Wednesday, 10 January 2024

TỔNG THỐNG CÓ PHẢI LÀ VUA? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Tổng thống có phải là vua?

Hiếu Chân/Người Việt

January 9, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tong-thong-co-phai-la-vua/

 

Sáng Thứ Ba, 9 Tháng Giêng, cựu Tổng Thống Donald Trump xuất hiện tại tòa kháng án liên bang ở Washington, DC, nơi đang xem xét liệu hành động của ông đòi lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 có được “miễn tố” (immunity) trách nhiệm hình sự hay không. Truyền thông tường thuật từ tòa án cho biết các thẩm phán đều tỏ ra hoài nghi tuyên bố của ông Trump rằng ông được miễn tố mọi tội hình sự do những hành động trong thời gian ông làm tổng thống và ông yêu cầu hủy bỏ vụ kiện do Bộ Tư Pháp và Công Tố Viên Đặc Biệt Jack Smith khởi xướng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/01/BL-Tong-Thong-Vua-1536x1024.jpg

Cựu Tổng Thống Donald Trump rời khách sạn Waldorf Astoria nơi ông tổ chức họp báo sau khi xuất hiện tại tòa kháng án liên bang ở Washington, DC hôm 9 Tháng Giêng. (Hình: Kent Nishimura/Getty Images)

 

Để tiện theo dõi, xin phép nhắc lại ông Trump đang đối mặt với bốn vụ kiện lớn, trong đó có hai vụ kiện cấp liên bang ở Washington, DC về âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử và ở Florida về vụ thủ đắc bất hợp pháp các tài liệu mật của chính phủ Hoa Kỳ. Trong vụ kiện về kết quả bầu cử, ông Trump và các luật sư của ông cho rằng, không thể xử ông Trump tội hình sự bởi vì Thượng Viện Hoa Kỳ đã tha bổng (acquit) ông về hành vi xúi giục bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021. Hồi tháng trước, Chánh Án Tanya Chutkan, người thụ lý xử ở tòa sơ thẩm liên bang khu vực Washington, DC, bác bỏ lập luận đó với lý do không một cựu tổng thống nào được miễn tố tội hình sự gây ra do các hành vi công hoặc tư. Phía ông Trump kháng cáo quyết định của bà Chutkan lên tòa kháng án và đó là lý do dẫn tới phiên tòa hôm Thứ Ba.

 

Tại phiên tòa, các luật sư đại diện cho ông Trump và đại diện Bộ Tư Pháp đã tranh luận trước hội đồng – gồm ba chánh án Michelle Childs, Florence Pan, và Karen Henderson – về giới hạn của quyền miễn tố của tổng thống, về cáo buộc hình sự đối với ông Trump và ảnh hưởng của nó đối với tương lai chính trị Hoa Kỳ. Ông Trump không bị buộc phải có mặt tại phiên tranh luận sáng Thứ Ba, nhưng ông vẫn đến dự.

 

Nói vắn tắt, quan điểm của phía ông Trump là không thể xử tội ông vì ông là tổng thống, hành động của ông là thực thi nhiệm vụ hiến định của người đứng đầu nhánh hành pháp. Ngược lại, quan điểm của công tố là không ai được đứng trên pháp luật, tổng thống không phải là vua và hành động của ông Trump trước, trong và sau vụ 6 Tháng Giêng, 2021, là hành vi tội phạm của cá nhân một ứng cử viên cay cú vì thất cử chứ không nằm trong nhiệm vụ chính thức của tổng thống Hoa Kỳ.

 

Luật Sư John Sauer, đại diện ông Trump, lập luận rằng một tổng thống chỉ có thể bị truy tố và kết tội sau khi bị Thượng Viện kết án và truất phế. Ông Trump đã hai lần bị Hạ Viện luận tội nhưng cả hai lần đều được Thượng Viện tha bổng vì không đủ số phiếu kết tội (67/100 phiếu). Trong cuộc luận tội ông Trump lần thứ hai hồi Tháng Hai, 2021, về hành vi xúi giục bạo loạn tấn công Quốc Hội, có 57 thượng nghị sĩ – gồm 50 Dân Chủ và bảy Cộng Hòa – bỏ phiếu kết tội (convict). Bốn mươi ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu tha bổng. Khi bỏ phiếu tha ông Trump, nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hòa tán thành lập luận của các luật sư biện hộ cho ông Trump rằng, hành vi xúi giục bạo loạn là tội hình sự, phải được xét xử tại tòa án thuộc nhánh tư pháp chứ không thể xem xét tại cơ quan lập pháp, theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Tại phiên tòa hôm Thứ Ba, ba nữ chánh án nhắc lại lập luận đó và chỉ ra mâu thuẫn giữa quan điểm của ông Trump khi đó với bây giờ.

 

Chưa một tổng thống Mỹ nào bị kết tội hình sự trước đây, và các luật sư của ông Trump cho rằng, nếu ông bị kết tội thì điều đó sẽ mở ra một “chiếc hộp Pandora” (*) (tạm gọi là “hũ mắm”) làm cho các tổng thống tương lai hoặc bị kết án với đủ loại tội danh hoặc sẽ làm việc với sự dè dặt vì lo sợ bị truy tố sau khi rời Tòa Bạch Ốc. Phát biểu sau phiên tòa, ông Trump nói [nếu ông bị kết tội hình sự] thì “đất nước sẽ hỗn loạn” dù ông nhiều lần tuyên bố nếu đắc cử ông sẽ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt “theo đuổi” Tổng Thống Biden và gia đình, sẽ luận tội ông Biden, thậm chí sẽ “tử hình” những người ông ghét như Đại Tướng Mark Milley, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, mới nghỉ hưu.

 

Trước tòa, Luật Sư James Pearce, đại diện chính phủ Mỹ, cho rằng quan điểm “tổng thống chỉ có thể bị kết tội sau khi bị Thượng Viện truất phế” là một lập luận “cực kỳ đáng sợ.” Nó sẽ cho phép tổng thống coi mình là vua, là hoàng đế, đứng trên pháp luật và làm mọi việc theo ý muốn cá nhân mà không sợ trách nhiệm hay sự trừng phạt.

 

Các chánh án chủ trì phiên tranh luận có vẻ đồng ý với ý kiến của Luật Sư Pearce. Chánh Án Florence Pan nêu một tình huống giả định: “Liệu một tổng thống có thể bán lệnh ân xá, bán bí mật quân sự, có thể phái lực lượng đặc nhiệm đi ám sát các đối thủ chính trị hay không? Một tổng thống như vậy có thể bị xử tội hình sự hay không ngay cả khi ông chưa bị [Quốc Hội] luận tội?”

 

Chánh Án Henderson – được cố Tổng Thống George HW Bush (Cộng Hòa) đề cử – không công nhận hành động của ông Trump trước, trong và sau vụ 6 Tháng Giêng là thi hành nhiệm vụ. “Thật nghịch lý khi nói việc [ông Trump] làm nhiệm vụ hiến định là bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh luật bầu cử lại cho phép ông vi phạm luật hình sự,” và bà nhận định các vụ án suốt 200 năm qua chứng tỏ không có ai “dù là thường dân ngoài phố hay tổng thống… được miễn trừ trách nhiệm hình sự.”

 

Luật Sư Pearce cũng cho rằng không có cơ sở để suy luận việc kết tội hình sự ông Trump lần này sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các tổng thống tương lai bởi vì “chưa bao giờ một tổng thống đương nhiệm bị cáo buộc cấu kết cùng các cá nhân sử dụng quyền lực để lật đổ nền cộng hòa dân chủ và hệ thống bầu cử” và trường hợp ông Trump không báo trước những vụ truy tố lẫn nhau trong tương lai.

 

Trong thực tế, một số quốc gia dân chủ đã truy tố, xét xử và bỏ tù một số cựu tổng thống về tội hình sự mà không gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống chính trị của nước họ.

 

Nước Pháp năm 2011 xử cựu Tổng Thống Jacques Chirac (nhiệm kỳ 1995-2007) hai năm tù treo về tội lạm dụng công quỹ, gây mất lòng tin và xung đột lợi ích trong thời gian làm thị trưởng Paris. Mười năm sau, năm 2021, Pháp lại xử cựu Tổng Thống Nicolas Sarkozy (nhiệm kỳ 2007-2012) một năm tù treo vì gây quỹ tranh cử bất hợp pháp, một năm tù giam và hai năm tù treo cho tội tham nhũng.

 

Đài Loan năm 2009 xử cựu Tổng Thống Trần Thủy Biển (nhiệm kỳ 2000-2008) 19 năm tù giam về tội nhận hối lộ và rửa tiền. Ông Trần được bà Tổng Thống Thái Anh Văn cùng đảng Dân Tiến với ông ân xá năm 2016 sau bảy năm ngồi tù.

 

Năm 2018, Nam Hàn kết án cựu Tổng Thống Park Geun-hye (nhiệm kỳ 2013-2017) 24 năm tù giam vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Bà Park được người kế nhiệm ân xá năm 2021 sau năm năm ngồi tù.

 

Đây chỉ là vài ví dụ. Không thể nói Pháp, Đài Loan, hoặc Nam Hàn có kỷ cương dân chủ vững mạnh hơn Hoa Kỳ và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy các nước này rơi vào hỗn loạn sau khi các cựu tổng thống của họ bị kết tội hình sự và phải ngồi tù.

 

Các luật sư của ông Trump đề nghị tòa án nên sử dụng án lệ Tối Cao Pháp Viện cho phép cựu Tổng Thống Richard Nixon được miễn trừ trách nhiệm trong vụ kiện dân sự năm 1982 vào vụ ông Trump. Nhưng Chánh Án Michelle Childs từ chối vì cho rằng ông Nixon chưa bao giờ bị truy tố tội hình sự và sự kiện ông được tổng thống kế nhiệm “ân xá” cho thấy “một giả định rằng ông có thể bị xử tội hình sự sau khi rời nhiệm sở.”

 

Vấn đề ông Trump có được miễn tố tội hình sự trong vụ 6 Tháng Giêng hay không sẽ ảnh hưởng tới quyết định liệu ông có thể ứng cử tổng thống năm nay hay không. Phiên tòa xử vụ này dự tính sẽ diễn ra vào ngày 4 Tháng Ba, và nếu chính thức bị kết tội xúi giục bạo loạn, ông Trump có thể bị loại ra khỏi danh sách ứng cử viên, chiếu theo Khoản 3, Tu Chính Án số 14 – điều mà tiểu bang Colorado và tiểu bang Maine đã bắt đầu.

 

Chưa rõ khi nào ba chánh án của tòa kháng án sẽ đưa ra phán quyết về chuyện này, và dự đoán ông Trump sẽ tiếp tục đòi phiên tòa đầy đủ của tòa kháng án xử hoặc kiện lên Tối Cao Pháp Viện nếu phán quyết bất lợi cho ông. Điều khác thường là ông Trump đã kháng cáo lên tòa kháng án trước khi có bản án chính thức của tòa cấp dưới, một chuyện trái với trình tự tố tụng hình sự. Mục tiêu của ông Trump, theo nhận định của giới phân tích, không chỉ là làm rõ giới hạn của quyền “miễn tố” hay hủy bỏ vụ án mà quan trọng hơn là sử dụng những cuộc tranh tụng pháp lý dằng dai để đình hoãn vụ án. Nếu vụ án bị đình lại vào cuối thời kỳ tranh cử hoặc thậm chí đến sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 5 Tháng Mười Một thì ông Trump sẽ có nhiều lợi thế. Ông sẽ không bị gạch tên khỏi phiếu bầu, và nếu đắc cử ông hoàn toàn có đủ thẩm quyền hủy bỏ vụ xử án hoặc tự ân xá cho chính mình!

 

Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là người dân được phép làm những gì pháp luật không cấm trong khi giới chức chỉ được làm những điều được pháp luật cho phép. Hành vi của ông Trump trong vụ 6 Tháng Giêng, 2021, rõ ràng không phải là điều được pháp luật Hoa Kỳ cho phép.

 

Đơn giản chỉ có vậy! [đ.d.]

 

-----------------------

 

(*) Hộp Pandora: Trong thần thoại Hy Lạp, Pandora là người phụ nữ đầu tiên được Thượng Đế tạo ra và trao cho một chiếc hộp bí mật, trong đó chứa những điều xấu xa ác độc như bệnh tật, chết chóc, lòng ghen tị, nghèo khổ.… Thượng Đế bảo Pandora đừng bao giờ mở chiếc hộp nhưng vì tò mò nàng đã không vâng lời và thế là các điều xấu bay ra, lan khắp thế giới và khiến cuộc sống của nhân loại khốn khổ tới tận bây giờ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats