Nghi
vấn « Chiến tranh hỗn hợp » trên biển Baltic : Tàu Trung Quốc bất ngờ lọt tầm
ngắm
Thùy Dương - RFI
Đăng
ngày: 21/11/2024 - 13:42 - Sửa đổi ngày: 21/11/2024 - 15:24
Tàu
chở hàng Yi Peng 3 của Trung Quốc đang bị chính quyền một số nước vùng Baltic
đưa vào « tầm ngắm » trong cuộc điều tra về vụ 2 tuyến cáp
ngầm dưới biển Baltic, nối từ Phần Lan sang Đức và từ Thụy Điển sang Litva, bị
cắt phá hồi đầu tuần này, cho dù đến lúc này chưa bằng chứng cụ thể nào.
HÌNH
:
Ảnh
minh họa: Tàu chở hàng Trung Quốc Yi Peng 3,ở ngoài khơi Vancouver, Canada,
ngày 03/10/2016. Max Wei via REUTERS - Max Wei
Đài
France 24 ngày 20/11/2024 trích dẫn Christian Bueger, chuyên gia về các câu hỏi
về an ninh hàng hải, thuộc đại học Copenhague, Đan Mạch, nhận định, việc một
tàu Trung Quốc tham gia hoạt động phá hoại ở biển Baltic là điều « rất
đáng ngạc nhiên ». Chắc chắn là Trung Quốc đã quen với các hoạt động
hỗn hợp trên biển, nghĩa là những hoạt động dưới nhiều hình thức nhưng vẫn ở dưới
ngưỡng gây đối đầu trực tiếp hay xung đột vũ trang ; và cũng không phải chỉ
ở một vùng biển châu Âu, như biển Baltic lần này.
Tàu
chở hàng Yi Peng 3 của Trung Quốc đã rời cảng St Petersbourg của Nga hôm thứ
Hai 18/11 để đến cảng Said ở Ai Cập. Đến hôm qua 20/11, tàu này được cho là đã
đứng im chỉ ít lâu sau khi ra khỏi eo biển Øresund, giữa đảo Seeland của Đan Mạch
và Thụy Điển. Chuyên gia an ninh hàng hải Christian Bueger cho biết thêm là
chính quyền Đan Mạch đang thẩm vấn thủy thủ đoàn và phân vân là họ sẽ phải làm
gì tiếp theo.
Hiện
tại, chưa có gì chính thức buộc tội tàu Trung Quốc Yi Peng 3. Christian Bueger
tóm tắt : « Chúng tôi chỉ biết rằng cáp quang ngầm C-Lion1 (nối
Phần Lan với Đức) và BCS (nối từ Thụy Điển sang Litva) đã bị hư hại, nhưng
không biết do ai gây ra và cũng không biết vì sao ».
Bộ
trưởng Quốc Phòng Đức, Boris Pistorius, ngay từ thứ Ba 19/11 đã kết luận là có
khả năng đây là một vụ phá hoại, lấp lửng cho rằng Nga là nghi phạm số một, dẫu
không đưa ra được bằng chứng nào. Christian Bueger cho rằng phản ứng nhanh
chóng như vậy « dường như gây bất ngờ, bởi sẽ hạn chế nghiêm trọng
các cơ hội ngoại giao ».
Khi
được báo Anh Financial Times liên lạc, quản lý của công ty vận tải biển Trung
Quốc, sở hữu tàu hàng Yi Peng 3, chỉ nói đơn giản là chính quyền Trung Quốc đã
ra lệnh « hợp tác với các nhà điều tra ».
France
24 nhắc lại là đây không phải lần đầu tiên một tàu Trung Quốc gây sự cố ở biển
Baltic. Hồi năm 2023, tàu chở hàng Newnew Polar Bear đã làm hỏng
Balticconnector, đường ống dẫn khí đốt ngầm dưới biển nối từ Phần Lan sang
Estonia. Bắc Kinh khi đó đã thừa nhận lỗi của tàu Trung Quốc, nhưng cuộc điều
tra do Trung Quốc tiến hành kết luận đây là một tai nạn.
Tuy
nhiên, điểm khác biệt lớn của tàu Newnew Polar Bear so với tàu Yi Peng 3 là
Newnew Polar Bear tuy thuộc sở hữu của một chủ tàu Trung Quốc, nhưng lại treo cờ
Hồng Kông và có liên hệ với Nga, nhất là thông qua thủy thủ đoàn. Trong khi đó
tàu Yi Peng 3 dường như 100% là của Trung Quốc.
Kể
từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công xâm lược Ukraina, Matxcơva luôn cho rằng họ có
quyền tiến hành những hoạt động phá hoại kiểu này để chống lại bất kỳ ai mà điện
Kremlin cho rằng đang hậu thuẫn Ukraina. Nhưng nếu Trung Quốc cũng tham gia, dù
là có sự phối hợp với Nga hay không, thì đây cũng « sẽ là một hành
động khiêu khích chưa từng có », theo nhận định của Christian
Bueger.
Và
đây cũng sẽ là sự leo thang căng thẳng ở biển Baltic, một trong những chiến trường
chính cho các hoạt động hỗn hợp kiểu này, trong đó phải kể đến vụ phá hoại đường
ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 hồi năm 2022, vụ tuyến cáp internet ngầm dưới
biển của các đảo Faroe bị hư hỏng cũng vào năm 2022, ngoài ra là các hoạt động
gây nhiễu tín hiệu GPS.
Các
vùng biển rất dễ hứng chịu loại hoạt động phá hoại nói trên, bởi vì theo Basil
Germond, chuyên gia về các vấn đề an ninh hàng hải và quốc tế, thuộc đại học
Lancaster của Anh rất khó giám sát, kiểm soát hoạt động ở đó nên cũng khó xác định
hành vi đáng ngờ để ngăn chặn các hoạt động phá hoại.
Cáp
ngầm là mục tiêu hàng đầu của các vụ phá hoại kiểu này. Chuyên gia Christian
Bueger lưu ý là chi phí cho các hoạt động phá hoại không cao mà lại dễ thực hiện
và chắc chắn gây ra hậu quả, bởi vì Internet là cơ sở hạ tầng quan trọng, mỗi sự
hỏng hóc đều cần huy động nhiều nguồn lực và tài chính để điều tra, sửa chữa.
Tuy
nhiên, việc tấn công cáp internet biển ở châu Âu thường không gây nhiều thiệt hại,
bởi vì theo giải thích của Christian Bueger mạng lưới cáp quang của châu Âu rất
dồi dào và các nhà khai thác viễn thông đã dự phòng nhiều giải pháp khắc phục
khẩn cấp nếu một tuyến cáp bị hỏng.
Thế
nên, theo các chuyên gia được France 24 phỏng vấn, vụ phá hoại các
tuyến cáp ngầm dưới biển C-Lion1 (nối Phần Lan với Đức) và BCS (nối từ Thụy Điển
sang Litva) có thể là để thử nghiệm phản ứng của châu Âu.
Trên
thực tế, từ sau các vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 hồi tháng
09/2022, chính quyền châu Âu đã tìm cách củng cố, tăng cường hợp tác để ngăn ngừa
hoặc chống các hoạt động hỗn hợp ở vùng biển này. Mới đây, châu Âu cũng đã
thông qua các biện pháp cho phép xử phạt hiệu quả hơn các hành vi phá hoại.
Theo
các chuyên gia, tốc độ phản ứng nhanh lần này, đặc biệt của chính quyền Đan Mạch,
là một tín hiệu tốt. Chuyên gia an ninh hàng hải Basil Germond kết luận là điều
đó chứng tỏ châu Âu đã củng cố năng lực ứng phó nhanh chóng với các sự cố. Điều
này là thiết yếu để ngăn ngừa những kẻ phá hoại ra tay và khiến họ khó chối bỏ
trách nhiệm hơn.
---------------------------
Các
nội dung liên quan
Tạp
chí Kinh tế
Mạng
cáp quang dưới lòng Bắc Băng Dương : Nga mời Trung Quốc nhập cuộc
NGA
- BALTIC - HÀNG KHÔNG
Nga
bị tố cáo gây nhiễu tín hiệu GPS trên biển Baltic
VỤ
PHA HOẠI ỐNG DẪN KHI NORD STREAM
Vụ
phá hoại ống dẫn khí Nord Stream: Theo báo Mỹ và Đức, một sĩ quan Ukraina đóng
vai trò then chốt
No comments:
Post a Comment