Saturday, 23 November 2024

PUTIN SẼ LÀM GÌ TIẾP THEO? (Steve Rosenberg / BBC News)

 



Putin sẽ làm gì tiếp theo?

Steve Rosenberg

Biên tập viên về Nga

22 tháng 11 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvg4jkg305go  

 

“Vladimir Putin sẽ làm gì tiếp theo?”

 

Đây là câu hỏi mà tôi đã được hỏi rất nhiều trong tuần này.

 

Đó là điều dễ hiểu.

 

Suy cho cùng, đây là tuần mà nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.

 

Đây là tuần mà Mỹ và Vương quốc Anh đã vượt qua (một) lằn ranh đỏ khác của Putin khi cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp vào lãnh thổ Nga.

 

Đây cũng là tuần mà Tổng thống Putin, trên thực tế, đã đe dọa Anh, Mỹ và bất kỳ quốc gia nào khác cung cấp vũ khí như vậy cho Ukraine và vì mục đích như vậy (tấn công vào lãnh thổ Nga).

 

“Chúng tôi tự cho mình quyền sử dụng vũ khí của mình để tấn công các căn cứ quân sự của những quốc gia đã cho phép sử dụng vũ khí của họ để chống lại các cơ sở của chúng tôi,” nhà lãnh đạo Nga phát biểu trước toàn quốc vào tối 21/11.

 

Do đó, “Vladimir Putin sẽ làm gì tiếp theo?” có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất lúc này. Và, vì tôi là biên tập viên về nước Nga của BBC, bạn có thể mong đợi tôi có câu trả lời.

 

Tôi sẽ nói thành thật rằng tôi không có.

 

Có lẽ ngay cả Putin cũng không biết câu trả lời, điều này khiến mọi thứ trở nên đáng lo ngại hơn.

 

Thay vì câu trả lời, tôi sẽ đưa ra một số quan sát.

 

Chấp nhận leo thang

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/e0bd/live/f6f67740-a8b1-11ef-8ab9-9192db313061.jpg.webp

Xe phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đi qua Quảng trường Đỏ tại Moscow vào tháng 5/2023

 

Tuần này, Điện Kremlin cáo buộc "toàn bộ phương Tây" đã làm leo thang chiến tranh ở Ukraine.

 

Nhưng gần ba năm chiến tranh tại Ukraine đã cho thấy rằng chính Vladimir Putin là người chấp nhận leo thang như một phương tiện để đạt được mục tiêu của mình - trong trường hợp này là kiểm soát Ukraine hoặc ít nhất là hòa bình theo các điều khoản của Nga.

 

Cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, quyết định tuyên bố bốn vùng lãnh thổ của Ukraine là một phần của Nga, việc triển khai quân đội Triều Tiên đến tỉnh Kursk, quyết định tấn công vào ngày 21/11 tới thành phố Dnipro của Ukraine bằng một tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung đời mới, lời đe dọa tấn công phương Tây - tất cả đều đại diện cho những mốc leo thang trong cuộc xung đột này.

 

Tôi đã từng mô tả Vladimir Putin như một chiếc xe không có số lùi và không có phanh, lao vút trên đường cao tốc khi chân ga thì bị kẹt.

 

Theo những gì tôi thấy thì tới nay chẳng có gì thay đổi cả.

 

Đừng nên mong đợi cỗ xe Putin đột nhiên giảm tốc hoặc hạ nhiệt ngay bây giờ, nhất là khi các tên lửa tầm xa đã được bắn vào nước Nga.

 

Dù thế, leo thang là một vấn đề khác nữa. Và khả năng này thì ngày càng rõ rệt.

 

Ukraine sẽ hứng chịu nhiều cuộc tấn công từ Nga hơn, thậm chí là các cuộc oanh tạc dữ dội hơn.

 

Các chính phủ phương Tây sẽ đánh giá mức độ đe dọa dựa trên cảnh báo của Putin.

 

Ngay cả trước bài phát biểu trên truyền hình của nhà lãnh đạo Điện Kremlin, phương Tây đã lo ngại về sự gia tăng chiến tranh hỗn hợp của Nga.

 

Tháng trước, người đứng đầu MI5 (cơ quan tình báo, phản gián của Anh quốc) đã cảnh báo rằng tình báo quân sự Nga đã tham gia vào một chiến dịch nhằm "gây hỗn loạn trên các đường phố Anh quốc và châu Âu".

 

"Chúng tôi đã chứng kiến ​​hành vi đốt phá, phá hoại và nhiều hành vi khác nữa," ông nói thêm.

 

Trước đó vào tháng 6/2024, Putin đã gợi ý rằng Moscow có thể trang bị vũ khí cho các kẻ thù của phương Tây nếu Ukraine được phép tấn công sâu vào Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.

 

"Chúng tôi tin là nếu ai đó nghĩ rằng có thể cung cấp những vũ khí như vậy đến một vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ của chúng tôi và gây ra vấn đề cho chúng tôi thì tại sao chúng tôi không thể cung cấp vũ khí cùng loại cho những khu vực trên thế giới nơi họ sẽ nhắm vào các cơ sở nhạy cảm của các quốc gia đang làm điều này với Nga?" ông nói.

 

Lựa chọn hạt nhân

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/a67f/live/9159a420-a8b6-11ef-a4fe-a3e9a6c5d640.jpg.webp

Tên lửa hạt nhân Yars của Nga

 

Câu hỏi "Putin sẽ làm gì tiếp theo?" thường đi kèm với "Liệu Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine không?".

 

Tổng thống Nga đã nói bóng gió một cách khá rõ ràng.

 

Khi tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" của mình - cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine - ông ta đã đưa ra lời cảnh báo cho "những người có thể bị thôi thúc muốn can thiệp từ bên ngoài".

 

"Bất kể ai cố gắng cản đường chúng tôi hoặc tạo ra mối đe dọa cho đất nước và người dân của chúng tôi, họ phải biết rằng Nga sẽ phản ứng ngay lập tức," nhà lãnh đạo Điện Kremlin tuyên bố.

 

“Và hậu quả sẽ là điều mà các người chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của mình.”

 

Các nhà lãnh đạo phương Tây thường bác bỏ những gì họ coi là sự đe dọa hạt nhân. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, các chính phủ phương Tây đã vượt qua một số "lằn ranh đỏ" của Nga, như cung cấp cho Ukraine xe tăng, hệ thống tên lửa tiên tiến và sau đó là chiến đấu cơ F-16.

 

"Hậu quả" mà Điện Kremlin đe dọa đã chưa bao giờ thành hiện thực.

 

Vào tháng 9/2024, Putin tuyên bố ông sẽ hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân - điều đã được thông qua tuần này. Đó là lời cảnh báo rõ ràng đến châu Âu và Mỹ rằng không được cho phép các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.

 

Bây giờ, lằn ranh đỏ này cũng đã bị vượt qua. Trong bài phát biểu trước toàn dân, Putin đã xác nhận các báo cáo của phương Tây rằng Ukraine đã bắn tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp và tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất vào các mục tiêu bên trong nước Nga.

 

Đầu tuần này, khi tờ báo lá cải Moskovsky Komsomolets thân Điện Kremlin hỏi một trung tướng đã nghỉ hưu rằng Nga nên phản ứng thế nào trước cuộc tấn công ATACMS vào tỉnh Bryansk, ông đã trả lời:

 

“Khởi động Thế chiến III chỉ vì các cuộc tấn công vào một kho vũ khí ở tỉnh Bryansk có lẽ là thiển cận.”

 

Sẽ thật yên bình nếu Điện Kremlin cũng chia sẻ quan điểm tương tự.

 

Nhưng bài phát biểu của Vladimir Putin trước toàn dân không cho thấy điều đó.

 

Thông điệp của ông gửi đến những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây có vẻ như là: đây là một lằn ranh đỏ mà tôi rất coi trọng, tôi thách các vị vượt qua nó.

 

"Ngay cả Putin cũng không biết liệu ông ấy có thể sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Điều đó phụ thuộc vào cảm xúc của ông ấy," Andrei Kolesnikov, nhà bình luận của tờ Novaya Gazeta, nói với tôi gần đây.

 

"Chúng ta biết ông ấy là người cảm tính. Quyết định bắt đầu cuộc chiến này cũng là một bước đi đầy cảm tính. Vì vậy, chúng ta phải nghiêm túc xem xét mục đích của ông ấy về việc thay đổi học thuyết hạt nhân. Họ nói rằng nỗi sợ chiến tranh phải quay trở lại để kiềm chế cả hai bên, nhưng đây cũng là một công cụ leo thang.

 

Theo cách diễn giải này, chúng ta phải thừa nhận rằng Putin, trong một số trường hợp, có thể sử dụng ít nhất một vũ khí hạt nhân chiến thuật trong khuôn khổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế. Nó sẽ không giải quyết được vấn đề. Nhưng nó sẽ là khởi đầu cho một cuộc leo thang mang tính tự sát đối với toàn thế giới."

 

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là những đầu đạn nhỏ được thiết kế để sử dụng trên chiến trường hoặc trong một cuộc tấn công hạn chế.

 

 

Nhân tố Trump

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/f73b/live/fc011ba0-a8b6-11ef-a4fe-a3e9a6c5d640.jpg.webp

Tổng thống đắc cử Donald Trump

 

Vladimir Putin có thể hành động theo cảm xúc. Rõ ràng ông ta bị thôi thúc bởi cơn giận đối với phương Tây và quyết tâm không lùi bước của mình.

 

Nhưng ông ta cũng biết thế giới có thể sớm trở thành một nơi rất khác.

 

Trong hai tháng nữa, Joe Biden sẽ rời nhiệm sở và Donald Trump vào Nhà Trắng.

 

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về viện trợ quân sự mà nước này dành cho Ukraine cũng như chỉ trích dữ dội NATO.

 

Gần đây, ông ta cũng khẳng định nói chuyện với Vladimir Putin sẽ là "một điều khôn khéo".

 

Tất cả những điều ấy hẳn sẽ làm Putin vui.

 

Điều đó nghĩa là, bất chấp những lời đe dọa và cảnh báo mới nhất, Điện Kremlin có thể quyết định không leo thang căng thẳng ngay bây giờ.

 

Tức là, nếu Điện Kremlin tin rằng Donald Trump giúp chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có lợi cho Nga thì sẽ không có leo thang.

 

Nếu niềm tin đó thay đổi, thì phản ứng của Moscow cũng có thể đổi thay.

 

-----------------

TIN LIÊN QUAN

 

Đến lượt tên lửa Anh-Pháp được bắn vào Nga

21 tháng 11 năm 2024

.

'Ukraine bắn tên lửa của Mỹ vào Nga', chuyện gì tiếp theo?

20 tháng 11 năm 2024

.

Kim Jong-un thúc giục Triều Tiên cải thiện năng lực quân sự, sẵn sàng cho chiến tranh

19 tháng 11 năm 2024

.

Tổng thống Belarus trả lời BBC về thông tin lính Triều Tiên ở Ukraine

24 tháng 10 năm 2024

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats