Wednesday 31 January 2024

KHOẢNG TRỐNG QUYỀN LỰC TRONG ĐẢNG CÒN KÉO DÀI BAO LÂU? (Trần Hiếu Chân, Blog RFA)

 



Khoảng trống quyền lực trong Đảng còn kéo dài bao lâu?

Bình luận của blogger Trần Hiếu Chân
2024.01.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-deep-is-the-power-void-01302024115024.html

 

Giáo sư Jonathan London từ Đại học Leiden (Hà Lan), khi hay tin sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây không được ổn định, đã “tuýt” như sau: “Việt Nam đang bước vào giai đoạn triết gia Gramsci gọi là ‘interregnum’ (thời kỳ bất ổn và không chắc chắn): Quá khứ đang hấp hối, mà tương lai vẫn chưa được định hình...” Liệu khoảng trống quyền lực này sẽ còn kéo dài trong bao lâu?

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-deep-is-the-power-void-01302024115024.html/@@images/b2af46a2-f284-435d-801c-1a431891a59a.jpeg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 12/12/2023.   AFP

 

Như thế là tính đến gần đây, đã có ba bốn nguyên thủ quốc gia nước ngoài được nghe 21 phát đại bác rung chuyển hội trường Ba Đình nhưng lại “trượt” cái bắt tay và chụp ảnh chung với TBT Nguyễn Phú Trọng. Sau lần “ẩn – hiện” từ cuối năm ngoài đến đầu năm nay của ông Trọng, liên tục có những đồn đoán liên quan đến tình trạng bệnh tình không biết là giả hay thật của ông. Rõ ràng việc ông Trọng ra – vào bệnh viện, dù do bất thường hay chỉ là để kiểm tra định kỳ, không còn là chuyện “bí mật quốc gia” nữa rồi. Theo tin nội bộ – dĩ nhiên ẩn danh, vì sợ phạm húy khi động đến “long thể” của Tổng bí thư – bên cạnh Vương Chủ tịch, một vài cái tên khác đã được nhắc đến… để “truyền ngôi”. Về cuộc đua giữa Đại tướng Công an Tô Lâm với Đại tướng Quân đội Phan Văn Giang, nghe đồn lợi thế đang nghiêng về bên có “súng dài”. Việc vin vào một vụ án đã có “râu quai nón” để bắt khẩn cấp cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, cũng được dư luận “thêu dệt”, đó lệnh đánh vào “Đoàn phái”, để hạ uy tín các cựu thủ lĩnh một thời là Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai (1).

 

Cuộc chuyển giao quyền lực lần này, nhìn bề ngoài, được tiến hành lặng lẽ, nhưng bên trong thì rất khẩn trương và nhiều thuyết âm mưu. Một nguồn thạo tin cho biết cuộc đấu đá quyết liệt đến mức, Trung ương đã phải hoãn họp một lần! Cách đây nhiều năm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn từng kêu ca về hội chứng “tối mật” đối với sức khỏe của lãnh đạo. Phó Chủ tịch từng phàn nàn, không ít việc khó hiểu như sức khoẻ ông Nguyễn Bá Thanh thời đó cũng bị coi là mật (?!) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì chất vấn: “Cứ cấm, cứ hạn chế thì làm sao dân tiếp cận được thông tin… 30 năm kinh tế cởi trói rất nhiều rồi, làm sao để cởi trói cho dân tiếp cận thông tin tốt hơn?” (2). Nhắc lại chuyện cũ trong bối cảnh mới: Trong bài viết giữa tháng Giêng 2024, tờ Bloomberg, hãng thông tấn quốc tế uy tín có trụ sở ở New York (Mỹ) đã dẫn lời hai quan chức ẩn danh tại Việt Nam, nắm vấn đề về sức khỏe TBT cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng, 79 tuổi, đã nhập viện “hồi đầu tuần này liên quan đến một loại bệnh chưa được xác định.” Thế nhưng, bằng một động thái hiếm hoi, ngày 13/1/2024, trang Facebook chính thức của Công an tỉnh Vĩnh Phúc lại lập tức phủ nhận: “MXH TikTok, các trang báo phản động đang xuất hiện các thông tin sai sự thật về TBT Nguyễn Phú Trọng, như “TBT Nguyễn Phú Trọng qua đời, TBT Nguyễn Phú Trọng vắng mặt đi chữa bệnh...” Trang mạng này viết lấy được: “Đấy là các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, quý bạn đọc và nhân dân lưu ý” (3). 

 

Tuy nhiên, rất ăn khớp với bản chất của nền chính trị tù mù và “thò ra thụt vào”, ngay lập tức sau đó khoản một giờ đồng hồ, nội dung trang này đã đã bị ai đó ra lệnh gỡ bỏ. Nhưng trước đos, Giáo sư Alexander L. Vuving, từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, đã đánh giá trên mạng xã hội X (Twitter): “Các ứng viên có khả năng nhất kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Tổng Bí thư là: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội và Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.” Tương tự, tham gia trên mạng xã hội, Phó Giáo sư Jonathan London, hiện giảng dạy tại Đại học Leiden, Hà Lan, viết: “Chưa có tin chính thức mà vẫn rõ: Không ai có ảnh hưởng chính trị trong thập kỷ qua hơn NPT [Nguyễn Phú Trọng]. Bây giờ Việt Nam đang vào giai đoạn mà Gramsci gọi là interregnum: Quá khứ đang hấp hối, mà lại tương lai vẫn chưa sinh ra. Một giai đoạn có tính quyết định đã đến.” (4)

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-deep-is-the-power-void-01302024115024.html/000_347q97q-1.jpg/@@images/2f13d097-e218-4288-890f-42a404e2c69b.jpeg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội hôm 12/12/2023. AFP

 

Điều khá ngạc nhiên đối với giới quan sát, dư luận trong xã hội Việt Nam phần lớn tỏ ra bàng quan trước cái tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể “ra đi”, hoặc ít nhất sẽ thôi giữ chức “Đảng trưởng” như trước đây nữa. Có hai khuynh hướng khá rõ rệt. Thứ nhất, cho rằng, ông Trọng có “ra đi” thì cũng là “hồng tang” rồi, vì bước sang tuổi 80, lại chịu nhiều bệnh tật, mà trụ được cho đến hôm nay, như thế là phúc nhà! Mọi chuyện sẽ có Đảng và Nhà nước lo, không có gì phải chộn rộn. Khuynh hướng thứ hai, tiêu cực hơn, cho rằng, chẳng mấy ai quan tâm đến người thay ông Trọng làm Tổng bí thư. Tất cả sẽ là “vũ như cận” (vẫn như cũ!) Trên đài VOA của Chính phủ Mỹ, Blogger Lê Quốc Quân có bài viết “Uy tín Đảng cao hơn tương lai đất nước”. Bình luận rằng, Việt Nam là một hình đồng dạng của Trung Quốc… Cả hệ thống chính trị đang loay hoay giải quyết bài toán “uy tín chính trị” của Đảng và các cá nhân lãnh đạo Đảng, chứ không phải là tương lai đất nước (5). 

 

Trên đài RFA mới đây, Blogger Đồng Phụng Việt có nhắc lại câu chuyện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần trước cũng phải vào viện vì nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng đã không báo cáo cho Tổng thống, Quốc hội, và dân chúng Mỹ cũng không hề hay biết... Giữa lúc chính trường nước Mỹ đang trong tình trạng phân hóa chưa từng thấy, nhưng các đại diện của hai Đảng, cả Cộng hòa lẫn Dân chủ, vẫn cùng soạn thảo một Dự luật, bắt buộc Hội đồng An ninh Quốc gia phải thông báo sớm và rạch ròi về những bất thường liên quan đến sức khỏe của các thành viên. Dự luật nhấn mạnh, đòi hỏi này xuất phát từ lợi ích quốc gia – dân tộc khi các cá nhân nắm giữ vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia không thể đảm đương được nhiệm vụ thì phải thông báo cho cử tri? (6) Nước Mỹ là nơi giờ đây không cần bi bô… “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng từ trước đến nay đã như thế và vẫn sẽ như thế (7). Còn Việt Nam ta, nơi có nền dân chủ “gấp vạn lần nền dân chủ xứ tư bản giẫy chết”, thì Đảng/Nhà nước vẫn giành và giữ vững vai trò “chủ nô”, không bao giờ cho “nô lệ” dưới quyền được biết, được bàn về sức khỏe của “các chủ nô”. Từ liu tiu như Nguyễn Bá Thanh, Đinh Thế Huynh… cho đến các loại “Tứ trụ” như Trần Đại Quang hay những ngày này là Nguyễn Phú Trọng, ngoại trừ khi có tin quốc tang về các vị ấy! 

________________

Tham khảo:

 

(1) https://thoibao.de/blog/2024/01/27/nguyen-cong-khe-va-cau-hoi-ai-dung-phia-sau-trang-chan-dung-quyen-luc 

 

(2) https://tuoitre.vn/suc-khoe-lanh-dao-khong-den-muc-phai-bi-mat-947868.htm 

 

(3) https://anhbasamdotblog.wordpress.com/2024/01/14/211-hoan-nghenh-trang-facebook-cong-an-vinh-phuc-bac-bo-thong-tin-xuyen-tac-ve-suc-khoe-tong-bi-thu/ 

 

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czqv4qvgw70o 

 

(5) https://www.voatiengviet.com/a/uy-tin-dang-cao-hon-tuong-lai-dat-nuoc/7437571.html 

 

(6) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/general-secretary-health-democracy-01132024095659.html 

 

(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/general-secretary-health-democracy-01132024095659.html 

 

--------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats