Monday, 18 November 2024

DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM : TRUMP HAY KHÔNG TRUMP? (Võ Văn Quản | Luật Khoa)

 



Dân chủ hóa Việt Nam: Trump hay không Trump?

Võ Văn Quản   |   Luật Khoa

November 18 2024     1:53 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/11/dan-chu-hoa-viet-nam-trump-hay-khong-trump/?ref=luat-khoa-newsletter

 

HÌNH : https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/11/21479324.jpg

Ảnh gốc: Canva, cleanpng.com. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.

 

Donald Trump gây tranh cãi ở khắp nơi về đủ mọi vấn đề. Nhìn từ khía cạnh cải cách chính trị và dân chủ hóa ở Việt Nam, liệu ông có là một trở lực?

 

Đây là một câu hỏi gây tranh cãi.

 

Nhiều người có lý do chính đáng để lo ngại. Nhưng cũng có lý do chính đáng không kém để lập luận rằng ông chỉ đang vén lên bức màn che đậy một thực tế đã tồn tại từ lâu: các mối dây liên kết dân chủ giữa Việt Nam và các cường quốc dân chủ hóa ra không thúc đẩy tiến trình dân chủ tại Việt Nam như nhiều người lầm tưởng. Chúng thậm chí đang giúp củng cố diễn ngôn chống dân chủ ngày càng cực đoan hơn ở nước ta.

 

Liên kết dân chủ là một lý thuyết trong chính trị học. Nó đặt ra một nghịch lý thú vị. Một mặt, nó chỉ ra cách thức mà các mối quan hệ kinh tế, văn hóa và xã hội giữa các nước độc tài và dân chủ có thể thúc đẩy dân chủ hóa ở các nước độc tài. Mặt khác, thực tế cho thấy các chế độ độc tài như Việt Nam có thể khéo léo tận dụng những liên kết này để củng cố quyền lực.

 

 

Về khái niệm “liên kết dân chủ” 

 

Lý thuyết “liên kết dân chủ”, hay “democratic linkage”, được hai học giả khoa học chính trị Steven Levitsky (Đại học Harvard) và Lucan Way (Đại học Toronto) khởi xướng năm 2005. [1][2]

 

Theo cặp đôi quyền lực của khoa học chính trị so sánh này, “liên kết dân chủ” mô tả độ dày giữa các kết nối về: (1) kinh tế (như mậu dịch, đầu tư), (2) thể chế (liên minh, ngoại giao, quân sự), (3) xã hội (du lịch, giáo dục, gia đình), (4) lưu chuyển thông tin (sự hiện diện của báo chí, hội nhóm trên mạng, giao lưu văn hóa), cũng như (5) mạng lưới xã hội dân sự (các hội nhóm nghề nghiệp, chuyên ngành, NGOs).

 

Những kết nối này tạo ra hai nhóm lợi ích tại hai không gian khác biệt. 

 

Nếu đây là liên kết dân chủ giữa các quốc gia đã có sẵn truyền thống dân chủ (hãy tưởng tượng giữa Hoa Kỳ và châu Âu), chúng có thể giúp củng cố định chế dân chủ giữa hai quốc gia. Trong trường hợp một quốc gia gặp phải các vấn đề về suy thoái dân chủ, những liên kết này đôi khi có thể tạo ra rào chắn bảo vệ các giá trị cốt lõi của nền dân chủ đang gặp vấn đề. 

 

Ngược lại, nếu liên kết dân chủ được hình thành giữa một nhà nước dân chủ và một chế độ có tính chuyên chế (nhưng đồng thời cũng có tính cạnh tranh, sống còn cao - được hai tác giả gọi là “competitive authoritarianism”), các liên kết dân chủ sẽ bổ trợ và thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở quốc gia chuyên chế. [3]

 

Những điều này có thể được thể hiện rõ thông qua nhiều yếu tố. 

 

Ví dụ, việc hệ thống truyền thông đại chúng của quốc gia dân chủ được phổ biến ở các nền độc tài có thể giúp người dân làm quen với tư duy và ngôn ngữ dân chủ, từ việc bầu cử đến những lý thuyết độc lập tư pháp. 

 

Hay trực diện hơn, việc giới học sinh, sinh viên được đào tạo, trao đổi văn hóa ở các quốc gia dân chủ cũng giúp truyền đạt và thấm dần cách tiếp cận về quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận. 

 

Kết nối kinh tế giữa hai quốc gia được tăng cường đồng nghĩa với việc các yếu tố về pháp quyền, thực hành quản trị hiệu quả (hay gọi là “best practices”), các tiêu chuẩn kinh tế phổ quát (tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán, tiên chuẩn đánh giá chất lượng…), đều được xem là những yếu tố quan trọng có thể thúc đẩy làn sóng dân chủ tại các quốc gia đang có xu hướng toàn trị. 

 

Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, người ta hoàn toàn có thể tin tưởng một “liên kết dân chủ” như vậy không chỉ đã hình thành, mà còn đang phát triển và duy trì một cách vô cùng mạnh mẽ. 

 

Từ vấn đề thông tin và văn hóa (như đại đa số các tờ báo, kênh truyền hình, phim ảnh Hoa Kỳ tràn ngập trên phương tiện truyền thông Việt Nam); số lượng du học sinh, trao đổi văn hóa, các nhóm expats; cho đến các tiêu chuẩn thương mại, sản xuất hay giao thương và đầu tư giữa hai quốc gia… có thể thấy liên kết dân chủ mà Levitsky và Way nói tới luôn sẵn sàng ở đó cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam.

 

 

Bài toán khó mang tên Trump

 

Cân nhắc các phương diện trên, rõ ràng Trump là một trở ngại không nhỏ cho liên kết dân chủ Việt Nam - Hoa Kỳ. 

 

Trước tiên, chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First) - dấu ấn chính sách quan trọng nhất của Trump - là con đường giảm thiểu tối đa các liên kết dân chủ mà chúng ta nói tới. 

“America First” trước tiên đã cô lập Hoa Kỳ khỏi nhiều định chế kinh tế thế giới hứa hẹn cũng như các mối quan hệ kinh tế trước đây. Từ việc rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho đến các cuộc chiến tranh thương mại gây khó khăn không ít thì nhiều cho nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Việt Nam, mối dây liên kết dân chủ nền tảng nhất giữa các quốc gia - quan hệ kinh tế - vì vậy mà bị lay chuyển. [4]

 

Nhưng đó không chỉ là vấn đề duy nhất. 

 

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình từ 2017-2021 (và thậm chí sau đó), Trump liên tục lên tiếng khen ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, và mô hình chính thể của những nền độc tài. [5] Để công bằng, cần phải nhìn nhận việc Trump khen ngợi những nhà độc tài không nhất thiết vì ông ủng hộ họ, mà đơn giản đó là một đòn nghi binh ngoại giao cho những chiêu bài chính trị khác. Đây là cách lý giải của rất nhiều người ủng hộ Trump.

 

Tuy nhiên, diễn ngôn ủng hộ hay tán tụng những nhà độc tài tự thân nó đã có vấn đề. Chúng bình thường hóa mô hình quản trị phi dân chủ, tạo tính chính danh cho những cá nhân toàn trị, và ở những thời khắc ngặt nghèo (như thời điểm Nga xâm lược Ukraine), ca ngợi Putin là “thiên tài” (genius) hay “khôn khéo” (savvy), thật sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh dân chủ của Hoa Kỳ trước các đồng minh cũng như các quốc gia khác. 

 

Quan trọng hơn, việc liên tục chỉ trích hệ thống báo chí Hoa Kỳ là “tin giả”, “bọn xuyên tạc”... gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh cột sống thông tin Hoa Kỳ trên toàn thế giới - vốn luôn được trọng vọng là nhánh quyền lực thứ tư của nền dân chủ Hoa Kỳ (sau hành pháp, lập pháp, tư pháp). [6]

 

Những điểm nghẽn trong mối liên kết dân chủ mà nhiệm kỳ của Trump tạo ra vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Và trong nhiệm kỳ thứ hai của ông bắt đầu từ ngày 20/1/2025, hoàn toàn có thể tưởng tượng ra viễn cảnh nó tiếp tục làm suy yếu hình ảnh dân chủ Hoa Kỳ vốn đã được phóng chiếu thành công suốt nhiều thập niên qua.

 

Khi mà nền dân chủ Hoa Kỳ lâm bệnh, nhiều tác giả đã lo ngại về khả năng lây lan của căn bệnh này - được gọi là “democratic backsliding contagion”. [7]

 

 

Nhưng khoan đã, Trump có thật sự là vấn đề? 

 

Dù không có gì để bàn cãi về tác động mà Trump gây ra cho các liên kết dân chủ đã được hình thành trước đây, cũng cần phải cân nhắc lại liệu Trump có thật sự là tác nhân gây ảnh hưởng cho sự thoái trào của tiến trình dân chủ tại nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam, hay không. 

 

Liệu các liên kết dân chủ xưa nay có tác dụng tích cực như nhiều người nghĩ? Hay nó chỉ gieo lên niềm hy vọng hão huyền về một tương lai dân chủ, trong khi các nhà độc tài lại có thể sử dụng những liên kết này để củng cố quyền lực chuyên chế của họ?

 

Đây không phải là một quan sát mới lạ.

 

Từ năm 2009, học giả Jonathan London (Đại học Hong Kong) đã cảnh báo về vấn đề này trong bài báo khoa học “Việt Nam và quá trình kiến tạo chủ nghĩa Lênin-thị trường” (tạm dịch từ Vietnam and the Making of Market-Leninism). Trong đó, London quan sát rằng Việt Nam đang sử dụng quá trình hội nhập kinh tế để củng cố quyền lực đảng phái, tận dụng chuyên môn quốc tế để hoàn thiện năng lực quản lý lẫn trị an, và quan trọng nhất là mở rộng các liên kết dân chủ để phục vụ các mục tiêu toàn trị. [8]

 

Cảnh báo này tiếp tục có giá trị cho đến ngày nay, và nó đặt câu hỏi rằng liệu các liên kết dân chủ mà chính quyền Joe Biden hay chính quyền Barack Obama xây dựng với Việt Nam có thật sự củng cố vị trí và hình ảnh dân chủ của Hoa Kỳ hay không? Nó có thật sự xây dựng một xã hội dân chủ hơn ở Việt Nam hay không? Hay Việt Nam đang lợi dụng các liên kết đó để củng cố tính chính danh toàn trị của mình?

 

Ví dụ, trong giai đoạn của chính quyền Tổng thống Biden, người Mỹ đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất có thể trong khi không đạt được bước tiến nào cho các vấn đề nhân quyền. Giai đoạn 2020 - 2024 có thể nói là giai đoạn khốc liệt nhất cho một trong những trụ cột ít ai để ý tới của nền dân chủ sơ khởi tại Việt Nam - các tổ chức phi chính phủ (NGO). Toàn bộ các NGO có chút tiếng nói về các vấn đề quan trọng như quyền dân sự, quyền lao động, quyền môi trường… đều đã bị vô hiệu hóa, trong khi các nhà lãnh đạo dân sự thì phải ngồi tù. [9] Các cuộc đàn áp bất đồng chính kiến hay nhóm người dân tộc thiểu số thì vẫn đang tiếp tục diễn ra. 

 

Hay trong giai đoạn của chính quyền Tổng thống Obama, khi mà TPP được thảo luận và đàm phán, gần như không có tiến bộ hay cam kết cải tổ chính trị nào được phía chính quyền Việt Nam đưa ra. Giai đoạn 2009 đến 2017 có thể nói là giai đoạn đàn áp mạnh mẽ đối với tất cả các phong trào dân sự - chính trị tại Việt Nam. Từ cây xanh, cá chết, các hội nhóm nghiên cứu hiến pháp… đều bị dập tắt cùng nhiều nhà hoạt động vẫn còn trong tù.

 

Lấy những ví dụ này không phải để phủ nhận các nỗ lực cổ súy dân chủ hay xây dựng liên kết dân chủ của hai chính quyền trên, nhưng chúng cũng đủ để đặt câu hỏi liệu các nỗ lực ấy có thực sự tận tâm, có thực sự hiệu quả? Hay chúng chỉ là miếng dán veneer để tô đẹp vẻ ngoài?  

 

Nếu những lợi ích kinh tế và liên kết dân chủ mà Hoa Kỳ xây dựng với Việt Nam không có tác động gì đáng kể đến tiến trình dân chủ tại Việt Nam, liệu đã đến lúc những người như Donald Trump vén bức màn bí ẩn này để các hội nhóm Việt Nam có thể tìm kiếm một con đường khác và một định hướng khác cho tiến trình dân chủ thật sự?

 

----------------

Chú thích

 

1.    Xem Levitsky, Steven and Lucan Way. "International Linkage and Democratization." Journal of Democracy, vol. 16 no. 3, 2005, p. 20-34. Project MUSE, https://dx.doi.org/10.1353/jod.2005.0048. và Levitsky S, Way LA. Linkage versus Leverage: Rethinking the International Dimension of Regime Change. Comparative Politics. 2006;38 (4) :379-400.

 

2.    Levitsky, S., & Way, L. (2010). Competitive authoritarianism : hybrid regimes after the Cold War. Cambridge University Press.

 

3.    Như [1]

 

4.    The United States Officially Withdraws from the Trans-Pacific Partnership. (n.d.). United States Trade Representative. https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2017/january/US-Withdraws-From-TPP

 

5.    Gedeon, Joseph. “Trump Calls Putin “Genius” and “Savvy” for Ukraine Invasion.” POLITICO, 23 Feb. 2022, www.politico.com/news/2022/02/23/trump-putin-ukraine-invasion-00010923. Và Kaczynski, Andrew. “80 Times Trump Talked about Putin.” Cnn.com, CNN, 2017, www.cnn.com/interactive/2017/03/politics/trump-putin-russia-timeline

 

6.    Woodward, A. (2020, October 2). ‘Fake news’: A guide to Trump’s favourite phrase – and the dangers it obscures. The Independent. https://www.independent.co.uk/news/world/americas/us-election/trump-fake-news-counter-history-b73287 3.html

 

7.    Pillar, P. R. (2023b, January 23). The erosion of democracy is contagious. The National Interest. https://nationalinterest.org/blog/paul-pillar/erosion-democracy-contagious-206143

 

8.    London, Jonathan, Vietnam and the Making of Market-Leninism (Cambridge University Press 2009)

 

9.    Linh, T. H. (2023, September 21). Khi NGO trở thành “đối tượng’’. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/12/khi-ngo-tro-thanh-doi-tuong

 

------------------------------------------------------------------------------------------

Đọc thêm:

 

Giàu lên thì sẽ dân chủ?

 

Vì sao Phan Châu Trinh chưa thành công?

 

Phong trào dân chủ thực sự suy thoái hay chỉ là một thử nghiệm lịch sử đang tiếp diễn?

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats