nghĩa là gì”? (Báo Thanh Hoá – 2023).
Bởi
tất cả những lí do trên đây, khi trả lời phản hồi của Tổng Giám đốc Đài THVN
Nguyễn Thanh Lâm, tôi đã viết rõ: “Về lời mời dự họp, tôi nghĩ có lẽ không thực
sự cần thiết, vì những gì cần phản ánh, trao đổi, đề xuất, cơ bản đã được trình
bày trong bức thư ngỏ và nhiều bài viết trước đây. Với những lỗi sai của Vua Tiếng
Việt chưa từng được nêu, tôi sẽ tiếp tục có các bài viết đính chính công khai để
tránh hiểu lầm cho khán giả”.
_____
Chú
thích: (*) Có lẽ Vua Tiếng Việt đã tham khảo cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt
Nam” (Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào – NXB Văn học, 2008), bởi tài liệu
này đã giải thích rất sai như sau: “già lừa đạp dưa thối (lừa: thú cùng họ với
ngựa, nhưng nhỏ hơn, tai dài, nuôi để kéo xe). Già rồi, khôn ngoan lọc lõi mà
còn mắc phải việc dại dột (ví như con lừa già mà dẫm phải dưa thối)”. “Dĩ ngoa
truyền ngoa”, đem cái sai ra để tiếp tục truyền bá rộng rãi cho cái sai là lỗi
rất lớn.
---------------------------
https://www.facebook.com/TuancongThuphong/videos/451224867670109
No comments:
Post a Comment