Wednesday, 27 November 2024

TRUMP TRỞ LẠI TÒA BẠCH ỐC : TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ MỸ - TRUNG TRONG HỒ SƠ ĐÀI LOAN (Phan Minh / RFI)

 



Trump trở lại Nhà Trắng : Tác động đến quan hệ Mỹ-Trung trong hồ sơ Đài Loan

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 26/11/2024 - 07:58   -   Sửa đổi ngày: 26/11/2024 - 11:57

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241126-trump-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng-t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BA%BFn-quan-h%E1%BB%87-m%E1%BB%B9-trung-trong-h%E1%BB%93-s%C6%A1-%C4%91%C3%A0i-loan

 

Trong bối cảnh Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, bàn cờ địa chính trị thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động, đặc biệt trong mối quan hệ phức tạp và nhạy cảm giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Với chính sách đối ngoại và lập trường hiếu chiến đối với Trung Quốc, nhà tỷ phú có thể tạo ra một tương lai bất ổn cho Đài Loan. Những yếu tố này sẽ làm thay đổi quan hệ Mỹ-Đài và gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

 

HÌNH :

Ảnh ghép : Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. AFP - JIM WATSON,PETER KLAUNZER

 

 

Ba yếu tố tác động đến tương lai Đài Loan dưới thời Trump

Sau đây là những yếu tố có thể định hình tương lai của Đài Loan sau khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Đầu tiên là sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chuyển từ một chiến lược bảo vệ các giá trị dân chủ sang một chính sách mang tính chiến lược và lợi ích kinh tế.

Tiếp theo là tầm ảnh hưởng của những nhân vật thân cận với Trump, đặc biệt là những người có quan điểm hiếu chiến với Trung Quốc, có thể thúc đẩy việc quân sự hóa khu vực và thậm chí gây ra một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” ở Đài Loan.

Và cuối cùng là phản ứng của Trung Quốc, vốn tin rằng một chính quyền thấm nhuần tư tưởng “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) sẽ có lập trường cứng rắn hơn, khiến Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản xung đột.

 

 

Chính sách của Trump trong quan hệ quốc tế

Sau khi Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã gửi lời chúc mừng, nhấn mạnh đến quan hệ đối tác lâu dài giữa Đài Bắc và Washington. Tuy nhiên, khái niệm “giá trị chung” mà Đài Loan và Mỹ thường nhắc đến có thể gặp nhiều thử thách với sự trở lại của Trump. Chính quyền Biden đã xây dựng mối quan hệ Mỹ-Đài xung quanh các giá trị dân chủ, Trump có thể định hướng mối quan hệ này sang một chính sách thực dụng, ưu tiên lợi ích chiến lược và kinh tế của Mỹ hơn là các giá trị dân chủ mà Đài Loan theo đuổi.

Dưới sự lãnh đạo của Trump, các giá trị của Hoa Kỳ có thể bị thay đổi. Câu hỏi đặt ra là liệu khái niệm “giá trị chung” giữa Mỹ và Đài Loan có còn trụ vững khi Trump, một người bị chỉ trích là “phát xít” và “phân biệt chủng tộc”, trở lại lãnh đạo Hoa Kỳ ? Những giá trị mà Trump theo đuổi có thực sự đại diện cho nước Mỹ trong mắt cộng đồng quốc tế ? Đây là điều đáng lo ngại đối với Đài Loan, bởi vì khi cố nhấn mạnh đến việc duy trì quan hệ dựa trên “giá trị chung”, hòn đảo có thể “nhắm mắt làm ngơ” trước những bất đồng về giá trị ngày càng gia tăng giữa hai bên, đặc biệt là nếu chính sách và giọng điệu của Trump không còn phù hợp với các lý tưởng dân chủ truyền thống của Đài Loan.

 

 

Quan hệ Mỹ-Đài dưới thời Biden

Dưới thời chính quyền Biden, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan chủ yếu xoay quanh việc bảo vệ các giá trị dân chủ và cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Điều này được thể hiện rõ qua chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi vào năm 2022. Tuy nhiên, dưới thời Trump, chính sách này có thể sẽ thay đổi, khi ông ưu tiên các lợi ích chiến lược và kinh tế của Mỹ thay vì các lý tưởng dân chủ.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã cáo buộc Đài Loan lợi dụng Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn và yêu cầu Đài Bắc phải chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng, cụ thể là tăng chi tiêu quốc phòng lên 10% GDP, một yêu cầu mà nhiều nhà lập pháp Đài Loan coi là vô lý. Ngoại trưởng Đài Loan Lâm Giao Long đã phản bác rằng hòn đảo đã chi trả cho quốc phòng thông qua các đơn đặt hàng mua vũ khí của Mỹ, trị giá 19 tỷ đô la. Tuy nhiên, Trump có thể tiếp tục gây áp lực và yêu cầu Đài Loan chi trả nhiều hơn để được Hoa Kỳ bảo vệ.

 

 

Tầm ảnh hưởng của những nhân vật “diều hâu”

Trump không phải là người duy nhất thúc đẩy một chính sách hiếu chiến đối với Trung Quốc. Trong đội ngũ của ông, Mike Waltz, Marco Rubio, Mike Pompeo, Robert O’Brien hay Elbridge Colby đều là những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và ủng hộ Đài Loan. Những người này coi Đài Loan không chỉ là đối tác, mà còn là một phần trong chiến lược của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.

 

 

Quân sự hóa và sự chuẩn bị cho xung đột

Kể từ khi chính quyền Trump 1 quân sự hóa vấn đề Đài Loan, chiến lược quân sự của Mỹ đối với khu vực đã có nhiều thay đổi. Những nỗ lực của Washington bao gồm việc tạo ra các liên minh quân sự chống Trung Quốc, như QUAD và AUKUS, cũng như việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Đông Á, đặc biệt là ở Philippines. Những hành động này nhằm mục đích bảo vệ Đài Loan và chống lại bất kỳ hành động xâm lược nào của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến lược này có thể phản tác dụng. Trung Quốc không chỉ gia tăng sự hiện diện quân sự quanh Đài Loan, mà còn có thể phản ứng bằng các biện pháp ngoại giao và kinh tế để đối phó với những hành động của Mỹ. Ví dụ, Bắc Kinh có thể gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông hoặc gần Đài Loan, cũng như sử dụng ảnh hưởng kinh tế để tác động đến những quốc gia đồng tình với chính sách của Hoa Kỳ.

 

 

Chiến tranh ủy nhiệm và các nguy cơ đối với Đài Loan

Một trong những kịch bản nguy hiểm nhất đối với Đài Loan dưới thời Trump là khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Chính quyền Trump có thể thúc đẩy một cuộc xung đột qua việc công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Một hành động như vậy chắc chắn sẽ làm leo thang căng thẳng và có thể dẫn đến việc Trung Quốc đưa ra những biện pháp chống Đài Loan, tạo cớ cho Washington ban hành những biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Đối với những nhân vật “diều hâu với Trung Quốc”, việc Đài Loan bị tàn phá và kinh tế hòn đảo bị suy sụp trong nhiều thập kỷ do một cuộc chiến tranh ủy nhiệm có thể là một sự hy sinh cần thiết để bảo toàn sự thống trị của Mỹ trên toàn cầu. Một số người, như Elbridge Colby, từng đề xuất Đài Loan cần tăng mạnh ngân sách quốc phòng và như vậy Hoa Kỳ sẽ không cần phải tham chiến trực tiếp mà vẫn gây tổn hại đáng kể cho Trung Quốc, đồng thời hưởng lợi từ việc bán vũ khí và phát triển cho tổ hợp quân sự-công nghiệp của Mỹ.

 

 

Tách biệt kinh tế giữa Đài Loan và Trung Quốc

Một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung là sự tách biệt về kinh tế ngày càng rõ rệt giữa Đài Loan và Trung Quốc. Các công ty Mỹ đã bắt đầu rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, và Đài Loan cũng đang tích cực đưa những cơ sở sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng chính Mỹ đang cố tạo ra một cuộc xung đột, khi tìm cách gây áp lực với Trung Quốc và làm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế nước này. Bắc Kinh tin rằng Washington đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột mà Mỹ sẽ không phải tốn quá nhiều nguồn lực mà vẫn đẩy Trung Quốc vào tình thế khó khăn.

 

 

Các toan tính chiến lược của Trung Quốc

Trung Quốc đã nhận thức rõ về các hành động của Mỹ và đang chuẩn bị cho một kịch bản xấu nhất liên quan đến Đài Loan. Nếu chính quyền Trump quyết định phá vỡ hiện trạng trong hồ sơ Đài Loan, Bắc Kinh dường như sẽ không lùi bước. Đối với Trung Quốc, từ bỏ Đài Loan sẽ gây thiệt hại lớn về chính trị và là một thảm họa về chiến lược khi Hoa Kỳ có cơ hội quân sự hóa khu vực đó. Cuối cùng, nếu chính quyền Trump buộc Bắc Kinh phải chọn giữa việc chấp nhận một thế bá quyền của Washington ở Đông Á, trong đó có eo biển Đài Loan, và làm suy yếu Trung Quốc, hay tiến hành một cuộc xung đột quân sự ở Đài Loan, Bắc Kinh có thể sẽ chọn phương án sau, và sẽ sẵn sàng cho tình huống này.

 

Nguồn : The Diplomat

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

PHÂN TÍCH

Trung Quốc được mất gì khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng

 


 

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats