Tuesday 30 January 2024

VỤ BÁN CON LẤY 18 TRIỆU (Tổng hợp)

 



NỘI DUNG :

 

Nhung  

Phan Thuý Hà

.

Vụ bán con lấy 18 triệu

Dương Quốc Chính   

.

Khổ đau tột cùng

Tạ Duy Anh

.

Xưa bán con được ca tụng, nay bán con phải ở tù

Chu Mộng Long

 

=====================================================

.

.

Nhung  

Phan Thuý Hà

30-1-2024  03:26    

https://www.facebook.com/minhquan.tranphan/posts/pfbid02BmKiGLbQ2JuNfRG42u7s2o4jfrPyMtLnGLvZPvF6UaMaXzGqWDSxSS1oFmCvm7pbl

 

Nhung:

 

Lúc bé được hơn một tháng, không biết bé bị làm sao mà cứ mỗi lần bú vô là ọc ra màu vàng nhớt nhớt, ngày nào cũng ộc ra, con sợ lắm, con không có tiền cho bé đi khám, vô bệnh viện tốn tiền lắm, khi con sinh bé con không có tiền nộp viện phí nên bé vẫn chưa có giấy chứng sinh, nên con không biết làm sao dẫn bé đi khám, lỡ bé bị gì, mà con không có khả năng.

 

Con mới nhớ ra cái trang đó, có một lần có chị đó share về một bài nói cần tìm gia đình hiếm muộn cho con, con mới thắc mắc hiếm muộn là gì, nên con vào coi, con thấy họ đăng tin gia đình hiếm muộn cần tìm gia đình nào khó khăn không nuôi được con họ xin về họ nuôi, rồi có nhiều người mẹ khó khăn vô đó kiếm gia đình hiếm muộn để cho bé. Con chỉ coi mấy bài rồi con đi ra.

 

Con kiếm lại trang đó, con vô đăng bài trong nhóm: Cần tìm gia đình hiếm muộn nhận nuôi bé năm mươi ngày tuổi. Con có yêu cầu gặp mặt trực tiếp. Để biết người đó là ai. Con muốn tìm gia đình khá giả, lo được cho bé đầy đủ hơn là ở với con. Bài viết con chưa được duyệt trên nhóm. Có anh tên Dương, fb tên là Thanh Thảo, nhắn tin cho con, anh xưng là quản trị viên của nhóm.

 

Điện thoại đó là của chú của chồng con, điện thoại hư, chú cho con, con sửa lại xài. Con mới vô facebook khi sinh bé thứ ba. Con cài facebook để nhắn tin cho người nhà con cho đỡ tốn tiền.

 

Anh hỏi cần tiền bồi dưỡng không, con nói nếu được thì cho con hai chục triệu. Anh đó xuống, anh kêu là, em có thể giảm cho anh hai triệu được không, để anh về mua tã, sữa lo cho bé.

 

Khi con nhận tội con không biết gì về luật. Con nghe đó con tin đó. Giờ nghe chú luật sư nói con hiểu được hơn một xíu về luật.

 

Ba mẹ hỏi sao lại làm vậy, không suy nghĩ sao làm vậy, có chuyện gì sao không nói với ba mẹ mà hai vợ chồng đi làm như vậy, giờ phạm tội ba mẹ không giúp được gì hết.

 

Khi con và chồng con quyết định cho con, tụi con không nói cho ba mẹ biết. Khi nghe tòa xử án con mười năm, chồng con mười ba năm, mẹ con ngất xỉu. Mẹ con bị bệnh tim, mẹ rất yếu, hay bị ngất. Mẹ con đi lụm trái bàng, hai ba ngày mới được một bao, mẹ phơi, đập ra được một ký nhân, bán được hai trăm mấy, khi được trăm tám. Ngoài ra không có công việc gì hết. Ba con thì bán vé số. Ba đẻ ra bị tật, tay và chân nhỏ xíu. Ba mẹ nợ nần nhiều nữa, miếng đất và ngôi nhà đang ở cũng gán nợ, con không muốn ba mẹ buồn thêm nên con không nói.

 

Bây giờ nhìn ba đứa bé, mẹ con lại nhớ con bé, (đang được trung tâm bảo trợ nuôi) mẹ lại chảy nước mắt, mẹ nói, phải chi hồi đó con quyết định cái gì đó con nói với ba mẹ, ba mẹ giúp được gì thì giúp, thì giờ anh em tụi nó không phải xa nhau như vậy, đâu phải cha ở một nơi mẹ ở một nơi con ở một nơi như vậy.

 

Khi lên tòa con nói hết như vậy với tòa.

 

Khi lên tòa mẹ con xin bé về nuôi, xin nhiều lần, nhưng họ không cho.

 

Cô ở tòa nói, phải bắt nó vô tù chứ để nó ở nhà nó bán con nó nữa.

 

Con nghe thì con chỉ buồn thôi. Tại vì con đã làm như vậy rồi, con không biết trả lời làm sao nữa. Con tự giận con, con mình đẻ ra mà không nuôi, không biết tại sao lúc đó con lại làm như vậy nữa.

 

Khi cho con đi rồi, con gọi để xin lại bé, trả lại tiền nhưng điện thoại không liên lạc được.

 

HÌNH : https://www.facebook.com/photo/?fbid=7078923512225195&set=a.334012406716373

 

.

48 BÌNH LUẬN   

 

==================================

 

Dương Quốc Chính - Vụ bán con lấy 18 triệu

23-1-2024

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/duong-quoc-chinh-vu-ban-con-lay-18-trieu.html#more

 

Vụ hai vợ chồng bán con lấy 18 triệu tạo nên nhiều nghịch lý xã hội. Cặp đó bán một đứa con út (hình như mới 1 tháng tuổi), tức là chưa đầu tư gì vào việc nuôi dạy, cũng chưa có nhiều tình cảm gắn bó, để lấy tiền nuôi ba đứa còn lại lớn hơn.

 

Nhưng họ bị bắt bỏ tù, tức là sẽ không có 18 triệu để nuôi con (cũng chưa chắc thực tế đã vậy). Mà hơn nữa, bốn đứa con mất luôn bố mẹ, chỉ còn trông vào ông bà, đói rách bệnh tật. Chúng nó sẽ sống sao?

 

Tòa cho rằng, bán con đã là một tội, bán mà còn không quan tâm đến người mua là ai, hoàn cảnh thế nào, thì tội nặng hơn.

 

Nhưng ngẫm lại, nhà này đã quá nghèo, dưới đáy xã hội rồi, thì cho ai nuôi thì đứa bé cũng sướng hơn sống với bố mẹ đẻ. Nên bán con có khi lại là giúp con có cuộc sống tốt hơn, vì không thể khổ hơn được nữa (người nghèo hơn sẽ chẳng có tiền mà mua con).

 

Mình nghĩ tòa xử không sai, mức án là đích đáng, vì tội buôn bán trẻ em (lại chính là con mình), về mặt đạo đức cũng không thể chấp nhận. Nhưng về lý tính mà suy xét thì bản án tưởng chừng như để răn đe xã hội, lấy lại công bằng cho nạn nhân (như mục tiêu của việc xử án nói chung) thì trong vụ này lại tạo nên một nghịch lý là làm hại thêm nạn nhân, chính là những đứa con, tạo thêm gánh nặng cho gia đình họ. Bố mẹ lẽ ra phải đi làm để nuôi con, thì nay lại không phải nuôi nữa, và chính họ lại được nhà nước nuôi ở tù!

 

Còn việc bán con, tưởng chừng như làm hại nó, thì có lẽ lại tốt cho nó hơn. Một đứa trẻ 1 tháng tuổi đang là vô tri, nó sẽ chả đau buồn gì cả, mà chính bố mẹ nó mới đau buồn, nếu có tình mẫu tử. Tức là hành động bán con không làm hại ai, chả hại xã hội, mà chỉ làm hại chính thủ phạm.

 

Vậy bản án đúng về pháp lý, nhưng lại sai về mặt xã hội? Có cách nào để giải quyết nghịch lý này không? Chính quyền, các tổ chức xã hội có trách nhiệm gì không?

 

Đúng là quá nghèo mà lại đẻ nhiều thì là làm hại xã hội. Nếu các tổ chức, cá nhân, không đứng ra gánh vác, thì chính cơ quan bảo vệ pháp luật đã góp phần bóp chết bốn đứa bé không ai nuôi.

 

Nhưng người nghèo làm cách nào để hạn chế đẻ, khi mà họ chả có tiền mua bao cao su, không muốn/không có tiền để đặt vòng, uống thuốc tránh thai (bản chất là triệt sản tự nguyện). Họ sinh đẻ tự nhiên như cây cỏ, như động vật hoang dã thôi, sao mà hạn chế được. Đây mới là nghịch lý xã hội lớn nhất. Phải chăng các bệnh viện công cần có dịch vụ triệt sản miễn phí cho người nghèo? Nghe thì có vẻ ác và phân biệt đối xử, sad but true.

 

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 23.01.2024

 

Publié par Thụy My RFI à 18:00

 

==============================================

 

Tạ Duy Anh - Khổ đau tột cùng

22-1-2024 

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/ta-duy-anh-kho-au-tot-cung.html#more

 

Mải việc cưới xin cho con và sau đó chống đỡ cơn đau thần kinh cấp, đêm qua tôi mới có thời gian và tâm trí để tìm hiểu về "vụ án bán con", của một cặp vợ chồng trẻ.

 

Tôi không thể nào ngủ được.

 

Mẹ tôi lúc nhỏ từng bị đem "bán" (thực ra là gửi vào cửa khác) và nhờ thế bà mới có cơ hội sống sót để rồi có chúng tôi.

 

Cô ruột tôi từng phải đem cho đứa em sinh đôi, mà nếu tính thứ tự, nó đứng thứ 10. Ngày ấy tôi đã đủ lớn, để hiểu sự khổ đau của người mẹ phải cho con sang nhà khác, dù nhờ thế nó sướng hơn đứa được giữ lại. Giờ hai em tôi đều trưởng thành và chúng không hề trách cô tôi.

 

Trừ rất ít trường hợp bị xem là quỷ ám, trong đại đa số các lựa chọn, cha mẹ luôn lựa chọn điều tốt nhất cho con. Đó là bản năng vĩ đại của người làm cha mẹ. Mất bản năng này, thứ bản năng không thể bị nghi ngờ, nhân loại chắc chắc bị diệt vong từ trứng nước.

 

Buôn bán trẻ con, trong đó không ít trường hợp núp dưới danh nghĩa nhận và cho con nuôi trái luật, là hành vi tội ác phải bị nghiêm trị và phải tìm mọi cách để tiễu trừ tận gốc tệ nạn đó. Nhưng luật pháp không chỉ là các nguyên tắc phổ quát, được cụ thể hóa bằng các khung hình khi xét xử, mà còn rất cần xét tới từng trường hợp phạm tội cụ thể. Vai trò của quan tòa chính là để thỏa mãn điều kiện tưởng chừng trái ngược này.

 

Tôi đã đọc kỹ các diễn biến được tường thuật công khai, về trường hợp "bán con" đang nói tới. Để thấy và tin rằng có rất nhiều tình tiết cần phải được quan tòa xem xét theo hướng xót xa cho thân phận đồng loại, đồng bào, từ đó giảm nhẹ hình phạt, tha thứ cho cha mẹ cháu bé. Họ đáng trách, vô cùng đáng trách, nhưng họ là những người cùng đường về sinh kế. Những kẻ cùng đường, khổ cùng cực, luôn là những người rất dễ đánh mất lý trí. Chưa  kể có một nguyên tắc lượng hình bất thành văn: kẻ không biết mình phạm tội, thường là được miễn tội!

 

Nhưng trong mọi trường hợp như vậy, với một xã hội văn minh, trách nhiệm của cộng đồng phải rất lớn. Lớn đến mức đủ để bất cứ ai trong chúng ta cũng đủ an lòng để tin chắc chúng ta vẫn đang trong một xã hội văn minh!

 

Ngần ấy thời gian, xã hội đã làm gì để cưu mang họ, kéo họ khỏi vũng bùn đói rét đến mức thành cùng quẫn?

 

Trong vụ án này, tôi có câu hỏi dành cho các quan tòa và cho cả cộng đồng: Có đáng phải giam cha mẹ của bốn đứa con nhỏ không nơi nương tựa khi thiếu họ chúng có thể chết, trong khi tội họ gây ra hoàn toàn có nhiều cách khác để trừng phạt, giáo dục?

 

Họ đâu có gì nguy hiểm cho xã hội?

 

Trước phiên tòa, chúng ta có sáu người được biết đến là những kẻ cùng khổ. Sau phiên tòa, vẫn là họ, giờ trở thành những kẻ khổ đau tột cùng của nhân loại!

 

Luật pháp trong vụ trừng phạt này hoàn toàn không hề vì thế mà mạnh lên, nó chỉ đáng sợ hơn!

 

TẠ DUY ANH 22.01.2024

 

======================================

 

Chu Mộng Long - Xưa bán con được ca tụng, nay bán con phải ở tù

21-1-2024

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/chu-mong-long-xua-ban-con-uoc-ca-tung.html

 

Bi kịch của chị Dậu bán con để cứu chồng được ngợi ca trong tất cả các giáo trình, giáo khoa cho trẻ con học. Hiển nhiên, ca tụng chị Dậu là để tố cáo chế độ thực dân, phong kiến đã đẩy thân phận con người vào bước đường cùng.

 

Có học trò viết: "Chị Dậu bán chó để cứu chồng thì có thể chia sẻ, cảm thông, nhưng bán con để cứu chồng là nhẫn tâm". Cô giáo cho ăn hột vịt lộn vì bình luận như vậy là xúc phạm tấm gương người mẹ Việt Nam.

 

Học trò chua chát viết trên nhóm Zalo: "Đề yêu cầu trình bày "suy nghĩ của em", nhưng lại chấm theo suy nghĩ của cô giáo!"

 

Báo nhà nước từng đăng về chuyện bà Võ Thị Cầm bán đứa con thứ tư của mình cho nhà giàu để cứu đói cho gia đình. Chuyện mới xảy ra vào khoảng sau năm 1957, lại ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đứa con ấy có tên là Vương Đình Huệ, người thật, không phải tiểu thuyết.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhq-UOGkHA8BgBf1nfLHd6xoVX83nOE02f4FiN_rnzyI7SM-rvH74yMtRqgKSDvwgJ8i8D05-vVwjwmMZAN1ycqSBG-A3w3BGxvi1qStB9pEEyj1dr7zmo3P-ISV_PwN8bq3wC2J12963u0RifO2qmfBg7_EV4srgpHgQugptq_8apvS6OQfcoqlExe2dDZ/w288-h640/vdhue_01.jpg

 

Không biết luật thời đó có cấm cha mẹ bán con không? Không thấy tòa nào xử các bà mẹ trên.

 

Nay có ông cha bà mẹ sinh cả đàn con. Cũng nghèo túng, cơm không đủ sống, phải bán con để giải quyết khó khăn, đói nghèo. Tòa xử đến 13 năm tù. Ở ngoài không đủ cơm ăn thì được ăn cơm tù?

 

Thôi thì coi như bố mẹ đi tù để được ăn cơm tù là hình phạt nhân đạo. Nhưng làm vậy có khác nào kết án tử hình đối với ba đứa trẻ vô tội đang sống lây lất ngoài đời?

 

Tòa hiện nay chí ít cũng đã từng học tấm gương chị Dậu từ lớp 9, và chí ít cũng đọc báo về tấm gương mẹ con Vương Đình Huệ. Chẳng lẽ khi kết án, tòa không có chút liên tưởng nào đến những tấm gương đã học, đã đọc?

 

CHU MỘNG LONG 19.01.2024

 

Publié par Thụy My RFI à 17:15

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats