Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới?
Michael Kimmage và Hanna Notte | Foreign Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Những tác nhân mới đang biến đổi xung đột – và làm phức tạp con đường để kết thúc nó.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2/2022 là một sự kiện có quy mô toàn cầu. Quy mô của cuộc xâm lược, tương xứng với mục tiêu xóa bỏ nhà nước Ukraine, là rất lớn. Hàng triệu người tị nạn đã chạy trốn khỏi Ukraine đến phần còn lại của châu Âu. Giá nhiên liệu và phân bón tăng vọt, kích thích lạm phát trên toàn thế giới. Cuộc chiến cũng làm gián đoạn sản xuất và phân phối ngũ cốc, gây quan ngại về nguồn cung ở những nước nằm cách xa Nga và Ukraine. Và khi xung đột kéo dài sang năm thứ hai và thứ ba, phạm vi hậu quả quốc tế của nó lại càng mở rộng.
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, các quốc gia bên ngoài châu Âu chủ yếu chỉ cố gắng quản lý các tác động của nó. Đối với những quốc gia chọn không trực tiếp ủng hộ Ukraine – không cung cấp vũ khí cho Kyiv hoặc trừng phạt Nga – có hai ưu tiên nổi trội. Nhận thấy có những thỏa thuận cần thực hiện, một số quốc gia đã tìm cách hưởng lợi từ việc Nga mất thị trường khí đốt, dầu mỏ, và các mặt hàng khác ở châu Âu và Mỹ. Những quốc gia khác tự đề nghị làm trung gian với hy vọng chân thành (hoặc không chân thành) là giảm thiểu các chi phí trực tiếp và thứ cấp của cuộc chiến, hoặc thậm chí chấm dứt nó hoàn toàn. Hoạt động ngoại giao của họ một phần được thúc đẩy bởi uy tín đạt được từ việc giải quyết một cuộc xung đột quy mô lớn.
Tuy nhiên, khi chiến tranh kéo dài, các quốc gia ngoài châu Âu dần can dự nhiều hơn. Một số đã cung cấp cho Nga phương tiện để kéo dài cuộc chiến, chẳng hạn như quân lính và đạn dược. Bằng cách sử dụng Ukraine làm nơi thử nghiệm, họ hy vọng chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc chiến mà chính họ có thể tham gia trong tương lai. Quyết định của Triều Tiên nhằm triển khai hàng nghìn quân đến giúp Nga giành lại khu vực Kursk đang bị bao vây chỉ là ví dụ mới nhất. Các quốc gia ngoài phương Tây khác cũng đang cố gắng định hình tiến trình của cuộc chiến, hoặc định vị bản thân trong quá trình tạo ra một châu Âu hậu chiến – tức là tham gia vào các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột, bất kể triển vọng đó có xa vời đến đâu. Giữa cuộc chiến khủng khiếp này, các quốc gia ngoài châu Âu đang biến châu Âu thành một đối tượng trong chính sách đối ngoại của họ. Nhiều nhà bình luận đã nói rằng tiền lệ từ chiến thắng của Nga ở Ukraine – việc một cường quốc hạt nhân chiếm giữ lãnh thổ của một nước khác theo ý muốn – sẽ làm thay đổi trật tự toàn cầu. Sự can dự sâu rộng của các cường quốc bên ngoài châu Âu càng làm gia tăng tiềm năng biến đổi của cuộc chiến. Sau nhiều thế kỷ phô trương sức mạnh ra bên ngoài, châu Âu giờ đây trở thành sân khấu để các nước ngoài châu Âu phô trương sức mạnh. Brussels, Kyiv, và Washington sẽ phải chấp nhận thực tế mới này.
NHỮNG NGƯỜI YÊU HÒA BÌNH
Các nước ngoài phương Tây đã lưu ý đến những hạn chế trong chính sách của phương Tây đối với Ukraine. Hoạt động ngoại giao của phương Tây, dù rất mạnh, nhưng vẫn chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ Ukraine chống lại những gì mà các thủ đô phương Tây xem là một cuộc xâm lược bất công. Họ đã cố gắng thuyết phục bất kỳ nước nào chịu lắng nghe về tính chính nghĩa của nỗ lực chiến tranh của Ukraine, về việc không thể chấp nhận khi nhượng bộ các yêu cầu của Nga, và tầm quan trọng của toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây vẫn chưa khuất phục được Nga, và sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine rõ ràng đã bắt đầu đình trệ kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Nỗi sợ leo thang đã hạn chế các loại vũ khí mà các quốc gia phương Tây cung cấp cho Ukraine, cũng như các điều khoản sử dụng các vũ khí đó. Các nước phương Tây cũng không muốn bù đắp cho tình trạng thiếu hụt binh sĩ trầm trọng ở Ukraine bằng cách gửi quân lính của họ, dù họ mô tả cuộc chiến này là mang tính sống còn đối với trật tự an ninh châu Âu.
Những giới hạn rõ ràng của chính sách và đòn bẩy của phương Tây đã mở ra cánh cửa cho các nhân tố bên ngoài châu Âu. Về mặt ngoại giao, vấn đề của họ ngược lại với phương Tây. Bất kỳ quốc gia nào không ủng hộ Ukraine và không trừng phạt Moscow đều có thể tiếp cận Tổng thống Nga Vladimir Putin với các kế hoạch ngoại giao để chấm dứt chiến tranh. Nhưng nếu họ áp dụng thái độ trung lập hoặc ủng hộ Nga, sẽ rất khó để họ thuyết phục Ukraine. Cho dù là ủng hộ Nga hay ủng hộ Ukraine, hay ở đâu đó ở giữa, không có thế lực nào – không có quốc gia, nhóm quốc gia, hay tổ chức quốc tế nào – đủ mạnh để áp đặt lệnh ngừng bắn ở Ukraine, chứ chưa nói đến một thỏa thuận đình chiến hay một thỏa thuận được đàm phán. Tuy nhiên, không ai muốn bị xem là không cố gắng làm trung gian.
Bất chấp những trở ngại này, nhiều quốc gia đã cam kết đóng vai trò trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia trong nhiều vấn đề khác nhau kể từ khi bắt đầu chiến tranh, vận động kêu gọi thành lập các hành lang nhân đạo trong cuộc bao vây Mariupol của Nga, giúp đàm phán Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, và tạo điều kiện để trao đổi về vấn đề an ninh của các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vào giai đoạn đầu cuộc chiến. Về phần mình, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã hỗ trợ trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine; Abu Dhabi gần đây tuyên bố rằng những nỗ lực của họ đã cho phép 2.200 tù nhân được trở về nhà. Chính phủ Ả Rập Saudi cũng triệu tập khoảng 40 quốc gia (không bao gồm Nga) tại Jeddah vào tháng 8/2023 để thảo luận về các nguyên tắc chấm dứt chiến tranh. Gần đây hơn, Qatar đã tổ chức các cuộc đàm phán mới giữa Nga và Ukraine về việc ngừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau. Nhiều quốc gia ngoài châu Âu khác, từ Trung Quốc đến Brazil đến một phái đoàn các quốc gia châu Phi, đã cùng nhau lập ra các sứ mệnh hoặc kế hoạch hòa bình. Hình thức ngoại giao điên cuồng này đáng chú ý không chỉ vì việc thiếu tiến triển, hay vì bản chất rời rạc của nó, mà còn vì quy mô và phạm vi đáng kể của nó.
Những kế hoạch hòa bình này có thể thực sự có giá trị, vì các quốc gia thúc đẩy chúng có thể thực sự muốn giúp đảm bảo hòa bình. Cuộc chiến ở Ukraine đã gieo rắc bất ổn và gây ra những tổn thất kinh tế bên ngoài châu Âu, và việc ngồi vào bàn đàm phán là để xác định bối cảnh kinh tế và địa chính trị thời hậu chiến. Bài học rút ra từ các hội nghị tại Versailles, Yalta, và Potsdam sau hai cuộc thế chiến là chiến lợi phẩm thuộc về người đàm phán. Cấu trúc của Ukraine sau chiến tranh thực sự quan trọng đối với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có lẽ ít quan trọng hơn đối với Brazil và Nam Phi.
Tuy nhiên, các kế hoạch hòa bình cũng có thể được hiểu là một biện pháp kích thích cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Chúng dễ đề xuất và gần như không thể thực hiện. Ngoài việc nói suông về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, các quốc gia này không đưa ra con đường khả thi nào cho Kyiv. Phản ứng thờ ơ có thể đoán trước đối với các kế hoạch của họ ở Ukraine và phương Tây cũng phù hợp với các câu chuyện về sự ngoan cố của phương Tây, một điểm thảo luận chính ở Nga, rằng phương Tây đã gây ra chiến tranh ngay từ đầu và đang tìm cách kéo dài và lợi dụng nó để làm suy yếu Nga.
NHÂN LỰC VÀ VŨ KHÍ
Nếu ngoại giao quốc tế liên quan đến Ukraine vừa mang tính tham vọng vừa mang tính ngắn ngủi, thì sự hỗ trợ cho doanh nghiệp quốc phòng Nga lại quá rõ ràng. Các lệnh trừng phạt của phương Tây không hướng đến mục tiêu thay đổi chế độ, hoặc thậm chí là thay đổi tính toán của Nga về cuộc chiến, dù điều thứ hai sẽ được hoan nghênh. Mục đích của các lệnh trừng phạt của phương Tây là làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của Nga, cắt đứt nguồn vốn và công nghệ của nước này, và theo đó mang lại cho Ukraine lợi thế về mặt cấu trúc lâu dài trong cuộc chiến. Vì lợi ích kinh tế, các quốc gia ngoài châu Âu đã làm suy yếu cách tiếp cận này bằng cách duy trì quan hệ với Nga; bằng cách mua dầu, khí đốt, và phân bón của Nga; và bằng cách tạo điều kiện cho hoạt động thương mại “đường vòng” của nước này. Việc cung cấp các biện pháp cứu cánh cho nền kinh tế của Nga đã giúp củng cố cỗ máy quân sự của nước này, dù việc củng cố ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thể không phải là mục tiêu chính của Brazil, Ấn Độ, hoặc Ả Rập Saudi khi tiến hành kinh doanh với Điện Kremlin. Tuy nhiên, nếu ưu tiên của các quốc gia này là Nga thua ở Ukraine, họ hẳn đã áp dụng một chính sách kinh tế khác.
Hậu quả lớn nhất là khi các quốc gia hỗ trợ trực tiếp cho quân đội Nga. Trung Quốc đã cung cấp hàng hóa lưỡng dụng, từ máy công cụ đến vi mạch, mà các nhà sản xuất vũ khí Nga rất thèm muốn. Việc kiểm soát nguồn cung các sản phẩm này trao cho Bắc Kinh đòn bẩy đáng kể trong cuộc chiến của Nga. Các quan chức phương Tây cũng cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ quân đội Nga theo những cách cơ bản hơn – ví dụ như bằng cách cung cấp máy bay không người lái tấn công. Về phần mình, Iran hỗ trợ Nga rất đa dạng khi Tehran cung cấp máy bay không người lái chiến đấu (và công nghệ sản xuất liên quan), đạn dược, và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Iran đang xây dựng quan hệ quốc phòng với Nga ngay cả khi xung đột leo thang với Israel có thể tạm thời khiến họ cắt giảm các chuyến hàng vũ khí. Dù tên lửa của Iran vẫn chưa xuất hiện trên chiến trường Ukraine, nhưng Nga đã triển khai tên lửa Triều Tiên kể từ đầu năm nay. Theo một số ước tính, Bình Nhưỡng cũng đã cung cấp một nửa số đạn pháo mà Nga đang sử dụng ở Ukraine. Bị chế giễu trong giai đoạn đầu của cuộc chiến là những “quốc gia bị bài xích” mà Nga tìm đến để hợp tác, giờ đây, Iran và Triều Tiên hiện đang tích cực định hình quỹ đạo của cuộc xung đột.
Xét đến tầm quan trọng của nhân lực trong một cuộc chiến tiêu hao, việc hàng nghìn lính Triều Tiên gần đây được triển khai trên chiến trường Nga đánh dấu một bước leo thang khác trong sự can dự của các quốc gia không phải châu Âu. Dù Nga có lợi thế về nhân lực so với Ukraine, nhưng họ vẫn mất một số lượng lớn binh lính trong cuộc chiến. Putin không muốn phát động một lệnh động viên lớn khác, vốn có thể khiến người Nga không còn hứng thú với cuộc chiến. Trong hai năm qua, thỉnh thoảng cũng có báo cáo về những người lính và tình nguyện viên Cuba, Ấn Độ, và Nepal bị dụ dỗ chiến đấu cho Nga. Nhưng các đợt triển khai của lính Triều Tiên lại có quy mô hoàn toàn khác, và phương Tây có rất ít công cụ để thay đổi tính toán của Triều Tiên, vì quốc gia này đã bị cô lập và chịu lệnh trừng phạt nặng nề.
Cuộc chiến của châu Âu đang dần trở thành cuộc chiến của thế giới, một sự bành trướng không có lợi cho châu Âu. Đối với Trung Quốc, Iran, và Triều Tiên, việc can dự sâu hơn vào Ukraine có thể giúp họ chuẩn bị cho các cuộc chiến mà họ có thể tham gia trong tương lai. Vấn đề không chỉ là những đóng góp hữu hình của Nga vào năng lực phòng thủ của các quốc gia này để đền đáp cho sự hỗ trợ mà Moscow đã nhận được, mà còn là câu hỏi về những gì họ sẽ học được từ chiến trường. Các nhà chiến lược Trung Quốc được cho là đã nghiên cứu hiệu suất của các vũ khí được sử dụng ở Ukraine – chẳng hạn như máy bay không người lái và HIMARS – mà họ có thể gặp phải trong cuộc chiến giành Đài Loan. Iran đã nắm được công nghệ phương Tây nhờ các vũ khí thu được ở Ukraine, bao gồm tên lửa chống tăng và phòng không, mà họ có thể nghiên cứu theo kiểu đảo ngược kỹ thuật hoặc phát triển các biện pháp đối phó. Triều Tiên có thể đã quyết định gửi quân đến Nga không chỉ để tôn trọng hiệp ước phòng thủ mới của hai nước mà còn để quân đội Triều Tiên có được kinh nghiệm chiến đấu trực tiếp. (Triều Tiên đã không tham gia chiến đấu kể từ Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.) Ukraine đã trở thành phòng thí nghiệm cho các cường quốc ngoài châu Âu đang cân nhắc các cuộc chiến trong tương lai.
THẾ GIỚI CÙNG ĐẾN CHÂU ÂU
Kể từ thế kỷ 16, nếu không muốn nói là trước đó, châu Âu đã tiến hành chiến tranh vượt ra ngoài biên giới lục địa của mình. Chỉ trong vài thập kỷ qua, các nước châu Âu đã chiến đấu ở Afghanistan và Iraq. Cho đến gần đây, Pháp vẫn có sự hiện diện quân sự rõ rệt ở Dải Sahel. Châu Âu là một nhân tố quân sự, dù khiêm tốn, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và các nước châu Âu cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Israel, quốc gia đang tham gia nhiều cuộc chiến ở Trung Đông. Đối với các kiến trúc sư Mỹ và châu Âu của quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau Thế chiến II, việc sử dụng sức mạnh của châu Âu vượt ra ngoài châu Âu không phải điều gì bất thường. Nó là một điều cần thiết của Chiến tranh Lạnh. Các lực lượng châu Âu đã tham gia cùng lực lượng Mỹ trong cả Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Ngay cả liên minh NATO, được giao nhiệm vụ bảo vệ các quốc gia thành viên của mình, cũng đã hoạt động bên ngoài biên giới của các thành viên, gần đây nhất là ở Libya vào năm 2011. Mỹ đã chào đón một châu Âu viễn chinh, cho dù thách thức là chống khủng bố hay quản lý các hoạt động xét lại của Trung Quốc hoặc Nga.
Lịch sử lâu dài về việc thể hiện sức mạnh của châu Âu đã định hình thế giới quan ở các thủ đô phương Tây, khiến cho việc tưởng tượng rằng các quốc gia như Iran hay Triều Tiên có thể trở thành yếu tố quyết định an ninh châu Âu trở nên gần như không thể. Nhưng điều từng khó hiểu giờ đã trở thành hiện thực hiển nhiên. Nếu Mỹ và châu Âu muốn chống lại các cuộc can thiệp khác nhau vào Ukraine có nguồn gốc từ bên ngoài lục địa, họ phải hiểu được chương trình nghị sự của từng quốc gia và từng khu vực, tác động tiềm tàng của chúng có thể là gì, và điểm yếu của chúng nằm ở đâu. Vai trò của các quốc gia ngoài châu Âu trong cuộc chiến sẽ chỉ tăng thêm và các quốc gia này sẽ không vắng mặt trong hoạt động ngoại giao kết thúc cuộc chiến. Nhiều nước trong nhóm này cũng sẽ tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine. Cơ hội để có được chỗ đứng ở châu Âu là quá tốt (và quá rẻ) để bỏ qua.
Sự tham gia của các nước ngoài châu Âu vào cuộc chiến không hứa hẹn dẫn đến thất bại cho Ukraine. Nhưng cũng không phải một lợi ích rõ ràng cho Nga. Khi buộc phải quay sang các đối tác để cố gắng duy trì sức chiến đấu của mình trên chiến trường, Nga đã phải cân bằng một loạt các quan hệ kinh tế, quân sự, và ngoại giao. Và động cơ và lợi ích của các quốc gia đóng góp vào năng lực quân sự của Nga rất khác nhau. Một số có thể thực sự muốn chiến tranh kết thúc; số khác có thể muốn Nga chiến thắng. Một số lại muốn Nga không thất bại – đây là điểm khác biệt rất nhỏ, nhưng quan trọng – và một số chỉ muốn khai thác sự phụ thuộc của Nga vào tiền bạc và vật chất của họ. Các quốc gia như Iran và Triều Tiên chia sẻ chủ nghĩa bài phương Tây mạnh mẽ của Nga. Những quốc gia khác, chẳng hạn như Brazil và Ấn Độ, lại hợp tác với Nga vì tư cách là thành viên BRICS, nhưng họ muốn cải cách thay vì từ bỏ trật tự toàn cầu hiện tại. Những khác biệt trong thái độ này sẽ càng gia tăng khi chiến tranh đi đến hồi kết và khi tình trạng hậu chiến của Ukraine trở nên rõ ràng hơn.
Vô số quốc gia có lợi ích liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, và nhiều quốc gia trong số đó có các công cụ để hành động theo lợi ích của mình. Nếu Nga chùn bước trong cuộc chiến và bắt đầu tìm cách thoát ra, các quốc gia bên ngoài châu Âu có thể đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động ngoại giao sau đó. Nếu các cuộc đàm phán đưa ra những điều khoản phù hợp với Ukraine, châu Âu và Mỹ, thì việc quốc gia nào tổ chức các cuộc đàm phán hay kế hoạch nào là chất xúc tác cho các cuộc đàm phán đó sẽ không thực sự quan trọng. Về các hỗ trợ quân sự mà Trung Quốc, Iran, và Triều Tiên dành cho Nga, có thể có những cách để hạn chế hỗ trợ hoặc tăng cái giá của việc hỗ trợ. Nhưng biện pháp phòng thủ tốt nhất chống lại sự suy yếu của trật tự an ninh châu Âu do một nước Nga đang tiến lên trên chiến trường vẫn là các khoản hỗ trợ thông minh và kiên nhẫn dành cho Ukraine, đặc biệt là khi cam kết tài chính (và có thể là quân sự) của Mỹ đối với Ukraine nhiều khả năng sẽ giảm trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump. Cả thế giới đều đang theo dõi.
--------------------------
Michael Kimmage là giáo sư lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là nghiên cứu viên tại Viện Hàn lâm Mỹ ở Berlin. Ông là tác giả cuốn sách “Collisions: The Origins of the War in Ukraine and the New Global Instability.”
Hanna Notte là giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí hạt nhân Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân James Martin ở Monterey, California và là và cộng tác viên cao cấp không thường trú của Chương trình Châu Âu, Nga, và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
.
.
.
No comments:
Post a Comment