Wednesday, 27 November 2024

TASK FORCE AYUNGIN : HOA KỲ NGẦM ỦNG HỘ CHỦ QUYỀN CỦA PHILIPPINES ĐỐI VỚI BÃI CỎ MÂY Ở BIỂN ĐÔNG (RFI)

 



Task Force Ayungin: Mỹ ngầm ủng hộ chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông

 RFI

Đăng ngày: 26/11/2024 - 14:39

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20241126-task-force-ayungin-m%E1%BB%B9-ng%E1%BA%A7m-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-ch%E1%BB%A7-quy%E1%BB%81n-c%E1%BB%A7a-philippines-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-b%C3%A3i-c%E1%BB%8F-m%C3%A2y-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng  

 

Washington âm thầm tăng cường can thiệp vào Biển Đông. Ngày 19/11/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo sự tồn tại của Task Force Ayungin - Lực lượng đặc nhiệm Ayungin, đóng tại căn cứ trên đảo Palawan. Điều đáng chú ý nhất là lực lượng đặc nhiệm này mang tên « Ayungin », tên gọi theo tiếng Philippines của Bãi Cỏ Mây (Thomas Second Shoal), nơi đang có tranh chấp chủ quyền căng thẳng với Trung Quốc và nằm trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố toàn bộ chủ quyền.

 

HÌNH :

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro (P) và đồng nhiệm Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines (WESCOM) ở Palawan, Philippines, ngày 19/11/2024. AP

 

Ủng hộ chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây

 

Theo giới chuyên gia, được báo mạng Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 26/11, việc triển khai Task Force Ayungin đồng nghĩa với việc Washington công nhận chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây. Mỹ cũng gửi « một tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc », theo nhà phân tích Derek Grossman, thuộc tổ chức Rand Corporation, khi bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đến thăm trụ sở của lực lượng đặc nhiệm này tại Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát (C2) trên đảo Palawan và thông báo chuyến thăm trên mạng X ngày 19/11.

 

Trung tâm C2 cũng là biểu tượng của sự hợp tác giữa Mỹ và Philippines. Theo giải thích của Kanishia Gangophadhyay, người phát ngôn đại sứ quán Mỹ tại Manila, đây là « một không gian chung, nơi mà Mỹ và Philippines có thể chia sẻ thông tin và điều phối với nhau về các chiến dịch, hoặc tập trận chung theo thời gian thực và ở cùng một địa điểm ».

 

 

Phối hợp hành động

 

Ngoài ý nghĩa biểu tượng, Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin, « gồm quân đội Mỹ, có nhiệm vụ cung cấp cho đồng minh Philippines sự hợp tác và khả năng tương tác nâng cao cho các hoạt động hàng hải », theo giải thích của người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ Pete Nguyen, cụ thể là « hỗ trợ lập kế hoạch và đào tạo cho Lực lượng vũ trang của Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines ».

 

Trang USNI News nhắc lại hải quân và không quân Philippines trong Bộ Tư lệnh này thường xuyên chạm trán với Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có Bãi Cỏ Mây, nơi Manila vẫn tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre bị mắc cạn và trở thành tiền đồn bảo vệ chủ quyền của Philippines từ năm 1999. Bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan 193 km và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trong khi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc gần 1.000 km nhưng Bắc Kinh đòi toàn bộ chủ quyền, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016. Rất nhiều sự cố đã xảy ra giữa hai bên trong hai năm gần đây.

 

 

Viện trợ quân sự giúp Manila bảo vệ chủ quyền

 

Không dừng ở đó, Washington còn giúp Manila củng cố năng lực bảo vệ chủ quyền trong khuôn khổ ngân sách 500 triệu đô la được công bố tháng 07. Theo DefenseScoop, được USNI News trích dẫn, có 4 drone hải chiến Mantas T-12 và ít nhất một T-38 Devil Ray được bộ trưởng Lloyd Austin thông báo trong chuyến thăm Philippines. Mục đích được nêu rõ trong thông cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ : « T-12 là lực lượng chủ đạo được Philippines sử dụng để bảo vệ chủ quyền và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông ». Đội drone hải chiến này được đưa vào biên chế của Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin.

 

Tuy nhiên, lực lượng của Mỹ « không can dự trực tiếp » vào thực địa mà chỉ hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực, như tình báo, giám sát, nhận dạng và nhận thức hàng hải. Ngày 22/11, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano khẳng định mọi hoạt động tiếp viện cho Bãi Cỏ Mây « chỉ do Philippines tiến hành ».

 

Chính quyền Manila muốn tránh xảy ra sự cố với Trung Quốc trong khu vực vốn đã rất căng thẳng. Sau vụ đối đầu nghiêm trọng ngày 17/06 ở Bãi Cỏ Mây, hai nước đã đi đến một « thỏa thuận sơ bộ » về hoạt động tiếp viện của Philippines. Có lẽ vì thế mà hiện vẫn chưa biết chính xác Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin được thành lập khi nào. Tuy nhiên, theo USNI News, Mỹ đã triển khai hoạt động hợp tác về tình báo, giám sát tại Philippines từ năm 2023 để giúp Manila tăng cường năng lực quốc phòng.

 

Theo người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Mỹ, « Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin là bước tiếp theo trong mối quan hệ có từ lâu vì lợi ích chung của cả hai nước trong vấn đề an ninh ». Liệu chính phủ mới của Donald Trump có sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden hay không, vì Trung Quốc cũng là mối bận tâm hàng đầu của tổng thống Mỹ thứ 47 ?

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

BIỂN ĐÔNG -TRUNG QUỐC - PHILIPPINES

Biển Đông : Trung Quốc khẳng định "cho phép" Philippines tiếp tế cho tàu mắc cạn ở bãi Cỏ Mây

 

HOA KỲ - PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông : Hoa Kỳ lần đầu tiên thừa nhận triển khai "lực lượng đặc nhiệm Bãi Cỏ Mây"

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats