Friday 2 February 2024

HOA KỲ TĂNG CƯỜNG TRÙNG PHẠT MIẾN ĐIỆN BA NĂM SAU ĐẢO CHÁNH QUÂN SỰ (Thanh Hà / RFI)

 



Mỹ tăng cường trừng phạt Miến Điện ba năm sau đảo chính quân sự

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 01/02/2024 - 10:34

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240201-m%E1%BB%B9-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%C3%A1c-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-ba-n%C4%83m-sau-%C4%91%E1%BA%A3o-ch%C3%ADnh-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1

 

Đúng kỷ niệm 3 năm quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, ngày 01/02/2024 tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi « chấm dứt bạo động » và « khôi phục nền dân chủ » tại quốc gia Đông Nam Á này. Hoa Kỳ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Miến Điện vào lúc tập đoàn quân sự triển hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp.

 

https://s.rfi.fr/media/display/82498e28-c0e0-11ee-a67f-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23173416701795.webp

Quân đội Miến Điện duyệt binh Ngày Lực lượng Vũ trang lần thứ 78 tại Naypyitaw ngày 27/03/2023. AP - Aung Shine Oo

 

Bộ Tài Chính Mỹ hôm 31/01/2024 siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện. Các biện pháp mới nhắm vào những « thực thể thân cận với chế độ » Naypyidaw, trong đó có tập đoàn dầu khí Shwe Byain Phyu trong tay nhà tài phiệt Thein win Zaw, một nhân vật thân cận với giới tướng lĩnh cầm quyền. Tập đoàn vận tải đường biển Myanmar Five Star cũng có tên trong danh sách trừng phạt mà Washington vừa ban hành. Chính quyền Biden giải thích mục tiêu đề ra là nhằm « cắt đứt các nguồn tài trợ của một chế độ đang đàn áp chính dân tộc của họ ».

 

Từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, Miến Điện liên tục sống trong tình trạng khẩn cấp. Hôm qua, chính quyền Naypyidaw thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp này thêm sáu tháng. Tập đoàn quân sự một lần nữa hoãn ngày tổ chức bầu cử như đã hứa hẹn cách đây ba năm. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, từ sau cuộc đảo chính « hơn 4.400 người dân Miến Điện đã thiệt mạng trong các đợt đàn áp ». Dù vậy tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn không ổn định hơn, đặc biệt là sau loạt tấn công phối hợp của ba lực lượng vũ trang thiểu số mang tên Liên Minh Huynh Đệ từ ngày 27/10/2023.

 

Carol Isoux thông tín viên RFI từ Bangkok tường thuật về những hoạt động của lực lượng nổi dậy gần biên giới giữa Miến Điện với Thái Lan :

 

Những mảnh vỡ bằng kim loại, những đống gạch đổ nát,đó là tất cả những vết tích còn lại của 1 đồn cảnh sát ở Mese, một thành phố Miến Điện cách biên giới Thái Lan chừng 50 km. Những chiến binh trẻ thuộc lực lượng tự vệ Karenni đã tấn công vào đồn cảnh sát này và sát hại khoảng 20 nhân viên an ninh của Miến Điện. Aung Naing, 20 tuổi, vác trên vai một khẩu súng trường, kể lại đợt tấn công đó : « Lính và cảnh sát trốn ở tầng lầu bên trên. Họ bắn vào chúng tôi và không chịu đầu hàng. Cuộc đọ súng kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Chúng tôi thả bom xăng tự tạo vào chỗ họ, rồi chúng tôi bỏ đi. Lác đác tại khắp thành phố này giao tranh diễn ra trong cả tháng trước khi chúng tôi chiếm được Mese. Lính Miến Điện bỏ đi nhưng chúng tôi biết là phải tiếp tục chiến đấu ».

 

Ba năm sau cuộc đảo chính, các lực lượng nổi dậy giờ đây đã được tổ chức lại và đang mở rộng hoạt động khắp nơi, nhất là ở các vùng biên giới, nơi mà các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đã kiểm soát được những vùng nông thôn và một số thành phố chính.Tập đoàn quân sự Miến Điện chưa bao giờ bị suy yếu như hiện nay. Tuy vậy, vẫn chưa thể dự đoán được về tương lai chính trị của Miến Điện cũng như về một mô hình lãnh đạo đất nước mà 140 sắc tộc thiểu số khác nhau có thể chấp nhận được. 

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Ba năm sau đảo chính, chính quyền quân sự Miến Điện thêm suy yếu

 

MẾN ĐIỆN - CHÂU ÂU - TRỪNG PHẠT

Liên Âu mở rộng trừng phạt tập đoàn quân sự Miến Điện





No comments:

Post a Comment

View My Stats