Wednesday, 27 November 2024

HIỆP ĐỊNH TỰ DO MẬU DỊCH VỚI MERCOSUR : CHÂU ÂU THIỆT THÒI? (Thanh Hà / RFI)

 



Hiệp định tự do mậu dịch với Mercosur : Châu Âu thiệt thòi ?

 Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 26/11/2024 - 23:00

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20241126-hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BB%8Bnh-t%E1%BB%B1-do-m%E1%BA%ADu-d%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%9Bi-mercosur-ch%C3%A2u-%C3%A2u-thi%E1%BB%87t-th%C3%B2i

 

Sau nhiều năm đàm phán, Bruxelles kỳ vọng đúc kết trước cuối năm nay hiệp định tự do mậu dịch với 5 nước châu Mỹ Latinh trong khối Mercosur, mở ra một chân trời mới vào lúc Mỹ lại sắp khai mào một cuộc chiến thương mại với Liên Âu và các doanh nghiệp châu Âu ngạt thở vì Trung Quốc. Pháp phản đối hiệp định với Mercosur. Ai có lợi, nếu vì một lý do nào đó hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Âu và khối giàu tài nguyên thiên nhiên như Mercosur bất thành ?

 

HÌNH :

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20241126-hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BB%8Bnh-t%E1%BB%B1-do-m%E1%BA%ADu-d%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%9Bi-mercosur-ch%C3%A2u-%C3%A2u-thi%E1%BB%87t-th%C3%B2i

 

Châu Âu càng mất thời gian đàm phán về Mercosur, Trung Quốc càng có lợi trong cuộc chạy đua nước rút để chinh phục thị trường vừa đầy tiềm năng, vừa có nhiều tài nguyên thiên nhiên và lại nằm ngay sát cạnh cửa ngõ Hoa Kỳ.

 

Tạp chí hôm nay xin tìm cách trả lời các câu hỏi : Nội dung hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Âu với khối Mercosur gồm những gì ? Có thực đây là một thỏa thuận bất lợi cho nông gia Pháp để đến nỗi từ tổng thống đến thủ tướng và hơn 600 dân biểu ở lưỡng viện đồng loạt chống đối hiệp định sắp được ký kết với 5 nước châu Mỹ Latinh (Achentina, Bolivia, Brazil, Paraguay và Uruguay) ?

 

 

Nông dân Pháp phẫn nộ 

 

Vào lúc Quốc Hội Pháp thảo luận về hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Âu với khối Mercosur, một bộ phận nông dân Pháp lại xuống đường rầm rộ bày tỏ sự phẫn nộ, chống đối một thỏa thuận bị cho là có nguy cơ « giết chết giới các nông gia Pháp » và châu Âu.

 

Phong trào đã bùng lên từ tuần trước và nông dân Pháp hôm nay 26/11/2024 lại huy động máy cầy, xe tải đến chiếm đóng tổng cộng 85 điểm, bao gồm trụ sở của các chính quyền cấp vùng, cấp tỉnh… lại phong tỏa nhiều đoạn đường cao tốc ở đoạn gần biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha, lại đốt vỏ xe, hay đổ phân bón trên đường phố để « chống Mercosur ». 

 

Chính phủ đang vận động thêm các thành viên khác trong Liên Âu để cùng đòi Bruxelles xem xét lại một số điều khoản trước khi đặt bút ký vào hiệp định tự do mậu dịch với khối Mercosur.

 

Giới trồng trọt và chăn nuôi Pháp sợ là bị nông phẩm, thịt, trứng của các nước châu Mỹ Latinh cạnh tranh, khi biết rằng 2 trong số 5 thành viên Mercosur, Achentina và Brazil là hai ông khổng lồ nông nghiệp của thế giới. Chủ tịch hiệp hội quy tụ các nhà sản xuất mang tên Coopération Agricole, Dominique Chargé, giải thích:

 

« Lo ngại của giới trong ngành là nguy cơ phải đối mặt với lương thực, thực phẩm nhập khẩu từ những khu vực mà giới canh nông không tuân thủ những chuẩn mực của châu Âu, không tuân thủ các chuẩn mực về vệ sinh y tế, về môi trường … Đây là một sự cạnh tranh bất bình đẳng. Hiện tại 40 % thịt gà tiêu thụ tại Liên Âu là hàng nhập khẩu, cũng như 40 % bơ và 30 % thịt bò… Chúng tôi không muốn có thỏa thuận với khối Mercosur, vì hiệp định ấy không đáp ứng được những thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt ».

 

 

Nông nghiệp : Châu Âu vẫn là một thị trường khó tính

 

Trước khi đi xa hơn, xin nhắc lại : Nông nghiệp chỉ là một trong ba vế trong hiệp định tự do mậu dịch với khối Mercosur.

 

Đành rằng Liên Âu áp đặt nhiều tiêu chuẩn về môi trường, về vệ sinh, y tế, về quyền của người lao động … với các nhà sản xuất trong khối này. Trái lại, nông dân ở châu Mỹ Latinh không phải tuân thủ các chuẩn mực đó. Tuy nhiên, báo chí Pháp nhắc lại: Thứ nhất, châu Âu không cho phép nhập khẩu thực phẩm và nhất là thịt, hay sữa của châu Mỹ Latinh một cách bừa bãi. Thịt bò nuôi bằng hormone của Brazil và Achentina đến nay vẫn bị cấm bán ở châu Âu. Đậu nành biến đổi gen cũng bị cấm.

 

Thứ hai là không có chuyện Bruxelles xóa bỏ hoàn toàn mọi hàng rào thuế quan để cho thịt, bơ hay ngũ cốc của khối Mercosur tràn vào châu Âu.  

 

Trên đài truyền hình Pháp –Đức, Arte, nhà nghiên cứu Elvire Fabry, Viện Jacques Delors, giải thích :

 

« Dỡ bỏ các hàng rào thuế quan, chủ yếu là thuế nhập khẩu đánh vào hàng công nghiệp, nhưng đối với nông phẩm thì trong thỏa thuận tự do mâu dịch với các nước châu Mỹ Latinh, Bruxelles vẫn duy trì thuế nhập khẩu với nông phẩm của khối Mercosur bán sang châu Âu và đặt ra nhiều quy định về quota. Thí dụ như đối với thịt bò, các nước châu Mỹ Latinh không được xuất khẩu quá một khối lượng nào đó. Điều này cho thấy Bruxelles đã tìm cách bảo vệ giới chăn nuôi bị khó khăn nhất. Nhưng về cơ bản, nông nghiệp châu Âu có khả năng cạnh tranh kém trong một số lĩnh vực như thị trường thịt bò. Theo tôi, cần nhìn thỏa thuận tự do mậu dịch giữa châu Âu và Mercosur một cách tổng quát hơn, mà ở đó vế nông nghiệp chỉ là một, bên cạnh những thỏa thuật cho phép dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong ngành công nghiệp và dịch vụ … ».

 

 

Mercosur chỉ là cái cớ để giải thích sự yếu kém của nền nông nghiệp châu Âu

 

Hiện tại Mercosur là một thị trường còn khép kín, và trung bình hàng hóa và nông phẩm của châu Âu xuất khẩu sang khu vực này bị đánh thuế từ 20 đến 35 %. Rượu vang của Pháp bán sang châu Mỹ Latinh bị đánh thuế 25 %. Với hiệp định tự do mậu dịch, 90 % thuế quan sẽ được dỡ bỏ, nhưng nông phẩm sẽ là một ngoại lệ, bởi vì châu Âu cũng như 5 quốc gia liên quan ở châu Mỹ Latinh đều muốn bảo vệ nông gia cho mỗi bên.

 

Thứ ba là nông dân và cả một số chính giới Pháp ồn ào tố cáo « thịt bò bẩn của Brazil sẽ tràn ngập bàn ăn của người Pháp », ngụ ý thịt bò nhập từ Brazil được kích thích bằng hormone và không được kiểm tra chất lượng trước khi bán ra trên thị trường Pháp. Nhưng hiệp định tự do mậu dịch tương lai giữa Liên Âu với Mercosu quy định mỗi năm khối 5 nước Mercosur chỉ được nhập vào Liên Âu 90.000 tấn thịt bò, và mỗi tấn vẫn phải chịu 7,7 % thuế nhập khẩu. Để so sánh, 500 triệu dân trong Liên Âu mỗi năm tiêu thụ 6,4 triệu tấn thịt bò và sản xuất 6,7 tấn. Vậy thì 90.000 tấn thịt bò nhập từ châu Mỹ Latinh chỉ tương đương với chưa đầy 1,7 % so với nhu cầu tiêu thụ của Liên Âu. Vậy thì tại sao các nông dân Pháp lại làm ầm ĩ và chĩa mũi dùi vào thịt bò của Brazil hay Achentina ?

 

Tương tự như vậy, thịt gà, hay thịt heo của châu Mỹ Latinh cũng rất bị hạn chế trong việc bán sang thị trường châu Âu. Hiện tại,  Liên Âu nhập khẩu 40 % thịt hay trứng và bơ để bảo đảm tiêu thụ cho 500 triệu dân. Nhưng các nguồn sản xuất chính của khu vực này là chính các nước trong Liên Âu, hay cùng lắm là nước Anh, một thành viên cũ của khối này. Hà Lan, Anh Quốc và Ireland là ba nguồn cung cấp thị bò chính cho toàn thể 27 nước châu Âu. Ba Lan, Bỉ, Hungary và Cộng Hòa Séc là những trang trại nuôi gà của Liên Âu. Cho nên « trút cơn phẫn nộ lên các nhà chăn nuôi và trồng trọt ở mãi tận châu Mỹ Latinh là một sai lầm ».

 

 

Kẻ được, người thua

 

Hơn nữa, ngay trong giới nuôi, trồng cũng có « kẻ được người thua ». Các tập đoàn sản xuất rượu vang ở Pháp chẳng hạn đang nóng lòng chờ đợi dỡ bỏ khoản thuế 25 % đánh vào rượu Pháp xuất khẩu sang châu Mỹ Latinh. Không thấy các nhà sản xuất rượu ở Pháp này xuống đường biểu tình chống đối Mercosur.

 

Về phần bà Arancha Gonzalez Laya, trường quản trị kinh doanh Paris School of International Affairs, nguyên bộ trưởng Tây Ban Nha đặc trách về châu Âu, trên đài France Culture lưu ý rằng hiệp định tự do mậu dịch với Mercosur là môt thỏa thuận bao gồm luôn cả vế công nghiệp và dịch vụ, những điểm mạnh của nền kinh tế châu Âu.

 

Liên Âu, mà đứng đầu là Đức, đang cần xuất khẩu xe hơi sang Brazil hay Paraguay vào lúc mà thị trường nội địa đang bão hòa và xe của Đức, của Pháp hay Ý đang bị xe Trung Quốc cạnh tranh dữ dội.  

 

« 2/3 tăng trưởng của châu Âu tùy thuộc vào xuất nhập khẩu với phần còn lại của thế giới. Các thỏa thuận thương mại, tôi nhấn mạnh khác biệt giữa thỏa thuận thương mại và hiệp định tự do mậu dịch, và ở đây chúng ta tập trung vào các thỏa thuận thương mại : đây là công cụ tạo lực đẩy cho xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu dịch vụ và mang lại thịnh vượng, việc làm cho người lao động trong Liên Âu. Nhưng không phải là lĩnh vực nào cũng được hưởng lợi và hưởng lợi như nhau. Có người được thì phải có kẻ thua. Câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu có hoàn toàn được hưởng lợi trên tất cả mọi mặt hay không? Câu trả lời là không ».

 

 

Thương mại : Châu Âu trên đe dưới búa

 

Hai tháng trước ngày trở lại Nhà Trắng, tổng thống tân cử Donald Trump đã dọa đánh thuế nhập khẩu vào tất cả hàng hóa bán sang thị trường Mỹ và những đòn đầu tiên được dành cho hàng Trung Quốc, Canada và Mêhicô. Châu Âu có cán cân thương mại thặng dư với Hoa Kỳ nên khó mà tránh khỏi búa rìu của một người đã đắc cử với khẩu hiệu đặt quyền lợi của người Mỹ lên trên hết.

 

Cùng lúc, các tập đoàn Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt với châu Âu trong tất cả mọi lĩnh vực. Do vậy, theo cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha , Arancha Gonzalez Laya, Bruxelles cần đi tìm những thị trường mới mà Mercosur là một điểm đến lý tưởng, do là một trong những đối tác hiếm hoi mà châu Âu vẫn còn chiếm được ưu thế.

 

« Đâu là vị trí của Liên Âu đối với Mercosur ? Cán cân thương mại của Liên Âu trong thế xuất siêu so với châu Mỹ Latinh, tức là chúng ta xuất khẩu sang khu vực này nhiều hơn là mua hàng từ 5 nước trong khối thị trường Nam Mỹ. Trong hai thập niên qua, xuất siêu của châu Âu so với Mercosur đang từ 35 % rơi xuống còn 17 %, tức là đã bị giảm đi mất phân nửa. Ai hưởng lợi ? Trung Quốc đã thay thế phần nào châu Âu để bán hàng sang châu Mỹ Latinh. Trong bối cảnh đó, hiệp định tự do mậu dịch với Mercosur sẽ giúp châu Âu giữ được lợi thế cạnh tranh với khu vực này, giữ được thị phần ở châu lục mà Trung Quốc không ngừng tấn công để chen chân vào. Chỉ cần quan sát một chút là cũng đủ thấy Bắc Kinh quan tâm đến châu Mỹ Latinh đến mức độ nào. Chủ tịch Trung Quốc vừa công du Brazil trong 5 ngày, trước đó là chặng dừng ở Peru (…) Ngoài ra châu Mỹ Latinh có nhiều tài nguyên, quặng mỏ mà châu Âu đang rất cần cho tiến trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi sang công nghệ số ».

 

 

Tầm cỡ chiến lược của một hiệp định tự do mậu dịch

 

Hơn nữa, ngoài những tính toán được thua về kinh tế, về chiến lược, bắc được những nhịp cầu với châu Mỹ Latinh ở vào thời điểm này cũng là một yếu tố quan trọng mà Bruxelles không thể bỏ qua. Giáo sư trường quản trị kinh doanh Paris kết luận : châu Âu không thể tự cho phép lơ là với châu lục này, vào lúc mà Trung Quốc đã cắm rễ sâu vào khu vực vốn được coi là sân sau của Hoa Kỳ.

 

« Chilê quan niệm rằng thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu với những điều khoản tài chính, chẳng hạn như Bruxelles cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành xuất khẩu litium và đồng của Chilê, đồng thời hỗ trợ mở rộng ngành công nghiệp của nước này trong hai lĩnh vực cụ thể vừa nêu. Chilê đánh giá là thỏa thuận đó có lợi cho họ hay không. Chúng ta chớ đánh giá nhầm những đối tác thương mại của mình, bởi vì các nước trong khối Mercosur có nhiều khả năng chọn lựa : không bắt tay với Liên Âu thì họ có thể ký hợp đồng với Trung Quốc, hay với Ả Rập Xê Út. Họ ký hợp đồng với châu Âu vì trông thấy lợi ích của họ trên thị trường châu Âu được bảo đảm. Trong chiều ngược lại, Liên Âu cũng có thể đặt câu hỏi chơi với Mercosur có lợi gì hay không. Theo tôi thì câu trả lời là có, với điều kiện là chúng ta cũng phải đánh giá đúng tình hình, thẩm định rõ những khu vực nào đang gặp khó khăn và cần được hỗ trợ, để dễ hội nhập vào thị trường chung, chứ không phải là để châu Âu bỏ rơi họ ».

 

Qua sự chống đối mạnh mẽ của một bộ phận nông dân Pháp có thể hiểu rằng hiệp định tự do mậu dịch với Mercosur chỉ là cái bung xung, để lộ rõ những bất cập, những vấn đề sâu rộng hơn của nông nghiệp Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Nguy hiểm ở đây là những đối thủ cả về thương mại lẫn chiến lược của châu Âu đang « vỗ tay trong bị »,mừng thầm khi thấy Bruxelles lúng túng sau nhiều năm mà vẫn chưa đạt được một hiệp định về tự do mậu dịch với thị trường 300 triệu dân tại 5 nước ở châu Mỹ Latinh.

 

Liên Hiệp Châu Âu càng chia rẽ, càng mất thời gian đàm phán, thì điều này lại càng có lợi cho Trung Quốc, vốn đang chạy nước rút để chinh phục thì trường vừa tiềm năng, vừa có nhiều tài nguyên thiên nhiên và lại là sân sau của Hoa Kỳ. 

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats