Sunday, 17 November 2024

QUYỀN LỰC TUYỆT ĐỐI TRONG TAY ĐẢNG CỘNG HÒA, HOA KỲ CÓ NGUY CƠ TRỞ THÀNH NỀN DÂN CHỦ "PHI TỰ DO"? (Thanh Hà / RFI)

 



Quyền lực tuyệt đối trong tay đảng Cộng Hòa, Mỹ có nguy cơ trở thành nền dân chủ « phi tự do » ?

Thanh Hà  –  RFI

Đăng ngày: 15/11/2024 – 14:44

Đảng Cộng Hòa toàn thắng sau cuộc bầu cử ở Mỹ cách nay đúng 10 ngày. Ít nhất trong 2 năm sắp tới đảng này kiểm soát toàn bộ quyền lực : chiếm đa số ở Thượng và Hạ Viện, kiểm soát Nhà Trắng. Ở Tối Cao Pháp Viện, 2/3 các thẩm phán thuộc cánh bảo thủ và 3 trong số 9 thẩm phán do tổng thống Trump chỉ định.

HÌNH :

 Tổng thống tân cử Donald Trump phát biểu tại dạ tiệc của Viện Chính Sách Nước Mỹ Là Trên Hết, trong dinh thự của ông tại Mar-a-Lago, Palm Beach, bang Florida, ngày 14/11/2024. AP – Alex Brandon

Những hứa hẹn sẽ đem lại « những thay đổi lớn » cho nước Mỹ đã giúp ông Trump tái đắc cử, bất chấp những thay đổi đó có nguy cơ đẩy Hoa Kỳ thành một nền dân chủ « phi tự do ».

Tháng 1/2025 Donald Trump tuyên thệ nhậm chức và quyền lực của ông sẽ « lớn hơn rất nhiều » so với 8 năm trước đây. Tổng thống Mỹ thứ 47 được cho là sẽ dễ dàng áp đặt các dự luật về tài chính, về nhập cư… và dễ dàng thi hành những cam kết đã đưa ra trong thời gian vận động tranh cử.

Ai cũng biết để mang lại hào quang cho nước Mỹ, Make America Great Again ông Trump đã hứa ngay ở đầu nhiệm kỳ, sẽ tiến hành đợt trục xuất « quy mô nhất » trong lịch sử Hoa Kỳ nhắm vào « hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp ». Cũng tổng thống tân cử « ngoại hạng này » đề cử dân biểu bang Florida Matt Gaetz, một người đang có nhiều lôi thôi với Tư Pháp, trở thành bộ trưởng Tư Pháp của Hoa Kỳ, hay một cựu dân biểu của bên đảng Dân Chủ, bà Tulsi Gabbard, người từng công khai khẳng định lập trường thân Nga và Syria, để lãnh đạo cơ quan Tình Báo Quốc Gia…

Gây nhiều chú ý hơn cả là việc Donald Trump mời tỷ phú Elon Musk tham gia nội các để tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng cho nước Mỹ, bất chấp xung đột lợi ích giữa chủ nhân của SpaceX với một số cơ quan trực thuộc chính quyền Liên Bang.

Tất cả chuyển biến trên chính trường Mỹ trong một chục ngày qua, khiến một số nhà quan sát cho rằng « đa số bên đảng Cộng Hòa giờ đây ngả theo chủ trương MAGA – Make America Great Again mà ông Donald Trump là người khởi xướng », điều đó lại càng là một lực đẩy để Trump « muốn làm gì thì làm ».

Song nói như vậy là hơi vội vàng vì nhiều lẽ. Giáo sư đại học Sorbonne Paris 5 về luật Hoa Kỳ, Jacob Maillet nhắc lại « rào cản thứ nhất » tránh cho nước Mỹ trở thành một nền « dân chủ phi tự do » chính là mô hình liên bang. Hoa Kỳ có 50 bang, 23 trong số đó do một thống đốc bên đảng Dân Chủ điều hành. Quyền hạn của mỗi bang cũng khá rộng rãi, chẳng hạn như trong vấn đề luật cấm phá thai, về y tế, hay giáo dục, mỗi bang được quyền áp dụng một số quy định riêng.

Rào cản thứ nhì là quyền lực của bên tư pháp. Thí dụ như năm 2017, tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh Muslim Ban cấm công dân một số nước theo đạo Hồi quá cảnh vào lãnh thổ Mỹ. Nhưng rồi Tư Pháp đã đình chỉ sắc lệnh này, trước khi Tối Cao Pháp Viện Mỹ có tiếng nói sau cùng và rồi, sắc lệnh bị đánh giá là bài người Hồi Giáo đó đã bị khai tử năm 2021 khi ông Biden lên cầm quyền.

Điều đó cho thấy rằng, chưa chắc kế hoạch « trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ » mà ông Trump hứa hẹn với cử tri có thể được áp dụng như ông mong muốn.

Có điều, Donald Trump là một hiện tượng mới lạ, là một chính khách có tính khí thất thường, là người muốn phá vỡ những thủ tục truyền thống để mở ra những con đường mới. Nhưng theo giới phân tích, tại các nước Anh Mỹ, những chuẩn mực truyền thống vẫn là một điều mà đa số công luận còn trân trọng. Có thể hiểu rằng, đó là dấu hiệu, Donald Trump không dễ « thâu tóm quyền lực tuyệt đối » để Mỹ nghiêng về một mô hình độc tài như ở nhiều nơi trên thế giới.

Điều đó không cấm cản Donald Trump đã nhiều lần công khai tuyên bố ông rất ngưỡng mộ những chính khách có bản lĩnh – thậm chí là những người điều hành đất nước với một bàn tay sắt, như tổng thống Vladimir Putin ở Nga hay thủ tướng Hungary Viktor Orban. Điểm dễ đoán nơi các nhà lãnh đạo độc tài này là họ « làm những gì đã hứa ».

Khác biệt lớn giữa Mỹ và hai quốc gia châu Âu vừa nêu là Matxcơva hay Hungary không có được những « hàng rào » bảo vệ nền dân chủ như của Washington. Đó là chưa kể Donald Trump là một doanh nhân thành đạt và ông thừa biết châm ngôn « mềm nắn rắn buông ». Những tuyên bố hùng hồn và kể cả những quyết định có vẻ như táo bạo, nếu không muốn nói là cực đoan của ông, biết đâu chỉ là một màn « thử lửa ». 

——————————

Các nội dung liên quan

ĐIỂM BÁO

Donald Trump toàn quyền với thiên hà MAGA sau chiến thắng

ĐIỂM BÁO

Nội các Trump II : Israel vui mừng, Ukraina âu lo

MỸ – DONALD TRUMP – BỘ TRƯỞNG Y TẾ

Mỹ : Tân tổng thống Donald Trump đề cử nhân vật bài vac-xin làm bộ trưởng Y Tế

.

.






No comments:

Post a Comment

View My Stats