Sunday, 3 November 2024

KÊNH ĐÀO PHÙ NAM và QUÂN CẢNG REAM : GỌNG KỀM TRUNG QUỐC SIẾT VÙNG PHÍA NAM VIỆT NAM (Phạm Văn Luật / Luật Khoa tạp chí)

 



Kênh đào Phù Nam và quân cảng Ream: Gọng kềm Trung Quốc siết vùng phía Nam Việt Nam

Phạm Văn Luật   |   Luật Khoa tạp chí

November 02 20244:32 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/11/kenh-dao-phu-nam-va-quan-cang-ream-gong-kem-trung-quoc-siet-vung-phia-nam-viet-nam/?ref=luat-khoa-newsletter

 

Một cục diện quân sự mới trên bán đảo Đông Dương.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/11/743987534.jpg

Vị trí quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam (Kep). Ảnh: Stimson Center.

 

RADIO :

Kênh đào Phù Nam và quân cảng Ream: Gọng kềm Trung Quốc siết vùng phía Nam Việt Nam

 

Cho đến nay, quân cảng Ream trên vịnh Thái Lan và kênh đào Phù Nam của Campuchia vẫn là những dự án độc lập, tưởng chừng như không có liên hệ gì với nhau.

 

Sẽ không có gì đáng nói nếu điểm cuối của kênh đào Phù Nam ở Vịnh Thái Lan là một chỗ nào đó khác, không phải tỉnh Kep. Theo ước tính dựa trên thông tin mà Campuchia công bố trong Thư thông báo gửi Uỷ hội Sông Mekong, điểm cuối của kênh đào Phù Nam trên vịnh Thái Lan cách quân cảng Ream chỉ khoảng 20 hải lý. [1]

 

Khi cả hai công trình này hoàn thành, một cục diện quân sự mới trên bán đảo Đông Dương sẽ lộ diện.

 

Nếu một ngày nào đó, Trung Quốc huy động tổng lực hai vị trí này, đưa một hạm đội treo cờ Campuchia tiến từ quân cảng Ream ở Vịnh Thái Lan theo kênh đào Phù Nam đi sâu vào nội địa Campuchia, theo sông Mekong tiến thẳng vào Đồng bằng Sông Cửu Long, thì Việt Nam có thể mất thủ phủ Miền Tây là Cần Thơ trong giây lát.

 

Cùng lúc đó, chiến hạm Trung Quốc tiến từ căn cứ Chữ Thập và Subi ở Trường Sa thẳng đến Sài Gòn.

 

Ở thời điểm này, kịch bản này nghe có vẻ như viễn tưởng. Quan hệ giữa Hà Nội và Nam Vang vẫn tốt, ít nhất như đưa tin trên VTV và báo Nhân dân. Bắc Kinh và Hà Nội vẫn là hai anh em “bốn tốt".

 

Ông Hun Sen, cựu thủ tướng và hiện là chủ tịch Thượng viện Campuchia, đã chối bỏ mục đích quân sự của kênh đào Phù Nam. Theo ông, sẽ không có chuyện hải quân Trung Quốc được phép sử dụng kênh đào để tấn công Việt Nam. [2]

 

Kịch bản tưởng như khó xảy ra, nhưng không phải không có những cơ sở để lo lắng.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/11/48302984-1.webp

Kênh đào Phù Nam (Kep) và quân cảng Ream trên bản đồ. Ảnh: Stimson Center.

 

 

Trung Quốc chi tiền xây dựng kênh đào Phù Nam 

 

Campuchia dự kiến dự án kênh đào Phù Nam sẽ tốn 1,7 tỷ USD, với 51% vốn Campuchia và 49% vốn Trung Quốc. [3] Dự án do Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation - CRBC) xây dựng. [4] Công ty này đã nghiên cứu tiền khả thi một cách chóng vánh, chỉ trong vài tháng. [5] Ngày 5/8, sinh nhật Hun Sen, Campuchia làm lễ động thổ khởi công dự án này. [6]

 

Một khi CRBC bỏ tiền ra nghiên cứu tiền khả thi và xây dựng, vậy sau khi hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2028, khả năng cao họ cũng sẽ là bên quản lý. 

 

Thủ tướng Campuchia cho biết Campuchia không đơn giản vay mượn tiền của Trung Quốc mà thực hiện bằng phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). [7]

 

Như vậy, sau khi hoàn thành - giả sử kịp tiến độ vào năm 2028, dự án này sẽ được phía bỏ tiền ra nghiên cứu, xây dựng tiếp tục quản lý trong khoảng thời gian từ 20 năm đến 40 năm, theo thông lệ của một dự án BOT, tức là đến 2048 hoặc 2068. [8] Trong thời gian đó, nước chủ nhà Campuchia không thể can thiệp vào công trình. 

 

Sau khi hoàn thành, kênh đào này có thể cho tàu trọng tải toàn phần 5.000 tấn (DWT) vận hành, bao gồm cả tàu chiến. 

Theo thư thông báo mà chính phủ Campuchia gửi cho Ủy hội Sông Mekong vào tháng 8/2023, kênh đào Phù Nam sẽ dài 180 km, rộng 80-100 mét và sâu 5,4 mét, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải toàn phần lên đến 3.000 tấn. [9]

 

Tuy nhiên, kỹ sư Phạm Phan Long, chủ tịch của Quỹ Việt Ecology (VEF), tính toán dựa trên kích thước của kênh đào, cho rằng kênh đào khi hoàn thành có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 5.000 tấn vào mùa mưa. [10]

 

Năng lực tiếp nhận tàu trọng tải 3.000 tấn ở thời điểm bình thường hoặc 5.000 tấn vào mùa mưa có ý nghĩa gì về mặt quân sự? Tàu khinh hạm lớp Gepard mà Việt Nam mua của Nga có trọng tải 2.500 tấn. [11] Điều đó có nghĩa là kênh đào Phù Nam có thể đón khinh hạm hiện đại như Gepard ở thời điểm bình thường và đón những chiến hạm có trọng tải gấp đôi vào mùa mưa. 

 

 

Quân cảng Ream cũng do Trung Quốc đài thọ

 

Không ai khác, lại là Trung Quốc đài thọ cho Campuchia kinh phí xây dựng quân cảng này. [12]

 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/11/Ream_boats_1_22_24_WM.webp

Hai tàu chiến Trung Quốc neo đậu ở quân cảng Ream (Campuchia) ngày 22/1/2024. Ảnh: CSIS/AMTI/Maxar.

 

Tháng Tư năm 2024, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á công bố báo cáo điều tra thông qua dữ liệu vệ tinh, cho thấy hai tàu chiến Trung Quốc đã neo đậu ở quân cảng này gần nửa năm. [13]

 

Ngày 4/9/2024, Campuchia tuyên bố Trung Quốc chuyển giao hai tàu chiến đó cho họ. Đó là các tàu Lớp 056. 

 

Như vậy, các tàu chiến này neo đậu dài ngày ở quân cảng Ream với mục đích huấn luyện binh sĩ Campuchia trước khi chuyển giao. [14] Các tàu chiến Lớp 056 này của Trung Quốc có tải trọng tối đa 1.500 tấn. [15]

 

Trong khi đó, như trên đã nói, kênh đào Phù Nam được thiết kế có thể tiếp nhận tàu 3.000 tấn ở điều kiện bình thường và 5.000 tấn trong mùa mưa. 

 

Sau khi hoàn thành, nếu Trung Quốc lắp đặt hệ thống do thám hiện đại tại quân cảng Ream như họ đã lắp đặt ở Hoàng Sa và Trường Sa, họ có thể theo dõi mọi chuyển động của phần phía Nam bán đảo Đông Dương, bao trùm lãnh thổ Campuchia và miền Nam Việt Nam. 

 

Cho đến bây giờ, hai dự án kênh đào Phù Nam và quân cảng Ream vẫn là hai dự án độc lập và tưởng chừng như không liên quan gì với nhau. Một dự án thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường. Một dự án thuộc lĩnh vực quân sự. 

 

Nhưng trong tương lai, không có điều gì ngăn cản kênh đào Phù Nam sẽ có tính chất lưỡng dụng, tức là vừa quân sự vừa dân sự. 

 

Theo các nhà nghiên cứu chính trị quân sự Trung Quốc thì điều đó là có thể. Dự án Vành đai - Con đường đã giúp Trung Quốc sở hữu hàng trăm cảng biển có vị trí chiến lược về kinh tế và quân sự nằm dọc theo các tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Các cảng biển này đều có tính lưỡng dụng. Bình thường thì dùng cho mục đích kinh tế, khi cần có thể dùng cho mục đích quân sự. [16]

 

Như vậy khả năng tàu chiến Trung Quốc tiến vào Phnom Penh từ Vịnh Thái Lan, sau khi cả quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam hoàn thành, là một khả năng hoàn thành có thể xảy ra trong tương lai, khi cả hai dự án này hoàn tất. Gọng kềm của Trung Quốc để siết vùng phía Nam Việt Nam đang dần hình thành. 

 

Lâu nay, vốn đã tồn tại một mồi lửa hận giữa một bộ phận nhỏ người Campuchia đối với Việt Nam. Nhóm này lưu truyền một niềm tin rằng Miền Nam Việt Nam mới chỉ bị người Pháp lấy khỏi tay Campuchia và trao cho Việt Nam một cách bất hợp pháp vào ngày 4/6/1949. Hằng năm, các nhóm dân tộc chủ nghĩa chống Việt Nam ở Campuchia vẫn tổ chức kỷ niệm ngày “mất Khmer Krom" vào ngày này. [17]

 

Đó sẽ là cục diện mới ở Nam bán đảo Đông Dương trong tương lai không xa. 

 

Việt Nam lâu nay thỉnh thoảng lên tiếng phản đối lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc hoạt động trong vùng biển mình quản lý. Các vùng biển này chủ yếu nằm ở phía biển Đông. [18]

 

Sau khi quân cảng Ream ở Vịnh Thái Lan hoàn tất, điều gì có thể ngăn cản Trung Quốc đưa hải cảnh xuống Vịnh Thái Lan tuần tra? Đó là sức ép đầu tiên mà Việt Nam phải đối mặt.

 

-------------------

Chú thích

1.    Matamis, J. (2024, May 9). Impacts of Cambodia’s Funan Techo Canal and Implications for Mekong Cooperation • Stimson Center. Stimson Center. https://www.stimson.org/2024/impacts-of-cambodias-funan-techo-canal-and-implications-for-mekong-cooperation

2.    Seoung Nimol. (2024, April 10). Hun Sen Denies Funan Techo Canal Will Facilitate Chinese Military Access Near Vietnam Border | CamboJA News. Cambojanews.com. https://cambojanews.com/hun-sen-denies-funan-techo-canal-will-facilitate-chinese-military-access-near-vietnam-border

3.    Why Is China Investing In a $1.7 Billion Canal in Cambodia? (2024). Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/blog/why-china-investing-17-billion-canal-cambodia; Rim, S. (2024, March 11). BRI’s Funan Techo Canal could steer Cambodia away from Vietnam and towards China. ThinkChina - Big Reads, Opinion & Columns on China; Think China. https://www.thinkchina.sg/politics/bris-funan-techo-canal-could-steer-cambodia-away-vietnam-and-towards-china

4.    Vietnam Briefing. (2024, April 9). Why Cambodia’s Funan Techo Canal Project is Worrying Vietnam. Vietnam Briefing News. https://www.vietnam-briefing.com/news/why-cambodias-funan-techo-canal-project-is-worrying-vietnam.html

5.    Writer, S. (2024, March 11). Cambodia to divert Mekong trade via China-built canal, vexing Vietnam. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Spotlight/Asia-Insight/Cambodia-to-divert-Mekong-trade-via-China-built-canal-vexing-Vietnam

6.    PM: Funan Techo​​ Canal Project symbolizes nationalism; groundbreaking ceremony to be held on Hun Sens birthday - Khmer Times. (2024, July). Khmer Times - Insight into Cambodia. https://www.khmertimeskh.com/501515840/pm-funan-techo-canal-project-symbolizes-nationalism-groundbreaking-ceremony-to-be-held-on-hun-sens-birthday

7.    Techo Funan Canal Project to be Developed under BOT Contract. (2023, December 27). Cambodian People’s Party-វិមាន៧មករា. https://www.cpp.org.kh/en/details/364534

8.    Build-Operate-Transfer (BOT). (2022). Asia Society. https://asiasociety.org/policy-institute/navigating-belt-road-initiative-toolkit/glossary/infrastructure-development/build-operate-transfer-bot

9.    Matamis, J. (2024, May 9). Impacts of Cambodia’s Funan Techo Canal and Implications for Mekong Cooperation • Stimson Center. Stimson Center. https://www.stimson.org/2024/impacts-of-cambodias-funan-techo-canal-and-implications-for-mekong-cooperation

10. Nandithachandraprakash. (2024, July 15). Cambodia’s Funan Techo Canal project: A catalog of worries (analysis). Mongabay Environmental News. https://news.mongabay.com/2024/07/cambodias-funan-techo-canal-project-a-catalog-of-worries-analysis

11. https://kienthuc.net.vn. (2021). Báo Tri thức & Cuộc sống. Kienthuc.net.vn. https://kienthuc.net.vn/quan-su/bao-nga-se-co-ho-ve-ham-gepard-moi-cho-hai-quan-viet-nam-1590248.html

12. China’s warships gift and funding naval base in Cambodia: Could it put regional dynamics in choppy waters? (2024). CNA. https://www.channelnewsasia.com/east-asia/china-cambodia-ream-naval-base-warships-regional-intent-tensions-4627051

13. First Among Piers: Chinese Ships Settle in at Cambodia’s Ream | Asia Maritime Transparency Initiative. (2024, April 18). Asia Maritime Transparency Initiative. https://amti.csis.org/first-among-piers-chinese-ships-settle-in-at-cambodias-ream

14. CHEANG, S., & RISING, D. (2024, September 4). Cambodia says China gifting 2 warships as it finishes work expanding strategically important port. AP News. https://apnews.com/article/china-cambodia-ream-warships-navy-port-e21dbae6bd1b9943f7bec8bbaa040da9

15. China commissions fourth ASW-capable Type 056 corvette - IHS Jane’s 360. (2015). Archive.org. https://web.archive.org/web/20150515013252/http://www.janes.com/article/51341/china-commissions-fourth-asw-capable-type-056-corvette

16. IPDForum. (2023, October 12). Cảng biển lưỡng dụng đưa Trung Quốc đến gần với các tuyến đường vận chuyển quan trọng. Indo-Pacific Defense Forum. https://ipdefenseforum.com/vi/2023/10/cang-bien-luong-dung-dua-trung-quoc-den-gan-voi-cac-tuyen-duong-van-chuyen-quan-trong

17. Ung, S. (2024, July 31). Khmer Krom People Do Not Have Freedom Under Vietnamese Rule. Khmer Post USA. https://khmerpostusa.com/khmer-krom-people-do-not-have-freedom-under-vietnamese-rule

18. VnExpress. (2024, February 29). Việt Nam phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần bãi Tư Chính. Vnexpress.net; Báo VnExpress. https://vnexpress.net/viet-nam-phan-doi-tau-hai-canh-trung-quoc-hoat-dong-gan-bai-tu-chinh-4716748.html

 

------------

Đọc thêm:

Bức tranh lịch sử mối quan hệ Việt Nam - Campuchia

Can thiệp vào Campuchia: Lần vi phạm pháp luật quốc tế đáng tự hào của Việt Nam

Chủ nghĩa thực dân mới của Việt Nam trên đất Campuchia – Kỳ 1: Chiếm đất

Chủ nghĩa thực dân mới của Việt Nam trên đất Campuchia – Kỳ 2: Khai thác và buôn lậu gỗ

 

Ngay cả các tổ chức nhân quyền Campuchia cũng phớt lờ người gốc Việt

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats