Tuesday, 15 August 2023

VIỆT NAM CẦN ĐỀ PHÒNG TÌNH HUỐNG XẤU NHẤT TỪ CĂN CỨ CỦA TRUNG QUỐC Ở CAMPUCHIA (Thạch Sơn, RFA)

 



Việt Nam cần đề phòng tình huống xấu nhất từ căn cứ của Trung Quốc ở Campuchia

Bình luận của Thạch Sơn
2023.08.14

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-needs-to-watch-out-for-threats-from-ream-base-08142023102909.html

 

Dư luận thế giới và khu vực gần đây lại nổi lên sự lo lắng trước một căn cứ quân sự do Trung Quốc đang xây dựng ở Campuchia.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-needs-to-watch-out-for-threats-from-ream-base-08142023102909.html/@@images/fa7ab579-f8fb-4cf0-8fe1-2e0848bcfdec.jpeg

Căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia hôm 26/7/2019   (AFP)

 

Những hình ảnh vệ tinh mới nhất thu được vào tháng 6 cho thấy một loạt các hoạt động xây dựng do Trung Quốc tài trợ.[1] Có thể nhìn thấy là các hoạt động giải phóng mặt bằng, nỗ lực cải tạo đất, xây dựng một số tòa nhà mới, đường xá và quan trọng là một bến tàu lớn hơn nhiều so với cầu cảng ban đầu của căn cứ. Hàng rào mới có thể nhìn thấy xung quanh chu vi của căn cứ và các tòa nhà do Hoa Kỳ tài trợ đã bị phá bỏ và thay thế.

 

Trước đó, khi Campuchia cho sửa chữa lại căn cứ quân sự Ream, nhiều tờ báo đã nghi vấn về bàn tay đằng sau của Trung Quốc ở đây, nhưng chính quyền Campuchia luôn cực lực bác bỏ điều này.

 

Cho đến khi tờ The Wall Street Journal công bố một thỏa thuận đã ký kết, cho phép quân đội Bắc Kinh tiếp cận căn cứ hải quân Ream của Campuchia, các nhà phân tích đã theo dõi sự phát triển vấn đề mà nhiều người nghi ngờ là căn cứ quân sự ở nước ngoài tiếp theo của Trung Quốc.[2]

 

Sau một thời gian mà chế độ của Hun Sen phủ nhận bất kỳ sự tham gia nào của Trung Quốc tại Ream, cả hai chính phủ Campuchia và Trung Quốc giờ đây đều nhấn mạnh rằng việc tái phát triển căn cứ này là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa Hải quân Hoàng gia Campuchia và là một trong nhiều dự án của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng của Campuchia. Hiến pháp của Campuchia nghiêm cấm các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, trong hai năm qua, các tuyên bố từ các quan chức Campuchia và Trung Quốc đã ám chỉ vai trò lớn hơn của Bắc Kinh ngoài việc hỗ trợ lực lượng hải quân nhỏ của Campuchia.

 

Vào tháng 10 năm 2020, Đô đốc Vann Bunlieng của Hải quân Hoàng gia Campuchia xác nhận rằng Trung Quốc đứng sau các diễn biến mới tại Ream sau nhiều tháng phủ nhận.[3] Vào tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tea Banh, tiết lộ rằng Bắc Kinh đang giúp phát triển căn cứ  nhưng ‘không ràng buộc Campuchia bất cứ điều gì.”[4]

Điều nhiều người lo lắng, đó là bến tàu mới tại Ream. Công việc xây dựng bắt đầu từ năm nay và nó tương tự như bến tàu tại căn cứ nước ngoài duy nhất khác của Trung Quốc, ở Djibouti, nơi đã tiếp nhận các tàu vận tải đổ bộ, tàu tiếp tế và kể từ năm ngoái là tàu chiến của Trung Quốc. Bến tàu mới của Ream cuối cùng có thể cho các tàu lớn hơn neo đậu và đóng vai trò là căn cứ hỗ trợ cho Hải quân Trung Quốc (PLAN).

 

Công ty BlackSky cho biết những dấu hiệu đầu tiên về hoạt động xây dựng bến tàu - đủ dài để các tàu chiến, tàu sân bay neo đậu - xuất hiện vào tháng 7/2022. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng bến tàu từ cuối năm 2022.

 

Craig Singleton, Phó giám đốc Chương trình Trung Quốc và thành viên cấp cao của Tổ chức Phòng thủ Dân chủ cho biết, tốc độ phát triển tại căn cứ Ream khiến người ta khó có thể phủ nhận tốc độ có chủ ý đằng sau các sáng kiến đặt căn cứ ở nước ngoài của Trung Quốc. “Việc Campuchia dễ dàng tiếp nhận cảng hải quân thứ hai ở nước ngoài của Trung Quốc làm tăng khả năng chiến lược của Bắc Kinh trong việc triển khai sức mạnh quân sự ở Ấn Độ Dương.”

 

“Có một sự tương đồng gần như chính xác giữa một bến tàu nước sâu có góc nghiêng nằm ở bờ biển phía tây của căn cứ Ream và một bến tàu quân sự khác tại Căn cứ Hỗ trợ Quân đội Giải phóng Nhân dân ở Djibouti. Cả hai cầu tàu chính dài 363 mét và đủ lớn để hỗ trợ bất kỳ tàu nào trong kho vũ khí hải quân của Trung Quốc, bao gồm cả tàu sân bay Type 003 Fujian mới dài 300 mét,” ông Singleton nói.[5]

 

Ông Harrison Prétat - chuyên gia thuộc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết bến tàu tại căn cứ Ream tương tự như bến tàu ở Djibouti, đều có bộ phận dài 335 mét, có thể neo đậu một tàu sân bay Trung Quốc. Ông Prétat nhận định: “Sự tương đồng với bến tàu Djibouti chắc chắn là dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc có khả năng tham gia vào việc xây dựng. Vấn đề gây tranh cãi là mục đích sử dụng các cơ sở này”.[6]

 

 

Mối tình “keo sơn” giữa Bắc Kinh và Phnompenh

 

Sebastian Strangio, biên tập viên khu vực Đông Nam Á của tờ The Diplomat mô tả về Campuchia như sau: “Dấu hiệu quan trọng nhất của điều này là sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và đặc biệt là ở Campuchia. Ngày nay, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc tài trợ cho việc xây dựng cầu, đập, dự án bất động sản và liên doanh du lịch. Các đường cao tốc do Trung Quốc tài trợ đã mở ra khắp đất nước, để khai thác kinh tế. Ngày nay, mô hình chủ nghĩa tư bản độc đoán của Trung Quốc hiện ra lờ mờ như một thách thức trực tiếp đối với mô hình dân chủ tự do được cho là đang thịnh hành vào đầu những năm 1990.

 

Và đối với Hun Sen, chiêu trò mua bán của Trung Quốc là một chiêu đơn giản để chấp nhận. Trung Quốc cung cấp tiền thông qua các mắt xích. Dù họ có ràng buộc gì, Hun Sen rất sẵn lòng chấp nhận. Như ông đã nói vào năm 2009, khi cắt băng khánh thành cây cầu do Trung Quốc tài trợ, ông nói rằng Trung Quốc tôn trọng các quyết định chính trị của Campuchia. Và ngày nay, sự hào phóng này của Trung Quốc đã bù đắp phần lớn các điều kiện viện trợ và yêu cầu về quản trị tốt và cải cách dân chủ do các nước tài trợ phương Tây đưa ra. Và Hun Sen, để đổi lấy thỏa thuận này, đã rất vui vẻ đi theo đường lối của Trung Quốc, thường xuyên có những cử chỉ ủng hộ chính sách Một Trung Quốc, cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận đất đai và tài nguyên của Campuchia, đồng thời trục xuất những phần tử không mong muốn theo lệnh của chính phủ Trung Quốc.”[7]

 

Chính vì những lợi ích đó, trong suốt một thập kỷ qua, tại các hội nghị thượng đỉnh ASEAN do các quốc gia như Việt Nam hay Philippines chủ trì, Campuchia đã đi đầu trong việc ngăn chặn các thông cáo chung của ASEAN chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Năm nay, Campuchia đã phủ quyết một đề xuất của Indonesia về các cuộc tập trận quân sự chung của các thành viên ASEAN ở Biển Đông.[8]

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-needs-to-watch-out-for-threats-from-ream-base-08142023102909.html/000_1g10b9.jpg/@@images/807b4a21-942f-4b17-9a6f-8845dd869845.jpeg

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 29/4/20219. AFP

 

 

Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng

 

Căn cứ hải quân của Trung Quốc tại Ream có ý nghĩa đối với sự cân bằng quyền lực trên khắp Đông Nam Á. PLAN là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, nhưng trái ngược với đối thủ cạnh tranh chính của nó, Hải quân Hoa Kỳ, họ không có căn cứ ở nước ngoài ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngay cả một trung tâm hậu cần khiêm tốn tại Ream cũng sẽ mang lại cho tàu chiến Trung Quốc tầm hoạt động lớn hơn và sự hiện diện lâu dài ở Vịnh Thái Lan và vùng biển Đông Nam Á. Bill Hayton, Phó thành viên Chương trình châu Á-Thái Bình Dương tại Chatham House, cho biết căn cứ Ream có thể không thay đổi cán cân quyền lực ngay lập tức với các đảo được củng cố của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói: “Ream nằm cạnh Việt Nam, gần Thái Lan [một đồng minh hiệp ước của Mỹ], và không xa Malaysia và Singapore, cả hai đều là đối tác an ninh của Anh. ‘Nó sẽ cung cấp một nền tảng mà từ đó Trung Quốc có thể mở rộng dấu ấn của mình trong khu vực.’[9]

 

Đối với Việt Nam, người bảo trợ trước đây của Hun Sen, căn cứ Ream tạo ra một 'tình thế tiến thoái lưỡng nan trên hai mặt trận', Hayton nói thêm: 'Nó buộc Việt Nam phải theo dõi các diễn biến ở Vịnh Thái Lan và Biển Đông, [và mang lại] cho Trung Quốc lý do tuần tra hải quân xung quanh bờ biển của Việt Nam.’[10]

 

Gregory Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), lưu ý rằng việc tiếp cận Ream không có nghĩa là hải quân Trung Quốc gần hơn về mặt địa lý với Eo biển Malacca, một tuyến đường vận chuyển quốc tế quan trọng, vì Trung Quốc đã có xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông.

 

“Nhưng nó sẽ tăng cường khả năng giám sát và thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc xung quanh Vịnh Thái Lan và thậm chí ở phía đông Ấn Độ Dương,” Poling nói.[11]

 

Bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là Việt Nam, quốc gia đã có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua ở Biển Đông. Hà Nội vẫn luôn lo lắng và nghi ngờ sâu sắc về ý định của Bắc Kinh. Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở miền nam Campuchia, nước láng giềng của Việt Nam, có thể được Hà Nội coi là sự bao vây của Bắc Kinh.

 

“Nó đặt Việt Nam vào tình thế hai mặt trận, thậm chí ba mặt trận, khi phải đối mặt với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc không chỉ dọc biên giới phía bắc và ở Biển Đông mà còn ở biên giới phía tây nam,” Alexander Vuving, giáo sư tại Trường Đại học Kinh tế Thế giới, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu, Hawaii, cho biết như vậy.[12]

 

Tuy nhiên, trước sức mạnh khổng lồ về mọi mặt của Trung Quốc, Việt Nam dường như càng ngày càng mất kiểm soát đối với nước láng giềng Campuchia nhỏ bé. Hầu như năm nào lãnh đạo Việt Nam và Campuchia cũng gặp nhau. Ngay cuối năm ngoái, lãnh đạo hai nước này cũng gặp nhau và cùng tuyên bố: “Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh dựa trên nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình làm phương hại đến an ninh và lợi ích của nước kia.”[13] Tuyên bố này với hàm ý Campuchia sẽ không cho Trung Quốc sử dụng căn cứ quân sự để làm ảnh hưởng đến an ninh của Việt Nam. Thế nhưng, chỉ về vấn đề xây dựng căn cứ Ream, có hay không vai trò của Trung Quốc ở đây? Campuchia đã rất nhiều lần bất nhất.

 

__________________

Tham khảo:

 

[1] https://www.rfa.org/english/news/cambodia/ream-base-expansion-07112023040618.html

 

[2] https://www.wsj.com/articles/secret-deal-for-chinese-naval-outpost-in-cambodia-raises-u-s-fears-of-beijings-ambitions-11563732482

 

[3] https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Cambodia-naval-base-set-to-undergo-China-led-expansion

 

[4] https://www.voacambodia.com/a/defense-minister-says-china-helping-with-ream-overhaul-but-no-strings-attached-/5914977.html

 

[5] https://ir.blacksky.com/news-events/press-releases/detail/112/blacksky-releases-imagery-of-near-complete-chinese-military

 

[6] https://thanhnien.vn/can-cu-hai-quan-campuchia-nam-phia-nam-bien-dong-co-cau-tau-cho-tau-san-bay-185230727102449501.htm

 

[7] https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2015/01/strangio-cambodia-transcript-final.pdf

 

[8] https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/ChanakyaCode/cambodia-opposes-the-asean-naval-drill-cambodia-acts-as-a-proxy-for-china/

 

[9] https://www.chathamhouse.org/publications/the-world-today/2023-08/china-building-military-base-cambodia

 

[10] https://www.naval-technology.com/features/chinas-secret-naval-base-in-cambodia-through-satellite-imagery/

 

[11] https://www.dw.com/en/is-china-building-a-military-base-in-cambodia/a-62124251

 

[12] https://www.dw.com/en/is-china-building-a-military-base-in-cambodia/a-62124251

 

[13] https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-campuchia-710535

 

----------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của  Đài Á Châu Tự Do

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

·        Hun Manet liệu có giống cha mình? Quan hệ CPC – Việt Nam sau khi Phnom Penh có Thủ tướng mới

·        Hun Sen thăm Trung Quốc: Bối cảnh của bức tranh lớn hơn

·        Một năm thất bại của Campuchia và Trung Quốc

·        Tại sao Campuchia nói muốn thúc đẩy COC ở Biển Đông vào lúc này?

·        Không để Campuchia bán đứng COC!

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats