Friday, 15 November 2024

CHỐNG LÃNG PHÍ THEO CÁCH CỦA ÔNG TÔ LÂM CÓ HIỆU QUẢ? (Trung Khang / RFA)

 



Chống lãng phí theo cách của ông Tô Lâm có hiệu quả?

Trung Khang |  RFA
2024.11.14

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-mr-to-lam-s-way-of-fighting-waste-effective-11142024165652.html

 

Chỉ trong vòng một tuần, hai vụ án gây lãng phí ngân sách bị khởi tố.

 

Đầu tiên là vụ án gây lãng phí ngân sách khi thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng xảy ra tại Ban 4 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan.

 

Và vụ thứ hai là việc ông Phan Thành Muôn, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh, và tám người khác bị khởi tố dưới cáo buộc vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-mr-to-lam-s-way-of-fighting-waste-effective-11142024165652.html/@@images/e1885e4d-266a-498e-a40f-93c04a5f5fe8.jpeg

Ảnh minh họa: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 10 năm 2024.

 AFP PHOTO

 

Lại một chính sách dân túy?

 

Bộ Công an cho biết cả hai vụ án trên được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc phòng, chống lãng phí.

 

Có thể nói ‘chống lãng phí’ là một trong những chính sách mang tính dấu ấn của ông Tô Lâm. Hôm 13 tháng 10, người đứng đầu Đảng Cộng sản đã đích thân ký tên trong một bài viết về chủ đề này.

 

Trong bài viết có sự xuất hiện của từ ‘lãng phí’ tới 39 lần, ông kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị, và toàn dân cùng tổ chức để đạt được mục tiêu chống lãng phí, bởi lãng phí “gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng”, và cản trở “thời cơ phát triển của đất nước”.

 

Nhiều năm qua, chống lãng phí cũng đã từng được nhiều lãnh đạo Nhà nước Việt Nam nêu lên trong các cuộc họp quan trọng của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã nêu ra tình trạng này.

 

Nhưng chỉ khi đề tài chống lãng phí được vị tân Tổng bí thư đề cập đến trong bài viết của ông, thì việc bắt bớ, khởi tố người vì để xảy ra lãng phí mới được tiến hành.

 

“Chuyện chống lãng phí đã được nói đến 15 năm nay. Có điều vừa rồi đẩy mạnh việc chống tham nhũng, nhưng lãng phí gây thất thoát nhiều hơn mà vẫn chưa có những chính sách cụ thể, để thực hiện được việc phòng chống lãng phí.” Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nói với RFA như vậy.

 

Cho tới thời điểm này, ngoài những bài viết, phát biểu, và chỉ đạo đến trực tiếp từ ông Tô Lâm, vẫn chưa thấy sự thay đổi thực chất nào về mặt pháp luật hay thể chế.

 

Điều này khiến giới quan sát so sánh những động thái gần đây của ông Tô Lâm với chiến dịch “đốt lò” của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn bị đánh giá là “dân túy” do không mang lại những thay đổi về mặt thể chế.

 

"Bản chất cuộc đốt lò thực chất là một hành động dân tuý. Nó đánh vào tâm lý của người dân muốn có một người đứng lên dẹp đi những sai trái và ung nhọt của xã hội, tức là xử lý phần ngọn. Phần gốc của vấn đề đó chính là thể chế độc đoán thì không nhắc đến.” Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với RFA.

 

Bản thân ông Tô Lâm cũng thừa nhận lãng phí là vấn đề mang tính hệ thống. Điều đó có nghĩa, chỉ khi giải quyết được bài toán hệ thống, mới có thể ngăn chặn lãng phí.

 

---------------

UNEP: Việt Nam lãng phí gần bốn tỷ USD thực phẩm mỗi năm

Quốc hội lại bàn việc “chống lãng phí”- có lãng phí?

Việt Nam lãng phí nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực

---------------

 

Muốn chống lãng phí thì cần phải như thế nào?

 

Vị Tổng bí thư người Hưng Yên từng thẳng thừng tuyên bố cần phải cải cách thể chế, bởi thế chế hiện tại theo ông là “không còn phù hợp với điều kiện mới” và vì vậy “là trái với quy luật phát triển”.

 

“Hiện nay dù nói rất lâu rồi, nhưng vẫn còn lãng phí ở khu vực công, chưa nâng cao năng suất lao động khu vực công, rồi dự án treo về đất đai ở khắp nơi… rất nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tôi cho rằng nếu có chủ trường thì lúc đó mới làm sao cho không còn tình trạng vô trách nhiệm, gây lãng phí…” - Ông Đặng Hùng Võ nói thêm.

 

Thách thức mà ông Tô Lâm đang phải đối diện rõ ràng không hề nhỏ.

 

Ngoài nhiệm vụ thay đổi thể chế, điều chắc chắn sẽ đụng chạm tới lợi ích của nhiều nhóm và cá nhân, dẫn đến phản ứng, chống đối, thì chống lãng phí còn đòi hỏi những thay đổi ở những lề thói nhỏ hơn.

 

“Chống lãng phí phải bắt đầu từ chuyện nhỏ nhất. Chẳng hạn, hoa hòe lòe loẹt trong các hội nghị quá mức cần thiết, băng rôn, pano khẩu hiệu, cờ quạt giăng đầy đường phố... nếu cộng lại thì chi phí không ít!” – Một nhà quan sát từ Việt Nam nói với RFA với điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn.

 

Theo người này, lãng phí làm tiêu hao nguồn lực xã hội rất lớn, nên cần phải chống và chống từ những việc nhỏ nhất. Nếu người lãnh đạo cao nhất có quyết tâm và làm triệt để, quy trách nhiệm cụ thể người gây ra lãng phí bằng các chế tài, thậm chí là trách nhiệm hình sự thì mới giảm dần được:

 

“Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả.

