Friday, 2 February 2024

QUÂN KHÁNG CHIẾN ĐƯA THỜI HẠN CHO PHE QUÂN PHIỆT TRAO LẠI QUYỀN CAI TRỊ MIẾN ĐIỆN (Người Việt)

 



Quân kháng chiến đưa thời hạn cho phe quân phiệt trao lại quyền cai trị Miến Điện

Người Việt

February 1, 2024

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/quan-khang-chien-dua-thoi-han-cho-phe-quan-phiet-trao-lai-quyen-cai-tri-mien-dien/

 

 BANGKOK, Thái Lan (NV) – Hôm Thứ Tư, 31 Tháng Giêng, quân kháng chiến Myanmar cùng với các nhóm thiểu số võ trang đang chiến đấu chống chính phủ quân nhân đã công bố lộ đồ chấm dứt chế độ quân phiệt và khởi động cuộc trao lại quyền hành êm thắm, tuyên bố rằng họ sẵn sàng thương lượng hòa bình với phe quân nhân nếu đối phương chấp nhận các điều kiện mà họ đưa ra, nguồn tin thông tấn xã AP cho hay.

 

Bản thông cáo chung của hai nhóm kháng chiến được công bố chỉ một ngày trước dịp kỷ niệm năm thứ ba giới quân nhân tước đoạt quyền cai trị của chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi cầm đầu, và cũng là ngày chính phủ quân nhân kéo dài tình trạng khẩn cấp tại Myanmar thêm sáu tháng nữa. Tình trạng khẩn cấp trao quyền cho giới quân nhân đảm nhận mọi chức vụ trong guồng máy cai trị đất nước.

 

Bản thông cáo chung nói trên, được công bố trên mạng xã hội, là dấu hiệu rõ ràng nhất về mục tiêu của phe kháng chiến một khi họ đạt chiến thắng trong cuộc nội chiến. Chính phủ quân nhân chưa đưa ra phản ứng sớm sủa nào.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/02/GettyImages-1968696638-1536x1024.jpg

Con đường vắng lặng gần Chùa Shwe Dagon ở Yangon, Miến Điện, trong một cuộc biểu tình thầm lặng hôm 1 Tháng Hai, 2024, đánh dấu năm thứ ba kể từ vụ quân phiệt lật đổ chính quyền do dân bầu (Hình: STR/AFP/Getty Images)

 

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar diễn ra khi quân đội lên nắm quyền và sử dụng bạo lực chết người để đàn áp các cuộc phản đối trong hòa bình của dân chúng, dẫn tới những cuộc kháng chiến võ trang trên khắp nước mà chính quyền quân nhân không đủ khả năng dẹp tan.

 

Bản tuyên bố mới được đưa ra là quyết định của Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia, tự coi mình là chính quyền hợp pháp của Myanmar, gồm các nhà lập pháp dân cử từng bị phe quân nhân cấm đảm nhiệm chức vụ mà họ được bầu lên. Các tổ chức khác cùng ký tên chung trong bản tuyên bố bao gồm Mặt Trận Quốc Gia Chin, Đảng Quốc Gia Tiến Bộ Dân Tộc Karen và Liên Hiệp Quốc Gia Karen, tất cả hiện đang sát cánh chiến đấu chống chính phủ quân nhân.

 

Các mục tiêu được đề ra trong bản tuyên bố chung bao gồm việc chấm dứt cuộc can dự của quân đội vào chính trường, đặt mọi ban, ngành và quân, binh chủng trong quân đội dưới quyền một chính quyền dân sự do dân chúng bầu lên, soạn thảo và công bố một hiến pháp mới, trong đó nêu rõ kết cấu liên bang của đất nước cùng các giá trị của nền dân chủ, thiết lập một chính quyền dân cử liên bang và xây dựng một hệ thống tư pháp chuyển tiếp. (TTHN)





No comments:

Post a Comment

View My Stats