Trong phạm vi quốc gia, lãng phí bắt nguồn từ bệnh hình thức, thích khoe khoang, ngân sách nhà nước là ‘của chùa’, cha chung không ai khóc nên chính quyền cứ chi tiêu mà không tính đến hiệu quả. Đặc biệt, lãng phí cũng xuất phát từ tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo các cấp, điều này có nghĩa là mỗi ‘ông’ lên làm lãnh đạo đều muốn trong nhiệm kỳ của mình làm phải tạo một ‘dấu ấn’ nào đó bằng cách xây lên những công trình mà không tính toán kỹ hiệu quả của nó, xây rồi mà không phát huy hết công năng, công suất của công trình, thậm chí bỏ không sử dụng, gây lãng phí rất lớn.”

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam vào năm 2020 khi lấy ý kiến về Đề án quản trị doanh nghiệp Nhà nước từng cho biết, số lượng doanh nghiệp nhà nước trong tình trạng phải bị phá sản theo luật định là rất lớn, tuy nhiên, trên thực tế, rất ít doanh nghiệp Nhà nước bị buộc phá sản, và thay vào đó vẫn hoạt động một cách lay lắt, gây lãng phí rất lớn.

 

Có đến 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Bộ Công thương từng được nêu lên đều thuộc sự quản lý của các doanh nghiệp nhà nước, điển hình như: Nhà máy DAP số 1-Hải Phòng; DAP số 2-Lào Cai; Đạm Ninh Bình; Đạm Hà Bắc; Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Nhà máy thép Việt-Trung; Nhà máy Đình Vũ; Công ty Gang thép Thái Nguyên...

 

Ngoài ra, gần đây còn có hai dự án ở bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 xây xong hết 10.000 tỷ đồng mà vẫn không sử dụng, hay Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2… tỉnh thành nào cũng xây cổng chào, tượng đài với chi phí không nhỏ, chẳng hạn cổng chào ở tỉnh Quảng Ninh chi phí 198 tỷ đồng, có những tượng đài cả ngàn tỷ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-mr-to-lam-s-way-of-fighting-waste-effective-11142024165652.html/viet-duc-2-700.jpg/@@images/c389303c-a3c6-4673-b23e-1a3284efd598.jpeg

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 sau 10 năm 'đắp chiếu' ở Hà Nam. Courtesy nguoiquansat.vn

 

Trị tận gốc

 

Vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ trong các tuyên bố của ông Tô Lâm về việc cần thiết phải cải cách thể chế.

 

Tuy nhiên, không nhiều người sẽ nghĩ rằng thể chế mà vị đảng trưởng nhắc tới chính là thế chế chính trị mà đảng của ông ta tạo ra. Bởi điều đó đòi hỏi một cuộc cải cách chính trị sâu rộng, điều mà đảng cầm quyền vẫn một mực bác bỏ.

 

Chẳng vậy mà bất cứ tiếng nói nào yêu cầu thay đổi thế chế chính trị đều gặp phải sự đàn áp khốc liệt từ chế độ.

 

Nếu vậy, thì thể chế mà ông Tô Lâm nói đến, rất có thể là những cơ chế làm việc và tổ chức của Đảng Cộng sản. Mà nếu như vậy, theo các nhà quán sát, thì sẽ không thể trị tận gốc vấn nạn lãng phí tài sản công.

 

“Bởi vì chính không có bầu cử tự do nên không chọn ra được những cá nhân có năng lực và uy tín; và cũng vì không có đảng đối lập giám sát nên chính phủ và các thành viên trong đảng của mình mới tự tung tự tác đỡ đầu cho các dự án sân sau khác nhau thi hành các dự án tham nhũng và thực hiện những chuyện lãng phí. Người bình thường, không quyền lực, không ai có thể tham nhũng hay lãng phí tài sản quốc gia.” Tiễn sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích.

 

Ông kết luận rằng “muốn chống lãng phí thì cần phải giải quyết phần gốc của vấn đề tức là thay đổi sang thể chế dân chủ."

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một nhà quan sát và bình luận chính trị Việt Nam khác từ Hoa Kỳ, nhận định với RFA rằng, chế độ cần thừa nhận tệ lãng phí và những tiêu cực khác đều xuất phát từ thể chế chính trị mà ra, chứ không thể tiếp tục coi chúng là những vấn đề mang tính “khách quan”.

 

“Cộng Sản Việt Nam đã thiết lập nên một chính quyền vô dụng và gây hại về mọi phương diện. Điều này chính ông Tô Lâm, người đứng đầu Đảng Cộng Sản trong nước mặc nhiên thừa nhận, khi ông ấy tuyên bố về hàng loạt “điểm nghẽn”, có ý nghĩa như tiêu cực trong hệ thống chính trị, như: Thể chế, nhân sự, hạ tầng, tư duy không quản được thì cấm, nạn lãng phí, tham nhũng.” Theo luật sư Mạnh.

 

Ông Mạnh cho rằng những vụ bắt bớ gần đây mà ông Tô Lâm chỉ đạo, có thể đáp ứng được nhu cầu “cảnh tỉnh” đối với cả hệ thống. Nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc “chữa cháy ở ngọn” chứ không giải quyết được phần gốc.

 

----------------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

Vì sao dư luận phản ứng với hàng ghế gỗ trong Nhà hát Quan họ Bắc Ninh?

Có nên bỏ hàng nghìn tỷ đồng xây bến thuyền thời An Dương Vương?

Quốc hội lại bàn việc “chống lãng phí”- có lãng phí?

Xây tượng đài cũng đội vốn

Thiếu tầm nhìn và kế hoạch chặt chẽ dẫn đến hoang phí!

 







 


No comments:

Post a Comment

View My Stats